Bản tin thời sự sáng 25/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội xem xét thu phí vỉa hè trong tháng 1/2024; Quảng Ngãi khởi công đường 3.500 tỷ đồng giảm tải Quốc lộ 1; thanh tra tuyển dụng công chức tại nhiều cơ quan; ô tô, xe máy chưa phải chịu phí khí thải; mỗi công chức sẽ có một mã định danh…

Hà Nội xem xét thu phí vỉa hè trong tháng 1/2024

Dự kiến UBND TP. Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024, các tuyến phố đủ điều kiện có thể cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.

Phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm thông thoáng sau khi Thành phố ra quân lập lại trật tự đô thị

Phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm thông thoáng sau khi Thành phố ra quân lập lại trật tự đô thị

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội mới đây, trả lời chất vấn của cử tri, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho hay, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.

"Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện", ông Tuấn nói.

Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả các ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung thêm một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1 m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Hoàn Kiếm hiện cũng là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của Thành phố.

Quảng Ngãi khởi công đường 3.500 tỷ đồng giảm tải Quốc lộ 1

Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, nối TP. Quảng Ngãi với Dung Quất, giúp giảm tải cho Quốc lộ 1, được khởi công ngày 24/12.

Phối cảnh cầu qua sông Trà Bồng trên đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi

Phối cảnh cầu qua sông Trà Bồng trên đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi

Lễ khởi công tuyến đường diễn ra cùng với sự kiện công bố Quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là dự án giao thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Tỉnh đầu tư.

Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi dài gần 27 km. Điểm đầu dự án ở nút giao đường Thanh Niên với đường Trì Bình - Dung Quất ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, điểm cuối nối đường Hoàng Sa ở đoạn đập dâng sông Trà Khúc ở xã Tịnh An.

Dự án rộng 46 m, trong đó đến năm 2025 sẽ rải nhựa 16 m, hè đường 6 m mỗi bên, còn 18 m ở giữa chừa ra để sau này mở rộng; vận tốc thiết kế 60 km/h. Trên tuyến có 9 cầu trong đó công trình vượt qua sông Trà Bồng là cầu lớn nhất.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến di dời 400 hộ dân, xây 10 khu tái định cư để làm đường, chuẩn bị hơn 5 triệu m3 đất đắp và 460.000 m3 cát. Theo UBND Quảng Ngãi, đường sau khi hoàn thành sẽ giảm tải cho Quốc lộ 1A đi qua khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.

Thanh tra tuyển dụng công chức tại nhiều cơ quan

Năm 2024, thanh tra Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý công chức, viên chức tại nhiều cơ quan trung ương và địa phương.

Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực một cửa trong Trung tâm hành chính thành phố

Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực một cửa trong Trung tâm hành chính thành phố

Theo kế hoạch vừa được ban hành, quý I/2024, thanh tra Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tỉnh Hậu Giang.

Tại Thái Nguyên, Hưng Yên, Bộ Nội vụ sẽ thanh tra về xây dựng vị trí việc làm và quản lý biên chế công chức; đạo đức, văn hóa giao tiếp, những việc công chức không được làm; quy tắc nghề nghiệp công chức; tuyển dụng, tiếp nhận công chức; bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nâng ngạch công chức.

Quý II/2024, Bộ Nội vụ thanh tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức tại hàng loạt cơ quan trung ương như Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; tỉnh Trà Vinh, Quảng Trị, Yên Bái.

Nửa cuối năm 2024, Bộ Xây dựng, Đài tiếng nói Việt Nam, TP. Cần Thơ, tỉnh Lâm Đồng, Long An, Khánh Hòa sẽ được thanh tra.

Kế hoạch thanh tra năm 2024 nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách tuyển dụng công chức, viên chức để kiến nghị giải pháp khắc phục, phòng ngừa. Hoạt động này cũng giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Toàn hệ thống chính trị có 2,234 triệu biên chế, trong đó hơn 336.320 cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức; 205.570 cán bộ, công chức cấp xã...

Ngoài ra, năm 2024, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ thanh tra việc thực hiện công tác này tại tỉnh Hải Dương; Thừa Thiên Huế, An Giang, Ninh Thuận; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Phú Thọ, Bình Định, Đà Nẵng, Lào Cai.

Ô tô, xe máy chưa phải chịu phí khí thải

Đề xuất thu phí khí thải phương tiện giao thông không khả thi, nhất là với xe máy, phương tiện thiết yếu của người thu nhập thấp, Bộ Tài chính cho biết.

Ùn tắc tại Hà Nội tuần đầu người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023

Ùn tắc tại Hà Nội tuần đầu người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023

Góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường với khí thải, nhiều tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa đề nghị bổ sung phương tiện giao thông vào diện phải nộp phí.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, phí bảo vệ môi trường với khí thải là chính sách thu mới. Để đảm bảo khả thi trong thu nộp, cần quy định đối tượng chịu phí phù hợp pháp luật về môi trường trong quản lý chất thải, gồm: quá trình quản lý khí thải, đo kiểm lưu lượng, hàm lượng chất thải trong khí thải.

Với nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật chuyên ngành chưa quy định quản lý khí thải thì chưa thu phí.

Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành chưa xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông xả ra. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, "chưa có cơ sở để xác định mức phí phải nộp với phương tiện giao thông".

Hơn nữa, thu phí khí thải với phương tiện giao thông không khả thi, nhất là xe máy - phương tiện thiết yếu của người thu nhập thấp. Vì vậy, dự thảo chưa quy định thu phí khí thải với ôtô, xe máy.

Theo dự thảo, nhóm phải nộp phí khí thải là dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh xả bụi, khí thải ra môi trường.

Việt Nam hiện có khoảng 5,1 triệu ôtô cùng hàng chục triệu xe máy lưu hành; hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực đang hoạt động. Ngoài ra, có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 138 đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Theo Bộ Tài chính, phần lớn các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm không khí chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Do đó, xây dựng nghị định phí bảo vệ môi trường với khí thải là cần thiết.

Mỗi công chức sẽ có một mã định danh

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ có một mã định danh duy nhất, được kết xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia và in trên thẻ đeo hằng ngày, Bộ Nội vụ đề xuất.

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định mẫu và quản lý, sử dụng thẻ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, mã định danh in trên thẻ cán bộ, công chức, viên chức, được tạo thành bởi ba trường thông tin: cơ quan, số căn cước công dân, chức danh hoặc chức vụ. Mã định danh này trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Công chức nào chưa cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu sẽ không được cấp thẻ.

Các thông tin này để nhận biết vị trí, chức vụ công chức. Thẻ công chức có thể làm bằng nhựa hoặc thẻ điện tử có gắn chíp lưu trữ thông tin. Mỗi chức danh, vị trí sẽ có màu tương ứng.

Trên thẻ còn in QR Code để xác định thông tin cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức qua thiết bị thông minh. Thông tin gồm ngày tháng năm sinh, giới tính, số căn cước công dân, mã đơn vị công tác, chức danh...

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất xây dựng ứng dụng (app) thẻ cán bộ, công chức, viên chức để tra cứu thông tin.

Bộ Nội vụ quản lý kỹ thuật thẻ điện tử và nền tảng cơ sở dữ liệu thẻ. Các bộ, ngành, địa phương phân cấp thực hiện cấp và quản lý thẻ đã cấp cho các đối tượng trong cơ quan, đơn vị mình.

Cuối năm 2022, Bộ Nội vụ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia này quản lý khoảng 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử; cung cấp thông tin đầy đủ về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước, phục vụ quản lý biên chế và sử dụng nhân lực.

Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt 100 triệu đồng

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80 - 100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin cho khách hàng.

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng. Ảnh minh họa

Tại dự thảo mới tiếp thu các ý kiến về Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và nghiệp vụ, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Mức xử phạt với các doanh nghiệp bảo hiểm có vi phạm khi bán bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe có thể tăng gấp đôi.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80 - 100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này cũng áp dụng với vi phạm khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính có thay đổi về mức xử phạt đối với những vi phạm trong cung cấp tài liệu bảo hiểm. Cụ thể, Bộ đề xuất phạt 30 - 50 triệu đồng, thay vì mức đề xuất 90 - 100 triệu đồng trước đó, nếu không cung cấp tài liệu hoặc tài liệu giới thiệu khiến người mua hiểu lầm về sản phẩm như: không nêu rõ được quyền lợi, loại trừ trách nhiệm; không cung cấp bằng chứng ký kết hợp đồng hoặc đe doạ, cưỡng ép ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm. Doanh nghiệp môi giới có thể bị phạt tiền 20 - 40 triệu đồng nếu hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng ký hợp đồng; xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực để mua mới.

Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền 40 - 60 triệu đồng nếu tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm với các điều khoản kém cạnh tranh hơn nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch.

Trường hợp sử dụng người trực tiếp môi giới không đủ điều kiện, mức phạt đề xuất cho doanh nghiệp môi giới sẽ 50 - 70 triệu đồng. Các đại lý bảo hiểm có thể bị phạt 30 - 50 triệu đồng với các hành vi này.

Ngân hàng rao bán tài sản của nhà phân phối thời trang Jeep ở Việt Nam

Công ty TNHH Unirn Việt Nam từng là đơn vị phân phối độc quyền thương hiệu thời trang Jeep tại Việt Nam.

Ngân hàng Vietcombank rao bán tài sản của nhà phân phối thời trang Jeep ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngân hàng Vietcombank rao bán tài sản của nhà phân phối thời trang Jeep ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo phát mại tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Unirn Việt Nam tại Vietcombank - Chi nhánh Thành Công theo hợp đồng thế chấp ngày 10/4/2013.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và nhà ở tại khu tập thể quân đội, số 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, có hồ sơ pháp lý đầy đủ bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

Vietcombank không công khai giá khởi điểm cho tài sản này cũng như giá trị khoản nợ của khách hàng.

Theo tìm hiểu, Unirn Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007, đăng ký trụ sở tại số 27 Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Phương Chi làm Giám đốc.

Năm 2009, doanh nghiệp này trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu thời trang Jeep tại Việt Nam - thương hiệu thời trang của hãng xe hơi nổi tiếng thế giới cùng tên ra đời từ năm 1941 tại bang Ohio, Mỹ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bất ngờ tạm dừng hoạt động vào tháng 11/2014, tức một năm sau khi phát sinh khoản vay tại Vietcombank.

Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An và hàng loạt người bị bắt

Phạm Hoài Hà, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An, Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cùng hàng loạt người ở miền Tây bị bắt vì tiêu cực.

Ông Phạm Hoài Hà (áo trắng) nghe cảnh sát đọc quyết định tạm giam

Ông Phạm Hoài Hà (áo trắng) nghe cảnh sát đọc quyết định tạm giam

Ngày 24/12, ông Hà; Nguyễn Thành Lê, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship; Vũ Tiến Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tàu thủy sông Hồng, cùng 6 người nguyên là cán bộ Phòng Tàu Sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam), đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9 bị Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra các hành vi Đưa, Nhận hối lộ.

Động thái này được cơ quan điều tra đưa trong quá trình mở rộng vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm thủy nội địa.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có chức năng cấp, đánh giá năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế tại nhiều xưởng trên địa bàn cả nước (Hải Dương, Quảng Ninh, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp...), đồng thời kiểm tra hồ sơ cấp đánh giá năng lực cơ sở tại Cục Đăng kiểm, cơ quan điều tra phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, kết quả xác định hồ sơ cấp đánh giá năng lực xưởng không phù hợp thực tế hiện trường, nhiều xưởng không đủ điều kiện để được cấp đủ năng lực...

Những lãnh đạo, cán bộ Chi Cục đăng kiểm Long An, Chi Cục Đăng kiểm số 9 bị cáo buộc nhận tiền để bỏ qua các lỗi, tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để đánh giá năng lực xưởng: mặt bằng nhà xưởng, khả năng cung ứng vật liệu trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, quy trình công nghệ, về năng lực thi công, nhân lực không đảm bảo...