Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội tính toán kỹ vị trí đặt sân bay thứ hai
Yêu cầu Hà Nội nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai, song Bộ Chính trị lưu ý cần tính toán kỹ lưỡng vị trí để đảm bảo sự phù hợp và tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như địa phương lân cận.
Hà Nội dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam. Ảnh minh họa |
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Bộ Chính trị yêu cầu quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Hà Nội cần đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.
Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch, đất đai…
Về định hướng phát triển, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện hai quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả.
Hà Nội cần tính tới tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.
Đặc biệt, Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc và nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai.
"Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực Đồng bằng Sông Hồng", Bộ Chính trị yêu cầu.
Khởi tố vụ án cháy nhà khiến 14 người chết ở Trung Kính
Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án để điều tra vi phạm về phòng cháy chữa cháy và trách nhiệm quản lý nhà nước khiến 14 người tử vong trong vụ hoả hoạn ở phố Trung Kính.
Hiện trường vụ cháy |
Tối 25/5, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội xác nhận vụ án được khởi tố với tội danh Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Công an Hà Nội sẽ xác minh hai nội dung trong vụ án là xem xét trách nhiệm của chủ nhà cho thuê trọ và trách nhiệm về quản lý nhà nước.
0h30 ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà ở số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Tại đây có nhà 2 tầng một tum dành cho 7 người gia đình chủ nhà; khu nhà trọ cao 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, có 17 người đang thuê. Ở giữa là khoảng sân rộng 55 m2 để xe máy, xe điện và cũng là cửa hàng sửa chữa xe điện của con chủ nhà.
Hỏa hoạn khiến 14 người tử vong, trong đó có 2 người gia đình chủ nhà, 12 người thuê trọ. 6 người khác bị thương.
Sau khi đến hiện trường và đọc báo cáo từ cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, điểm khác biệt của vụ cháy này so với các vụ trước là người chết cháy nhiều hơn chết ngạt do lửa xộc thẳng vào từng phòng trọ.
Hai ngôi nhà cháy đều rất cũ. Một nhà ba tầng được cải tạo thành nhiều phòng cho thuê, mỗi phòng rộng 16 m2, hành lang các tầng rộng 60 cm dẫn ra cầu thang bộ chật hẹp. Cửa các phòng làm bằng gỗ, nan chớp nên khi lửa bùng lên khí nóng xộc thẳng vào.
Ở tầng một, đồ đạc, xe cộ để ngổn ngang ở khoảng sân chung nên khi cháy đã chặn lối thoát hiểm duy nhất của những người sống trong hai ngôi nhà. 24 người bao gồm cả gia chủ và người thuê trọ bởi thế khó thoát ra. Hơn nữa, ngõ dẫn vào hiện trường chật hẹp, nhiều khúc cua khiến công tác chữa cháy, cứu người gặp nhiều khó khăn.
Đà Lạt yêu cầu tháo dỡ công trình sai phép trong sân golf Đồi Cù
UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa có thông báo yêu cầu Công ty CP Hoàng Gia ĐL thực hiện biện pháp tháo dỡ các công trình vi phạm trong sân golf Đồi Cù trong vòng 15 ngày.
Hai khối công trình sai phép trong sân golf Đồi Cù (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) |
TP. Đà Lạt vừa ban hành thông báo về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm tại Dự án Tòa nhà Câu lạc bộ golf trong sân golf Đồi Cù của Công ty CP Hoàng Gia ĐL.
Theo đó, cơ quan này nhấn mạnh, đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày chủ đầu tư bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng doanh nghiệp vẫn không xuất trình giấy phép xây dựng.
Theo đó, UBND TP. Đà Lạt thông báo đến Công ty CP Hoàng Gia ĐL phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo tính theo dấu bưu điện.
Hết thời hạn này mà Công ty không tự tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định. Thông báo này được niêm yết công khai tại công trình vi phạm hoặc niêm yết công khai thông báo tại trụ sở UBND Phường 1, TP. Đà Lạt để các bên liên quan biết và thực hiện.
Được biết, 2 khối công trình xây dựng trái phép thuộc sân golf Đà Lạt (sân golf Đồi Cù), nằm tại trung tâm TP. Đà Lạt, sát bên danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương, do Công ty CP Hoàng Gia ĐL quản lý, kinh doanh, với diện tích hơn 62 ha.
Trước đó, vào tháng 4/2023, Dự án từng được chính quyền TP. Đà Lạt kiểm tra, phát hiện một số vi phạm. Thời điểm ấy, cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng thi công, nhưng Chủ đầu tư vẫn cho thi công công trình đến nay.
Theo văn bản thỏa thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng, công trình tòa nhà câu lạc bộ golf đang xây dựng có diện tích 6.120 m2 để làm khối đón tiếp, khối dịch vụ golf 1 và 2. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích lẫn khối tích dẫn đến sai phép hơn 3.300 m2.
Đối diện khối công trình nêu trên, Công ty CP Hoàng Gia ĐL còn cho xây dựng thêm một khối công trình lớn hơn nhưng không có giấy phép với diện tích 4.478 m2 đất, cao 4 tầng nổi.
Hội An thuộc tốp 3 điểm đến ở Việt Nam được khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất
Theo thông tin được nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda công bố ngày 23/5, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cùng với TP. Hồ Chí Minh và TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là 3 điểm đến ở Việt Nam được khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua.
Hai bên bờ sông Hoài, thành phố Hội An |
Theo nhận định của Agoda, 3 điểm đến trên được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất do mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, trải nghiệm và văn hóa. Ba điểm đến này cũng là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn tận hưởng tối đa kỳ nghỉ hè dài ngày ở Việt Nam. Cũng theo dữ liệu Agoda công bố, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút du khách châu Âu nhất, sau Malaysia và Nhật Bản, dựa trên lượt tìm kiếm nơi lưu trú với mức tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, TP. Hội An cũng được Tạp chí Time Uot (Vương quốc Anh) đề xuất vào tốp 13 điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới để du lịch vào tháng 7, xếp vị trí thứ 7 trong danh sách này. Đô thị cổ Hội An cũng vừa được đề cử "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á" 2024 trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards lần thứ 31 năm 2024 khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Khách du lịch có xu hướng chuộng đến những nơi có biển, trong đó có miền Trung Việt Nam. TP. Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất được những tín đồ du lịch yêu thích và lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Di sản văn hoá thế giới - Đô thị cổ Hội An và khu vực lân cận sở hữu những bãi biển hoang sơ, trong lành từng được báo chí quốc tế đánh giá cao như Cù Lao Chàm, An Bàng, Cửa Đại...
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Quảng Nam đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú.
Đề nghị tăng vốn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM
Dự án Giải quyết ngập do triều ở TP.HCM với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng trễ hẹn 6 năm, phát sinh lãi gần 2 tỷ đồng mỗi ngày nên Nhà đầu tư đề nghị Thành phố điều chỉnh vốn.
Cống ngăn triều Cây Khô (huyện Bình Chánh) thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều ở TP.HCM |
Đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố có xét đến biến đổi khí hậu vừa được Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Khởi công giữa năm 2016, Dự án có mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Hiện công trình đã hoàn thành hơn 90% nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho Nhà đầu tư nên đã chậm trễ 6 năm so với kế hoạch.
Theo Nhà đầu tư, việc tạm dừng và kéo dài Dự án do các vướng mắc tự doanh nghiệp không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của đơn vị. Tuy nhiên, điều này làm phát sinh lãi vay mỗi ngày gần 2 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này đề nghị phần lãi phát sinh này phải được ghi nhận vào Dự án bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư, tương tự cách TP.HCM thực hiện với Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Trong công văn, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam cũng cho rằng, điều chỉnh vốn là điều kiện tiên quyết để ký phụ lục hợp đồng hoàn thành toàn bộ công trình. Doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP.HCM về việc này nhưng 2 năm qua chưa nhận được chỉ đạo để triển khai.
"Việc này kéo dài sẽ càng gây lãng phí ngân sách và doanh nghiệp cũng không thể biết mức độ chi phí của Dự án", công văn của Nhà đầu tư nêu.
Đà Lạt muốn mở phố đi bộ bên hồ Xuân Hương
Chính quyền TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đề xuất mở phố đi bộ Trần Quốc Toản dài 1,6 km chạy ven hồ Xuân Hương, hoạt động vào 3 đêm cuối tuần.
Đường Trần Quốc Toản ven hồ Xuân Hương - nơi được đề xuất mở phố đi bộ |
Trong tờ trình gửi thường trực Thành ủy, UBND TP. Đà Lạt xin mở thí điểm phố đi bộ trên đường Trần Quốc Toản, đoạn giao đường Đinh Tiên Hoàng đến ngã ba đường Trần Nhân Tông (trước Công viên hoa Thành phố).
Nếu được thông qua, phố đi bộ dự kiến hoạt động vào 3 đêm cuối tuần và khai trương vào đầu tháng 6. Trên con phố sẽ tổ chức các đêm diễn văn nghệ quần chúng; giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các nhóm nhạc; vũ điệu đường phố, biểu diễn võ thuật... cùng các phiên chợ bán sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của TP. Đà Lạt.
Chính quyền bố trí hai chốt chặn giao thông ở các ngã ba. Ở hai chốt này, lòng đường được cho phép đậu xe theo ngày chẵn, lẻ; cùng các bãi giữ xe ở công viên Trần Quốc Toản và Tao Đàn. Tuyến phố sẽ được dọn vệ sinh hàng ngày, lắp nhà vệ sinh di động, thùng rác, gắn đèn trang trí, thêm ghế đá cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh...
UBND TP. Đà Lạt kỳ vọng đây là nơi giao lưu văn hóa của người Đà Lạt với các vùng miền trong cả nước và thế giới.
Cà Mau sẽ xây dựng bến cảng Hòn Khoai có thể tiếp nhận tàu 250.000 tấn
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng bến cảng Hòn Khoai có thể tiếp nhận tàu 250.000 tấn cập bến.
Hòn Khoai nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau |
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau xác định, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển.
Trong đó, trọng tâm là đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo...
Cùng với đó là phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Riêng với quy hoạch chung bến cảng Hòn Khoai (nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển) có đê chắn sóng, bao gồm: một khu tạo bãi để xây dựng cho các tàu trọng tải lên đến 250.000 tấn cập bến; bến chuyển tiếp có thể đáp ứng cỡ tàu từ 5.000 - 100.000 tấn.
Cùng với đó là xây dựng khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ cùng hệ thống tuyến cầu dẫn nối đảo Hòn Khoai vào đất liền khoảng 17 km, khu kinh tế Năm Căn 42 km. Dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, cảng Hòn Khoai khi được đầu tư sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam.
Giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để "thu hồi tiền lừa đảo"
Các trang giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an được lập ra để tiếp cận nạn nhân từng bị lừa tiền, lợi dụng mong muốn lấy lại tài sản để tiếp tục lừa đảo họ.
Trang facebook mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an |
Ngày 25/5, Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều trang Facebook mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải các nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”...
Công an TP. Hà Nội khẳng định, đây là là các trang giả mạo, lợi dụng hình ảnh của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an nhằm tiếp cận nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý mong muốn lấy lại số tiền đã mất của họ để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với họ.
Hiện nay, Bộ Công an Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua hai kênh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (https://mps.gov.vn/ và https://bocongan.gov.vn/) và trang Facebook Bộ Công an đã được xác thực tích xanh (https://www.facebook.com/mps.gov?mibextid=LQQJ4d).
Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi đọc những trang thông tin không chính thức, mạo danh Bộ Công an. Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội.
Người dân tuyệt đối không liên hệ với các website, các trang mạng xã hội quảng cáo “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”..., không chuyển tiền để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ. Khi gặp các trường hợp lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.