Nhật Bản tiếp tục viện trợ 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca cho Việt Nam.
Lô vaccine Covid-19 Nhật viện trợ cho Việt Nam về tới Sân bay Nội Bài tối 16/6 |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu thông báo, nước này tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lô vaccine phòng Covid-19 của Hãng AstraZeneca.
Như vậy, cùng với lô vaccine cung cấp vào ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 2 triệu liều. Loại vaccine này có tên VAXZEVRIA Intramuscular Injection (tên khác: Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.
Trước đó, tối 16/6, tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Việt Nam tiếp nhận lô vaccine đầu tiên với gần 1 triệu liều. Đây là kết quả của các cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Gần 1 triệu liều vaccine chuyển về Việt Nam được bảo quản trong container với điều kiện nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Sáng 17/6, hầu hết số vaccine này được chuyển vào TP.HCM.
240 người Việt hồi hương trên chuyến bay thẳng đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam
Chuyến bay VN5 từ Washington D.C (Mỹ) đưa 240 người Việt về nước hạ cánh tại Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Máy bay Vietnam Airlines đáp tại Sân bay quốc tế Washington Dulles |
Đây là chuyến bay đầu tiên của các hãng hàng không Việt Nam đưa công dân từ Mỹ về nước, được nhà chức trách hàng không Mỹ cấp phép trong năm 2021.
Chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác, số hiệu VN5 bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, bay từ Hà Nội qua một điểm dừng tại Sân bay Anchorage (Alaska) để tiếp nhiên liệu. Sau đó, máy bay đến Washington D.C đón hành khách rồi qua Alaska, bay về Việt Nam.
Chuyến bay có hành trình khứ hồi kéo dài hơn 36 tiếng, khởi hành từ Sân bay Nội Bài vào sáng 22/6 và hạ cánh an toàn tại Sân bay Cam Ranh lúc 0h ngày 25/6. Hãng bố trí tổ bay gần 30 người, gấp đôi so với chuyến bay thường lệ đến châu Âu để đảm bảo sức khỏe cho tổ bay.
Chuyến bay áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cấp độ 4 - mức cao nhất trong hệ thống tiêu chuẩn an toàn Covid-19 của Hãng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Đầu tháng 6, Vietnam Airlines đã xin cấp phép 12 chuyến bay đến Mỹ trong năm 2021 để đón công dân Việt Nam về nước. Công tác xin cấp phép bay của nhà chức trách Mỹ là khâu phức tạp nhất, mất 2,5 tháng để hoàn thành.
Giá xăng ngày 26/6 có thể tăng mạnh
Giá xăng, dầu ngày 26/6 có thể tăng thêm 500 - 600 đồng một lít nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn.
Giá xăng ngày 26/6 có thể tăng mạnh |
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm RON 92 trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 21/6 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 78,88 USD một thùng, xăng RON 95 là 80,28 USD một thùng, cùng tăng 3,5% so với kỳ trước. Riêng xăng RON 95 có lúc lên trên 80 USD một thùng, cao nhất trong vòng hơn một năm qua. Cùng với giá xăng, dầu cũng biến động thêm 3 USD một thùng.
Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho rằng, giá xăng, dầu thế giới đang tăng cao, tại kỳ điều hành này, nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng sẽ tăng quanh mức 400 - 600 đồng một lít, còn giá dầu quanh mức 500 đồng. Ngược lại, nếu cơ quan điều hành vừa trích quỹ bình ổn, vừa cho giảm giá thì xăng, dầu sẽ giảm quanh mức 200 - 300 đồng một lít.
Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng dự đoán kỳ này giá xăng dầu tăng cao. Do đó, có thể cơ quan quản lý sẽ sử dụng phương án vừa trích quỹ vừa tăng giá.
Tại kỳ điều hành ngày 11/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 620 đồng, RON 95 tăng 630 đồng; các mặt hàng dầu tăng 590 - 680 đồng một lít, kg. Theo đó, E5 RON 92 là 19.040 đồng một lít, RON 95 là 20.160 đồng một lít. Dầu hoả là 14.410 đồng một lít, dầu diesel là 15.440 đồng một lít, dầu madut là 14.950 đồng một kg.
Thành phố Huế mở rộng từ 1/7
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) có 29 phường và 7 xã, rộng hơn 265 km2, dân số trên 652.000 người.
Xã biển Hải Dương sáp nhập vào TP. Huế sau hơn 30 năm chia tách |
Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế Bạch Chơn Đông cho biết, TP. Huế tiếp nhận 13 xã, phường, thị trấn của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương (thị xã Hương Trà); 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) sẽ thuộc TP. Huế từ 1/7.
TP. Huế cũng sáp nhập phường Phú Cát và Phú Hiệp để lập một phường mới, lấy tên là phường Gia Hội; phường Phú Bình và Thuận Lộc nhập thành phường Thuận Lộc; phường Phú Hòa và Thuận Thành nhập thành phường Đông Ba; điều chỉnh 0,46 km2 diện tích và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80 km2 diện tích và dân số gần 5.000 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Sau khi mở rộng, TP. Huế tăng diện tích từ hơn 70 km2 lên trên 265 km2; dân số từ hơn 354.100 người lên trên 652.000 người.
Quảng Ninh dừng vận tải hành khách liên tỉnh từ 0h ngày 25/6
Quảng Ninh dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ, bao gồm xe taxi, xe khách chạy tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt và đường thủy từ 0h ngày 25/6.
Chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng, cửa ngõ vào Quảng Ninh |
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cho biết, tỉnh Quảng Ninh mới ghi nhận một ca bệnh Covid-19 liên quan vận tải khách liên tỉnh, vì vậy Tỉnh phải tạm dừng xe khách liên tỉnh để các cơ quan chức năng khoanh vùng, truy vết.
Theo ông Minh, trước đó, các tuyến xe liên tỉnh đi về vùng có dịch cũng đã dừng hoạt động, chỉ còn 4 đến 5 tuyến được phép chạy, bao gồm tuyến Quảng Bình - Quảng Ninh.
Các hoạt động vận tải nội tỉnh, bến xe, cảng, bến khách thủy nội địa trên địa bàn Quảng Ninh tiếp tục hoạt động, song phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng ngày, Quảng Ninh yêu cầu dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, tôn giáo, lễ hội, bãi tắm công cộng trên địa bàn TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô từ 12h ngày 25/6.
Sáng 25/6, Bộ Y tế ghi nhận một ca dương tính SARS-CoV-2 ở Quảng Ninh là "bệnh nhân 14245", nam 24 tuổi. Ca bệnh này đã phá vỡ chuỗi 48 ngày Quảng Ninh không ghi nhận thêm ca Covid-19 trong cộng đồng.
Trước đó, Quảng Ninh đã cho các điểm du lịch, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ được mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh từ 12h ngày 8/6.
An Giang ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Châu Đốc
Sau 45 vụ sạt lở, 100 nhà dân phải di dời, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ đông sông Châu Đốc tại ấp An Thạnh, thị trấn An Phú (tỉnh An Giang).
Hiện trường vụ sạt lở ngày 5/6 đoạn sông Châu Đốc thuộc huyện An Phú |
Theo đó, ngày 5/6, sụt lún kéo dài 70 m, ăn sâu vào nền đất 15 m, làm sụp một phần 8 căn nhà và nhiều căn nguy cơ tiếp tục bị cuốn trôi.
Tại vị trí công bố tình huống khẩn cấp, kết quả đo đạc phát hiện hố sâu bất thường, địa hình đáy sông dạng chữ U. Phía bờ đối diện đang bồi lắng mạnh, sạt lở tại bờ lõm của đoạn cong. Nguyên nhân sạt lở được xác định do địa hình khu vực này nằm trên đoạn gấp khúc của sông, dòng chảy uốn cong, gây xâm thực mạnh và tạo mái bờ dốc đứng, dạng hàm ếch, đồng thời ghe, tàu chạy tạo nên sóng gây bào mòn chân bờ.
Theo dự báo, đoạn đường bờ dài 550 m từ cửa hàng vật liệu Quyên Phát đến Nhà máy Nước đá Tân Long Hưng (thị trấn An Phú) có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới, đe dọa đến an toàn Tỉnh lộ 957.
UBND An Giang yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với công an và các đơn vị có liên quan phân luồng, điều tiết giao thông đường thủy và đường bộ qua khu vực sạt lở; đồng thời khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách.
Đây là lần thứ ba trong tháng 6, An Giang ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông. Trước đó, ngày 2/6 và 16/6, Tỉnh đã có động thái tương tự sau khi sông Ông Chưởng qua huyện Chợ Mới bị sạt lở. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang xảy ra 25 vụ sạt lở tại các huyện An phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Phú và TP. Long Xuyên.
Bắc Giang chấp thuận đón lao động ngoài tỉnh trở lại làm việc
Lao động ngoài tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc phải chủ động liên hệ với cơ sở y tế để xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR.
Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Tỉnh Bắc Giang vừa chấp thuận cho doanh nghiệp đón lao động ngoài tỉnh trở lại làm việc sau hơn một tháng phải nghỉ vì dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, công nhân muốn quay lại Bắc Giang làm việc phải trải qua quy trình bốn bước. Bước một, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến nhà chức trách, đề nghị chấp thuận. Hồ sơ nêu rõ phương án đón công nhân, danh sách người lao động, giấy xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động.
Bước hai, sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền huyện, thành phố giải quyết trong một ngày; nếu không chấp thuận cần nêu rõ lý do. Nếu được đồng ý, địa phương sẽ đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện để công nhân trở lại làm việc.
Bước ba, sau khi nhận được sự đồng ý của địa phương, doanh nghiệp thông báo đến công nhân về lịch trình đưa đón; yêu cầu công nhân chủ động liên hệ với cơ sở y tế để lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR trong 72 giờ trước khi vào Tỉnh. UBND Tỉnh yêu cầu các chốt kiểm dịch cho xe đón công nhân đi qua. Các xe này sẽ được cấp phù hiệu riêng.
Bước bốn, doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo lái xe đón công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ. Khi vào Tỉnh, công nhân phải cách ly tạm thời tại nơi lưu trú ít nhất 3 ngày để lấy mẫu xét nghiệm lần nữa. Khi có kết quả âm tính, công nhân được đến công ty làm việc.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu cuối tháng 7 có hơn 30.000 lao động đi làm trở lại và cuối năm đạt 120.000 người tại 4 khu công nghiệp. Dự kiến đầu tháng 7, có 400 công ty sản xuất trở lại.
Giảm 30% phí sử dụng đường bộ từ đầu tháng 7 đến hết năm 2021
Bộ Tài chính giảm 30% phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải hành khách đến hết năm 2021.
Bến xe Mỹ Đình vắng khách do dịch Covid-19 |
Theo Thông tư số 47/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, phí sử dụng đường bộ nằm trong 30 loại phí, lệ phí được giảm từ đầu tháng 7 đến hết năm nay để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ước tính, Bộ Tài chính giảm thu 1.000 tỷ đồng từ các khoản phí trong nửa cuối năm 2021.
Bộ Tài chính đánh giá, do ảnh hưởng của các đợt dịch, nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...
Vận tải đường bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch mới. Riêng trong tháng 5, vận tải hành khách trên cả nước ước tính đạt 287,8 triệu lượt khách, giảm 14% so với tháng trước.
Để hỗ trợ các đơn vị trong ngành vận tải, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giảm 30% phí sử dụng đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải so với mức quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC. Phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%.
Trên thực tế, phí bảo trì đường bộ là một trong 29 khoản phí, lệ phí đã được giảm từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm nay nhằm hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh.