![]() |
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 9/5/2025 |
6 nội dung, điểm mới trong Dự thảo Luật
Sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Theo Tờ trình, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thể chế hóa đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước theo chủ trương mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu định hướng của giai đoạn mới; bảo đảm quy hoạch phải là nền tảng, tạo điều kiện cho sự phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập quốc tế; huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, nghiên cứu, đánh giá kỹ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa khi sửa đổi Luật...
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Dự thảo Luật bao gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch theo 6 nội dung, điểm mới chính. Một là, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, theo hướng bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch; bổ sung quy định cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được phép lập đồng thời; đối với quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Hai là, Dự thảo Luật cũng đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng; chuyển danh mục dự kiến dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời phân cấp cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Ba là, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đơn cử, phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.
Năm là, Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch để tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn, cụ thể bỏ quy định về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch; bổ sung quy định làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
Sáu là, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và pháp luật có quy định liên quan đến quy hoạch để không có khoảng trống pháp lý, không gián đoạn trong quản lý nhà nước về quy hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (UBKT&TC) của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Hồ sơ Dự án Luật gửi các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra đã đáp ứng yêu cầu theo quy định và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi |
Liên quan tới một số nội dung cụ thể, UBKT&TC cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (sửa đổi, bổ sung Điều 22, 25, 26 và 27 của Luật Quy hoạch) theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng và giao Chính phủ quy định chi tiết là để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lược bỏ những nội dung không cần thiết hoặc mang tính cụ thể của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai các quy hoạch này; trường hợp giữ như Luật hiện hành cần giải trình làm rõ, nhất là đối với những nội dung khác với dự thảo Luật đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định.
Về việc bỏ quy định về danh mục dự kiến các dự án trong nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (chuyển sang kế hoạch thực hiện quy hoạch), UBKT&TC đánh giá sẽ khắc phục tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Tuy nhiên, với việc xác định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ mang tính định hướng theo quy định tại dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn căn cứ để đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch, cũng như vai trò của các quy hoạch này khi phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư hoặc triển khai thực hiện các dự án; đồng thời, đề nghị rà soát các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… để bảo đảm phù hợp, thống nhất với chủ trương, định hướng khi sửa đổi Luật Quy hoạch, tránh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tại khoản 6 Điều 13 của Luật Quy hoạch quy định hành vi bị cấm là thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt; trong khi đó, văn bản hướng dẫn các luật liên quan đến đầu tư quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch có liên quan chưa cụ thể, rõ ràng nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời, Luật Quy hoạch cũng quy định các quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch cấp trên nhưng việc đánh giá sự phù hợp hoặc mâu thuẫn giữa các quy hoạch chưa được quy định rõ, nhất là việc xác định giá trị của hệ thống sơ đồ, bản đồ của các quy hoạch chưa được quy định, dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án của các địa phương trong thời gian qua. Do đó, UBKT&TC đề nghị cần phải nghiên cứu đề xuất phương án để xử lý triệt để vấn đề này.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch (sửa đổi, bổ sung Điều 14, 30, 34, 55 của Luật Quy hoạch và Điều 2 của dự thảo Luật), dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Đồng thời, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
UBKT&TC nêu quan điểm, việc lập mới 2 quy hoạch này sẽ được thực hiện tại thời kỳ 2031 - 2040 nên cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn triển khai quy định về phân cấp thẩm quyền nêu trên khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, tương tự như đối với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; trong trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ quyết định việc lập mới quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia thì cần rà soát, nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội theo Hiến định đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia.