Bản tin thời sự sáng 26/3

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng không Việt phát sinh chi phí "khủng" do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine; nghiên cứu đầu tư hơn 870 triệu USD thực hiện siêu dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ; đề xuất lùi hạn nộp thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện…

Hàng không Việt phát sinh chi phí "khủng" do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực tới kinh tế, trong đó có ngành hàng không.

Hàng không Việt phát sinh chi phí khủng do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine.

Hàng không Việt phát sinh chi phí khủng do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá tác động của căng thẳng Nga - Ukraine với lĩnh vực hàng không, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết, chiến sự Nga - Ukraine xảy ra kéo theo việc EU, Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này và Nga cũng có các động thái tương tự đáp trả.

Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...

Hiện tại Việt Nam có Vietnam Airlines đang khai thác đường bay đi/đến Nga; Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Mỹ, có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga. Việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga, hoạt động khai thác của 2 hãng bị tác động lớn.

Cụ thể, các chuyến bay đi/đến Châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi.

Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 USD/chuyến bay đến 21.200 USD/chuyến bay.

Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 USD đến 130.000 USD/tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam và Châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 USD - 65.000 USD/tuần.

Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20 - 30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 USD - 40.000 USD/tuần tùy từng giai đoạn.

Nghiên cứu đầu tư hơn 870 triệu USD thực hiện siêu dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ

Dự án quy mô hơn 870 triệu USD đang được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và hãng tàu Mediterranean Shipping Company nghiên cứu.

VIMC đề xuất xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ (TP.HCM)
VIMC đề xuất xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ (TP.HCM)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP.HCM ủng hộ Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên VIMC) thực hiện dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ.

Dịch vụ trung chuyển container quốc tế từ lâu đã trở thành chiến lược cạnh tranh tại các quốc gia có cảng biển, đưa Việt Nam trở thành khu vực trung chuyển hàng hoá quốc tế. Việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, lan toả, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, hàng hải, dịch vụ, sản xuất tài chính...

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC Lê Anh Sơn, Dự án đang được đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu cùng Mediterranean Shipping Company (MSC).

Siêu cảng được đề xuất có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT (trọng tải toàn phần), tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570 ha. Công suất thiết kế 15 triệu TEUS (1 TEU tương đương 1 container tiêu chuẩn dài 20 feet).

Để tạo thuận lợi cho Dự án, VIMC đề xuất được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, giao cho UBND TP.HCM lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng.

Ngoài ra, VIMC kiến nghị cần cập nhật, bổ sung Dự án vào các quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo Dự án triển khai phù hợp với các quy hoạch có liên quan...

Tháng 10/2021, VIMC đã có đề xuất với Bộ Giao thông vận tải chủ trương đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ với mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương hơn 870 triệu USD.

Đề xuất lùi hạn nộp thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Bộ Tài chính vừa hoàn tất các dự thảo Nghị định lùi hạn nộp nhiều loại thuế quan trọng và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.

Bộ Tài chính vừa hoàn tất các dự thảo Nghị định lùi hạn nộp nhiều loại thuế quan trọng

Bộ Tài chính vừa hoàn tất các dự thảo Nghị định lùi hạn nộp nhiều loại thuế quan trọng

Do đây là các giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong giai đoạn khó khăn nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Với thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp từ tháng 3 - 5/2022 và quý I/2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng; thuế của tháng 6 và quý II sẽ gia hạn 5 tháng; thuế của tháng 7 gia hạn 4 tháng và gia hạn 3 tháng với thuế VAT của tháng 8.

Tổng số thuế giá trị gia tăng nằm trong diện gia hạn khoảng 53.300 - 54.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách năm 2022 không giảm do doanh nghiệp vẫn phải nộp trước 31/12 năm nay.

Với hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là 31/12 năm nay. Số thuế được gia hạn khoảng hơn 15.300 tỷ đồng và số thu ngân sách không bị giảm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ vốn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, Dự thảo trình gia hạn tạm nộp thuế của Quý I, Quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được chậm nộp khoảng 51.000 - 52.000 tỷ đồng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của tháng 6,7, 8 và tháng 9 đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cũng được lùi hạn nộp tới 20/11 năm nay.

Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, thời hạn nộp tiền thuê hàng năm là 2 kỳ (kỳ thứ nhất nộp 50%, chậm nhất ngày 31/5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại, chậm nhất ngày 31/10). Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ thứ nhất trong 6 tháng, tới 31/11 năm nay. Dự kiến số tiền thuê đất, mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng.

Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình HĐND thành phố, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng BHXH tự nguyện, giai đoạn 2022 - 2025.

Những lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được xem xét hỗ trợ nếu tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Những lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được xem xét hỗ trợ nếu tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Hiện mức hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện rất thấp. Với người thuộc hộ nghèo, mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH hàng tháng theo khu vực nông thôn, tương ứng 99.000 đồng mỗi tháng; người thuộc hộ cận nghèo là 25%, tương ứng 82.500 mỗi tháng; hỗ trợ nhóm khác bằng 10%, tương ứng 33.000 đồng mỗi tháng. Mức này chưa thu hút người lao động đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế khi về già.

Từ năm 2022, mức chuẩn nghèo đa chiều tăng lên, tại Hà Nội là 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, từ 154.000 lên 330.000 đồng/người/tháng, khiến người lao động gặp khó. Thống kê ba tháng đầu năm 2022, số người đóng BHXH tự nguyện tại Hà Nội giảm so với cuối năm 2021.

Lao động phi chính thức chưa đóng BHXH khi về già sẽ không có lương hưu, trở thành gánh nặng cho ngân sách. Theo quy định, người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hay trợ cấp nhận 440.000 đồng/người/tháng và được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Ngân sách thành phố đang chi khoảng 490 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng; 75 tỷ đồng tiền đóng BHYT cho gần 93.000 người mỗi năm.

Hà Nội thống kê sau 13 năm thực hiện, số người đóng BHXH tự nguyện mới đạt 1,3% lực lượng lao động. Trong khi chỉ tiêu tới năm 2030, tỷ lệ này phải trên 10% và 65% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Vì vậy, UBND Thành phố khẳng định việc ban hành chính sách hỗ trợ là cần thiết, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi trả trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT) hàng tháng cho người không có lương hưu.

TP.HCM chính thức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4

Ngày 25/3, Sở GTVT TP.HCM đã chính thức thông tin về việc triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ công ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố.

Từ 0h ngày 1/4/2022, TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Từ 0h ngày 1/4/2022, TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM cho biết, từ 0h ngày 1/4/2022, TP.HCM sẽ chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố.

Về đối tượng thu phí: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM; Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và ngoài TP.HCM).

TP.HCM sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng 176%

Trong Quý I, lượng khách và hàng hóa quốc tế qua sân bay Việt Nam đều tăng mạnh, lên đến 176% và 113%; các chuyến bay nối với Nhật Bản đông đúc nhất.

Số khách quốc tế qua các cảng hàng không Việt Nam đạt khoảng 321.000 trong Quý 1, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước

Số khách quốc tế qua các cảng hàng không Việt Nam đạt khoảng 321.000 trong Quý 1, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước

Khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế kể từ 15/3, Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất - 45 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến tháng 4 có thêm các đường bay giữa Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc với Đà Nẵng.

Số khách quốc tế qua các cảng hàng không Việt Nam đạt khoảng 321.000 trong Quý 1, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản đông đúc nhất, các hãng đã chuyên chở 10.300 hành khách, chiếm 18% tổng số khách trên đường bay quốc tế.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến ngày 25/3 đã có 23 hãng hàng không khai thác 67 chặng bay giữa Việt Nam và 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

8 điểm đến chưa mở lại đường bay thường lệ với Việt Nam gồm: Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao (Trung Quốc), Phần Lan, Italy, Thụy Sĩ.

Trong khi lượng khách quốc tế tăng, hành khách đi lại nội địa trong Quý I giảm. Các hãng trong nước đang khai thác 60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với các địa phương. Tổng số hành khách qua các sân bay đạt 13 triệu, giảm 13% so với cùng kỳ.

Nghệ An thu giữ 1 triệu lít xăng không có nguồn gốc

Một triệu lít xăng trong kho chứa của tàu Xuân Sơn 5 bị cảnh sát thu giữ do không có nguồn gốc, ước tính gần 30 tỷ đồng.

Cảnh sát khám xét tàu nghi chở một triệu lít xăng không rõ nguồn gốc

Cảnh sát khám xét tàu nghi chở một triệu lít xăng không rõ nguồn gốc

Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra tàu Xuân Sơn 5 của Công ty TNHH Tân Xuân (thị xã Cửa Lò) nghi chở xăng lậu tại khu vực biển Cửa Lò.

Trong kho chứa của tàu, lực lượng chức năng phát hiện một triệu lít xăng E5. Số hàng tại thời điểm này được xác định không có hóa đơn, nguồn gốc; tổng giá trị ước tính gần 30 tỷ đồng.

Khám trụ sở Công ty, cảnh sát thu thêm nhiều tài liệu liên quan hoạt động kinh doanh xăng không rõ nguồn gốc.

Theo nhà chức trách, một số người liên quan khai xăng được mua từ các tàu không rõ nguồn gốc ở vùng biển gần phao số 0. Vụ án đang được mở rộng.

Tin cùng chuyên mục