Bản tin thời sự sáng 25/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhân sự dự kiến của TP. Thủ Đức; đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành chạy thử năm 2020; sẽ khởi công 4 dự án giao thông vốn đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng; bãi rác lớn nhất Hà Nội bị chặn...

Nhân sự dự kiến của TP. Thủ Đức

Lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức năm 2021 sẽ có một Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch, 653 công chức, nhân viên còn lại sẽ đảm nhiệm công việc tại các phòng, ban.

Quận 2, 9 và Thủ Đức dự kiến sáp nhập thành đơn vị hành chính TP.Thủ Đức

Quận 2, 9 và Thủ Đức dự kiến sáp nhập thành đơn vị hành chính TP.Thủ Đức

Đây là phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ công chức cho bộ máy nhân sự của TP. Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 Quận 2, 9 và Thủ Đức được Sở Nội vụ tham mưu UBND TP.HCM gửi Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Nhân sự UBND TP.Thủ Đức năm 2021 là 657 người, gồm: một Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch và thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người.

Toàn bộ nhân sự của cơ quan Đảng TP. Thủ Đức năm 2021 là 128 người, gồm: Bí thư, Phó bí thư, các trưởng ban: Tuyên giáo, Dân vận, Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh văn phòng. Sau năm 2025, công chức và người lao động của khối này còn 92 người.

Biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của TP. Thủ Đức là 112 người, gồm: Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Sau năm 2025, nhân sự của khối này còn 76 người.

Theo Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức 3 quận được giao năm 2020 là 1.221 người; số có mặt đến ngày 30/6/2020 là 1.127 người. Sau khi nhập 3 quận.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành chạy thử năm 2020

Chính phủ chỉ đạo đến cuối năm 2020 hoàn thành vận hành thử, diễn tập các tình huống để tư vấn chứng nhận an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị của dự án Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành

Các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị của dự án Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó có dự án Cát Linh - Hà Đông.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhân sự của tổng thầu và tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống không kịp sang Việt Nam. Vì thế đến nay, tổng thầu chưa cam kết chính xác thời gian nghiệm thu, bàn giao Dự án.

Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường sắt tập trung nghiệm thu, thanh toán để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho tổng thầu. Chính phủ cũng phối hợp chỉ đạo tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sớm đưa nhân sự sang Việt Nam thực hiện các công việc còn lại.

"Phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống, đánh giá theo quy định. Tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể bàn giao dự án cho Hà Nội", báo cáo nêu và cho biết công tác bàn giao sẽ hoàn thành trong quý I/2021.

Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.

Sẽ khởi công 4 dự án giao thông vốn đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng

Trong năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công và triển khai hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm lớn để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thi công nền đường một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam

Thi công nền đường một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam

Tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng 16 dự án. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ sẽ khởi công xây dựng thêm 4 dự án quy mô lớn khác với tổng mức đầu tư 11.829 tỷ đồng.

Cụ thể, 4 dự án sắp được Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng gồm Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ (tổng mức đầu tư 1.837 tỷ đồng); Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (vốn đầu tư 3.654 tỷ đồng); Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 (trị giá 4.826 tỷ đồng); Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (1.512 tỷ đồng).

Trước đó, vào cuối tháng 2/2020, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Ngày 30/9/2020, ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) được khởi công đồng loạt với tổng mức đầu tư lên tới gần 39.000 tỷ đồng.

Ngoài 6 dự án lớn trên, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành khởi công 6 dự án giao thông khác, trong đó có nhiều công trình đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Bãi rác lớn nhất Hà Nội bị chặn

Người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lần thứ hai trong năm nay dựng lều bạt ngăn xe vào bãi Nam Sơn, khiến 450 tấn rác đang ùn ứ.

Xe rác xếp hàng dài trước cổng số 2 bãi rác Nam Sơn

Xe rác xếp hàng dài trước cổng số 2 bãi rác Nam Sơn

Từ 20h30 tối 23/10, khoảng 20 người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ mang bàn ghế, căng bạt trên đường vào Cổng số 1 của bãi. Các xe rác di chuyển theo Cổng số 2, đến 9h30, nhiều người dân ở thôn Đông Hạ tiếp tục chặn cổng này. Hàng chục xe rác xếp hàng dài trên đường tỉnh 35 vào bãi.

Ông Cao Xuân Thìn, Giám đốc chi nhánh Urenco 8, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), đơn vị vận hành bãi cho biết, sáng ngày 24/10 xe chở rác vẫn chưa thể vào bãi.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm, bãi rác Nam Sơn bị chặn. Năm 2019, người dân Sóc Sơn ba lần chặn xe vào bãi rác Nam Sơn khiến khu vực nội đô bị ùn ứ rác. Cuối tháng 1/2020, Thành phố tiếp tục có văn bản yên cầu huyện Sóc Sơn đẩy nhanh phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý II năm nay.

Được xây dựng từ năm 1999, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn rộng hơn 157 ha, chia làm hai giai đoạn. Khu phía Nam bãi rác rộng 36 ha gồm 6 ô, vận hành từ năm 2015, với công suất gần 5 triệu m3 rác. Đến giữa năm 2019, các ô đều hết chỗ chứa, UBND TP. Hà Nội cho phép Urenco cải tạo mở rộng thêm 2 ô và tận dụng khoảng cách giữa các ô cũ để nâng công suất.

Trong khi đó, khu phía Bắc của giai đoạn 2 diện tích 37 ha, gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1,9 triệu m3, từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được xây dựng, do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở.

Vietjet đề xuất tài trợ làm quy hoạch điều chỉnh sân bay Tuy Hoà

Sau khi quy hoạch điều chỉnh chi tiết sân bay Tuy Hoà, Vietjet sẽ bàn giao hồ sơ này cho nhà nước và không đòi hỏi điều kiện gì.

Sân bay Tuy Hoà

Sân bay Tuy Hoà

Theo Cổng thông tin điện tử Phú Yên, Vietjet vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Phú Yên xem xét chấp thuận hãng hàng không này tài trợ làm quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Tuy Hòa. Sân bay này cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 5 km về hướng Đông Nam.

Theo đó, Vietjet sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Doanh nghiệp sẽ đánh giá lại tổng thể quy hoạch cảng đã được duyệt năm 2007 và điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với định hướng phát triển trong hệ thống cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.

Sau khi quy hoạch điều chỉnh chi tiết, Vietjet cho biết sẽ bàn giao lại sản phẩm hồ sơ trên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng và không đòi hỏi điều kiện gì.

Hiện Tuy Hoà là cảng hàng không cấp 4C, sân bay quân sự cấp I, công suất 100.000 khách và 1.000 tấn hàng hoá mỗi năm. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không Tuy Hoà có công suất thiết kế dự kiến khoảng 3 triệu khách một năm và 5 triệu khách một năm đến năm 2050.

Bắt được kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ nạn nhân trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3

Sáng 24/10, sau 3 ngày tích cực, khẩn trương điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Phúc, trú tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Phúc cùng tang vật

Đối tượng Phúc cùng tang vật

Trước đó, chiều 20/10, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị Lê Thị Thu Thảo ở thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (vợ của anh Trần Văn Lộc, là công nhân bị tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngày 20/10/2020 có một người đàn ông gọi điện thoại cho chị thăm hỏi, động viên và muốn ủng hộ gia đình chị 6 triệu đồng. Người này đã gửi tin nhắn và hướng dẫn chị Thảo nhấn vào đường link do đối tượng chuyển để được nhận tiền. Chị Thảo làm theo yêu cầu của người này và sau đó thì phát hiện số tiền trong tài khoản của mình bị mất 100 triệu đồng.

Sáng 24/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định được thủ phạm gây ra vụ lừa đảo nói trên và thi hành lệnh giữ đối tượng Nguyễn Văn Phúc để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ các tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo của đối tượng gồm: 9 điện thoại di động, 6 sim điện thoại, 6 thẻ ngân hàng, 1 máy tính...

Bước đầu, đối tượng Nguyễn Văn Phúc đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Thảo bằng thủ đoạn như chị Thảo đã tường trình. Ngoài ra, đối tượng còn Phúc khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên địa bàn cả nước với số tiền rất lớn.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra.