Bản tin thời sự sáng 25/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đồng Nai bàn giao xong hơn 2.500 ha mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành; Huế đầu tư 13 tỷ đồng chỉnh trang cồn Dã Viên; Việt Nam dự tính khai thác 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm; gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc…

Đồng Nai bàn giao xong hơn 2.500 ha mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành

Ngày 24/7, UBND huyện Long Thành cho biết, toàn bộ diện tích khu vực 1.810 ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và 722 ha khu vực dự trữ đất dôi dư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị liên quan.

Thi công Dự án san nền thoát nước tại Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1

Thi công Dự án san nền thoát nước tại Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1

Dự án sân bay Long Thành có tổng diện tích thực hiện khoảng 5.000 ha. Trong đó, giai đoạn 1 Dự án có diện tích hơn 2.500 ha, được chính thức khởi động vào cuối năm 2017.

Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án cho các đơn vị liên quan.

Ở giai đoạn 2 của Dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gần 2.500 ha mặt bằng còn lại.

Trong đó, có gần 2.000 ha đất thuộc quyền sử dụng của hơn 4.500 trường hợp hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hơn 4.400 trường hợp. Đồng thời, đã bàn giao hơn 102 ha đất trong khu vực này cho các đơn vị liên quan.

Đồng Nai phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Dự án sân bay Long Thành trong tháng 7/2023.

Huế đầu tư 13 tỷ đồng chỉnh trang cồn Dã Viên

Cồn Dã Viên nằm trên sông Hương được Trung tâm Công viên cây xanh Huế chỉnh trang, xây đường đi bộ, lắp đèn đường, với kinh phí 13 tỷ đồng.

Cồn Dã Viên nằm trên sông Hương

Cồn Dã Viên nằm trên sông Hương

Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế Lê Như Chinh cho biết, khu vực xung quanh nền đài của lầu Quan Phong (cao chừng 2 m, xây dựng bằng gạch vồ dưới triều Nguyễn) đã được xe múc, xe ủi san phẳng để lấy mặt bằng. Nhiều năm qua, khu vực này bị cây dại phủ kín.

Đơn vị đang thi công đường đi bộ xung quanh cồn Dã Viên. Đường rộng 4,5 m, được lót đá và có hệ thống đèn điện. Hệ thống đường này sẽ khai thác không gian cảnh quan dọc bờ sông; hình thành trục giao thông xuyên suốt.

"Cồn Dã Viên được chỉnh trang nhằm hình thành không gian công cộng, đồng bộ không gian cảnh quan khu vực, góp phần tạo không gian vui chơi, thể thao cho người dân và du khách", ông Chinh nói.

Cồn Dã Viên có diện tích khoảng 10,5 ha, là một cồn nhỏ sa bồi nằm ở đoạn trung lưu sông Hương, phía Tây Nam của kinh thành Huế. Các nhà quy hoạch kiến trúc xem cồn Dã Viên và cồn Hến là "rồng chầu hổ phục". Cồn Hến được gọi là "tả thanh long" và cồn Dã Viên được gọi là "hữu phục hổ".

Trước đây, cồn Dã Viên được quy hoạch có không gian lưu trú (khoảng 120 nhà vườn) đan xen trong các khu vườn sinh cảnh. Theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mới, cồn Dã Viên sẽ trở thành khu văn hóa đa năng, không có dịch vụ lưu trú với các công trình được thiết kế truyền thống, bảo tồn các giá trị lịch sử, phù hợp với cảnh quan.

Việt Nam dự tính khai thác 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm

Việt Nam sẽ đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu đất hiếm, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm.

Đất hiếm ở một mỏ ở Tây Bắc Việt Nam

Đất hiếm ở một mỏ ở Tây Bắc Việt Nam

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm phải có đủ năng lực và đầu tư dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, các mỏ đã cấp phép như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu) sẽ hoàn thành thăm dò. Nhiều mỏ khác tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái được thăm dò mở rộng. Hai mỏ được chú trọng khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái) với sản lượng quặng mỗi năm dự kiến 2 triệu tấn.

Sau năm 2030, ngoài mở rộng mỏ Đông Phao, sẽ có thêm 3 - 4 dự án khai thác mới tại Lai Châu, Lào Cai, nâng tổng sản lượng lên thêm hơn 100.000 tấn quặng đất hiếm mỗi năm.

Doanh nghiệp được khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO). Nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành trong 7 năm nữa.

Với đất hiếm riêng rẽ, Chính phủ định hướng sẽ xây dựng các dự án chiết tách, chế biến tại Lai Châu và Lào Cai, công suất 20.000 - 60.000 tấn/năm. Hai tỉnh này cũng sẽ có ba dự án thủy luyện chế biến đất hiếm.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, 44 triệu tấn; kế đến là Việt Nam 22 triệu và Brazil 21 triệu tấn. Các nước như Nga, Mông Cổ, Ấn Độ cũng có đất hiếm nhưng trữ lượng ít hơn.

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho doanh nghiệp khai thác hai mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái, nhưng đến nay chưa mỏ nào hoạt động.

Gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc

Theo thông báo từ HNX, gần 97 triệu cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán BOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 11/8. Giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 969 tỷ đồng. Cổ phiếu ART bị hủy niêm yết do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Đây là cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc.

ART là mã cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART.

ART là mã cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART.

Theo thông báo từ HNX, gần 97 triệu cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán BOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 11/8. Giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 969 tỷ đồng. Cổ phiếu ART bị hủy niêm yết do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Trước đó, cổ phiếu ART đã bị đình chỉ giao dịch trên HNX từ ngày 21/11/2022 do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cụ thể là chậm nộp Báo cáo tài chính quý III/2022.

Với quyết định này của HNX, ART là mã cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART. Còn lại mã KLF đang bị đình chỉ giao dịch trên sàn HNX.

Công ty CP Chứng khoán BOS được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 135 tỷ đồng, tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Artex. Từ những năm 2011 - 2012, Chứng khoán Artex đổi thành Công ty CP Chứng khoán FLC. Đến tháng 9/2018, Công ty niêm yết trên sàn HNX và tăng vốn điều lệ lên hơn 969 tỷ đồng. Đến năm 2019, Chứng khoán FLC lại đổi thành Chứng khoán BOS như hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ART từng đạt đỉnh lịch sử 19.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vào tháng 3/2022, thị giá cổ phiếu ART rơi về 1.300 đồng/cổ phiếu.

Giá tiêu xuất khẩu giảm mạnh

6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân của hạt tiêu giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy giá trị kim ngạch lao dốc.

Hạt tiêu đen được ví như "vàng đen"

Hạt tiêu đen được ví như "vàng đen"

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 153.000 tấn hạt tiêu, thu về hơn 483 triệu USD, tăng gần 24% về lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giá trị kim ngạch giảm do giá xuất khẩu lao dốc. 6 tháng đầu năm nay, giá xuất hạt tiêu bình quân đạt khoảng 3.184 USD (75,3 triệu đồng) một tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc và Mỹ là thị trường nhập khẩu "vàng đen" của Việt Nam với thị phần chiếm 35% và 16% tổng sản lượng mặt hàng này xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm. Theo đó, Trung Quốc mua 46.169 tấn, tăng gần 1.700% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 21.000 tấn, giảm 15,5%.

Trung Quốc tăng mua đột biến tiêu Việt, nhưng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc thu mua nửa đầu năm cho thấy họ đã gần đủ nguồn hàng dự trữ. Trong khi đó, Mỹ và EU sức mua vẫn yếu nên giá trị nhập khẩu đi xuống. Mới đây, EU quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng làm ảnh hưởng tới xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam.

Trước tác động của thị trường thế giới cùng suy thoái kinh tế, giá tiêu đen thu mua trong nước hiện quanh mức 67.000 - 69.000 đồng một kg, giảm 3.000 - 5.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái; còn giá tiêu trắng ở mức 103.000 đồng một kg, giảm 6.000 đồng.

Đường dây cho hơn một triệu người vay nặng lãi bị phát hiện

Công an xác định ba nghi can người Trung Quốc tham gia điều hành đường dây cho vay nặng lãi 2.346%/năm, ước tính hơn một triệu người đã vay 20.000 tỷ đồng.

Cảnh sát đọc lệnh bắt ba người Trung Quốc

Cảnh sát đọc lệnh bắt ba người Trung Quốc

Trong gần một tháng điều tra, 45 người đã bị khởi tố bị can, tạm giam về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Cưỡng đoạt tài sản, Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 24/7.

Theo nhà chức trách, đường dây quy tụ nhiều nhóm, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia dưới sự quản lý điều hành của 11 người cầm cầm đầu, trong đó có 3 người quốc tịch Trung Quốc. 49 người Việt Nam được xác định tham gia giúp sức. Nhóm này cho vay chủ yếu qua app Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong... với lãi suất 2.346,4%/năm. Riêng app Great Vay đã cho trên một triệu người Việt vay.

Nhà chức trách ước tính, từ tháng 12/2020 - 7/2023, đường dây tổ chức cho vay nặng lãi 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng; tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam trên 5.000 tỷ đồng. Việc này được thực hiện thông qua hàng chục "công ty ma" và sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng.

Đầu tháng 7, khi khám xét 3 công ty thanh toán trung gian, 28 địa điểm và triệu tập hàng chục người, nhà chức trách đã phong tỏa giao dịch 11 bất động sản trị giá trên 70 tỷ đồng, phong tỏa 88 tài khoản ngân hàng và hơn 100 máy tính, điện thoại.

Chuyên án do Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Cục Ngoại tuyến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) và công an một số tỉnh thành phối hợp thực hiện.

Thông xe một phần đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành

2,7 km đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ được thông xe cuối tháng 7 để giảm ùn tắc trong quá trình thi công nút giao An Phú.

Một cây cầu trong phạm vi dự án đã hoàn tất thảm nhựa

Một cây cầu trong phạm vi dự án đã hoàn tất thảm nhựa

Thông tin được ông Bùi Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Giao thông T&T (đơn vị thi công) cho biết ngày 24/7.

Đoạn dự kiến thông xe kéo dài từ đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức. Hiện, phần đường nêu trên đã cơ bản hoàn tất thảm nhựa. Nhà thầu đang sơn kẻ vạch đường, vỉa hè, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng.

"Phần đường này thông xe sẽ giúp giảm ùn tắc, bởi đây là nơi có lưu lượng xe rất lớn, trong khi công trường Dự án nút giao An Phú ở điểm đầu tuyến sắp tới thi công đồng loạt nên dự báo tình hình sẽ căng thẳng", ông Đức nói.

Ông Đức cho biết thêm, hơn 600 m còn lại của dự án đường song hành chưa thể hoàn thiện do đang bị vướng mặt bằng.

Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài hơn 3,3 km, khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với kinh phí 869 tỷ đồng. Dự án gồm hai đoạn song hành xây bên phải tuyến cao tốc, rộng 20 m, 4 làn xe.

Trong đó, đoạn một dài 2,7 km, nối đại lộ Mai Chí Thọ qua đường Đỗ Xuân Hợp. Đoạn còn lại hơn 600 m, nối tuyến D11 qua Vành Đai 2. Trên tuyến đường có 3 cây cầu gồm: Bà Dạt, Mương Kênh, Bà Hiện.

Công trình dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, góp phần giảm áp lực giao thông cho nút giao An Phú và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, dự án bị vướng mặt bằng cũng như thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên chậm tiến độ.

Hồi tháng 4, sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao các sở ngành và đơn vị liên quan phối hợp Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương (nhà đầu tư) thực hiện điều chỉnh dự án, bàn giao mặt bằng để công trình sớm hoàn thành.

Gần 678 nghìn lượt ô tô trượt kiểm định trong 6 tháng đầu năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đăng kiểm kiểm định gần 2,9 triệu lượt phương tiện, trong đó, gần 678 nghìn lượt trượt kiểm định lần đầu.

Gần 678 nghìn lượt ô tô trượt kiểm định trong 6 tháng đầu năm 2023

Gần 678 nghìn lượt ô tô trượt kiểm định trong 6 tháng đầu năm 2023

Theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), 2 quý đầu năm, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 2,9 triệu lượt phương tiện.

Trong đó, hơn 2,2 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, gần 678 nghìn lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.

Đối với công tác kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp 6 tháng đầu năm 2023, Cục ĐKVN đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận (GCN) chất lượng xe nhập khẩu cho gần 65 triệu ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc, hơn 30 nghìn mô tô, xe gắn máy và gần 15 nghìn xe máy chuyên dùng nhập khẩu.

Có 530 kiểu loại ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc; 683 kiểu loại linh kiện ô tô; 109 kiểu loại xe mô tô, xe gắn máy và 6 kiểu loại xe đạp điện sản xuất; 448 kiểu loại linh kiện mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu được cấp GCN kiểu loại.

"Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cấp GCN thẩm định thiết kế cho 445 kiểu loại ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc; cấp 80 GCN mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống và từ 7 - 9 chỗ được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; 50 GCN cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thực hiện 317 lượt đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cho cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe đạp điện, linh kiện xe cơ giới ở trong nước và nước ngoài", ông Hải thông tin.

Tin cùng chuyên mục