Bản tin thời sự sáng 25/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là USD ngân hàng tăng cao nhất 1 năm; Đà Nẵng đấu giá khu đất "vàng" nghìn tỷ đồng 4 mặt giáp đường; yêu cầu kiểm định chung cư mini tại Hà Nội bị nứt khiến 60 hộ dân phải di dời; khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam sẽ thành khu đô thị…

USD ngân hàng tăng cao nhất 1 năm

Tỷ giá quy đổi USD/VND trên kênh giao dịch ngân hàng thương mại liên tục tăng gần đây, hiện đã ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2022.

Trên thị trường tự do, giá bán USD hiện phổ biến giao dịch trên mốc 25.200 đồng/USD

Trên thị trường tự do, giá bán USD hiện phổ biến giao dịch trên mốc 25.200 đồng/USD

Trong phiên giao dịch ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.996 đồng/USD, không thay đổi so với phiên liền trước nhưng tăng 17 đồng so với đầu tuần.

Trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá trung tâm USD/VND do NHNN niêm yết đã duy trì xu hướng đi ngang vùng 24.000 đồng/USD trong gần hai tháng qua.

Trong khi đó, trên kênh giao dịch chính thức tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD có xu hướng tăng liên tục trong những tuần gần đây.

Hiện tại, Vietcombank - ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.450 - 24.790 đồng/USD (mua - bán), không thay đổi so với phiên ngày 23/2 nhưng cao hơn 110 đồng so với phiên cuối tuần trước.

Với các ngân hàng quốc doanh khác, giá bán USD cũng đang được duy trì ở mức cao. Trong đó, BIDV hiện niêm yết giá mua vào ở 24.495 đồng/USD và bán ra là 24.805 đồng/USD, đi ngang so với phiên 23/2 nhưng tăng 130 đồng so với cuối tuần trước.

VietinBank ngày 24/2 niêm yết giá USD ở mức 24.390 - 24.850 đồng/USD (mua - bán), không thay đổi so với kết phiên 23/2. Nếu so với cuối tuần trước, giá USD tại nhà băng này đã tăng 110 đồng.

Trong lúc này, tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, giá bán USD ngày 24/2 cũng chủ yếu đi ngang hoặc tăng giá.

Cụ thể, HDBank hiện chấp nhận mua vào ở mức 24.470 đồng/USD và bán ra ở 24.910 đồng/USD, đi ngang so với ngày 23/2; ACB niêm yết ở 24.450 - 24.800 đồng/USD, tăng 40 đồng; Techcombank tăng 32 đồng, hiện cố định ở 24.468 - 24.810 đồng/USD; Eximbank giữ nguyên mức giá 24.180 đồng/USD (mua) và 24.570 đồng/USD (bán); Sacombank giao dịch ở mức 24.440 - 24.910 đồng/USD, không thay đổi so với ngày 23/2...

Trên thị trường tự do, giá bán ngoại tệ này cũng đang neo tại mức cao, hiện phổ biến giao dịch trên mốc 25.200 đồng/USD.

Đà Nẵng đấu giá khu đất "vàng" nghìn tỷ đồng 4 mặt giáp đường

Khu đất thuộc trục đường từ cầu sông Hàn ra biển trên đường Phạm Văn Đồng có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng, rộng gần 10.000 m2, giá khởi điểm 137 triệu đồng/m2.

Hiện trạng khu đất gần cầu sông Hàn được Đà Nẵng đưa ra đấu giá

Hiện trạng khu đất gần cầu sông Hàn được Đà Nẵng đưa ra đấu giá

Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng vừa thông báo đấu giá khu đất ký hiệu A1-2-1 thuộc trục đường từ cầu sông Hàn ra biển trên đường Phạm Văn Đồng.

Tổng diện tích khu đất là gần 10.000 m2, giá khởi điểm hơn 137 triệu đồng/m2. Thời gian sử dụng đất 50 năm, người thuê trả tiền một lần. Khu đất này có 4 mặt giáp với đường.

Thành phố đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Khu đất có mục đích sử dụng là xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.000 tỷ đồng do đơn vị trúng đấu giá thực hiện.

Đà Nẵng ra điều kiện, đơn vị tham gia đấu giá phải nộp trước 20% tổng giá trị thửa đất. Trường hợp 2 công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì chỉ 1 công ty được tham gia đấu giá.

Người tham gia đấu giá còn phải có báo cáo tổng quát dự án đầu tư phù hợp chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch, tiến độ, tổng mức đầu tư dự án dự kiến; có hồ sơ, giấy tờ chứng minh vốn chủ sở hữu tối thiểu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự kiến, cam kết không lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang trong quá trình giải thể...

Yêu cầu kiểm định chung cư mini tại Hà Nội bị nứt khiến 60 hộ dân phải di dời

Tối 24/2, UBND quận Thanh Xuân thông tin về dấu hiệu không đảm bảo an toàn tại công trình nhà ở số 22, ngách 236/17 đường Khương Đình, phường Hạ Đình. Vụ việc khiến 60 hộ dân trong tòa nhà phải di dời.

Người dân di dời ra khỏi chung cư mini bị nứt

Người dân di dời ra khỏi chung cư mini bị nứt

Sau khi nắm bắt thông tin công trình này có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng, lãnh đạo quận Thanh Xuân thống nhất chỉ đạo và có văn bản khuyến cáo, đề nghị người dân trong tòa nhà thực hiện di chuyển, đồng thời cử lực lượng hỗ trợ di chuyển khi người dân có yêu cầu.

Khuyến cáo của quận đã được các hộ dân tại số nhà 22 đồng thuận. Đến cuối ngày 24/2, toàn bộ hộ dân đã di dời ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, UBND quận Thanh Xuân có văn bản yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ trên phải thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện, năng lực theo quy định tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình theo đúng quy định của Bộ Xây dựng.

Cùng với đó, chủ tòa nhà này được yêu cầu thuê đơn vị thi công đủ năng lực, điều kiện để tổ chức sửa chữa, gia cố công trình theo quy định đảm bảo an toàn sử dụng; quá trình thực hiện có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và công trình.

Sau khi sửa chữa và gia cố, công trình phải được đơn vị kiểm định và các cơ quan liên quan đánh giá đảm bảo an toàn theo quy định mới tiếp tục đưa vào sử dụng. UBND phường Hạ Đình được giao giám sát việc thực hiện.

Theo lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, chung cư mini ở địa chỉ trên đã được cấp sổ đỏ, các hộ dân sinh sống tại đây đồng sở hữu cả về đất và tài sản trên đất.

Tuy nhiên, gần 60 hộ dân sống trong chung cư mini trên đã buộc phải di dời do một số cốt thép, cột bê tông ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác nhiều ngày nay. Trong đó, hai cột trụ dưới tầng để xe của tòa nhà bị nứt toác, chạy dọc từ chân lên đến trần.

Để trợ lực cho tòa nhà, lực lượng chức năng cho gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ quanh chân các cột nhà bị xuống cấp. Bên ngoài giàn giáo được căng dây cảnh báo "khu vực cấm vào" để đảm bảo an toàn.

Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Vĩnh Long rao bán nhà máy của Công ty Bột mì Đại Nam

VietinBank đang bán đấu giá nhà máy và khu đất trị giá 100 tỷ đồng của Công ty Bột mì Đại Nam.

Bên ngoài nhà máy sản xuất của Công ty Bột mì Đại Nam

Bên ngoài nhà máy sản xuất của Công ty Bột mì Đại Nam

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Vĩnh Long vừa thông báo xử lý bán hai tài sản bảo đảm của Công ty Bột mì Đại Nam.

Tài sản thứ nhất là Nhà máy sản xuất bột gạo Đại Nam được bán đấu giá với giá khởi điểm gần 63 tỷ đồng, gồm quyền sử dụng đất hơn 10.500 m2 cùng với tài sản gắn liền với đất là hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất bột gạo.

Khu đất xây dựng nhà máy là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cách Khu công nghiệp Hòa Phú 4 km và cách lối vào đường cao tốc Cần Thơ - Vĩnh Long - Trung Lương 5 km. Chủ sở hữu mua đất của cá nhân sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất công ty (đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp).

Bên trên lô đất là nhà máy bột gạo, nhà nguyên liệu bột trộn, kho thành phẩm, nhà lò hơi, nhà để máy nén khí, bể xử lý nước thải... và máy móc thiết bị hệ thống dây chuyền sản xuất bột gạo.

Tài sản thứ hai được VietinBank đấu giá với giá khởi điểm hơn 34 tỷ đồng là khu đất sản xuất phi nông nghiệp diện tích hơn 21.200 m2, cũng tại ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Công ty Bột mì Đại Nam được thành lập năm 2016, vốn là doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm bột mì và bột trộn, theo giới thiệu là một trong những nhà máy bột mì lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp này có hai khoản nợ tại VietinBank phát sinh từ năm 2017 và 2021. Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến 31/3/2023 là 166 tỷ đồng, gồm dư nợ gốc hơn 143 tỷ, còn lại là nợ lãi cộng dồn và phạt quá hạn.

Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam sẽ thành khu đô thị

Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và cải thiện môi trường vừa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm bên sông Cái, nhánh phụ của sông Đồng Nai chảy qua TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm bên sông Cái,

nhánh phụ của sông Đồng Nai chảy qua TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) rộng 335 ha, thành lập từ năm 1963, được xem là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Năm 2009, Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Đồng Nai chuyển đổi khu công nghiệp này thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và cải thiện môi trường.

Theo đó, Đề án tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 thành hai hồ sơ.

Cụ thể, khu vực trung tâm chính trị - hành chính của Tỉnh có quy mô khoảng 44 ha, gồm 2 dự án đang triển khai là trụ sở Công an Tỉnh và trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực.

Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286 ha với hai công trình hiện hữu được giữ lại là tòa nhà Sonadezi và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc chuyển đổi là cần thiết vì phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP. Biên Hòa. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm dọc bờ sông Cái, bám dọc theo Quốc lộ 1. Vị trí chiến lược này sẽ trở thành đầu mối quan trọng kết nối vùng, cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM, phù hợp chuyển đổi thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ.

Đề án chuyển đổi cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thay đổi diện mạo kiến trúc của TP. Biên Hòa. Hiện có 70 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp FDI thuê đất, hạ tầng đang hoạt động tại Khu công nghiệp, tổng số lao động gần 21.500 người. Tuy nhiên, Tỉnh cho biết, phần lớn các nhà máy không sử dụng hiệu quả diện tích đất.

UBND tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập với các doanh nghiệp thứ cấp phải di dời đến địa điểm khác để xây lại nhà máy. Việc di dời các doanh nghiệp khỏi Khu công nghiệp dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025.

Ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

Ông Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị cáo buộc cho vay lãi dưới hình thức sang tên tài sản rồi chiếm đoạt nhiều thửa đất, tổng giá trị 1.048 tỷ đồng.

Ông Trần Quí Thanh

Ông Trần Quí Thanh

Ngày 24/2, hành vi của ông Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) nêu trong Kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Ở Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, ông Thanh là Giám đốc, bà Uyên là Phó giám đốc, bà Bích là nguyên Giám đốc.

So với kết luận điều tra hồi tháng 10/2023, C01 giữ nguyên quan điểm truy tố 3 bị can, song số tiền chiếm đoạt đã tăng từ 767 tỷ đồng lên 1.048 tỷ đồng.

Theo Kết luận, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã lợi dụng quy định về cho vay, lấy lãi suất 3% một tháng - dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng. Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều lần thực tế.

Sau khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản, ông Thanh được cho là chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt các bất động sản, vốn góp, cổ phần. Khi bên vay trả đủ gốc và lãi theo thỏa thuận, ông này đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc đưa ra các lý do để không trả lại tài sản" như: vi phạm hợp đồng nên mất quyền mua lại, phải trả thêm tiền hoặc không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc.

C01 kết luận, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, ba bố con ông Thanh đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá hơn 1.048 tỷ đồng. Trong đó, ông Thanh chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của đại gia Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.

Bà Phương bị cáo buộc chiếm đoạt dự án Minh Thành và 35 thửa đất, tổng trị giá 595 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích đã chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành tổng giá trị 880 tỷ đồng.

Từ ngày 1/3, điện thoại 2G lậu sẽ bị chặn nhập mạng

Báo cáo từ Cục Viễn thông cho biết, kể từ ngày 1/3, các thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G và không có chứng nhận hợp quy sẽ không thể nhập mạng di động.

Đến nay, Việt Nam vẫn còn hơn 15 triệu thuê bao 2G

Đến nay, Việt Nam vẫn còn hơn 15 triệu thuê bao 2G

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G kết nối vào mạng viễn thông di động từ tháng tới.

Cụ thể, kể từ ngày 1/3, doanh nghiệp di động sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.

Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại này đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Báo cáo của Cục Viễn thông chỉ nhắc đến việc nhập mạng mới. Trong khi đó, các thiết bị hợp quy và đang hoạt động vẫn có thể tiếp tục sử dụng đến tháng 9, trước khi Việt Nam tắt sóng 2G.

Bên cạnh đó, việc duy trì sóng 2G cũng đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 5G, 6G. Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, Việt Nam vẫn còn hơn 15 triệu thuê bao 2G. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TT&TT cho biết, sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi.

Chủ đầu tư Dự án I-Tower Quy Nhơn bị phạt 500 triệu đồng vì huy động vốn vượt khung

Chủ đầu tư Dự án I-Tower Quy Nhơn (Bình Định) bị phạt 500 triệu đồng do thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai vượt quá tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.

Phối cảnh Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ I-Tower Quy Nhơn

Phối cảnh Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ I-Tower Quy Nhơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản Đô Thành (Công ty Đô Thành) số tiền 500 triệu đồng.

Công ty Đô Thành là Chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ I-Tower Quy Nhơn (tên thương mại The Sailing Quy Nhơn). Bà Nguyễn Tú Phương, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật.

Quyết định nêu rõ, Công ty Đô Thành đã thực hiện hành vi vi phạm thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai vượt quá tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng. Cụ thể, Công ty đã thu tiền lần đầu vượt quá 30% giá trị hợp đồng của một hợp đồng và thu tiền vượt 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng của 16 hợp đồng.

UBND tỉnh Bình Định buộc Công ty Đô Thành thu tiền bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai theo đúng tiến độ Dự án hoặc buộc hoàn trả lại bên mua phần giá trị hợp đồng thu vượt theo đúng quy định pháp luật.

Đây không phải lần đầu Công ty Đô Thành nhận “trát” phạt tại dự án trên. Trước đó, vào đầu năm 2021, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ I-Tower Quy Nhơn không có giấy phép xây dựng.

Dự án I-Tower Quy Nhơn được xây dựng tại khu đất "vàng” diện tích gần 11.000 m² ở trung tâm TP. Quy Nhơn, có 3 mặt tiền đường: Lê Duẩn, Vũ Bảo và Nguyễn Tư.

Dự án gồm 2 tòa tháp cao 36 và 41 tầng, 2 tầng hầm, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.