Bản tin thời sự sáng 26/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình giảm thuế xăng dầu ngay tháng 7; bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khí hóa lỏng Đồng Tháp 'liên quan tham ô'; nhà máy điện rác lớn nhất nước tại Hà Nội vận hành; Golden Gate bị phạt 435 triệu đồng…

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình giảm thuế xăng dầu ngay tháng 7

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trước 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thêm thuế với xăng dầu.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình giảm thuế xăng dầu ngay tháng 7

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình giảm thuế xăng dầu ngay tháng 7

Nội dung này được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính ngày 25/7. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao cơ quan này nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh.

Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.

Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có 4 loại thuế: nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí, như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển... chiếm khoảng 5 - 6%. Tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng sau khi thuế bảo vệ môi trường về mức sàn, theo Bộ Tài chính, dao động 20 - 23% (với các loại xăng), trên 11% (với dầu diesel).

Tuần trước, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ phương án giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), về 10%. Tuy nhiên, phương án này được cho là có ý nghĩa ở khía cạnh đa dạng nguồn, thị trường nhập khẩu xăng dầu, hơn là hỗ trợ giảm giá bán lẻ trong nước. Giới phân tích cho rằng, muốn kiềm đà tăng, việc giảm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng... sẽ căn cơ hơn.

Bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khí hóa lỏng Đồng Tháp 'liên quan tham ô'

Ông Lê Trung Nguyên Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khí hóa lỏng Đồng Tháp, bị bắt khẩn cấp do liên quan vụ án Tham ô tài sản.

Bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT Công ty Khí hóa lỏng Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT Công ty Khí hóa lỏng Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Ngày 25/7, ông Trần Trung Quốc - Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, động thái này được cơ quan điều tra đưa ra sau khi nhận tin tố giác ông Lê Trung Nguyên Khôi và các thành viên HĐQT bán cổ phần Công ty; chi lương thưởng không đúng quy định, ảnh hưởng quyền lợi các cổ đông.

10 ngày trước, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại doanh nghiệp này. Hiện, hành vi của ông Khôi và người liên quan cũng như số tiền sai phạm chưa được công bố.

Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự mang tính cấp bách, để bảo đảm cho hoạt động phát hiện, điều tra tội phạm mà không cần có lệnh phê chuẩn trước của VKS.

Nhà máy điện rác lớn nhất nước tại Hà Nội vận hành

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (Hà Nội), công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày, bắt đầu vận hành sáng 25/7, sau nhiều lần trì hoãn.

Bên trong bể chứa rác của nhà máy, trong đó bể lớn chứa được 25.000 tấn rác

Bên trong bể chứa rác của nhà máy, trong đó bể lớn chứa được 25.000 tấn rác

Lúc 8h05, tổ máy số 1, công suất 15MW, đã hòa lưới điện quốc gia thành công. Với việc vận hành tổ máy số 1, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP. Hà Nội.

Ông Li Ke, Phó Tổng giám đốc Nhà máy cho biết, tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.

Nhà máy dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại). Tuy nhiên, ông Li Ke cho rằng, việc phân loại rác thải tại nguồn là xu thế phát triển của tất cả quốc gia. Nếu TP. Hà Nội phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm tỷ lệ chất không đốt được, đồng thời giúp việc đốt rác thuận lợi hơn.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng.

Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn một, Nhà máy sẽ vận hành lò đốt số 3 - 4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1 - 2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3). Dự kiến, với 4.000 tấn rác được đốt, lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15 - 20%; còn lại Nhà máy đã ký hợp đồng bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt, mỗi ngày. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý), Tổng thầu MCC (Trung Quốc).

Cao tốc Liên Khương - Prenn chỉ thu phí không dừng từ 1/8

UBND tỉnh Lâm Đồng nhất trí thực hiện thu phí hoàn toàn tự động không dừng đối với tất cả các làn thu phí tại Trạm thu phí BOT Định An, huyện Đức Trọng kể từ 9 giờ ngày 1/8/2022.

Trạm thu phí BOT Định An

Trạm thu phí BOT Định An

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản hỏa tốc về việc thực hiện thu phí điện tử không dừng tại Trạm thu phí BOT Định An, huyện Đức Trọng; đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với các phương tiện ôtô trên địa bàn Tỉnh.

Tại văn bản này, UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến thống nhất thực hiện thu phí hoàn toàn tự động không dừng đối với tất cả các làn thu phí tại trạm này kể từ 9 giờ ngày 1/8/2022.

Cũng theo văn bản này, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang vào mùa cao điểm du lịch nên thực hiện thu phí bằng hình thức trên để hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, an ninh, trật tự và đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh (gọi tắt là dán thẻ) đối với các phương tiện ôtô trên địa bàn Tỉnh.

Từ lý do trên, UBND Tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Hùng Phát là đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC khẩn trương hoàn thành lắp đặt các làn thu phí hoàn toàn tự động không dừng đối với tuyến đường cao tốc này trước ngày 1/8/2022.

Hiện tại, tỷ lệ dán thẻ tại tỉnh Lâm Đồng mới đạt khoảng 60% tổng số xe trên địa bàn. Trong khi đó, đặc thù của Trạm BOT Định An là không có chỗ quay đầu, không có đường tránh xe nên trước mắt sẽ để 1 làn ETC và xử lý sự cố cho đến hết ngày 10/9/2022 để xử lý những xe chưa dán thẻ hoặc đã dán thẻ nhưng chưa nạp tiền, lỗi nhận diện, lỗi tích hợp thẻ định danh… Trạm bố trí nhân viên tại các làn thu phí để hướng dẫn các xe dán thẻ theo quy định.

Golden Gate bị phạt 435 triệu đồng

Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt hành chính tổng 435 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi…

Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi…

Cụ thể, UBCKNN phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.

Trước đó vào năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

Để khắc phục hậu quả, UBCKNN yêu cầu Golden Gate nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Theo công bố trên website, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi… với 400 nhà hàng, hiện diện trên 40 tỉnh thành.

Ông Trần Việt Trung là một trong 3 nhà sáng lập của Golden Gate, hiện là Chủ tịch HĐQT. Hai nhà sáng lập khác là Đào Thế Vinh và Nguyễn Xuân Trường lần lượt đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc.

Giữa tháng 3, hàng loạt cổ đông của Golden Gate tiến hành thoái vốn, điển hình như Công ty TNHH Prosperity Food Concepts bán ra toàn bộ hơn 2,513 triệu cổ phần; ông Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần (2,12% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,306%; ông Nguyễn Xuân Trường bán 69.373 cổ phần (0,909% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 3,075%.

Ba cổ đông lớn giao dịch tổng cộng 2,744 triệu cổ phần, tương đương 35,95% vốn điều lệ của Công ty. Tuy nhiên, số cổ phần sẽ được sang tay 3 cổ đông khác là Teamasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd.