Bản tin thời sự sáng 26/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đà Nẵng dừng cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão Noru; chỉ định thầu dự án cao tốc gần 18.000 tỷ đồng Biên Hòa - Vũng Tàu; Quảng Ninh muốn biến cao tốc 176 km thành con đường du lịch; khởi công sân bay Phan Thiết vào đầu năm 2023…

Đà Nẵng dừng cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão Noru

Trưa 25/9, UBND TP. Đà Nẵng phát công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bão Noru.

Người dân Đà Nẵng đưa tàu, thuyền lên bờ tránh bão

Người dân Đà Nẵng đưa tàu, thuyền lên bờ tránh bão

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão.

Đồng thời yêu cầu các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển, sẵn sàng sơ tán nhân dân tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…

Cùng với đó, phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, khuyến cáo bà con thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra…

Trong ngày 25/9, lực lượng chức năng tại Đà Nẵng khẩn trương hỗ trợ ngư dân đưa thuyền, thúng nhỏ vào bờ; kêu gọi và hướng dẫn các tàu thuyền neo trú bão trong âu thuyền Thọ Quang; công tác cắt tỉa cây xanh cũng cơ bản hoàn tất. Các quận ven biển rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân thuê trọ ở các nhà ở không đảm bảo an toàn....

Chỉ định thầu dự án cao tốc gần 18.000 tỷ đồng Biên Hòa - Vũng Tàu

Quá trình triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Ảnh minh họa

Ngày 25/9, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã có văn bản gửi các sở, ngành để thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải nghiên cứu, tham mưu cho UBND Tỉnh xem xét, quyết định việc chỉ định thầu theo đúng quy định trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.

Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, bên mời thầu có trách nhiệm thực hiện quy trình chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện. Quy trình chỉ định thầu, thời gian thực hiện chỉ định thầu các gói thầu thuộc Dự án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài hơn 50 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng gần 18.000 tỷ đồng. Dự kiến, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Quảng Ninh muốn biến cao tốc 176 km thành con đường du lịch

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến phát triển du lịch dọc cao tốc 176 km Hạ Long - Móng Cái, hình thành các sản phẩm riêng có của từng huyện thị gắn với tuyến đường.

Cầu Vân Tiên nối huyện Vân Đồn và huyện Tiên Yên, thuộc cao tốc Hạ Long - Móng Cái

Cầu Vân Tiên nối huyện Vân Đồn và huyện Tiên Yên, thuộc cao tốc Hạ Long - Móng Cái

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với các ngành lên phương án phát triển du lịch đường bộ dọc tuyến Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

Theo phương án của Sở Du lịch, việc phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến cao tốc sẽ theo hai hướng. Một là xây dựng con đường chủ đề về sản phẩm dọc tuyến. Hai là hình thành sản phẩm đặc thù, riêng có của từng huyện thị trên tuyến. Các sản phẩm bám sát tài nguyên du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí sẽ phát triển du lịch tâm linh - văn hóa - lịch sử, gốm sứ mỹ nghệ và du lịch đồng quê. TP. Hạ Long sẽ khai thác giá trị vịnh Hạ Long, nghỉ dưỡng, sinh thái trên đảo, du thuyền tham quan, thương mại, mua sắm.

Huyện Vân Đồn và TP. Cẩm Phả sẽ phát triển mô hình nghỉ dưỡng, ẩm thực biển, du thuyền tham quan. Các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà sẽ gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm.

TP. Móng Cái sẽ đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực biển, casino. Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ đưa ra phương án phát triển thị trường khách, chương trình du lịch cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Để việc phát triển du lịch theo tuyến cao tốc đúng kỳ vọng, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, Sở Du lịch lắng nghe ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện phương án, xây dựng điểm đến cụ thể, tour tuyến phù hợp, hình thành các gói combo đáp ứng các phân khúc, đối tượng du khách…

Khởi công sân bay Phan Thiết vào đầu năm 2023

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh Bình Thuận rà soát lại năng lực chủ đầu tư, khởi công Dự án sân bay Phan Thiết vào đầu năm 2023.

Phối cảnh sân bay Phan Thiết, dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2023.

Phối cảnh sân bay Phan Thiết, dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2023.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo công bố kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.

Đồng thời, Bình Thuận phải rà soát năng lực của nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh Bình Thuận xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công Dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện.

Sân bay Phan Thiết tọa lạc tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Tính đến ngày 30/8, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Phan Thiết và đài dẫn đường cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu san lấp mặt bằng, thi công đường băng, đường lăn.

Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E với chức năng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (cấp I), có hoạt động bay quốc tế. Sân bay có một đường cất hạ cánh dài 3.050 m và nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Đề xuất cấm chi ngoài cho đại lý bán bảo hiểm xe máy bắt buộc

Bộ Tài chính dự kiến cấm doanh nghiệp chi hỗ trợ đại lý hay khuyến mại, giảm giá bán với bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Một giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe máy

Một giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe máy

Nội dung này được đề cập tại dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ, hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp không chi hỗ trợ cho đại lý bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới mọi hình thức ngoài mức hoa hồng. Các doanh nghiệp cũng không được khuyến mại, chiết khấu thanh toán với bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp thường cạnh tranh thị phần bằng cách trả hoa hồng và chi ngoài "khủng" cho đại lý vượt quá mức quy định.

Xe cơ giới bị bắt buộc mua bảo hiểm trong khi tỷ lệ chi trả rất thấp từng khiến dư luận phản ứng mạnh. Năm 2019, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ 6%, nên nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý lên tới 50 - 60%, vượt quá mức tối đa 20% theo quy định, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm. Tổng đại lý được trả mức chiết khấu cao, sau khi nhận "ấn chỉ" - tệp giấy chứng nhận bảo hiểm - đã đưa cho những người bán F1, F2 không có nghiệp vụ và không được đào tạo bài bản đi bán một cách tràn lan.

Trước nhiều ý kiến bỏ loại bảo hiểm bắt buộc này, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm cần thiết duy trì với chủ xe cơ giới. Theo thống kê, 70% vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ở môtô 2 bánh, xe gắn máy. Nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc...

Phạt 2 công ty điện mặt trời vận hành khi chưa được chấp nhận nghiệm thu

2 công ty đưa công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Dự án điện mặt trời ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được nghiệm thu đã hoạt động.

Dự án điện mặt trời ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được nghiệm thu đã hoạt động.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Chủ tịch UBND Tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 160 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp điện mặt trời, vì có hành vi đưa điện mặt trời vào hoạt động khi chưa được chấp thuận nghiệm thu.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tự nhiên DTD và Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY có cùng địa chỉ tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đều do bà Nguyễn Thị Hồng Điệp đại diện theo pháp luật, chức danh Tổng Giám đốc. Mỗi công ty bị phạt 80 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt, 2 công ty trên đã có hành vi đưa công trình điện lực tại Nhà máy Điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 và Nhà máy Điện mặt trời hồ Tầm Bó vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Hai dự án Nhà máy điện mặt trời trên được triển khai từ cuối tháng 11/2019, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 do Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tự nhiên DTD làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 33,6 ha.

Còn Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Tầm Bó do Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng 33,6 ha.

TP.HCM sắp khởi công xây rạp xiếc 1.400 tỷ đồng

Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ khởi công Dự án Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ (Quận 11) vào cuối năm 2022.

Phối cảnh Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ

Phối cảnh Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ

Dự án Xây dựng Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào cuối tháng 10/2019 với quy mô 2.000 chỗ cùng các phòng tập luyện đa năng 300 chỗ. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng 10.000 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.400 tỷ đồng. Theo dự kiến của Sở VH-TT, Dự án được khởi công vào cuối năm 2022.

Sở VH-TT đánh giá, Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ là một trong những dự án văn hóa quy mô và hiện đại mang tầm cỡ quốc gia của TP.HCM. Đây sẽ là nơi biểu diễn, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật xiếc cũng như bộ môn nghệ thuật múa rối truyền thống. Ngoài ra, tại đây cũng là trung tâm đào tạo, giáo dục, tổ chức các chương trình nghệ thuật xiếc, kết hợp những loại hình nghệ thuật khác.

Tại TP.HCM, bộ môn nghệ thuật xiếc và múa rối đã phát triển từ lâu với Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Múa rối Phương Nam nổi tiếng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, Nhà hát Phương Nam vẫn phải biểu diễn trên sân khấu lưu động, tạm bợ và thường xuyên phải di chuyển điểm diễn do chưa có nhà hát chính thức.