Hà Nội yêu cầu chậm nhất 30/8 các đơn vị gửi dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính
Các địa phương của Hà Nội (không bao gồm các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh) căn cứ số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số để xây dựng dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính.
Trụ sở HĐND, UBND thành phố Hà Nội |
UBND thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn Thành phố. Theo yêu cầu của UBND Thành phố, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, có sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.
UBND Thành phố sẽ xây dựng và trình phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025.
Các quận, huyện, thị xã (không bao gồm các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh) căn cứ số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do cơ quan có thẩm quyền cung cấp... để xây dựng dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy chỉ đạo, cho ý kiến trước khi triển khai các bước tiếp theo.
UBND Thành phố yêu cầu, chậm nhất ngày 30/8/2023, các đơn vị gửi tờ trình kèm theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Từ ngày 1 - 20/9, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố trực tiếp làm việc với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để nghe dự thảo phương án, đồng thời thống nhất các nội dung chuẩn bị, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Thành phố.
Sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở Nội vụ tổng hợp phương án của các quận, huyện, thị xã; tham mưu UBND Thành phố xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025, báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ trước ngày 31/10/2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi, theo Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi |
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Chương đánh giá các địa phương "cơ bản làm tốt" việc quản lý văn bằng, chứng chỉ ở cấp phổ thông. Công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết, tổ chức thi cùng được chuẩn hóa, tinh gọn hơn.
Theo ông, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi.
Về những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ông Chương cho rằng, nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ. Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi người thi.
Ông nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc giám sát, tổ chức thi, nên các sở phải chủ động và lưu ý hơn.
Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.5 trở lên hoặc tương đương. Trong khi đó, hàng chục trường đại học dùng IELTS, TOEFL... kết hợp với điểm thi để tuyển đầu vào. Số thí sinh diện này cũng ngày càng tăng, theo đánh giá của nhiều trường. Chẳng hạn, Đại học Kinh tế quốc dân năm nay tuyển 2.800 sinh viên theo phương thức này nhưng có đến 11.000 em nộp hồ sơ có chứng chỉ IELTS. Con số này gấp hơn 200 lần so với năm 2017.
Nhiều trường phổ thông công lập cũng tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ.
Quảng Ninh quy hoạch 22 sân golf
Tỉnh sẽ khởi công 5 sân golf ngay trong 3 năm tới, mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf của phía Bắc.
Tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 22 sân golf |
Tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 22 sân golf, theo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, có 3 sân đã đi vào hoạt động, gồm sân golf Vĩnh Thuận (TP Móng Cái), sân golf FLC và sân golf Tuần Châu (TP Hạ Long). Hai sân đang được xây dựng và một sân đang trong thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, 16 sân trong giai đoạn mời nhà đầu tư nghiên cứu, chưa triển khai.
Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch golf của phía Bắc, đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ khởi công 5 sân golf, trong đó có sân An Biên tại xã Lê Lợi, TP. Hạ Long và sân Uông Bí tại phường Phương Đông, TP. Uông Bí.
Lãnh đạo Tỉnh cho biết, Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển sân golf bởi đặc trưng địa hình hơn 80% diện tích là đồi núi, hơn 6.000 km mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Việc đầu tư sân golf là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ cao cấp, giúp đa dạng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ hiện trạng và quá trình sử dụng đất tại các diện tích đã được quy hoạch xây sân golf.
Không chỉ Quảng Ninh, nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf.
Dịch vụ xe đạp công cộng chính thức hoạt động ở Thủ đô
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng triển khai tại Hà Nội với 79 trạm cách nhau khoảng một km, gần địa điểm du lịch, bến xe buýt, tàu điện trên cao.
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng triển khai tại Hà Nội với 79 trạm cách nhau khoảng một km |
Sáng 24/8, UBND TP. Hà Nội phối hợp với một doanh nghiệp khai trương dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 1.000 xe, trong đó có 500 xe điện trợ lực. Dịch vụ nằm trong Dự án Xe đạp đô thị của Thành phố dự kiến triển khai cuối năm 2022, nhưng bị hoãn lại do nhà đầu tư muốn phát triển thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga.
Đầu tháng 8, những chiếc xe đạp đầu tiên được chuyển đến 79 điểm cho thuê ở khu vực đông dân cư, danh lam thắng thắng cảnh, vị trí kết nối xe buýt, đường sắt trên cao tại 6 quận nội thành.
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dịch vụ cho thuê xe đạp giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại để góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài xe đạp, Hà Nội đã triển khai xe buýt điện, taxi điện, xe máy điện.
"Thành phố đặt mục tiêu có 30 - 35% phương tiện công cộng. Sau 12 tháng thí điểm, Sở sẽ đánh giá chất lượng, hiệu quả mô hình này", ông Long nói.
Theo đại diện nhà đầu tư, trong 7 ngày thử nghiệm tại Hà Nội (16 - 22/8) đã có hơn 16.000 tài khoản được mở mới. Khách hàng thực hiện hơn 7.000 chuyến đi, trên 46.000 km, đạt trung bình 6,3 km mỗi chuyến.
Dịch vụ cho thuê xe đạp trước đó đã triển khai tại TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, với hơn 2.500 xe hoạt động, hơn 2,6 triệu km đã đi.
Vietnam Airlines được trả thêm lương cho phi công Việt
Chính phủ quy định phi công Việt Nam được trả thêm lương nếu mức hiện tại thấp hơn phi công nước ngoài cùng làm việc cho Vietnam Airlines.
Chính phủ quy định phi công Việt Nam được trả thêm lương |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định trong đó quy định Vietnam Airlines được xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công nội địa, căn cứ vào chức danh, thời gian làm việc thực tế.
Nguồn tiền lương bổ sung tối đa hằng năm căn cứ vào mức chênh lệch giữa lương của phi công Việt và nước ngoài, tính bình quân theo nhóm chức danh trong cùng đội bay và thời gian làm việc thực tế.
Chính phủ yêu cầu, Vietnam Airlines khi xác định nguồn tiền lương bổ sung phải phù hợp với khả năng đáp ứng tài chính; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao hàng năm. Nếu Vietnam Airlines lỗ thì phải giảm lỗ so với năm trước.
Vietnam Airlines được hạch toán nguồn tiền lương bổ sung vào chi phí sản xuất, kinh doanh và chỉ được trả cho phi công người Việt Nam, không dùng vào mục đích khác.
Đề xuất bổ sung nguồn lương hàng năm để Vietnam Airlines trả thêm cho phi công người Việt Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất từ tháng 5, trong bối cảnh hãng đang "chảy máu" nguồn lực phi công do thu nhập thấp và quỹ lương không đủ bù đắp.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, năm 2022, hãng có hơn 6.000 lao động, tổng quỹ lương theo đơn giá gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó có 829 phi công Việt, 152 phi công nước ngoài (hãng ký hợp đồng cung ứng nhân lực với đối tác, không trả lương trực tiếp), 3.581 tiếp viên và lao động gián tiếp. Lương bình quân của phi công nội địa là 85 triệu mỗi tháng, bằng 59% so với lương phi công nước ngoài (145 triệu đồng).
Giai đoạn 2023 - 2025, đội ngũ phi công nội địa của hãng dự kiến tăng lần lượt 865; 959 và 1.044 người với lương tháng tương ứng 115,6; 128 và 134,8 triệu đồng mỗi tháng. Lương phi công nước ngoài làm việc cho hãng lần lượt là 268,4; 273,7 và 279,2 triệu đồng mỗi tháng, theo cung cầu thị trường.
Giá thép lao dốc kỷ lục
Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm lần thứ 18 liên tiếp xuống mức thấp nhất 3 năm. Ở lần điều chỉnh này, giá giảm mạnh, có loại giảm tới 810.000 đồng/tấn do nhu cầu tiêu thụ chậm.
Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 3 năm |
Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa dừng lại. Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000 - 810.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm thép xây dựng.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, thép Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn và thép thanh vằn, xuống còn 14,82 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Hòa Phát cũng giảm giá rất mạnh cho các sản phẩm. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát giảm tới 510.000 đồng/tấn với thép cuộn xuống 13,53 triệu đồng/tấn và giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn còn 13,79 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, các loại thép Việt Sing, Việt Ý và Việt Đức cũng giảm 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 18 lần giảm liên tiếp. Tùy thương hiệu, mức giảm có sự khác nhau. Hiện giá thép trong nước dao động phổ biến quanh mức 13 - 14 triệu đồng/tấn, là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Hà Nội khởi công khu tái định cư Vành đai 4
Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Văn Khê (Mê Linh) với diện tích gần 8 ha, tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, được khởi công sáng 24/8.
Phối cảnh Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Văn Khê (Mê Linh). |
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, khu tái định cư Văn Khê phục vụ giải phóng mặt bằng làm đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ được đầu tư theo hướng đô thị hiện đại "như một khu đô thị mini", kết nối giao thông thuận tiện, đầy đủ tiện ích.
Ngoài diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 25.000 m2 để phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 200 hộ dân, khu này còn bố trí 11.500 m2 đất công cộng, bãi đỗ xe và đất cây xanh, tạo điểm nhấn cảnh quan. Dự kiến các hạng mục hạ tầng như san nền, hệ thống thoát nước, đường giao thông được hoàn thành trước ngày 31/12 để giao đất cho các hộ dân. Các hạng mục còn lại như xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng hoàn thành tháng 5/2024.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km, diện tích đất cần thu hồi 141 ha, đi qua 5 xã, 12 thôn liên quan hơn 3.000 hộ dân. Trong đó, diện tích đất ở chiếm gần 7 ha liên quan 438 hộ dân thuộc ba thôn: Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê) và Tân Châu (xã Chu Phan). Sau khi xây dựng khu tái định cư Văn Khê, huyện sẽ tiếp tục khởi công xây dựng hai khu tái định cư tại thôn Nội Đồng xã Đại Thịnh và tại thôn Tân Châu, xã Chu Phan.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, để phục vụ thu hồi đất ở, thực hiện Dự án đường Vành đai 4, cần tái định cư khoảng 828 hộ dân. Trong đó, Mê Linh 294 hộ; Đan Phượng 115 hộ; Hoài Đức 115 hộ; Hà Đông 53 hộ; Thanh Oai 40 hộ và Thường Tín 201 hộ.
Thành phố đã lên kế hoạch xây dựng 14 khu tái định cư để phục vụ thu hồi đất ở, thực hiện Dự án. Đến nay, có hai khu tại huyện Sóc Sơn và Thường Tín đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.
TP.HCM sắp thông xe 2 cây cầu gần 1.000 tỷ đồng ở hai huyện ngoại thành
Cầu Long Kiểng tổng vốn 589 tỷ đồng và cầu Vàm Sát 2 tổng vốn hơn 342 tỷ đồng sẽ thông xe dịp lễ 2/9, giúp tăng kết nối, giảm ùn tắc cho huyện Cần Giờ và Nhà Bè.
Cầu Long Kiểng huyện Nhà Bè sẽ thông xe dịp Lễ 2/9 |
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng mới, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001, nhằm thay thế cho cầu Long Kiểng bằng sắt xây dựng từ sau năm 1975. Tuy nhiên, sau đó Dự án không được triển khai do TP.HCM chưa bố trí được nguồn vốn và gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án được duyệt và điều chỉnh lại năm 2017 với chiều dài 318 m, rộng 15 m được xây dựng bằng nguồn ngân sách Thành phố với trị giá 589 tỷ đồng.
Ngày 24/8, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, sau gần 1 năm thi công trở lại, cầu Long Kiểng hiện đạt gần 99% khối lượng, sẽ thông xe dịp Lễ Quốc khánh 2/9, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Dự án cầu Vàm Sát 2 được khởi công tháng 3/2018 với tổng vốn hơn 342 tỷ đồng. Cầu và đường dẫn hai đầu có tổng chiều dài gần 1,1 km, mặt cầu rộng 10 m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu là 60 km/giờ, không hạn chế tải trọng.
Theo ông Lương Minh Phúc, cầu Vàm Sát 2 đã hợp long tháng 8/2019. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng công trình nên tạm ngưng thi công hơn 2 năm. Đến năm 2022, Dự án mới được huyện Cần Giờ bàn giao đầy đủ mặt bằng để chủ đầu tư khởi động lại. Hiện Dự án đạt hơn 99% khối lượng, sẵn sàng thông xe dịp lễ 2/9 tới.
“Sau khi hoàn thành, cầu Vàm Sát 2 chia lửa cho cầu Vàm Sát 1 cũ, từ đó khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn kết nối giao thông giữa các xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ và với trung tâm TP.HCM”, ông Phúc nói.