Bản tin thời sự sáng 25/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẵn sàng các phương án bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Nga; mức nước tăng dần, Thủy điện Sơn La và Lai Châu sẵn sàng phát điện; giảm 2% thuế VAT từ 1/7; đề xuất 13.800 tỷ đồng làm đoạn Vành đai 4 qua TP.HCM; Cảng quốc tế Long An hợp long 7 cầu cảng…

Sẵn sàng các phương án bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Nga

Những ngày gần đây, tình hình an ninh, trật tự ở thành phố Rostov on Don và một số khu vực phía Nam của Liên bang Nga có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga theo dõi sát tình hình, sẵn sàng các phương án bảo hộ, hỗ trợ công dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại các khu vực này.

Quang cảnh ở thành phố Rostov on Don, Liên bang Nga ngày 24/6. Nguồn: Reuters

Quang cảnh ở thành phố Rostov on Don, Liên bang Nga ngày 24/6. Nguồn: Reuters

Bộ Ngoại giao khuyến nghị công dân đang ở các thành phố phía Nam Liên bang Nga và Thủ đô Moscow tuân thủ luật pháp và các hướng dẫn của chính quyền sở tại; nên ở trong nhà, hạn chế tham gia các hoạt động tụ tập đông người hoặc thực hiện các chuyến đi xa trong lãnh thổ nước Nga.

Trong trường hợp căng thẳng gia tăng, người dân cần chuẩn bị sẵn các phương án sơ tán; giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn người Việt ở địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga để nhanh chóng được hỗ trợ.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao khuyến nghị những người có kế hoạch đến các thành phố Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov trong thời gian tới cần cân nhắc các yếu tố an toàn cho chuyến đi; không tiến hành các chuyến đi nếu không thật sự cần thiết và tình hình có diễn biến mới phức tạp.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ, người dân cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga và các hội đoàn người Việt.

Mức nước tăng dần, Thủy điện Sơn La và Lai Châu sẵn sàng phát điện

Trong 2 ngày qua, một số tỉnh khu vực Tây Bắc có mưa trên diện rộng; một số địa phương có mưa to cục bộ như: tỉnh Lai Châu, tổng lượng mưa phổ biến ngày 24/6 từ 70 - 150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt; các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai - tỉnh Sơn La, lượng mưa phổ biến từ 40 - 100 mm/24h…

Mực nước các hồ thủy điện ở Tây Bắc tăng nhẹ trong những ngày gần đây do đợt mưa từ ngày 23/6

Mực nước các hồ thủy điện ở Tây Bắc tăng nhẹ trong những ngày gần đây do đợt mưa từ ngày 23/6

Mưa trên diện rộng đã làm mực nước trên các hồ thủy điện tăng nhẹ. Tại hồ thủy điện Sơn La, mực nước lúc cuối chiều ngày 24/6 ở mức 181,23 m (cao hơn mực nước chết 6,23 m); hồ thủy điện Lai Châu là 287,29 m (cao hơn mực nước chết 22,29 m). Hiện Công ty Thủy điện Sơn La đang duy trì phát điện 1 tổ máy tại Thủy điện Lai Châu; các tổ máy còn lại của cả 2 nhà máy đang vận hành theo điều phối của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

Dự báo trong ngày 25/6, lượng mưa tại các địa phương dao động từ 40 - 90 mm; một số nơi 70 - 150 mm.

Giảm 2% thuế VAT từ 1/7

Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến cuối năm nay, trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.

Quốc hội đồng ý giảm thuế VAT 2% đến cuối năm nay

Quốc hội đồng ý giảm thuế VAT 2% đến cuối năm nay

Chiều 24/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ năm, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ ngày 1/7 đến hết năm nay.

Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới dự toán thu, bội chi ngân sách 2023. Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Trong quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Số ý kiến khác muốn nâng mức giảm thuế lên 3 - 5% và kéo dài thời gian thực hiện chính sách này đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.

Ước tính, ngân sách nhà nước năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.

Đề xuất 13.800 tỷ đồng làm đoạn Vành đai 4 qua TP.HCM

Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM được đề xuất đi về phía Đông Nam, dài 17,12 km, tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng, giúp tránh các đường hiện hữu, giảm ảnh hưởng quy hoạch.

Hướng tuyến của Vành đai 4

Hướng tuyến của Vành đai 4

Đây là phương án được Liên danh tư vấn đề xuất lựa chọn sau khi hoàn thiện hồ sơ thiết kế sơ bộ hướng tuyến Vành đai 4 qua địa bàn Thành phố. Phương án này đang được lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Vành đai 4 có tổng chiều dài gần 200 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi địa phương chủ trì thực hiện đoạn qua địa bàn theo phương thức PPP. Tại TP.HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hòa, Long An).

Theo cách tư vấn đề xuất, tổng thể hướng tuyến của đoạn Vành đai 4 sẽ đi về phía Đông Nam (bên trái) so với đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Tuyến được nắn lại một số đoạn tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành... Phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn hai. Tổng chiều dài tuyến theo cách này khoảng 17,12 km, giải toả 160 ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính 13.883 tỷ đồng.

Ngoài phương án trên, Vành đai 4 qua TP.HCM còn hai hướng tuyến khác cũng được nghiên cứu. Trong đó, phương án một, tuyến gần như đi trùng quy hoạch, dài 17,6 km. Phương án còn lại, tuyến đi về phía Đông Nam, tổng chiều dài 16,95 km.

Theo kế hoạch được các địa phương thống nhất, trong năm nay Dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quý IV năm sau. Dự kiến, công trình cơ bản hoàn thành năm 2027, khai thác một năm sau đó.

Cảng quốc tế Long An hợp long 7 cầu cảng

Ngoài hợp long 7 cầu cảng, ngày 24/6, Chủ đầu tư Cảng quốc tế còn khai trương dịch vụ khai thác hàng container, hướng tới mục tiêu "một điểm đến mọi nhu cầu".

Một góc khu cảng của Cảng quốc tế Long An

Một góc khu cảng của Cảng quốc tế Long An

Tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670 mét, thuộc khu cảng với tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD, bao gồm 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG được sản xuất, lắp ráp 100% tại Nhật Bản bởi Mitsui E&S Machinery.

Cụm dự án Cảng quốc tế Long An có quy hoạch 1.935 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trong đó, khu công nghiệp có diện tích 396 ha; khu dịch vụ - công nghiệp 239 ha, khu đô thị 1.145 ha và cảng biển 147 ha. Tất cả hạng mục kết hợp thành khu liên hợp dịch vụ cảng biển, hướng đến hình thành quần thể thành phố cảng biển trong tương lai. Theo đại diện Dongtam Group, Chủ đầu tư Dự án, với mục tiêu trở thành một cảng biển quốc tế được công nhận tại châu Á, khu cảng được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản với 1 triệu m2 kho bãi, đầy đủ tiện ích nội khu, công trình phụ trợ và phương tiện vận tải.

Tại sự kiện hợp long, Chủ đầu tư khai trương dịch vụ khai thác hàng container bên cạnh các mặt hàng truyền thống: hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép, thiết bị máy móc, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.

Thời gian tới, Cảng quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng. Trong đó, sẽ có một cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368 m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT.

Nối lại hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng từ ngày 25/6

Từ ngày 25/6, hoạt động xuất nhập cảnh được nối lại tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng.

Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng

Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng

Thông tin từ lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết, phía Trung Quốc đã có thông báo về việc nối lại hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Tà Lùng từ ngày 25/6 với công dân hai nước, tuy nhiên chưa có thông báo thực hiện xuất nhập cảnh với đối tượng là khách du lịch. Lực lượng chức năng phía Việt Nam tại khu vực cửa khẩu đã sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, phương tiện kỹ thuật để phục vụ người dân có nhu cầu.

Như vậy, Tà Lùng là cửa khẩu đầu tiên tại Cao Bằng nối lại hoạt động xuất nhập cảnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Tại Cao Bằng thời gian qua chỉ có 3 cửa khẩu là Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh) và Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) có hoạt động thông quan hàng hóa nhưng với số lượng không lớn, trung bình lúc cao điểm chỉ đạt khoảng 50 - 70 xe hàng hóa mỗi ngày.

Hơn 60 dự án ở TP.HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn.

62 dự án tại TP.HCM không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại

62 dự án tại TP.HCM không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chia ra 2 nhóm các dự án đang vướng mắc và đề xuất hướng xử lý trong thời gian tới.

Nhóm thứ nhất là các dự án đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, Sở đang thụ lý 117 hồ sơ. Trong đó, có đến 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định tại Luật Nhà ở 2014.

Đối với nhóm này, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư vì không đáp ứng được điều kiện để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Đồng thời, thông tin cho nhà đầu tư biết về việc không tiếp tục xử lý hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư.

Cụ thể, một số dự án thuộc nhóm kiến nghị không chấp thuận chủ trương đầu tư như: Khu nhà ở thấp tầng Nam Khang do Công ty CP Bất động sản Nam Khang làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Trường Phước Lộc do Công ty CP Bất động sản Trường Phát Lộc làm chủ đầu tư; Khu dân cư CityLand do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc thành phố làm chủ đầu tư; Khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành Công do Công ty TNHH Bất động sản Đại Thành Công làm chủ đầu tư; Khu nhà ở An Phú do Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư...

Đối với 55 dự án còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó, có 3 dự án đang vướng mắc về pháp lý, 3 dự án đang được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và 49 dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền xem xét của Thành phố…

Nhóm thứ 2 mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét là nhóm 50 dự án đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đã bố trí 1.200 tỷ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về việc bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, ưu tiên cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng để triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, ưu tiên cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng để triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ đã rà soát, ưu tiên cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng để triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, dự kiến khởi công vào quý IV/2023, hoàn thành năm 2025 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tuyến Quốc lộ 17 chiều dài 30,7 km; tuyến Quốc lộ 1B chiều dài 44,7 km và tuyến Quốc lộ 3C chiều dài 35 km.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến quốc lộ trên để dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược chủ yếu là đường bộ cao tốc nên chưa cân đối nguồn lực để đầu tư 3 quốc lộ nêu trên.

Hiện nay, tổng số vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Bộ GTVT cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân bổ hết cho các chương trình, dự án. Trường hợp bổ sung thêm nhiệm vụ, dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, phải báo cáo Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022.

Trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn để từng bước nâng cấp các tuyến đường theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.