Bản tin thời sự sáng 24/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon; Bình Dương khánh thành cầu Bạch Đằng 2 và đường tạo lực, mở rộng kết nối vùng; nhiều quốc lộ ách tắc vì sạt lở sau bão; biển Đông có thể xuất hiện 5 cơn bão trong ba tháng cuối năm 2024…

Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon

Công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Lebanon được khuyến cáo rời khỏi nước này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Khói bốc lên ở miền nam Lebanon sau các đòn không kích của Israel

Khói bốc lên ở miền nam Lebanon sau các đòn không kích của Israel

Trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang nguy hiểm và có nguy cơ mở rộng trong khu vực, đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon ngày 23/9 ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Trong trường hợp bất khả kháng không thể rời đi, công dân cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên truyền thông, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Lebanon - Israel, khu vực phía nam thủ đô Beirut và khu vực phía bắc gần biên giới với Syria.

Đại sứ quán đề nghị, công dân cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn hơn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men đề phòng tình huống xấu. Cơ quan ngoại giao tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc với công dân để chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan hữu quan trong trường hợp cần sơ tán hay bảo hộ công dân.

Đại sứ quán cũng khuyến cáo, công dân trong nước dự định đến Lebanon cần dừng hoặc hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Hồi tháng 8, sứ quán cho biết, có 11 công dân Việt Nam sinh sống và học tập tại Lebanon, chủ yếu ở Beirut và khu vực lân cận.

Giao tranh giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon gần đây tăng nhiệt. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc khiến ít nhất 39 người chết, hơn 3.000 người bị thương và thề trả đũa quyết liệt. Trong khi đó, Israel tăng cường tấn công Hezbollah với mục tiêu loại bỏ mối đe dọa, giúp cư dân sống ở biên giới với Lebanon được trở về nhà sau nhiều tháng sơ tán.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 23/9 phát động chiến dịch không kích diện rộng nhằm vào hàng trăm mục tiêu Hezbollah trong lãnh thổ Lebanon. Bộ Y tế Lebanon cho biết, ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương. Chính phủ Lebanon ra lệnh đóng cửa các trường học ở miền Nam đất nước trong ngày 23 - 24/9.

Bình Dương khánh thành cầu Bạch Đằng 2 và đường tạo lực, mở rộng kết nối vùng

Ngày 23/9, tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ khánh thành hai công trình giao thông trọng điểm là cầu Bạch Đằng 2 và đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Tỉnh.

Cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai

Cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai

Cầu Bạch Đằng 2, với tổng chiều dài 945,81m, bắc qua sông Đồng Nai, nối xã Bạch Đằng của thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư với mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa Bình Dương và Đồng Nai mà còn góp phần tạo nên một tuyến giao thông huyết mạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, trải dài qua 3 huyện của tỉnh Bình Dương gồm Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Bàu Bàng, cùng huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước, đã chính thức được khánh thành.

Đây là một trong những dự án giao thông có quy mô lớn của tỉnh Bình Dương, với tổng chiều dài gần 48 km, tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 5 gói thầu, trong đó có 1 gói thầu đền bù giải phóng mặt bằng và 4 gói thầu xây lắp. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư gói thầu đền bù, còn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng chịu trách nhiệm các gói thầu xây lắp.

Nguồn vốn chủ yếu đến từ ngân sách địa phương, riêng đoạn đường từ cầu Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước được đầu tư từ nguồn vốn trung ương.

Với vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 23,5 m, 6 làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tuyến đường này sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nhiều quốc lộ ách tắc vì sạt lở sau bão

Mặt đường ngập nước, đất đá sạt phủ kín nhiều tuyến quốc lộ miền núi qua Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.

Hót dọn đất sạt lở trên Quốc lộ 4 qua Hà Giang

Hót dọn đất sạt lở trên Quốc lộ 4 qua Hà Giang

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải ngày 23/9, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hoàn lưu mưa lớn sau bão gây mưa ngập và sạt lở taluy âm, taluy dương tại hàng chục vị trí trên quốc lộ trong những ngày qua. Đến nay, nhiều nơi vẫn bị ách tắc giao thông.

Quốc lộ 16 qua Mường Lát, Thanh Hóa tiếp tục bị sạt lở taluy dương với hàng trăm m3 đất đá tràn xuống, gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 15C qua Mường Lát bị sạt lở, sụt lún nền đường từ hôm qua. Đất đá, bùn đất đổ xuống đường làm tắc Quốc lộ 15C, các phương tiện không thể lưu thông.

Quốc lộ 4 nối Hà Giang với Lào Cai bị sạt lở taluy dương từ mấy ngày qua. Nhà thầu đã hót dọn thông đường, nhưng sáng 23/9 tình hình sạt lở lại tiếp diễn. Tại Nghệ An, Quốc lộ 7 có 4 vị trí bị sạt lở taluy dương, cây đổ ra đường, hiện các đoạn này đã được thông xe một làn.

Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã khiến quốc lộ 15, 8C và 281 bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng Quốc lộ 8C, mực nước tại các khu vực tràn Lâm Lĩnh, Lĩnh Hồng đã dâng cao từ 0,5 - 0,7 m, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Tỉnh Quảng Bình bị sạt lở taluy dương tại 30 vị trí với khoảng 950 m3, sạt taluy âm tại một điểm. Quốc lộ 15 qua tỉnh Quảng Bình còn bị ngập nước 0,4 m tại gầm Bùng, gây tắc đường từ ngày 22/9.

Trên Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B, Quốc lộ 9C qua Quảng Bình có 45 điểm sạt với khối lượng khoảng 3.000 m3, các đơn vị đã nhanh chóng hót dọn để thông tuyến. Trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua Quảng Trị cũng bị sạt lở tại 33 vị trí.

Quốc lộ 279 đoạn qua huyện Bảo Yên, Lào Cai, bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù đơn vị bảo dưỡng đã nỗ lực thông tuyến một phần, tuy nhiên nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa.

Ở phía Nam, các tuyến đường qua tỉnh Vĩnh Long như Quốc lộ 1, Quốc lộ 53, Quốc lộ 57 thường xuyên ngập nước do triều cường.

Trên Quốc lộ 14 qua Bình Phước, Quốc lộ 51 qua Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, Quốc lộ 53 qua tỉnh Trà Vinh, Quốc lộ 54 qua Vĩnh Long, Quốc lộ 80 qua Đồng Tháp; các tuyến quốc lộ 1, 63, đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Cà Mau cũng có nhiều đoạn mặt đường hư hỏng do nước ngập.

Sẽ chi hơn 9 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu

Cục Đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt kinh phí hơn 9,13 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu cách đây hai tuần.

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai sẽ được triển khai theo lệnh khẩn cấp với kinh phí từ nguồn vốn ngân sách. Sở Giao thông vận tải Phú Thọ được giao làm đơn vị thực hiện dự án, chỉ định nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng dự án.

Các phương tiện bị chìm nằm ngoài nhịp giàn thép sẽ được trục vớt ngay, đưa về gần bờ và được nâng nhấc vào bãi tập kết bằng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn.

Các phương tiện bị mắc kẹt trong giàn thép sẽ được trục vớt bằng cách kết hợp giữa phương tiện trên bờ và phương tiện trên mặt nước. Một cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ sẽ phối hợp cùng hai tàu trục vớt chuyên dụng để nâng toàn bộ giàn thép lên khỏi mặt nước, sau đó cắt thành từng nhịp nhỏ hơn. Mỗi nhịp sẽ được tàu lai dắt đưa vào bờ và được nâng lên bằng cần cẩu 150 tấn để đưa vào bãi tập kết.

Song song với việc cắt các nhịp giàn thép, đơn vị thi công sẽ tiến hành trục vớt các phương tiện mắc kẹt bên trong. Những phương tiện và nhịp giàn bị vùi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa, sẽ sử dụng hệ thống vòi xối và hút để loại bỏ lớp bùn cát bám dính trước khi tiến hành các công đoạn trục vớt tiếp theo.

Đối với bêtông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và hai tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bêtông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bêtông đặt trên tàu sẽ phá dỡ đến đó.

Đối với phần trụ cầu T7 bị đổ không thể phá dỡ và lai dắt, Cục Đường bộ Việt Nam chưa tính toán kinh phí xử lý. Trước mắt, nhà chức trách đã thả phao cảnh báo an toàn giao thông thủy, chờ khi nước rút sẽ khảo sát tìm hướng phá dỡ.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ, được đưa vào khai thác từ năm 1995.

Sáng 9/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cầu Phong Châu bị đổ trụ T7 làm sập hai nhịp dàn chính 6, 7 khi trên cầu có nhiều người và phương tiện đang di chuyển. Đến nay, lực lượng chức năng mới tìm được 3 thi thể nạn nhân trong số 8 người mất tích.

Biển Đông có thể xuất hiện 5 cơn bão trong ba tháng cuối năm 2024

Dự báo, trong 3 tháng cuối năm, Biển Đông sẽ có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hơn trung bình nhiều năm, trong đó 2 - 3 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền.

Hạ Long (Quảng Ninh) tan hoang sau bão Yagi

Hạ Long (Quảng Ninh) tan hoang sau bão Yagi

Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, ENSO đang ở trạng thái trung tính khi nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo và trung tâm Thái Bình Dương trong giai đoạn giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 đang ở mức -0,5 - 0,5 độ C.

Cơ quan này dự báo, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong tháng 10 - 12 với xác suất khoảng 50 - 70%. Dự báo, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam ở mức xấp xỉ đến cao hơn 4 - 5 cơn trên Biển Đông và 2 - 3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng La Nina sẽ tiếp diễn trong 3 tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung chủ yếu vào khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. "Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông", Trung tâm nhận định.

Từ đầu năm 2024, Biển Đông có 4 cơn bão, trong đó, bão Yagi ảnh hưởng tới toàn bộ miền Bắc, gây thiệt hại nặng về người khi khiến 299 người chết, 34 người mất tích, hơn 70.000 nhà dân bị ngập. Thiệt hại kinh tế hơn 60.0000 tỷ đồng, lớn nhất trong các cơn bão từ trước tới nay.

Nhiệt điện Ninh Bình bị xử phạt và truy thu gần 4,7 tỷ đồng

Do khai thiếu thuế giá trị gia tăng và lập hóa đơn không đúng thời điểm, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình bị xử phạt và truy thu tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình bị Cục Thuế tỉnh Ninh Bình xử phạt và truy thu tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng

Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình bị Cục Thuế tỉnh Ninh Bình xử phạt và truy thu tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng

Ngày 23/9, ông Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, Cục Thuế Tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn đối với Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình với tổng số tiền phạt và truy thu là gần 4,7 tỷ đồng.

Về thuế giá trị gia tăng, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình đã kê khai không đúng kỳ phát sinh của một số hóa đơn đầu vào và đầu ra khi xác định số thuế phải nộp trên hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng năm 2022 và 2023.

Về quản lý và sử dụng hóa đơn, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình đã lập 11 hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế; lập 1 hóa đơn không đúng thời điểm nhưng dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2022.

Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định xử phạt Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình với tổng số tiền gần 810 triệu đồng. Trong đó, phạt 20% trên số tiền thuế giá trị gia tăng khai thiếu năm 2022 với số tiền hơn 660,6 triệu đồng, phạt gần 99,5 triệu đồng đối với hành vi khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng và phạt 49,6 triệu đồng vì hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Đồng thời, Cục Thuế Tỉnh cũng yêu cầu Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình phải nộp đủ số tiền gần 3,2 tỷ đồng tiền thuế còn thiếu để khắc phục hậu quả và hơn 648 triệu đồng tiền phạt chậm nộp thuế.

Ngoài ra, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng vì vi phạm nhiều lần đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, và hành vi khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng phải nộp.

Nhà ga T1 sân bay Vinh bị dột, phải dùng xô hứng nước

Sau cơn mưa lớn kéo dài trong ngày 22 và 23/9 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), nhà ga T1 của Cảng hàng không quốc tế Vinh xuất hiện thấm dột trần nhà, nhân viên phải dùng xô nhựa để hứng nước.

Hình ảnh xô hứng nước dột ở nhà ga T1.

Hình ảnh xô hứng nước dột ở nhà ga T1.

Ngày 23/9, tại nhà ga T1, Cảng hàng không quốc tế Vinh đã có hiện tượng nước mưa dột từ trần xuống ghế hành khách ngồi chờ. Sau đó, nhân viên ở sân bay đã dùng hai xô nhựa màu đỏ hứng nước mưa và đặt biển cảnh báo sàn bị ướt.

Khi hình ảnh xô hứng nước mưa xuất hiện trên ghế chờ nhà ga T1 ở sân bay Vinh, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên.

Ông Nghiêm Mạnh Tuấn, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vinh xác nhận, hình ảnh dùng xô nhựa hứng nước ở nhà ga T1 là đúng.

Về nguyên nhân, ông Tuấn cho biết, do lâu ngày khiến keo dán bị lão hóa, mấy hôm nay trời mưa to và có gió mạnh nên xảy ra hiện tượng dột. Thiết kế mái nhà kiểu góc cạnh cũng là nguyên nhân khiến hiện tượng dột nước dễ xảy ra, tùy thuộc vào hướng gió và lượng mưa. Đội ngũ kỹ thuật của sân bay đã lên mái nhà, dùng keo bịt kín những chỗ bị dột.

Sân bay Vinh có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Trong năm 2022, sân bay này đã phục vụ tới 2,6 triệu lượt khách.

Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, sân bay Vinh cần đầu tư thêm đường băng thứ hai và xây dựng nhà ga hành khách T2, với mục tiêu nâng công suất lên 8 triệu hành khách/năm.