Bản tin thời sự sáng 25/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sẽ có thêm 1,7 tỷ kWh mỗi năm điện nhập khẩu từ Lào; Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có khu công nghiệp gần 5.000 tỷ đồng; gần 1.100 tỷ đồng làm đường nối Bình Định - Quảng Ngãi; chi hơn 1.800 tỷ đồng đền bù Vành đai 2 TP.HCM trước Tết…

Việt Nam sẽ có thêm 1,7 tỷ kWh mỗi năm điện nhập khẩu từ Lào

Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam vừa được đóng điện.

Dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ

Dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ

Dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 9/2023. Với mốc đóng điện, đường dây này hoàn thành sau gần 16 tháng thi công, sớm hơn 40 ngày so với thời điểm dự án điện gió Monsoon (Lào) vận hành.

Đường dây này có khả năng truyền tải công suất lớn nhất khoảng 2.500 MW, nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Monsoon về Việt Nam.

Sau khi nhà máy điện gió Monsoon hoàn thành, đường dây này sẽ tiếp nhận nguồn điện nhập khẩu từ Lào với công suất 600 MW. Tương ứng, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,7 tỷ kWh điện nhập từ Lào.

Phần công trình tại Việt Nam được xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với chiều dài khoảng 44,71 km, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII), tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW. Ngành điện ưu tiên đầu tư các dự án lưới truyền tải kết nối với nước láng giềng, đường dây dự phòng cho tăng trưởng nhu cầu điện và phát triển nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.

Thực tế, Việt Nam mua điện của Lào, chủ yếu là thủy điện, từ năm 2016 theo thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ hai nước. Giá mua điện đang ở mức 6,95 cent một kWh, thực hiện đến hết năm nay. Từ sau 2025, giá mua sẽ thấp hơn 0,17-0,55 cent một kWh, tương đương 2,4-7,9%.

Điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Lượng điện mua từ nước này dần tăng khi miền Bắc thiếu điện hồi 2023.

Năm nay, miền Bắc dự báo có thể thiếu khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5, 7), do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Do đó, ngoài các nguồn trong nước, việc mua điện của Lào sẽ bổ sung thêm đáng kể công suất, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có khu công nghiệp gần 5.000 tỷ đồng

Khu công nghiệp HD ở thị xã Phú Mỹ vừa được duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Dự án Khu công nghiệp HD có quy mô 450 ha nằm tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Dự án Khu công nghiệp HD có quy mô 450 ha nằm tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Theo quyết định do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, Dự án Khu công nghiệp HD có quy mô 450 ha nằm tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng vốn đầu tư khu công nghiệp gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 750 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai không quá 48 tháng kể từ ngày giao đất.

Quyết định đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu công nghiệp HD. Được thành lập tháng 5/2020, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Vốn chủ sở hữu của công ty khoảng 480 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2020.

Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 7.200 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 68%. Trong đó, có 4 dự án đã lấp đầy hoàn toàn gồm Phú Mỹ 1, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2 và Đông Xuyên. Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ phát triển 24 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 16.000 ha.

Bất động sản công nghiệp được dự báo là phân khúc nhiều triển vọng trong 2025. Nguồn cung phân khúc này hứa hẹn dồi dào hơn khi nhiều khu công nghiệp được cấp phép và khởi công trên cả nước. Riêng những ngày đầu năm 2025, 5 khu công nghiệp lớn được nhà chức trách duyệt đầu tư tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đăk Lăk và Nghệ An với quy mô hơn 1.600 ha.

Gần 1.100 tỷ đồng làm đường nối Bình Định - Quảng Ngãi

Đường ven biển ĐT.639, đoạn từ thị xã Hoài Nhơn đến Đức Phổ dài hơn 3 km, rộng hơn 20 m, tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng vừa được tỉnh Bình Định thông qua chủ trương đầu tư.

Đường ven biển tỉnh Bình Định qua xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ

Đường ven biển tỉnh Bình Định qua xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ

Thông tin được ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định cho biết ngày 24/1. Công trình được thực hiện trong giai đoạn 2025-2028.

Tuyến đường dài 3,13 km, rộng 20,5 m. Riêng đoạn qua địa hình đồi núi nền đường rộng 12 m. Điểm đầu dự án là cầu Thiện Chánh, thị xã Hoài Nhơn; điểm cuối là ranh giới tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (phía nam thị xã Đức Phổ). Đường sẽ nối với đường ven biển của tỉnh Quảng Ngãi và đường vào khu du lịch Sa Huỳnh, di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh này.

Trong tổng vốn có 636 tỷ đồng là ngân sách trung ương, còn lại là ngân sách tỉnh. Các khoản chi phí gồm: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 249 tỷ đồng; xây dựng và thiết bị 635 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác 95 tỷ đồng; phí dự phòng 109 tỷ đồng.

Để có mặt bằng làm đường, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng 3 khu tái định cư tại các khu quy hoạch đất ở mới, dự kiến tại các khu phố Tân Thành, Dĩnh Thạnh và Công Thạnh thuộc phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn.

Tỉnh Bình Định xác định hạ tầng giao thông là một trong năm trụ cột kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến đường ven biển để tạo đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Đường ven biển ĐT 639 là dự án quan trọng nhất, tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng với 8 dự án thành phần dài 99 km, còn lại tận dụng quốc lộ 1D hiện hữu.

Chi hơn 1.800 tỷ đồng đền bù Vành đai 2 TP.HCM trước Tết

214 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi hai đoạn Dự án Vành đai 2 qua TP. Thủ Đức được địa phương chi đền bù hơn 1.800 tỷ đồng trước Tết, sau gần một tháng triển khai.

Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù làm hai đoạn Dự án Vành đai 2 ở TP. Thủ Đức

Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù làm hai đoạn Dự án Vành đai 2 ở TP. Thủ Đức

Thông tin được UBND TP Thủ Đức cho biết ngày 25 tháng Chạp (24/1). Những trường hợp được chi trả tiền đền bù nằm trong tổng số hơn 1.100 hộ bị ảnh hưởng bởi hai đoạn Dự án Vành đai 2, gồm: đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) và đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng).

Hai đoạn đường thuộc Vành đai 2 này dài hơn 6 km, tổng mức đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí đền bù khoảng 7.500 tỷ đồng.

TP. Thủ Đức bắt đầu bồi thường cho các hộ đầu tiên từ ngày 31/12/2024, tính đến nay có 214 trường hợp đã được chi trả với tổng số tiền khoảng 1.817 tỷ đồng. Trong đó, 62 hộ đã đồng ý giao trước mặt bằng với tổng diện tích gần 7,7 ha

Những hộ đã nhận tiền đền bù, TP. Thủ Đức chưa thu hồi đất ngay mà sẽ thực hiện sau Tết, nhằm tránh gây xáo trộn đời sống, kinh doanh của người dân những ngày đón Tết cổ truyền. Quá trình chi đền bù cho những hộ này cũng được địa phương thực hiện gấp rút, bao gồm cán bộ, nhân viên làm ngoài giờ để hoàn tất hồ sơ, giúp các hộ sớm nhận tiền trước Tết.

Đại diện UBND Thủ Đức cho biết những trường hợp nhận tiền đền bù ở giai đoạn này phần lớn thuộc diện đất nông nghiệp và người dân có đất ở đã đồng thuận với phương án bồi thường. Sau Tết, các trường hợp còn lại tiếp tục được địa phương chi trả bồi thường, mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng vào quý 2 năm nay để khởi công Dự án.

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt kỷ lục

Theo số liệu thống kê, lũy kế cả năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 31,67 tỷ SGD, tăng 9,49 % so với cùng kỳ năm 2023.

Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu trên cảng quốc tế Gemalink, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu trên cảng quốc tế Gemalink, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng hết sức ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam sang Singapore với 10/12 tháng có mức tăng trưởng trên 15%.

Đây là nhân tố chính khiến tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Singapore đạt hơn 31,67 tỷ đôla Singapore (SGD), tương đương khoảng 23,5 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, nếu chỉ xét riêng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,59 tỷ SGD.

Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, bên cạnh các nhóm chủ lực truyền thống như thiết bị điện tử, máy móc, thủy tinh, còn có sự tăng trưởng tốt của các nhóm ngành khác, đáng chú ý là các mặt hàng nông nghiệp như gạo, thủy sản, dầu động thực vật…

Riêng trong tháng 12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 3,06 tỷ SGD, tăng 19,24% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng trưởng cao (18,98%) với giá trị 781,17 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng cao ở mức 19,33%, đạt hơn 2,28 tỷ SGD.

Lũy kế cả năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 31,67 tỷ SGD, tăng 9,49 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 30,8%, đạt gần 8,58 tỷ SGD, và nhập khẩu tăng 3,24%, đạt hơn 23,09 tỷ SGD.

Trong năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, là thị trường nhập khẩu đứng thứ 18 với kim ngạch gần 8,58 tỷ SGD (tăng 30,8%) và là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore với kim ngạch hơn 20,8 tỷ SGD (tăng 1,72%).

Theo thông báo ngày 2/1/2025 của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 4/2024 dự kiến tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ 2023 và GDP cả năm 2024 dự kiến tăng trưởng 4% (cao hơn mức dự báo đưa ra đầu năm là từ 1-3%). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế Singapore trong năm 2024 đã phục hồi tốt hơn so với các dự báo.

TP.HCM chỉ đạo nóng vụ bãi rác Đa Phước ngừng tiếp nhận rác

Tối 24/1, UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau sự cố bãi rác Đa Phước ngừng tiếp nhận rác.

Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước

Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước

Trước đó, tối 23/1, tại Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh), xảy ra sự việc công nhân ngừng việc tập thể do chưa được thanh toán lương và thưởng Tết.

Sự cố này đã khiến bãi chôn lấp Đa Phước phải tạm ngừng tiếp nhận rác từ 19h cùng ngày, dẫn đến nguy cơ ùn ứ rác thải tại nhiều khu vực.

Ngày 24/1, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo về tình hình vụ việc và đề xuất phương án xử lý, thì tối cùng ngày UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản yêu cầu Công ty VWS giải trình về sự việc công nhân ngừng làm việc vào ngày 23/1 (tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại công ty này vào tháng 4/2023).

Nếu Công ty VWS có văn bản cam kết không để tái diễn tình trạng nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm điều phối khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, bãi chôn lấp số 3 (Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi) cùng các nhà máy xử lý rác hiện hữu.

Trong trường hợp Công ty VWS dừng tiếp nhận, xử lý rác, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận huyện điều chuyển khối lượng rác thải từ bãi rác Đa Phước về bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc. Đây là khu vực do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố (CITENCO) quản lý.

UBND TP.HCM chấp thuận cho CITENCO đưa bãi chôn lấp số 3 vào hoạt động, nhằm tiếp nhận và xử lý khoảng 2.000 - 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày cho TP.HCM.

Đồng thời, CITENCO triển khai các giải pháp dự phòng tiếp nhận thêm chất thải tại các bãi chôn lấp số 1, 1A và số 2 trong tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh chất thải cho Thành phố.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM xem xét tổ chức giao thông cho tất cả các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cho phép lưu thông 24/24 giờ để thu gom và vận chuyển chất thải trên toàn địa bàn thành phố. Sở cũng phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để điều chỉnh lộ trình vận chuyển chất thải về bãi chôn lấp số 3, đảm bảo an toàn giao thông và tuân thủ các quy định…

13.000 người sập bẫy "cập nhật thông tin", bị chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng

Băng nhóm người Việt ở Campuchia đã mạo danh cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân "cập nhật thông tin" rồi chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Công an Bắc Ninh làm việc với các nghi phạm

Công an Bắc Ninh làm việc với các nghi phạm

Ngày 24/1, Công an tỉnh Bắc Ninh thông tin chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của 13.000 người. Trong đó, riêng Bắc Ninh có hơn 300 bị hại, bị chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.

Trong 60 người bị bắt giữ, cơ quan điều tra xác định có 42 nghi phạm đủ căn cứ để khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người có vai trò chính là: Nguyễn Văn Mạnh (36 tuổi, quê Quảng Ninh), Đỗ Văn Nghĩa (25 tuổi, quê Bắc Giang), Đinh Như Quỳnh (23 tuổi, quê Phú Thọ), Nguyễn Đức Toàn (32 tuổi, quê Hải Phòng), Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, quê Hải Phòng).

Theo điều tra ban đầu, băng nhóm này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia. Chúng dùng thủ đoạn giả danh công an cấp huyện, phường, hoặc cán bộ ngành thuế, điện, giáo dục để gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin CCCD, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế.

Khi có con mồi mắc bẫy, chúng chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Sau khi phát hiện các hành vi phạm tội, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ triển khai 43 tổ công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi và các địa phương, để bắt giữ các nghi phạm.

Tin cùng chuyên mục