Bản tin thời sự sáng 26/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giám sát chặt người đi từ vùng có dịch cúm H5N1; hai sân bay Hà Giang và Tuyên Quang bị từ chối đưa vào quy hoạch; thành viên Sonkim Land huy động 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm; Bộ Công an vào cuộc vụ Dự án khu dân cư Tam Phước…

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giám sát chặt người đi từ vùng có dịch cúm H5N1

Sở Y tế TP.HCM vừa ra văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các cơ sở khám chữa bệnh về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm A (H5N1) và yêu cầu thực hiện giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm A (H5N1).

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu. Ảnh minh họa

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu. Ảnh minh họa

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến từ vùng có dịch cúm A (H5N1). Phối hợp với các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

Đặc biệt, cơ quan này cần giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ. Lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM xác định nguyên nhân, triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

Đối với các trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu phối hợp với phòng y tế tham mưu UBND chỉ đạo các ban, ngành địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1).

Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, báo cáo ngay về HCDC…

Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Thực hiện hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.

Hai sân bay Hà Giang và Tuyên Quang bị từ chối đưa vào quy hoạch

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không đưa hai sân bay do tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đề xuất vào quy hoạch do địa hình hiểm trở, phương thức bay không thuận lợi.

Việc xây dựng hai sân bay do tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đề xuất được đánh giá không khả thi

Việc xây dựng hai sân bay do tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đề xuất được đánh giá không khả thi

Sau 4 tháng rà soát vị trí sân bay theo đề xuất của 10 địa phương, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ đánh giá tổng thể về điều kiện tự nhiên, vùng trời, phương thức bay tại mỗi vị trí.

Theo Bộ GTVT, sân bay Hà Giang đặt tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, không khả thi do địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, vùng trời và phương thức bay không thuận lợi. Đơn vị tư vấn đề xuất nghiên cứu xây sân bay tại xã Đồng Tâm, cách xã Tân Quang khoảng 2 km về phía Đông Nam, cách TP. Hà Giang khoảng 40 km theo hướng Bắc - Đông Bắc.

Tại tỉnh Tuyên Quang, xã Năng Khả, huyện Na Hang cũng có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nhiều núi cao, không xây dựng được phương thức bay. Đơn vị tư vấn đề xuất nghiên cứu vị trí sân bay tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, cách TP. Tuyên Quang 20 km về phía Tây Bắc.

Với 8 địa phương khác là Sơn La, Yên Bái, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đăk Nông, Tây Ninh, Bộ GTVT đánh giá các vị trí đề xuất xây dựng sân bay có khả năng bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay. Tuy nhiên, phần lớn vẫn có sự xung đột về vùng trời với các sân bay khác nên cần khảo sát thêm về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.

Do đó, Bộ GTVT để ngỏ cho các tỉnh lập đề án đánh giá quy hoạch bao gồm tính khả thi, hiệu quả, khả năng huy động vốn đầu tư, sau đó mới quyết định đưa vào quy hoạch mạng cảng hàng không.

Cầu 100 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế thi công 5 năm chưa xong

Được đầu tư 100 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương, cầu Lợi Nông (tỉnh Thừa Thiên Huế) dài hơn 40 m, rộng 24 m, vẫn dang dở sau 5 năm thi công.

Cầu Lợi Nông bắc qua sông Lợi Nông, ở phường An Đông, TP. Huế

Cầu Lợi Nông bắc qua sông Lợi Nông, ở phường An Đông, TP. Huế

Theo thiết kế ban đầu, cầu Lợi Nông rộng 10 m, dài hơn 40 m, bắc qua sông Lợi Nông, khởi công năm 2018 với kinh phí 32 tỷ đồng. Ban Quản lý phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Công trình mới hoàn thành phần thô hạng mục cầu và kè đá, khối lượng hơn 16 tỷ đồng thì dừng lại.

Nguyên nhân là quá trình thiết kế, lập dự án chưa phù hợp thực tế. Đường dẫn hai đầu cầu không đồng mức với đường Tôn Quang Phiệt, đường Hải Triều, ảnh hưởng đến tổ chức giao thông.

Năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng tổng mức đầu tư Dự án lên 100 tỷ đồng (tăng 68 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng 24,7 tỷ đồng, mở rộng mặt cầu gần 34 tỷ đồng và các chi phí đầu tư xây dựng khác.

Theo thiết kế mới, cầu Lợi Nông dài hơn 40 m, chiều rộng tăng lên 24 m, phía dưới khung dầm dạng mái vòm, là công trình vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép, kết nối hai khu đô thị mới An Cựu và Đông Nam Thủy An. Theo kế hoạch, cầu hoàn thành năm 2022 song đến nay vẫn dang dở.

Ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc thi công cầu Lợi Nông chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, nhà thầu xin chấm dứt hợp đồng.

Hiện nay, một số hộ dân nằm trong vùng giải phóng mặt bằng đã nhận tiền đền bù, song chưa nhận đất tái định cư nên chưa bàn giao mặt bằng. Ban đã nhiều lần đốc thúc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế sớm giải quyết cho người dân để triển khai Dự án. Dự kiến cuối năm 2023, cầu Lợi Nông sẽ hoàn thành.

Thành viên Sonkim Land huy động 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm

Công ty CP Đầu tư bất động sản Sơn Kim, thành viên của Sonkim Land vừa phát hành thành công lô trái phiếu tổng trị giá 500 tỷ đồng với kỳ hạn 30 tháng.

Lãi suất phát hành của lô trái phiếu là 13,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần

Lãi suất phát hành của lô trái phiếu là 13,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần

Theo thông tin từ chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Đầu tư bất động sản Sơn Kim, thành viên của Sonkim Land, mới đây đã phát hành thành công 5.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 30 tháng. Theo đó, ngày phát hành là 10/2/2023, ngày hoàn tất là 20/2/2023 và đáo hạn vào ngày 10/8/2025. Số tiền doanh nghiệp thu về là hơn 500 tỷ đồng.

Lãi suất phát hành của lô trái phiếu này là 13,5%/năm và trái chủ được trả lãi định kỳ 6 tháng/lần. Năm ngoái, lãi suất trái phiếu bình quân toàn thị trường là 8,05%/năm còn năm 2021 là 7,94%/năm. Mục đích phát hành của lô trái phiếu này không được nêu chi tiết.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Công ty CP Đầu tư bất động sản Sơn Kim huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 11,5%/năm. Lô này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 29/9/2025.

Số tiền huy động khi đó được Công ty cho biết dùng để mua Dự án tòa nhà văn phòng The METT tại lô 1-13, thuộc Dự án Khu phức hợp The Metropole Thủ Thiêm thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TPHCM). Đầu năm 2023, doanh nghiệp này đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu nói trên thông qua 2 đợt vào ngày 19/1 và 27/1.

Bộ Công an vào cuộc vụ Dự án khu dân cư Tam Phước

Ngày 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu để điều tra vụ án tại Dự án Khu dân cư Tam Phước.

Dự án Khu dân cư Tam Phước.

Dự án Khu dân cư Tam Phước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu một số sở của tỉnh Đồng Nai và UBND TP. Biên Hòa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến Dự án Khu dân cư Tam Phước, phường Tam Phước, TP. Biên Hòa. Dự án này do Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh làm chủ đầu tư.

Năm 2007, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận địa điểm, lập thủ tục đầu tư Dự án Khu dân cư tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 157 ha. Do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đền bù, giải tỏa trên diện tích đất dự án được giới thiệu là 157 ha để được giao đất theo quy định pháp luật nên Dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để phân lô bán nền, không được phép huy động vốn.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thị Chí Sương, Đặng Đức Trung đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra nhiều thông tin quảng bá Dự án như: có lợi thế hấp dẫn nằm cạnh sân bay Long Thành, môi trường thân thiện, tổ chức hội thảo, phóng sự... tạo lòng tin với khách hàng để huy động vốn, phân lô bán nền Dự án. Họ ký “hợp đồng đại lý phân phối độc quyền Dự án Khu dân cư Tam Phước" với Công ty CP Đầu tư bất động sản Hoàng Linh, cùng với Đặng Đức Trung ký “Hợp đồng dịch vụ môi giới độc quyền" với Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng bất động sản Nam Tiến để các doanh nghiệp này môi giới, ký hợp đồng góp vốn nhưng thực chất là hợp đồng bán nền đất tại Dự án Khu dân cư Tam Phước, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các bị hại.

Liên quan đến dự án này, ngày 24/2/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã cung cấp bản chồng ghép quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Tam Phước với hơn 157 ha cùng ranh giới thu hồi đất, thống kê vị trí lô theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

FLC bị truy thu hơn 8 tỷ đồng do khai thác hơn nửa triệu m3 nước trái phép

Tập đoàn FLC đã khai thác trái phép 547.440 m3 nước ngầm để tưới cỏ sân golf ở Hạ Long suốt 3 năm. Tổng số tiền FLC bị tỉnh Quảng Ninh truy thu là hơn 8 tỷ đồng.

Sân golf FLC Hạ Long, nơi Công ty CP Tập đoàn FLC đã đào các giếng khoan trái phép

Sân golf FLC Hạ Long, nơi Công ty CP Tập đoàn FLC đã đào các giếng khoan trái phép

Ngày 25/2, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, UBND tỉnh này vừa ra Quyết định số 412 về việc phê duyệt số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do Công ty CP Tập đoàn FLC (địa chỉ tầng 29, tòa nhà Bamboo Airway, số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) khai thác sử dụng nước dưới lòng đất để tưới cỏ sân golf FLC Hạ Long trong khi không có giấy phép.

Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh xác định, từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2021, Tập đoàn FLC đã thực hiện khai thác nước tại 3 giếng khoan GK04, GK07, GK08 (thuộc phường Hà Trung, TP. Hạ Long) với tổng lưu lượng là 547.440 m3, mục đích để sử dụng tưới cỏ sân golf, khi chưa được phép của cơ quan chức năng địa phương. Tổng số tiền được xác định trong vụ việc là hơn 8 tỷ đồng.

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn FLC hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số liệu báo cáo, hồ sơ, bảng kê chứng từ, chứng minh để làm căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp.

Đồng thời có trách nhiệm liên hệ với Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh để được hướng dẫn, thực hiện nộp số lợi bất hợp pháp nêu trên vào ngân sách nhà nước sau 10 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

Trước đó, đầu năm 2018, người dân địa phương phát hiện nguồn nước và quá trình cung cấp nước sạch có nhiều vấn đề, trong đó có việc nước bẩn và cạn kiệt.

Đối chiếu số liệu nước sạch mà Tập đoàn FLC mua của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thời điểm trước đó với thời điểm người dân phát hiện có sự bất thường về nguồn nước, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc và phát hiện một số giếng khoan được đào trái phép trong ranh giới FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort, tại đồi cột 3, cột 8, TP. Hạ Long.

Bạc Liêu công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông, đoạn K0+000 - K0+046 (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Biển cảnh báo tại vị trí sạt lở đê biển Đông

Biển cảnh báo tại vị trí sạt lở đê biển Đông

Những ngày qua, do thủy triều dâng cao kết hợp gió lớn, đã xảy ra sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng. Vị trí sạt lở có tổng chiều dài là 46m. Trong đó, một đoạn đê dài 25m có chiều rộng sạt lở 6m, sâu 1,5m và một đoạn đê dài 21m có chiều rộng sạt lở từ 1 - 3m, sâu 1m.

Hiện trạng sạt lở trên là do rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn tại vị trí bờ biển trước đoạn đê này, nên triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở mái đê và thân đê rất nghiêm trọng.

Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh đã tạo thành các con sóng rất lớn làm nước biển tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.

Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố sạt lở gây ra.

Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức ngay việc khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở.

Huy động ngay các lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp, bước đầu hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này. Đồng thời, bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố…

Khởi tố 4 bị can thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ

Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố 4 bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ để điều tra hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán.

Dự án chung cư Riverside của Tập đoàn Tiến Bộ

Dự án chung cư Riverside của Tập đoàn Tiến Bộ

Chiều 25/2, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra vụ án cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB Group), địa chỉ tại tổ 3, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 4 bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ.

Trên website, Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ tự giới thiệu được thành lập từ năm 1998, là công ty kinh doanh đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực như bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất quả cầu lông tiêu chuẩn thi đấu, giàn giáo, cốp pha.

Công ty này hiện do ông Phùng Văn Bộ là Chủ tịch HĐQT và ông Phùng Văn Thái là Tổng giám đốc.

Liên quan đến mã chứng khoán TTB của công ty trên, cuối tháng 1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt các ông Dương Thanh Xuân và Nguyễn Thành Nam 600 triệu đồng mỗi người. Các cá nhân này cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB.

Lập hồ sơ giả, chiếm đoạt 34 tỷ đồng công trình đường sắt

Ông Lê Hữu Tiến, cựu Giám đốc Công ty CP Cơ khí và Xây dựng công trình 878, bị khởi tố do lập khống hồ sơ, hợp thức chứng từ kế toán để rút hơn 34 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Tiến khi bị bắt giữ tại nhà

Ông Lê Hữu Tiến khi bị bắt giữ tại nhà

Ngày 25/2, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố ông Tiến cùng Trần Việt Hùng (cựu Phó Giám đốc Công ty 878), Trương Văn Huy (cựu Trưởng phòng vật tư thiết bị), Lê Văn Tuấn (cựu Kế toán trưởng) về tội Tham ô tài sản, theo Khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Công an cáo buộc, từ năm 2016 đến năm 2018, ông Tiến cùng với cấp dưới đã có hành vi lập khống hồ sơ, hợp thức chứng từ kế toán để rút hơn 34 tỷ đồng của Công ty CP Cơ khí và Xây dựng công trình 878, địa chỉ tại phường Phú Bài, TP. Huế. Đây là đơn vị thuộc Tổng công ty Công trình đường sắt.