Bản tin thời sự sáng 26/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bàn giao được 99,5% diện tích mặt bằng sân bay Long Thành; sẽ đấu giá lại nhà hàng nổi tiếng Đà Lạt; vàng nhẫn tăng giá phiên thứ bảy liên tiếp; EVN sắp được nhận 2 nhà máy điện khí nước ngoài chuyển giao; sớm xác định nguồn cung hơn 2 triệu m3 cát thi công cao tốc Bắc - Nam qua ĐBSCL…

Bàn giao được 99,5% diện tích mặt bằng sân bay Long Thành

Dự án sân bay Long Thành rộng 5.000 ha. Đồng Nai đã hoàn thành thu hồi gần 99,5% diện tích mặt bằng, còn khoảng 10 ha sẽ hoàn thành trong tháng 12.

Công trường sân bay Long Thành
Công trường sân bay Long Thành

Ngày 25/11, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết như vậy về tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án sân bay Long Thành.

Theo đó, việc giải phóng mặt bằng là hạng mục quan trọng nhất của Dự án thu hồi đất với tổng kinh phí gần 23.000 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư.

Dự án ảnh hưởng hơn 7.000 hộ dân, trong đó hơn 4.500 hộ cần tái định cư. Đây là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có diện tích đất lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Tỉnh.

Đối với diện tích mặt bằng dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành (T1, T2), tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ tuyến T1 cho Chủ đầu tư. Còn tuyến T2 đã bàn giao gần 40 ha trên tổng số hơn 50 ha phục vụ thi công dự án.

Sẽ đấu giá lại nhà hàng nổi tiếng Đà Lạt

UBND TP. Đà Lạt đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng hủy kết quả trúng đấu giá với ông Đoàn Hải Hà và tổ chức đấu giá cho thuê nhà hàng Thủy Tạ lần 2.

Nhà hàng Thủy Tạ ở hồ Xuân Hương.

Nhà hàng Thủy Tạ ở hồ Xuân Hương.

UBND TP. Đà Lạt vừa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê nhà gắn liền với thuê quyền sử dụng đất 10 năm đối với nhà hàng Thủy Tạ.

Nguyên nhân là UBND TP. Đà Lạt nhận được văn bản của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng về việc khách hàng Đoàn Hải Hà thông báo không đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ.

Theo lý giải của ông Đoàn Hải Hà nêu trong văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền, phương án kinh doanh sơ bộ của ông có nội dung bắt buộc phải đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành nhà hàng HV, nhưng UBND TP. Đà Lạt không chấp thuận.

Về lý do từ chối việc đổi tên nhà hàng Thủy Tạ, UBND TP. Đà Lạt cho rằng, nhà hàng này thuộc khu vực I của di tích thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1988.

Ngày 26/5/2016, Bộ đã có văn bản thỏa thuận quy hoạch chi tiết khu công viên Xuân Hương và thiết kế đô thị hồ Xuân Hương. Trên cơ sở đó, ngày 25/11/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định về nội dung thiết kế đô thị của địa danh nhà hàng Thủy Tạ: định hướng tổ chức không gian, các hướng nhìn và góc nhìn đẹp, giao thông, chiếu sáng, cây xanh, kiến trúc, chỉ tiêu quy hoạch…

Do đó, việc thay đổi địa danh nhà hàng Thủy Tạ phải được cấp bộ có liên quan xử lý, chấp thuận. UBND TP. Đà Lạt không có thẩm quyền thay đổi địa danh này.

Cũng theo UBND TP. Đà Lạt, sau 15 ngày kể từ ngày UBND Tỉnh phê duyệt kết quả đấu giá, ông Hà vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá, đồng thời thông báo không đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ.

Trước tình hình đó, UBND TP. Đà Lạt đề nghị Tỉnh hủy kết quả trúng đấu giá, đồng nghĩa với việc người trúng đấu giá sẽ mất số tiền hơn 600 triệu đồng đã nộp trước khi đấu giá.

Mặt khác, UBND TP. Đà Lạt đề xuất UBND Tỉnh thống nhất chủ trương cho Thành phố tiếp tục tổ chức đấu giá cho thuê nhà hàng Thủy Tạ lần 2 theo trình tự, thủ tục như phương án tổ chức đấu giá đã phê duyệt.

Vàng nhẫn tăng giá phiên thứ bảy liên tiếp

Nhẫn tròn 9999 có phiên thứ bảy liên tiếp đi lên, lần đầu vượt 62 triệu đồng/lượng, cao hơn 13% so với đầu năm.

Vàng nhẫn lần đầu vượt 62 triệu đồng/lượng

Vàng nhẫn lần đầu vượt 62 triệu đồng/lượng

Ngày 25/11, giá vàng nhẫn tròn trơn tại các thương hiệu kinh doanh lớn tiếp tục xác lập đỉnh mới, tăng 200.000 - 300.000 đồng/lượng so với ngày 24/11.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá bán nhẫn tròn trơn 9999 (24K) lần đầu lên 62 triệu đồng/lượng, chiều mua vào khoảng 61 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng nâng giá mua bán nhẫn tròn trơn 9999 lên mức cao nhất từ trước đến nay, 60,3 - 61,4 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh lên 60,5 - 61,65 triệu đồng.

So với mặt bằng 57 - 58 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 10, giá nhẫn tròn trơn đã tăng khoảng 7%. Còn nếu so với mức giá khoảng 54 triệu đồng hồi đầu năm, vàng nhẫn đã tăng gần 13%, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

Trong khi vàng nhẫn liên tiếp lập đỉnh, vàng miếng tăng chậm hơn. Sáng 25/11, giá vàng miếng quay lại mốc 72 triệu đồng/lượng, sau 2 ngày điều chỉnh gần đây. So với đỉnh cũ hơn 74 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng hiện chỉ còn kém khoảng 2 - 2,5 triệu đồng.

Kết phiên giao dịch ngày thứ Sáu, vàng thế giới neo trên 2.000 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 58,94 triệu đồng/lượng, thấp hơn 2,5 - 3 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn trong nước và thấp hơn 13 triệu đồng so với vàng miếng.

EVN sắp được nhận 2 nhà máy điện khí nước ngoài chuyển giao

Hai nhà máy nhiệt điện khí BOT do nước ngoài đầu tư sắp đến ngày chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng 20 năm. EVN được giao tiếp nhận.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3

Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc chuyển giao các nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao EVN thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành, kinh doanh, bảo trì và bảo quản các nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận các nhà máy điện trên theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, vận hành liên tục của hai nhà máy, bảo đảm nguồn cung ứng điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân…

Đây là hai dự án do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thực hiện từ năm 2001. Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation. Nhà máy có công suất hợp đồng 716,8 MW. Bộ hợp đồng dự án và Hợp đồng BOT được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký với Chủ đầu tư/Công ty BOT vào ngày 22/5/2001.

Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ 1/3/2004 với thời hạn 20 năm và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng.

Dự án BOT Phú Mỹ 2-2 cũng tại Bà Rịa - Vũng Tàu do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư với công suất 715 MW. Hợp đồng BOT ký ngày 18/9/2001 và vận hành năm 2005. Ngày 4/2/2025 là đến hạn chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết 20 năm hợp đồng.

Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều muốn tiếp nhận, vận hành, quản lý 2 nhà máy này.

Đề nghị công bố tình huống khẩn cấp thiên tai cao tốc La Sơn - Túy Loan

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với thiệt hại trên tuyến đường Hồ Chí Minh (cao tốc La Sơn - Túy Loan), đoạn từ Km35+540 - Km66+00, địa phận TP. Đà Nẵng.

Điểm sạt lở nặng đoạn Km46+330 - Km46+430 cao tốc La Sơn - Túy Loan

Điểm sạt lở nặng đoạn Km46+330 - Km46+430 cao tốc La Sơn - Túy Loan

Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ III, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn từ ngày 13 đến ngày 17/10/2023, đoạn La Sơn - Hòa Liên thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan từ Km35+540 - Km66+00, địa phận TP. Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Đất đá trên mái taluy sạt lở tràn xuống mặt đường lấp rãnh dọc. Trong đợt mưa lớn từ ngày 11 đến ngày 15/11/2023, phần đất sạt lở nằm trên mái taluy tiếp tục trôi trượt xuống tràn lấp mặt đường.

Hiện nay, trên tuyến có 2 điểm sạt lở nặng, tại vị trí Km42+730 - Km42+800, gần 4.800 m3 đất đá mái taluy dương sạt lở dài khoảng 68 m, đẩy tường chắn rọ đá dịch chuyển ra lề đường, đất tràn lấp toàn bộ rãnh dọc, lề đường đến mép mặt đường. Tại vị trí Km46+330 - Km46+430, 18.500 m3 đất đá trên mái taluy tiếp tục sạt lở, đẩy ngã đổ 80m tường chắn bê tông xi măng. Đất đá sạt lở đẩy phần tường chắn đã ngã đổ, rọ đá sau lưng tường về phía bên trái tuyến chiếm gần hết mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Những ngày qua, đơn vị bảo trì đường bộ tập trung thu dọn đất đá, đặt biển báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, bảo đảm giao thông để thông xe tạm thời. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết còn diễn biến phức tạp, phần đất ta luy dương có nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao, hoạt động giao thông tiếp tục bị gián đoạn. Hiện phương tiện lưu thông trên tuyến với lưu lượng rất lớn nên xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài nhiều đợt khi lưu thông 1 làn qua vị trí sạt lở nặng.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Hòa Liên từ Km35+540 - Km66+00, địa phận TP. Đà Nẵng.

Sớm xác định nguồn cung hơn 2 triệu m3 cát thi công cao tốc Bắc - Nam qua ĐBSCL

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương xác định nguồn vật liệu, cung cấp hơn 2 triệu m3 cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Cập nhật tình hình cung cấp vật liệu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT cho biết, tại Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được xấp xỉ 17 triệu m3.

Thực tế, đến nay nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3 (tỉnh An Giang khoảng 0,2 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 0,5 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3).

Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương về nguồn cát, các địa phương đã cam kết hoàn thành thủ tục cấp mỏ trong năm 2023.

Song hiện vẫn còn khoảng 2,1 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp (tỉnh An Giang 0,44 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 1,65 triệu m3) và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 8.000 m3/ngày đối với các mỏ đang khai thác (chưa tính đến công suất của 13 mỏ đang làm thủ tục cấp mới). Trong khi đó, nhu cầu của dự án khoảng 70.000 m3/ngày. Bộ GTVT đề nghị các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long khẩn trương xác định nguồn cung cấp 2,1 triệu m3 cát cho dự án để các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác trong năm 2023.

Theo Bộ GTVT, sau khi các mỏ vật liệu xây dựng được đưa vào khai thác, các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung thi công. Đến nay, sản lượng thi công đạt hơn 14.700 tỷ đồng, xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng do khó khăn về nguồn cung vật liệu vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.

Bộ GTVT đề nghị rà soát nâng công suất các mỏ đang khai thác để đáp ứng tiến độ thi công, trường hợp không đủ công suất đề nghị bố trí thêm các mỏ mới.

Hoàn thành 501 nhà chờ, trạm dừng xe buýt hiện đại ở Cần Thơ

Sau 270 ngày thi công, Dự án xây dựng 501 nhà chờ, trạm dừng xe buýt hiện đại của TP. Cần Thơ đã hoàn thành.

70 nhà chờ xe buýt hiện đại của TP. Cần Thơ được xây mới đã cơ bản hoàn tất

70 nhà chờ xe buýt hiện đại của TP. Cần Thơ được xây mới đã cơ bản hoàn tất

Ngày 25/11, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ) cho biết, sau 270 ngày thi công, Dự án Trạm dừng, nhà chờ xe buýt: 501 điểm dừng đón, trả khách hiện đã cơ bản hoàn thành.

Hiện các nhà thầu đang dọn dẹp vệ sinh, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết nếu có.

Trước đó, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trạm dừng, nhà chờ xe buýt với 501 điểm dừng đón, trả khách hiện đại với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng. Dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Quy mô Dự án là đầu tư 501 nhà chờ và điểm dừng đón, trả khách để thay thế điểm dừng đón hiện hữu bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, xây dựng 70 nhà chờ, quy mô đáp ứng cho khoảng 5 - 8 người ngồi chờ; lắp đặt trụ biển báo điểm dừng xe buýt, kết hợp với biển thông tin tuyến và biển tuyên truyền, quảng cáo tại 431 vị trí.

Dự án có 13 gói thầu, trong đó có 1 gói thi công xây dựng công trình nhà chờ, trạm dừng do Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng Đăng Cường Thịnh - Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp miền Tây thực hiện.

TP. Cần Thơ hiện có 7 tuyến xe buýt nội thành đang hoạt động gồm: Ba Láng - Ô Môn; công viên Sông Hậu - thị trấn Phong Điền; Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ; Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ; Ô Môn - Vĩnh Thạnh; ngã ba Lộ Tẻ - Kinh B; ngã Ba Lộ Tẻ - thị trấn Cờ Đỏ.

Tin cùng chuyên mục