Bản tin thời sự sáng 26/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản sẽ ra tòa ngày 10/8; Nghệ An đề nghị thanh tra khu đất có em trai Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu đấu giá; Lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể từ ngày 25/8; từ 1/9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác…

Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản sẽ ra tòa ngày 10/8

Chủ tịch của Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản ra tòa vào ngày 10/8 với cáo buộc chỉ đạo xây trái phép một tòa nhà và nhiều căn hộ tại quận Hà Đông, quảng cáo gian dối lừa gần 500 người mua.

Ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Lừa dối khách hàng. Cùng ra toà ngày 10/8 với ông Thản có 6 người bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định, ông Thản nắm 90% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes. Năm 2000, Bemes ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính Hà Tây cũ để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Sau khi thay đổi chủ trương, năm 2008, Bemes được UBND Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Dự án CT6 Kiến Hưng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Giữa năm 2010, Công ty Bemes nhiều lần xin điều chỉnh một số quy hoạch nhưng không được nhà chức trách đồng ý. VKS cáo buộc ông Thản sau đó vẫn chỉ đạo thi công sai quy hoạch, xây dựng vào chỉ giới đường đỏ khiến "vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng".

Từ tháng 3/2011, ông Thản bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, "đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của Dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật". Việc này nhằm mục đích để khách hàng tin tưởng ký hợp đồng mua bán căn hộ với Bemes, nộp tiền theo tiến độ thi công.

Trên hợp đồng mua bán căn hộ, ông Thản với danh nghĩa là Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng. Ông cam kết hồ sơ Dự án đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ đúng quy định về xây dựng và sẽ hỗ trợ bên mua làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Theo cáo trạng, Dự án CT6 Kiến Hưng có 1.620 căn hộ. Sau khi bán nhà cho khách hàng, Công ty Bemes cùng phối hợp thực hiện và đã được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ cho 916 căn hộ chung cư, 18 nhà thấp tầng. Còn lại 483 căn hộ của toà tháp CT6C và 82 căn hộ khác chưa được cấp sổ.

Cảnh sát đã làm việc với 488/520 khách hàng mua nhà tại dự án của ông Thản và xác định số tiền họ phải bỏ ra để mua 488 căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ là hơn 534 tỷ đồng. Trừ đi 53 tỷ đồng đã nộp thuế, VKS xác định ông Thản thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng...

Nghệ An đề nghị thanh tra khu đất có em trai Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu đấu giá

Huyện Quỳnh Lưu đề nghị tỉnh Nghệ An thanh tra 56 lô đất ở xã Quỳnh Hưng, vì có 23 lô người nhà Phó Chủ tịch Huyện trúng đấu giá.

56 lô đất ở xã Quỳnh Hưng (khoanh đỏ) được huyện Quỳnh Lưu đề nghị tỉnh thanh tra

56 lô đất ở xã Quỳnh Hưng (khoanh đỏ) được huyện Quỳnh Lưu đề nghị tỉnh thanh tra

Ngày 25/7, huyện Quỳnh Lưu đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thanh tra toàn diện việc tổ chức đấu giá 56 lô đất ở khu vực Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng.

Theo báo cáo, ngày 20/6, Huyện tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất 56 lô đất trên, kết quả đã đấu giá thành công các lô với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị sau đó rà soát thấy người trúng đấu giá 23 lô đất là ông Nguyễn Văn Trọng, đang làm công chức kế toán xã Quỳnh Bá, em ruột của ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Huyện (Tổ trưởng giám sát đấu giá, người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm). Điều này vi phạm quy định của pháp luật.

Do vậy, huyện Quỳnh Lưu ra quyết định không công nhận ông Trọng trúng 23 lô đất và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, yêu cầu công ty tổ chức đấu giá giải trình sự việc.

"Huyện Quỳnh Lưu nhận thấy đây là nội dung khó khăn, phức tạp về mặt pháp lý, đang có nhiều quan điểm khác nhau. Để đảm bảo tính toàn diện, chặt chẽ, khách quan, Huyện đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Thanh tra Tỉnh thanh tra toàn diện việc tổ chức đấu giá 56 lô đất để kết luận và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", văn bản của huyện Quỳnh Lưu nêu.

Ông Đặng Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết đã nhận được văn bản đề xuất thanh tra 56 lô đất của huyện Quỳnh Lưu. Đơn vị đang giao cho Sở Tư pháp tham mưu, sau đó mới phản hồi hướng xử lý.

Lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể từ ngày 25/8

Từ 25/8, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35% sản lượng xăng dầu cả nước, dừng sản xuất 55 ngày để lần đầu bảo dưỡng sau gần 5 năm.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá

Một góc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá

Thông tin này được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) phát đi ngày 25/7. Trong thời gian bảo dưỡng, các phân xưởng của Nhà máy này sẽ dừng sản xuất.

Đại diện NSRP đang làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước. Nhà máy này cũng triển khai sớm các phương án tối ưu để giảm thiểu thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bảo dưỡng.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu đạt gần 9,8 triệu m3/tấn trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất chiếm gần 53% (riêng Nghi Sơn khoảng 35%), còn nhập khẩu trên 42,6%. Lượng tồn kho gần 1,58 triệu m3/tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của doanh nghiệp, người dân.

Nguồn cung từ Lọc dầu Nghi Sơn được dự báo sẽ gián đoạn trong thời gian nhà máy này bảo dưỡng tổng thể. Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp cuối tháng 6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu PVN và Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án (kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu) hoạt động hết hoặc vượt công suất. Các doanh nghiệp đầu mối phải chủ động nhập khẩu từ tháng 7, không được để đứt gãy nguồn hàng.

Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Từ 1/9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác

Ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô.

Khách hàng được vay mua nhà trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác

Khách hàng được vay mua nhà trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác

Thông tư 06 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ 1/9/2023 với nhiều điều kiện để khách vay có thể tiếp cận vốn được đổi mới theo hướng thông thoáng, dễ dàng hơn.

Trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tổ chức tín dụng được quyền xác minh thông tin khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Theo đó, ngân hàng được quyền giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử (trước đây chỉ chấp nhận hợp đồng giấy), xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử… Điều này sẽ rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng.

Đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng..., khách hàng không cần phải có phương án, dự án mà chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng.

Riêng đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn…, khách vẫn phải bổ sung phương án, dự án theo quy định của ngân hàng.

Đáng chú ý, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô.

Việc mở rộng quy định áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác.

Bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tay trục lợi hàng chục tỷ đồng bảo hiểm

Ba bác sĩ, nhân viên y tế bị cáo buộc móc nối với Lê Thị Hà An làm giả hàng trăm bệnh án cho đối tác để trục lợi 10 tỷ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ và y tế.

Cảnh sát đọc lệnh bắt với bác sĩ Lượng (góc trái, đứng) tại cơ quan điều tra

Cảnh sát đọc lệnh bắt với bác sĩ Lượng (góc trái, đứng) tại cơ quan điều tra

Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt giam Hà An, Nguyễn Thị Quỳnh An, Trần Đức Lượng, cùng trú TP. Vinh; Thái Thị Mai (mẹ Hà An), Nguyễn Quốc Việt, cùng trú Tân Kỳ đã bị về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Giả mạo trong công tác, Gian lận bảo hiểm y tế, theo Điều 174, 359 và 215 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra, từ năm 2021 đến nay, Quỳnh An, Hà An cùng mẹ ruột Thái Thị Mai, nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, đã móc nối với Nguyễn Quốc Việt, kỹ thuật viên chụp X-Quang Trung tâm, làm giả hồ sơ bệnh án liên quan gãy xương cho những người có nhu cầu làm giấy tờ giả để đề nghị chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ.

Nhà chức trách cáo buộc, với một bệnh án giả, Hà An trả cho Việt từ 2,5 - 5 triệu đồng. Sau khi có hồ sơ, nhóm của Hà An chuyển cho đối tác để thanh toán bảo hiểm với số tiền 300 - 400 triệu đồng mỗi bộ. Với một trường hợp được bảo hiểm chi trả, Hà An hưởng lợi 100 - 200 triệu đồng.

Tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, bác sĩ Trần Đức Lượng, Khoa Nội tim mạch, đã chỉ đạo nhân viên lập khống các thủ tục khám bệnh, nhập viện, chỉ định điều trị, kê y lệnh thuốc... theo quy trình của đơn vị cho những người có nhu cầu làm bệnh án giả. Đến thời hạn ra viện, Lượng làm thủ tục cho bệnh nhân và trích sao bệnh án đưa cho Hà An cùng các đối tác. Cảnh sát đang xác minh số tiền mà bác sĩ này được hưởng.

Nhà chức trách xác định, 5 nghi can đã lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt, trục lợi khoảng 10 tỷ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ và y tế.

Chứng khoán SmartInvest bị phạt hơn 160 triệu đồng do vi phạm báo cáo và phân phối chứng khoán

Ngày 25/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, tổng số tiền phạt 162,5 triệu đồng, do các vi phạm: không công bố thông tin; thực hiện phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật.

Chứng khoán SmartInvest bị phạt hơn 160 triệu đồng do vi phạm báo cáo và phân phối chứng khoán. Ảnh minh họa

Chứng khoán SmartInvest bị phạt hơn 160 triệu đồng do vi phạm báo cáo và phân phối chứng khoán. Ảnh minh họa

Theo đó, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định số 221/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty CP Chứng khoán SmartInvest (địa chỉ trụ sở chính tại số 220+222+224 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP. Hà Nội), mức phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Báo cáo tài chính năm 2020, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020 và 6 tháng năm 2021;

Công ty thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021 và 6 tháng năm 2021, 6 tháng năm 2022; Báo cáo tài chính năm 2021 và 6 tháng năm 2021; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021 và 6 tháng năm 2022.

Tiếp đó, Công ty bị phạt tiền 77,5 triệu đồng do thực hiện phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Công ty đã vi phạm quy định về hoàn thành việc phân phối trái phiếu mã AASH2124001 trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu theo quy định.

Tổng số tiền phạt đối với Công ty CP Chứng khoán SmartInvest là 162,5 triệu đồng.

Chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) sẽ chưa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ý kiến Thường trực Chính phủ.

Một trò chơi game online trên điện thoại được người dùng ưa thích

Một trò chơi game online trên điện thoại được người dùng ưa thích

Nội dung này được nêu trong thông báo kết luận mới đây của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Trong thời gian chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, Thường trực Chính phủ giao các bộ, cơ quan quản lý sử dụng các công cụ pháp lý, như cấp phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng để kiểm soát hạn chế loại hình này.

Game online được Bộ Tài chính đề nghị đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các dự thảo đưa ra đầu năm. Mục tiêu của đánh thuế này theo Bộ Tài chính là nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng gây tác hại đến sức khỏe và xã hội, cũng như điều tiết một số hàng hóa xa xỉ.

Tuy nhiên, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phản đối và cho rằng game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển tại chương trình chuyển đổi số quốc gia, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Việc đánh thuế không khuyến khích doanh nghiệp game trong nước tăng đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề có tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh khiến họ có xu hướng dịch chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.

Năm 2014, việc đánh thuế này từng được đưa ra thảo luận nhưng sau đó không nhận được sự đồng thuận từ cấp có thẩm quyền.

Kiên Giang chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

6 tháng đầu năm 2023, qua công tác thanh tra, ngành thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện sai phạm số tiền hơn 43,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính với 41 tập thể, 166 cá nhân; đồng thời chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Qua thanh tra phát hiện sai phạm số tiền hơn 43,5 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 43,3 tỷ đồng.

Qua thanh tra phát hiện sai phạm số tiền hơn 43,5 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 43,3 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023 gửi UBND Tỉnh.

Theo đó, ngành thanh tra tỉnh Kiên Giang đã triển khai 57 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 45 cuộc triển khai mới và 12 cuộc của kỳ trước chuyển sang.

Qua công tác thanh tra, phát hiện sai phạm số tiền hơn 43,5 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 43,3 tỷ đồng; xử lý khác 280 triệu đồng. Đáng chú ý, thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 41 tập thể, 166 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Cụ thể, Thanh tra tỉnh chuyển 3 vụ việc: sau khi thanh tra đất đai tại Phú Quốc; sau khi thanh tra tại Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang; sau khi thanh tra tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thanh tra huyện Kiên Hải chuyển 1 vụ, sau khi thanh tra tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Thanh tra TP. Phú Quốc chuyển 1 vụ, sau khi thanh tra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Phú Quốc)…

Tin cùng chuyên mục