Bản tin thời sự sáng 26/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó tư lệnh Quân khu 9 bị cách tất cả chức vụ trong Đảng; Bắc Giang khôi phục dần hoạt động bốn khu công nghiệp từ ngày 28/5; TP.HCM đầu tư 1.500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 50; tuần sau thử nghiệm Vắc xin Nanocovax giai đoạn 3; Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra chung cư chưa nghiệm thu đã cho 300 người vào ở…

Phó tư lệnh Quân khu 9 bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó tư lệnh Quân khu 9, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng của 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Thiếu tướng Trần Văn Tài
Thiếu tướng Trần Văn Tài

Quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 25/5 của Ban Bí thư, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại cuộc họp, Ban Bí thư xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và kết luận trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Thiếu tướng Trần Văn Tài đã có nhiều vi phạm.

Cụ thể, ông Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.

Thiếu tướng Tài cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Bí thư nhận định, vi phạm của thiếu tướng Trần Văn Tài là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần kỷ luật nghiêm minh.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 (từ 11 - 14/5), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật thiếu tướng Trần Văn Tài - Phó Tư lệnh Quân khu 9 (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu).

Bắc Giang khôi phục dần hoạt động bốn khu công nghiệp từ ngày 28/5

Một số doanh nghiệp thuộc bốn khu công nghiệp (KCN) đang tạm ngừng hoạt động dự kiến sản xuất trở lại từ ngày 28/5.

Khu công nghiệp Vân Trung với 90.000 công nhân đã tạm ngừng hoạt động từ sáng 18/5

Khu công nghiệp Vân Trung với 90.000 công nhân đã tạm ngừng hoạt động từ sáng 18/5

UBND tỉnh Bắc Giang vừa công bố phương án khôi phục dần hoạt động bốn KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng sau một tuần tạm đóng cửa để phòng dịch.

Theo lãnh đạo Tỉnh, việc này nhằm đưa Bắc Giang sang giai đoạn mới vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn, giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, ổn định việc làm, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là mắt xích quan trọng.

8 doanh nghiệp sẽ được xây dựng thành mô hình điểm để sản xuất trở lại, gồm: Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam, Công TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang (KCN Đình Trám); Công ty CP Xuất nhập khẩu Bắc Giang: Dự án nhà máy giấy Xương Giang (KCN Song Khê - Nội Hoàng); Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung); Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu; Công ty TNHH New Hope; Công ty TNHH Đặc khu Hope; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (KCN Quang Châu).

Các công ty này sẽ được kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn xong trong ngày 27/5 để ngày 28/5 bắt đầu hoạt động trở lại.

Theo ông Nguyễn Nguyên Thái, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đầu tư KCN tỉnh Bắc Giang, việc khôi phục sản xuất sẽ từng bước, chia theo từng đợt chứ không ồ ạt cùng một lúc. Doanh nghiệp được hoạt động trở lại phải đáp ứng được quy định phòng chống dịch.

Việc hoạt động trở lại của bốn KCN trên sẽ được chia làm hai giai đoạn: sản xuất trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các ca nhiễm tiếp tục tăng và giai đoạn hai là sau khi khống chế được dịch và trở lại trạng thái bình thường mới.

TP.HCM đầu tư 1.500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 50

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM), dài hơn 8 km sẽ được mở rộng với tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc

Nội dung được đề cập trong quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 50 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình vừa ký gửi các sở, ngành liên quan làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Động thái này được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị UBND TP.HCM hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công gửi cơ quan này trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An dài 8,5 km dự kiến mở rộng lên 34 m. Trong tổng mức đầu tư, hơn 510 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Dự án thuộc nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công nhưng hiện chưa có Nghị quyết của HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương.

Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố bố trí vốn để làm cơ sở triển khai Dự án.

Dài khoảng 88 km, Quốc lộ 50 bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8) chạy qua huyện Cần Giuộc (Long An), điểm cuối tại Lộ Dừa (Tiền Giang). Đây là tuyến huyết mạch nối TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuần sau thử nghiệm vắc xin Nanocovax giai đoạn 3

Dự kiến trong tuần sau, Việt Nam sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax với khoảng 13.000 tình nguyện viên.

Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax

Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax

Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế vừa họp, xem xét thông qua quyết định cho phép triển khai nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax.

Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, về cơ bản hội đồng đã đồng ý nghiên cứu giai đoạn 3 đa trung tâm, tuy nhiên đơn vị nghiên cứu cần hoàn chỉnh hồ sơ trong tuần này, trình Bộ Y tế để ký duyệt trước khi triển khai.

Trong giai đoạn 3, vắc xin Nanocovax sẽ thử nghiệm đa trung tâm tại các cơ sở trong nước với khoảng 13.000 tình nguyện viên. Tại miền Bắc có Học viện Quân y và Hưng Yên, khu vực phía Nam có Viện Pasteur TP.HCM và Long An tham gia.

Giai đoạn 3 sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, trước mắt sẽ tiêm cho 800 tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó sẽ tiếp tục tuyển thêm.

Thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nancocovax đã tiêm xong từ ngày 8/4, tuy nhiên việc theo dõi sẽ kéo dài trong 1 năm. Hiện đang là giai đoạn đánh giá giữa kỳ nhưng kết quả nghiên cứu rất khả quan, vắc xin sinh miễn dịch rất tốt và có hiệu quả với cả biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.

Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất, khi đó Việt Nam có thể sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên.

Vắc xin Nanocovax do công ty Nanogen sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 17/12/2020, đến ngày 8/4 vừa qua đã kết thúc giai đoạn 2 trên 554 tình nguyện viên, trong đó có 108 người cao tuổi.

Nanocovax là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin thứ 2 trong nước tham gia "cuộc đua" là Covivac của Công ty IVAC đã tiêm xong giai đoạn 1.

Đốn bỏ, di dời 178 cây xanh ở bến Bạch Đằng

Để cải tạo công viên bến Bạch Đằng, Quận 1 (TP.HCM), cơ quan chức năng sẽ đốn bỏ, di dời 178 xây xanh, trong đó có 140 cây bóng mát, 38 cây cảnh.

Công viên bến Bạch Đằng hướng ra sông Sài Gòn

Công viên bến Bạch Đằng hướng ra sông Sài Gòn

UBND TP.HCM vừa đồng ý với đề xuất cải tạo công viên bến Bạch Đằng của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Trong tổng số cây bị ảnh hưởng, 146 cây sẽ bị đốn hạ, 32 cây bứng dưỡng.

Theo Sở Xây dựng, việc cải tạo công viên qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Dự án làm từ công viên cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2, diện tích 8.700 m2, kinh phí 35 tỷ đồng, dự kiến khởi công 10/6, hoàn thành 2/9; giai đoạn 2 từ cầu số 2 đến khu vực súng thần công, diện tích 7.300 m2, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, khởi công 2/9, hoàn thành 29/12. Kinh phí chỉnh trang từ nguồn xã hội hóa.

Dự án Cải tạo công viên bến Bạch Đằng sẽ xây dựng lối đi, đường dạo, sân bãi, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, tưới nước di động, di dời các công trình chiếm dụng mặt bằng, cải tạo một số công trình hiện hữu... Sau khi cải tạo, công viên sẽ chia thành 3 khu chức năng: tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000 m2); xúc tiến du lịch (khoảng 5.150 m2); công viên cộng đồng (khoảng 2.750 m2).

Bắc Giang yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ ngày 25/5

Người dân các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động và TP. Bắc Giang được yêu cầu không ra khỏi nhà từ ngày 25/5.

TP.Bắc Giang giãn cách xã hội từ hôm 19/5 và người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà từ ngày 25/5

TP.Bắc Giang giãn cách xã hội từ hôm 19/5 và người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà từ ngày 25/5

UBND tỉnh Bắc Giang sáng 25/5 có công văn hỏa tốc yêu cầu người dân 5 huyện và một thành phố chưa cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 ở yên trong nhà. Tổng cộng khoảng một triệu cư dân. Lệnh trên không áp dụng với người làm công vụ, công nhân đi làm, đưa người đi cấp cứu, thành viên tổ Covid cộng đồng kiểm tra, giám sát.

Chính quyền nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng kể cả tập thể dục, thể thao. Người dân được ra đồng thu hoạch lúa, nông sản, song nhà nào thu hoạch của nhà đó; khi ra đồng không tụ tập đông người, thực hiện thông điệp 5K.

Nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng đang hoạt động phải giãn cách lao động. Các đơn vị có thể chia ca, chia kíp để giảm số lượng công nhân làm việc cùng thời điểm, ăn theo suất, không ăn chung, uống chung và khuyến khích công nhân bám trụ sản xuất tại nhà máy, công trường, hết giờ làm việc không được tụ tập. Các tổ An toàn Covid nhắc nhở, giám sát phòng dịch trong từng phân xưởng, bộ phận sản xuất.

Hơn 800.000 cư dân các huyện còn lại gồm Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Bắc Giang rộng hơn 3.800 km2, dân số hơn 1,8 triệu người, xếp thứ 12 cả nước. Phía đông tỉnh giáp Quảng Ninh, bắc giáp Lạng Sơn, nam giáp Bắc Ninh, Hải Dương, tây giáp Thái Nguyên và cách Hà Nội khoảng 50 km. Tỉnh có khoảng 240.000 công nhân làm việc trong sáu khu công nghiệp trên địa bàn.

Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra chung cư chưa nghiệm thu đã cho 300 người vào ở

Lãnh đạo Đà Nẵng vừa đề nghị kiểm tra thông tin chung cư Monarchy chưa nghiệm thu đã cho hơn 300 người vào ở, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm.

Chung cư Monarchy (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) chưa nghiệm thu nhưng đã bàn giao căn hộ cho khách hàng vào ở

Chung cư Monarchy (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) chưa nghiệm thu nhưng đã bàn giao căn hộ cho khách hàng vào ở

Ngày 25/5, thông tin từ Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Thường trực Thành ủy vừa có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra thông tin về vi phạm tại Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (Chung cư Monarchy, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Trước đó, UBND quận Sơn Trà có thông báo kết luận xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động của Chung cư Monarchy.

Theo kết luận, 241 căn hộ tại khối B Chung cư Monarchy đang có người ở (trong đó có 73 căn hộ do chính chủ đang ở, 168 căn hộ đang cho thuê), tổng cộng có 313 người (trong đó có 203 người nước ngoài).

Chủ đầu tư công trình Chung cư Monarchy đã thực hiện việc bán căn hộ và bàn giao căn hộ cho người dân vào ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, UBND quận Sơn Trà yêu cầu chủ đầu tư công trình Chung cư Monarchy là Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng thông báo cho người dân đang ở đây di dời khỏi Chung cư trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 11/5).

Sau 30 ngày, nếu người dân vẫn chưa thực hiện việc di dời, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp di dời người dân ra khỏi Chung cư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND quận sẽ báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý theo quy định.

UBND quận Sơn Trà cũng yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng chủ động liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác nghiệm thu các hạng mục của công trình và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Thành lập 600 doanh nghiệp "ma", mua bán trái phép hoá đơn giá trị hơn 1.000 tỷ đồng

Công an tỉnh Bắc Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong đường dây thành lập các công ty “ma” để mua bán hoá đơn trái phép với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Thành lập 600 doanh nghiệp ma, mua bán trái phép hoá đơn giá trị hơn 1.000 tỷ đồng

Thành lập 600 doanh nghiệp ma, mua bán trái phép hoá đơn giá trị hơn 1.000 tỷ đồng

Ngày 25/5, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh này vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng trong đường dây thành lập các công ty “ma” để thực hiện hành vi mua bán hoá đơn trái phép.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2019, các đối tượng đã thành lập 19 công ty “ma” tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng để xuất bán trái phép hoá đơn cho khoảng 600 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, Bình Định, Hưng Yên, Hà Nội… Tổng giá trị hàng hoá ghi trên hoá đơn hơn 1.000 tỷ đồng, gây thất thoát tiền thuế của nhà nước trên 100 tỷ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra đã chứng minh được các bị can trong vụ án thu lợi bất chính số tiền 5.287.970.268 đồng qua việc mua, bán hoá đơn. Cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.520.735.000 đồng cho nhà nước. Đồng thời, Công an tỉnh Bắc Giang đã có công văn thông báo gửi chi cục thuế địa phương có doanh nghiệp trên địa bàn vi phạm, đề nghị quản lý, giám sát, xem xét, xử lý theo quy định.

Đến nay, vụ án này đã được kết luận điều tra, tuy nhiên còn một số đối tượng liên quan đến các đường dây mua bán hoá đơn tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng bị cơ quan điều tra phát hiện, đã lẩn trốn, chưa bị xử lý. Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra tổ chức điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi tố điều tra đối với các đối tượng trên trong vụ án khác, bóc gỡ toàn bộ các đường dây mua bán hoá đơn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và địa bàn tỉnh, thành phố khác.

Tin cùng chuyên mục