Bản tin thời sự sáng 25/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thu hồi kit xét nghiệm Việt Á; bát ngọc của vua Tự Đức giá 845.000 euro; đề xuất hơn 16.000 tỷ đồng xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; sẽ lắp cân tự động trên quốc lộ để kiểm soát xe quá tải; Pacific Airlines đứng trước nguy cơ dừng hoạt động…

Thu hồi kit xét nghiệm Việt Á

Ngày 24/6, Bộ Y tế thu hồi số đăng ký lưu hành trang thiết bị với bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được cấp phép từ cuối năm 2020.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Bộ kit xét nghiệm bị thu hồi là dạng chẩn đoán invitro phát hiện RNA của nCoV, chủng loại LightPower iVASARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit.

Bộ Y tế cũng bãi bỏ các nội dung liên quan đến Công ty Việt Á tại Quyết định ngày 4/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục trang thiết bị y tế được cấp số lưu hành tại Việt Nam.

Tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, 17 thành viên tham gia đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)", trong đó có 4 người của Công ty Việt Á. Một tháng sau, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và đến tháng 12/2020 lưu hành chính thức, với thời hạn 5 năm.

Kit test của Việt Á sau đó được cung cấp cho nhiều tỉnh, thành. Nghi ngờ doanh nghiệp này có dấu hiệu nâng khống giá và đưa hối lộ, tháng 12/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an khởi tố vụ án. Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng 5 cấp dưới bị bắt.

Bát ngọc của vua Tự Đức giá 845.000 euro

Bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro (khoảng 20,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Gazette Drouot.

Bên ngoài đáy bát có khắc bốn chữ triện "Tự Đức niên tạo" làm rõ về nguồn gốc của cổ vật. Ảnh: Gazette Drouot

Bên ngoài đáy bát có khắc bốn chữ triện "Tự Đức niên tạo" làm rõ về nguồn gốc của cổ vật. Ảnh: Gazette Drouot

Cổ vật này được giới thiệu trong phiên "Bộ sưu tập của ngài Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - Mỹ thuật châu Á" của Gazette Drouot hôm 17/6. Ban đầu, nhà đấu giá dự đoán bát ngọc đạt 30.000 - 50.000 euro (735 triệu - 1,2 tỷ đồng). Trong phiên đấu giá diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, sau nhiều lần trả giá, tác phẩm được một nhà sưu tập mua ở mức 845.000 euro (khoảng 20,7 tỷ đồng).

Nhà đấu giá viết: "Mọi sự chú ý và thèm khát đều tập trung vào chiếc bát ngọc đặc biệt, được chạm khắc và mang dấu của vua Tự Đức (1848 - 1883)".

Thông tin vật phẩm được giới thiệu ngắn gọn trên website Gazette Drouot: Bát ngọc có đường kính 14,5 cm, cao 6,2 cm, với phần miệng bằng vàng. Bát làm bằng ngọc bích, phần thân khắc nổi hai con rồng đang bay lượn trên mây tìm ngọc thiêng. Phía ngoài của đáy bát có dấu chữ triện "Tự Đức niên tạo".

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, qua chất liệu, hoa văn và chữ triện, có thể khẳng định chiếc bát là vật cổ từ thời vua Tự Đức. Thời nhà Nguyễn rất chuộng đồ ngọc. Có nhiều bảo vật như chén, bát, bình trà... đang được lưu giữ ở bảo tàng trong nước đều thuộc loại ngọc đó và có dấu tích tương tự.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, mũ quan triều Nguyễn đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu của nhà Balclis, Tây Ban Nha. Cùng phiên, bộ lễ phục triều Nguyễn cùng được bán với giá 35.000 euro (920 triệu đồng).

Đề xuất hơn 16.000 tỷ đồng xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Tổng mức đầu tư của Dự án là 16.220 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với phương án ban đầu 19.500 tỷ đồng trình Chính phủ năm 2021. Trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến bỏ ra 6.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỷ đồng, vốn huy động 8.260 tỷ đồng.

Liên danh nhà đầu tư đề xuất tham gia Dự án là Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, Dự án giảm tổng vốn để thu hút các nhà đầu tư.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu tại km60+100 (trùng với điểm cuối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú) thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến cao tốc dài khoảng 66 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km; qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km.

Dự án được phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu từ nay đến 2025 nền đường tối thiểu 13,5 m với hai làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh từ 2025 đến 2035, nền đường rộng 22 m với bốn làn ô tô và hai làn dừng khẩn cấp.

Sẽ lắp cân tự động trên quốc lộ để kiểm soát xe quá tải

Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu vị trí lắp cân tự động kiểm soát tải trọng xe, trước mắt tập trung trên quốc lộ trọng điểm.

Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Công an TP. Hà Nội) dừng một xe tải có dấu hiệu quá tải trên đường Hồ Chí Minh

Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Công an TP. Hà Nội) dừng một xe tải có dấu hiệu quá tải trên đường Hồ Chí Minh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết nội dung trên.

Trạm cân tự động được lắp thí điểm tại Km78 Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) để phát hiện vi phạm về tải trọng. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống cân xe hoàn toàn tự động nên không cần người giám sát tại hiện trường và không ai can thiệp vào kết quả. Toàn bộ kết quả được chuyển về cơ quan chức năng để phân tích, xử lý phạt nguội với tài xế vi phạm.

Tổng mức đầu tư trạm cân tự động là 30 tỷ đồng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Chi phí này thấp hơn việc đầu tư trạm cân xe thông thường (cần khoảng 100 tỷ đồng, 40 - 50 người vận hành). Sau thí điểm, Bộ Giao thông vận tải sẽ đánh giá, nghiên cứu lắp đặt trạm cân tự động ở một số vị trí có mật độ xe tải lớn như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vành đai 3 Hà Nội đoạn cầu Thăng Long.

Đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh BRT

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho buýt nhanh BRT.

Xe buýt nhanh chạy trên làn đường riêng

Xe buýt nhanh chạy trên làn đường riêng

Thông tin trên được nêu trong báo cáo ngày 23/6 của Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP. Hà Nội về kết quả thực hiện phương án điều chỉnh nút giao thông, giải quyết ùn tắc trên một số tuyến đường.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội lý giải, tuyến buýt nhanh BRT là trục xuyên tâm, nhưng hiệu quả hoạt động giảm, trong khi lưu lượng phương tiện cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây tình trạng ùn ứ. Việc cho các loại xe khác đi vào làn BRT nhằm giảm thiểu ùn tắc, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông.

Do hợp phần tuyến buýt nhanh BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nên để điều chỉnh, Sở kiến nghị Thành phố có ý kiến thống nhất với WB.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội nêu rõ, một số nút giao trên tuyến BRT thường xuyên ùn ứ gồm Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Tố Hữu - Trung Văn; Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh.

Nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến đang rào chắn phục vụ thi công hầm chui Lê Văn Lương, diện tích mặt đường bị thu hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn. Vì vậy, Sở đề xuất điều chỉnh, tổ chức giao thông cục bộ khu vực thi công để giảm ùn tắc.

Với nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, ùn ứ do lưu lượng phương tiện lớn, nhu cầu rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh cao. Việc tổ chức lại giao thông đã được thí điểm từ 18/6, Sở sẽ theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp.

Còn với nút giao Tố Hữu - Trung Văn, ùn tắc do lưu lượng xe cao từ khu vực nút giao Trung Văn. Sở đang chờ được phân bổ kinh phí để xén mở rộng mặt đường từ nút giao Trung Văn đến Vũ Trọng Khánh; điều chỉnh điểm quay đầu và xén hè mở rộng lòng đường khu vực tòa nhà Bắc Hà.

Pacific Airlines đứng trước nguy cơ dừng hoạt động

Theo đại diện Vietnam Airlines, hiện tình hình tài chính của Pacific Airlines thâm hụt nghiêm trọng, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động.

Khó khăn về tài chính khiến Pacific Airlines đứng trước nguy cơ dừng hoạt động

Khó khăn về tài chính khiến Pacific Airlines đứng trước nguy cơ dừng hoạt động

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, về việc tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines thực hiện chủ trương đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, Hội đồng Quản trị của Công ty đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.

Đến thời điểm này (tháng 6/2022), tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng cho biết, quy trình lựa chọn nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Được biết, Vietnam Airlines đang điều hành 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco. Tính đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines là 68,85%. Cổ đông lớn thứ hai của Pacific Airlines với tỷ lệ sở hữu 30% là Qantas Group. Đến năm 2020, Qantas Group đã tặng lại Vietnam Airlines 30% cổ phần của Pacific Airlines.

Pacific Airlines hiện có vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong các hãng hàng không của Việt Nam. Trong quý I/2022, Hội đồng Quản trị của Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết về việc tiếp nhận toàn bộ cổ phần được tặng và nâng tỷ lệ kiểm soát vốn tại Pacific Airlines lên gần 99%.