Bản tin thời sự sáng 24/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sét đánh bật bê tông đường băng mới ở Sân bay Tân Sơn Nhất; thu nhận 30 triệu hồ sơ thẻ căn cước công dân gắn chip; TP.HCM bắn pháo hoa ở 4 điểm mừng ngày thống nhất đất nước; chuẩn bị sơ tán gần 1.700 người để tháo gỡ quả bom 340 kg…

Sét đánh bật bê tông đường băng mới ở sân bay Tân Sơn Nhất

Đường băng 25R/07L mới nâng cấp tại Sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, bị sét đánh hư hỏng, phải ngưng khai thác hơn một giờ, chiều 23/4.

Một đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa do sét đánh bật bê tông

Một đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa do sét đánh bật bê tông

Trong quá trình kiểm tra mặt đường băng 25R, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 23/4, tổ kiểm tra đường băng phát hiện vết bong tróc bê tông khá lớn trên bề mặt. Cụ thể, phát hiện 2 vị trí hư hỏng: 1 vị trí có đường kính khoảng 25 cm, sâu 5 cm; 1 vị trí có đường kính khoảng 15 cm, sâu 3 cm.

Tổ kiểm tra nhận định, việc bong tróc bê tông đường băng nghi do bị sét đánh và thông báo ngay cho Trực ban trưởng Trung tâm điều hành sân bay để phối hợp với Đài chỉ huy - Công ty Quản lý bay miền Nam tạm ngưng khai thác đường CHC 25R/07L để khắc phục.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khẩn trương xử lý, khắc phục bằng bê tông nhựa nóng tự trộn để đưa đường CHC 25R/07L vào khai thác trở lại lúc 17h05 ngày 23/4/2021.

Trong quá trình tạm ngừng khai thác đường CHC 25R/07L, tất cả các chuyến bay đều được khai thác trên đường CHC 25L/07R, do đó không có chuyến bay nào bị hủy do sự cố trên, nhưng khá nhiều chuyến bay phải hạ hoặc cất cánh muộn hơn dự kiến. Bộ phận bảo trì đường băng phải xin tạm dừng khai thác đường băng này để triển khai trám vá. Đường băng đã phải đóng cửa từ 16h10 đến 17h05 mới có thể khai thác trở lại.

Thu nhận 30 triệu hồ sơ thẻ căn cước công dân gắn chip

Công an trên toàn quốc hoàn tất thu nhận hơn 30 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tính từ 1/1 đến 22/4.

Thẻ căn cước công dân gắn chip cấp cho công dân

Thẻ căn cước công dân gắn chip cấp cho công dân

Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an cho biết, số hồ sơ thu nhận đến nay đã đạt hơn một nửa mục tiêu đề ra. Đơn vị đang phân loại, sản xuất để trả thẻ cho các địa phương và theo kế hoạch đến 1/7 sẽ hoàn thành cấp 50 triệu căn cước công dân gắn chip. Hiện nay, hệ thống thiết bị sản xuất thẻ căn cước gắp chip của Việt Nam có công nghệ tiên tiến hàng đầu, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, thẻ căn cước gắn chip mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng, phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn và cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhờ lồng ghép 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, Cấp thẻ căn cước công dân nên quá trình thu nhận hồ sơ đã cải cách tối đa thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn.

Theo thống kê của 22 bộ, ngành, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân, đến nay đã đơn giản hoá được 1.126 thủ tục. Trong đó, các bộ, ngành đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục, đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân...

TP.HCM bắn pháo hoa ở 4 điểm mừng ngày thống nhất đất nước

TP.HCM bắn pháo hoa tại 4 điểm mừng 46 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và Quốc tế Lao động 1/5, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Bắn pháo hoa trong dịp Tết Dương lịch 2021 ở hầm Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Bắn pháo hoa trong dịp Tết Dương lịch 2021 ở hầm Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, pháo hoa được bắn lúc 21h ngày 30/4, kéo dài 15 phút. Hai điểm bắn tầm cao ở khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và tòa nhà The Landmark 81 (quận Bình Thạnh). Hai điểm tầm thấp ở Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) và xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Tết Nguyên đán vừa qua, TP.HCM dự kiến bắn pháo hoa tại 8 điểm (2 điểm tầm cao, 6 điểm tầm thấp) nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch phải hủy.

Hiện, việc bắn pháo hoa thực hiện theo Nghị định 36/2009. Theo đó, giao thừa Tết Nguyên đán, các thành phố trực thuộc Trung ương và Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp; các tỉnh còn lại bắn pháo hoa tầm thấp; thời lượng không quá 15 phút.

Ngày 30/4, Hà Nội và TP.HCM được bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp. Thời điểm bắn lúc 21h, không quá 15 phút.

Gần 900 tỷ đồng xây 6 cống dọc sông Tiền

6 cống ngăn mặn (tỉnh Tiền Giang) với tổng kinh phí 880 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 3 năm, thay thế các đập thép tạm thời gian qua.

Vị trí 6 cống ngăn mặn dọc sông Tiền trên Tỉnh lộ 864, qua huyện Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang)

Vị trí 6 cống ngăn mặn dọc sông Tiền trên Tỉnh lộ 864, qua huyện Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang)

Dự án này vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận, sau khi có đề nghị của tỉnh Tiền Giang. 6 cống nằm ven sông Tiền, qua huyện Châu Thành và Cai Lậy gồm: Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng, Phú Phong và Rạch Gầm. Cống lớn nhất rộng 50 m, kinh phí gần 190 tỷ đồng, nhỏ nhất 10 m, kinh phí hơn 50 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.

Dự kiến, năm nay Dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẽ đấu thầu thi công vào năm sau. Các cống có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho 128.000 ha cây ăn trái và lúa, cung cấp nước ngọt cho hơn 1,1 triệu dân hai tỉnh Tiền Giang và Long An vào mùa khô hạn.

Về lâu dài, Tiền Giang đã được Trung ương chấp thuận hỗ trợ xây dựng hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19 km, rộng 65 m, qua huyện Châu Thành và huyện Tân Phước, làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.

Kiến nghị bàn giao gần 12 ha đất quốc phòng để làm đường ở TP.HCM

Chính quyền TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng xin ý kiến Chính phủ bàn giao khu đất 11,8 ha để thực hiện Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (quận Tân Bình).

Ùn tắc ở nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình), gần Sân bay Tân Sơn Nhất

Ùn tắc ở nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình), gần Sân bay Tân Sơn Nhất

Đề xuất trên được UBND TP.HCM đề cập trong văn bản gửi Bộ Quốc phòng để kịp hoàn thành Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, đồng bộ việc đưa nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất vào khai thác (quý III/2023). Đây là lần thứ ba chính quyền TP.HCM gửi kiến nghị đến Bộ Quốc phòng liên quan dự án này.

Theo chính quyền TP.HCM, vừa qua, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trình Thủ tướng cho thực hiện trước việc bàn giao khu đất do Bộ quản lý ở quận Tân Bình để xây nhà ga T3 và Chính phủ cho cơ chế để thực hiện. Vì vậy, Thành phố mong muốn Bộ Quốc phòng xin ý kiến Chính phủ cho cơ chế để chuyển giao khu đất 11,8 ha tương tự như khu đất xây nhà ga T3.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản thống nhất phương án ranh, tuyến, chủ trương bàn giao đất để thực hiện Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà. Tuy nhiên, đến nay khu đất chưa được bàn giao.

Tuyến đường mới nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dài 4,4 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...

Vĩnh Phúc: Chuẩn bị sơ tán gần 1.700 người để tháo gỡ quả bom 340 kg

Đào móng nhà tại phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân tá hỏa phát hiện quả bom nặng khoảng 340 kg.

Quả bom được phát hiện khi người dân đào móng nhà

Quả bom được phát hiện khi người dân đào móng nhà

Chiều 23/4, thông tin từ UBND phường Khai Quang cho biết, địa phương đang lên phương án sơ tán gần 1.700 người để phục vụ di dời quả bom nặng khoảng 340 kg.

Quả bom này được phát hiện vào khoảng 8h ngày 20/4 khi 1 hộ dân đào móng nhà tại số 67, phố Thanh Giã 2, phường Khai Quang.

Quả bom có đường kính 0,4 m, dài 1,25 m, trọng lượng khoảng 340 kg tại độ sâu 2,5 m.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã khoanh vùng, bảo vệ khu vực phát hiện bom và vận động các gia đình lân cận tạm di dời khỏi khu vực nguy hiểm; báo cáo Ban Chỉ huy quân sự để có phương án xử lý.

Chính quyền địa phương sau đó đã yêu cầu người dân sống trong bán kính 500 m tính từ số nhà 67 tuyệt đối không sử dụng điện thoại, bộ đàm.

Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp, tiểu thương dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng, vành đai 2, chợ tạm Thanh Giã phải dừng việc kinh doanh, sản xuất từ ngày 25/4 cho đến khi lực lượng chức năng xử lý xong quả bom.

Chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch sơ tán 436 hộ dân (với gần 1.700 nhân khẩu) để phục vụ việc xử lý, di chuyển quả bom đến nơi tiêu hủy.

Giả mạo EVN để dụ cho vay tín chấp hạn mức 10 - 70 triệu

Tờ rơi "đính" thương hiệu EVN, tự nhận là "Ngân hàng Điện lực Việt Nam", quảng cáo cho vay tín chấp lãi suất thấp, nhưng EVN khẳng định đây là hành vi giả mạo.

Tờ rơi "nhái" thương hiệu EVN, quảng cáo cho vay tín chấp

Tờ rơi "nhái" thương hiệu EVN, quảng cáo cho vay tín chấp

Tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam xuất hiện tờ rơi quảng cáo cho vay tín chấp sử dụng logo, hình ảnh thương hiệu EVN. Theo nội dung các tờ rơi, quảng cáo này, người vay chỉ cần có chứng minh thư và hộ khẩu sẽ được giải ngân trong 24 giờ, hạn mức 10 - 70 triệu với lãi suất 0,8 - 1,2%... Thuê bao điện thoại trong tờ rơi này hiện đã tắt máy.

Đại diện EVN cho biết, Tập đoàn không có hoạt động cho vay tín chấp và không có đơn vị trực thuộc hay doanh nghiệp liên kết có tên Ngân hàng Điện lực Việt Nam.

Việc sử dụng thông tin, phát tán tờ rơi in logo và thương hiệu EVN khi chưa được sự chấp thuận, cho phép của EVN là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Không riêng EVN bị các đối tượng mạo danh thương hiệu để "dụ" vay tín chấp, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính thời gian qua cũng đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức lừa đảo cho vay qua tờ rơi, mạng xã hội. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là điều kiện vay rất dễ, lãi suất hấp dẫn. Đối tượng đưa thông tin tự nhận là nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính hoặc doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Vì thế, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh thư nhân dân hay thẻ căn cước... cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào.