117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam
Sáng 24/2, chuyến bay chở lô vắc xin Covid-19 đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Á tiếp cận với vắc xin AstraZeneca |
Vắc xin AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định và cho sử dụng, hiệu quả kháng virus tương đối cao.
Đây là vắc xin của hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam sớm hơn dự kiến.
Ngay sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vắc xin này sẽ được đưa tới hệ thống kho lạnh chuyên dụng của Trung tâm Tiêm chủng VNVC và AstraZeneca tại TP.HCM.
Trước đó, Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Số vắc xin được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số vắc xin này sẽ được thực hiện tiêm trên cả nước vào đầu tháng 3.
Theo ông Long, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị kịch bản tiêm với lộ trình cung cấp vắc xin trong năm 2021. Trong quý I sẽ tiêm 1,3 triệu liều, quý II sẽ tiêm 9,5 triệu liều, quý III sẽ có 25,9 triệu liều và quý IV sẽ tiêm 51,1 triệu liều.
Chứng khoản giảm mạnh cuối phiên 24/2
Lực bán ra ồ ạt trong phiên chiều 24/2 khiến thị trường lao dốc. Tuy nhiên, khi chỉ số ở giai đoạn giằng co nhất, tình trạng nghẽn giao dịch lại diễn ra.
VN-Index giảm 1,33% sau phiên 24/2 |
Đồ thị phiên giao dịch ngày 24/2 chia làm hai phần tách biệt. Phiên sáng, chỉ số giằng co trên tham chiếu với lực bán chỉ tăng cao khi bên mua đẩy giá lên. Áp lực thoát hàng và lực cầu giữ tương đối cân bằng.
Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, trạng thái thị trường lại hoàn toàn khác biệt. Lực bán ra tăng đột biến, khiến khung giá đi ngang trong phiên sáng bị phá vỡ. Đồ thị của phiên chiều cũng trở thành những đường rơi thằng đứng, đứt đoạn, khi nhà đầu tư quyết thoát hàng bằng mọi giá với các lệnh thị trường (MP). Kết quả là chỉ trong hơn 30 phút, VN-Index mất hơn 20 điểm.
Nhịp phục hồi trở lại lúc gần 14h chỉ là cơ hội cho bên bán đẩy thêm hàng, chỉ số lại tiếp tục lùi về mức thấp. Ở thời điểm thị trường giằng co mạnh nhất, giá trị giao dịch vượt qua 14.000 tỷ đồng, hệ thống lại nghẽn. Kết quả là đà giảm không tiêu cực hơn. VN-Index chốt phiên giảm 15,6 điểm (1,33%) xuống 1.162 điểm. VN30-Index giảm 1,29% xuống 1.167 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi dưới tham chiếu nhưng biên độ giảm có phần khiêm tốn hơn, chỉ hơn 0,3%.
Chốt phiên, sắc đỏ chiếm áp đảo. Sàn HoSE ghi nhận 357 mã giảm, 44 mã đứng tham chiếu và 93 mã tăng.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 17.400 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch hơn 15.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 700 tỷ đồng trên HoSE, chủ yếu là nhóm bluechip.
Giá xăng ngày 25/2 có thể tăng mạnh
Giá nhiên liệu tại thị trường Singapore tăng 8,7-11,4% nên mỗi lít xăng dầu trong nước ngày 25/2 có thể tăng 900 - 1.300 đồng.
Giá xăng ngày 25/2 có thể tăng mạnh |
Giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đã tăng mạnh trong nửa tháng qua. Đây là tham chiếu để Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mức bán lẻ trong nước nên nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ nhảy vọt từ 15h chiều 25/2.
Bình quân giá bán lẻ xăng 92 giai đoạn này là 67,29 USD một thùng, tăng 8,7% so với chu kỳ trước. Xăng 95 tăng xấp xỉ 9% lên 68,79 USD một thùng và có ngày vượt 71 USD một thùng. Dầu hỏa và diesel biến động mạnh nhất, cao hơn kỳ trước 9,7% và 11,4%, lần lượt lên 66,31 USD và 68,01 USD một thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM nhận định, thị trường nhiên liệu đang lên nhanh. Giá xăng dầu trong nước vì thế khó tránh được đà tăng theo xu hướng thế giới. Mỗi lít xăng ngày 25/2 có thể tăng 1.050 - 1.300 đồng, còn dầu tăng trên 900 đồng. Nhiều khả năng cơ quan điều hành sẽ sử dụng quỹ bình ổn để hạn chế mức tăng đột biến sau Tết.
Kỳ trước, Liên bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng E5 RON 92 16.309 đồng một lít. RON 95 là 17.270 đồng. Dầu diesel là 13.042 đồng. Dầu hoả là 11.908 đồng. Dầu madut 12.622 đồng một kg. Cơ quan điều hành cũng chi 603 - 1.729 đồng từ quỹ để bù cho từng mặt hàng xăng dầu.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu giảm vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng
Ban Quản lý dự án 6 tính toán Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu giảm 1.090 tỷ đồng do chuyển từ hình thức đầu tư công sang PPP.
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đang được thi công |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 6 gửi Bộ Giao thông vận tải, với hình thức đầu tư công bằng vốn ngân sách, tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (từ Thanh Hóa đến Nghệ An) giai đoạn 1 là 7.286 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 4.305 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.778 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn 594 tỷ đồng và chi phí dự phòng 653 tỷ đồng.
So với phương án đầu tư theo hình thức PPP trước đây, tổng mức đầu tư giảm khoảng 1.090 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
Quy mô Dự án vẫn được giữ nguyên, tuyến đường dài 50 km, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 7, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dự án dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2023.
Vietnam Airlines xin được vận chuyển vaccine Covid-19
Vietnam Airlines cho biết đã sẵn sàng các nguồn lực cần thiết để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của vận chuyển vaccine.
Một tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines |
Đề xuất này vừa được hãng đưa ra ngày 24/2, ngày lô vaccine Covid-19 với 117.600 liều đầu tiên về Việt Nam.
Hãng này tự tin có thể huy động đội tàu bay thân rộng gần 30 chiếc, gồm Airbus A350 và Boeing 787 đến các điểm đến trên toàn cầu để nhanh chóng chở số lượng lớn vaccince về Việt Nam. Mỗi chiếc tàu thân rộng này có tầm bay từ hơn 11.000 km đến 15.000 km, dễ dàng bay thẳng đến mọi điểm đến.
Để sẵn sàng ngay khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, một đơn vị đặc trách của hãng đã được thành lập.
Vietnam Airlines cho biết hiện đã có đầy đủ dịch vụ hậu cần, kho lạnh hiện đại, cùng nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp và quy trình vận chuyển hàng hóa đông lạnh toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế. Hãng cũng đã sẵn sàng triển khai dịch vụ container lạnh để chứa vaccine.
Đây là những điều kiện đặc biệt quan trọng trong vận chuyển vaccine Covid-19, bởi vaccine đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp. Việc không đáp ứng tốt về nhiệt độ bảo quản có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của vaccine.
Đồng Nai muốn mua vaccine Covid-19 tiêm miễn phí cho dân
Sở Y tế Đồng Nai đề xuất UBND Tỉnh dùng ngân sách mua vaccine Covid-19 tiêm miễn phí cho khoảng 3,1 triệu người dân trên địa bàn.
Covivac, vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm trên người, sau Nanocovax |
Ngày 24/2, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết vaccine Covid-19 được coi là giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ nhiễm virus, bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì vậy, Sở kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Y tế hỗ trợ nguồn vaccine và các thủ tục để Tỉnh sớm triển khai mua.
Dân số Đồng Nai hiện khoảng 3,1 triệu người, tương đương phải mua 6,2 triệu liều vaccine (một người tiêm 2 mũi). Nếu đề xuất được Tỉnh thông qua, người dân Đồng Nai sẽ được tiêm vaccine miễn phí.
Trước đó, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ mua 15 triệu liều vaccine tiêm cho người dân trên 18 tuổi, ưu tiên người có nguy cơ lây nhiễm cao. TP. Hải Phòng và Quảng Ninh cũng chủ trương mua vaccine Covid-19 tiêm cho dân. Phần lớn kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và vận động.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho người dân. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm nay Việt Nam dự kiến nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 từ Liên minh Covax, 30 triệu liều của AstraZeneca và 30 triệu liều của Pfizer.
1,74 triệu học sinh TP.HCM trở lại trường ngày 1/3
Hơn 1,74 triệu học sinh toàn Thành phố sẽ học tập trung từ ngày 1/3, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19.
1,74 triệu học sinh TPHCM trở lại trường ngày 1/3 |
Quyết định này được UBND TP.HCM đưa ra trưa ngày 24/2. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn các trường thực hiện biện pháp chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô giáo.
Các cơ sở giáo dục sẽ thông báo cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên trở về từ vùng dịch, hoặc từng di chuyển đến vùng có dịch, phải thực hiện khai báo y tế để được theo dõi.
Một ngày trước, trong báo cáo về công tác chuẩn bị cho học sinh quay lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhu cầu cho trẻ trở lại trường rất lớn, đặc biệt là các phụ huynh bậc mầm non, để ổn định công việc. Ngành giáo dục đã rà soát, hướng dẫn các trường thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống Covid-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Do diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 14/2 (mùng 3 Tết Nguyên đán), UBND TP.HCM cho toàn bộ học sinh nghỉ đến hết ngày 28/2, thay vì học trở lại vào ngày 17/2 như dự kiến. Hơn một tuần qua, học sinh học tập trên Internet bằng nhiều hình thức, đảm bảo đúng tiến độ chương trình năm học.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất học sinh quay lại trường từ 2/3
Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến sẽ đề xuất lên UBND Thành phố về phương án cho học sinh quay lại trường học từ ngày 2/3.
Hà Nội dự kiến đề xuất học sinh quay lại trường học từ 2/3 |
Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, dịch bệnh đã và đang dần được kiểm soát. Sau khi đã trao đổi, thống nhất các nội dung về mặt chuyên môn giữa Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội sẽ đề xuất UBND Thành phố xem xét, đồng ý cho học sinh, học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài; các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tiếp tục đến trường học trở lại từ ngày 2/3/2021.
Trước và trong thời gian học sinh trở lại trường học, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của TW và TP. Hà Nội.
Đề xuất cấm xe thô sơ ở TP.HCM sau năm 2025
Sở Giao thông vận tải đề xuất lập vành đai giới hạn xe cơ giới 3 bánh và thô sơ 3 - 4 bánh chạy vào nội đô TP.HCM, tiến đến cấm toàn bộ loại xe này sau năm 2025.
Xe ga gác chở tôn cồng kềnh trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp |
Trong tờ trình phương án điều chỉnh tổ chức giao thông với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh ở TP.HCM vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND Thành phố, trước khi cấm toàn bộ loại xe này, việc hạn chế hoạt động được đề xuất theo hai lộ trình.
Trong đó từ nay đến năm 2022, toàn bộ xe cơ giới 3 bánh và thô sơ 3 - 4 bánh bị cấm chạy vào khu trung tâm, được giới hạn bởi các tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
Ngoài ra, các xe này không được chạy vào các tuyến: Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Trường Sơn), Trường Sơn (từ đường Phan Đình Giót đến Hồng Hà), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Điện Biên Phủ), Võ Văn Kiệt (từ đường Lò Gốm đến Tôn Đức Thắng) và 3 tuyến Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi.
Giai đoạn 2022 - 2025, vành đai và các tuyến đường cấm xe 3 bánh, thô sơ từ 3 - 4 bánh không thay đổi nhưng được đề xuất tăng giờ cấm vào khu nội đô suốt thời gian 5h - 22h. Sau năm 2025, loại xe này bị cấm hoạt động ở TP.HCM.