Bản tin thời sự sáng 27/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề xuất năm 2024 tăng giá điện; xử lý hơn 1.000 m3 đất đá tràn lấp, đường lên cửa khẩu Cầu Treo thông tuyến trở lại; TP.HCM sẽ bố trí lại quỹ đất xây nhà xã hội; Vườn quốc gia Cát Tiên được xét vào Danh lục xanh thế giới…

Bộ Công Thương đề xuất năm 2024 tăng tiếp giá điện

Với chi phí đầu vào (than, dầu, khí) biến động và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong 2022 - 2023, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh tiếp giá điện năm nay.

Nhân viên Điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây

Nhân viên Điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây

Năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng/kWh, sau khi được nhà chức trách điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giá, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023. Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, trong đó số lỗ sau kiểm toán hợp nhất 2022 gần 20.750 tỷ đồng. Khoản này chưa gồm chênh lệch tỷ giá treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.

Xử lý hơn 1.000 m3 đất đá tràn lấp, đường lên cửa khẩu Cầu Treo thông tuyến trở lại

Sau nhiều giờ nỗ lực xử lý đất đá tràn lấp mặt đường, đến 10h ngày 26/1, Quốc lộ 8A đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã được thông tuyến trở lại.

Sau nhiều giờ khắc phục, tuyến đường mới được thông tuyến trở lại.

Sau nhiều giờ khắc phục, tuyến đường mới được thông tuyến trở lại.

Thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), đến khoảng 10h sáng 26/1, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000m3 đất đá tràn lấp mặt đường sau sự cố sạt lở vào chiều 25/1.

Theo đó, các đơn vị chức năng đã huy động nhân lực và máy móc để san gạt khoảng 1.000 m3 đất đá, cây cối vùi lấp mặt Quốc lộ 8A tại Km82+286, thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Đoạn đường bị đất đá vùi lấp dài khoảng 20 m.

Trước đó, do mưa lớn vào khoảng 16h ngày 25/1, tại Km82+286, cầu Eo Cô Gái, đoạn qua xã Sơn Kim 1, hơn 1.000 m3 đất đá đổ ập xuống, chắn ngang Quốc lộ 8A. Sự cố khiến hàng trăm phương tiện phải dừng lại ở hai phía của đoạn đường sạt lở chờ khắc phục.

Sau nhiều giờ nỗ lực xử lý đất đá tràn lấp mặt đường, đến 10h ngày 26/1, Quốc lộ 8A đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã được thông tuyến trở lại.

TP.HCM sẽ bố trí lại quỹ đất xây nhà xã hội

Để giải quyết các bất cập hiện tại, Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị phân bổ lại quỹ đất cho đồng đều và phù hợp hạ tầng giao thông.

Khu nhà phố tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Khu nhà phố tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Từ năm 2003, TP.HCM chủ trương chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất để xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Thành phố ưu tiên sử dụng các quỹ đất do Nhà nước quản lý để kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập.

Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đang còn khá nhiều. Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu phát triển 35.000 căn nhà và đã báo cáo Bộ Xây dựng danh mục các dự án, khu đất sẽ triển khai từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, qua quá trình tổng hợp dự án, quỹ đất, Sở Xây dựng nhận thấy việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Một trong số đó là phân bổ không đồng đều quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giữa các khu vực, thừa ở những khu vực tập trung nhiều nhà ở thương mại nhưng lại thiếu tại các khu vực vùng ven, nông thôn. Giá bán nhà ở xã hội tại các khu vực trung tâm đang bị đẩy lên quá cao, không phù hợp với khả năng thanh toán của đối tượng người mua chính.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, việc dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội cũng đang bị nhiều doanh nghiệp thực hiện đối phó. Trong khi phần diện tích nhà ở thương mại được triển khai nhanh để bán, phần nhà ở xã hội thì kéo dài công tác bồi thường, chậm triển khai, dẫn đến các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội không thực hiện được...

Bên cạnh đó, nhiều quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội hiện không đủ diện tích tối thiểu để xây một khối nhà độc lập theo đúng quy chuẩn xây dựng. Phát sinh tình trạng nhà ở xã hội phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối hạ tầng giao thông, không thu hút được người dân về ở, gây lãng phí.

Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, cần điều chỉnh các quỹ đất xây nhà ở xã hội trước đây theo hướng đồng đều và tiếp cận các vị trí thuận lợi cho giao thông công cộng, phù hợp nhu cầu từng khu vực.

Vườn quốc gia Cát Tiên được xét vào Danh lục xanh thế giới

Vườn quốc gia Cát Tiên đang hoàn thành các thủ tục để trở thành đơn vị thứ hai ở Việt Nam được đưa vào Danh lục xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Vườn quốc gia Cát Tiên nhìn từ trên cao

Vườn quốc gia Cát Tiên nhìn từ trên cao

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, điều phối viên đa dạng sinh học Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, hồ sơ của Vườn quốc gia Cát Tiên đã được nhóm chuyên gia độc lập thông qua để trình IUCN quốc tế xem xét đánh giá và chứng nhận danh hiệu, dự kiến trong năm 2024.

Danh lục xanh là bộ chỉ số để đo lường sự thành công trong công tác bảo tồn được khởi động tại Hội nghị Bảo tồn thế giới IUCN 2016. Để đạt được Danh lục xanh, các khu bảo tồn phải đạt 17 tiêu chí với 50 chỉ số. Hiện có 77 khu bảo tồn ở 18 quốc gia được chứng nhận. Hơn 300 khu bảo tồn ở 60 quốc gia tham gia ứng tuyển Danh lục xanh.

Quá trình chứng nhận Danh lục xanh bao gồm ba giai đoạn: đăng ký, ứng viên và chứng nhận. Các giai đoạn này được đánh giá bởi chuyên gia độc lập. Tại Việt Nam, nhóm chuyên gia được IUCN quốc tế phê duyệt gồm 11 thành viên trong và ngoài nước.

Vườn quốc gia Cát Tiên đăng ký Danh lục xanh tháng 9/2018, được thông qua đăng ký tháng 12/2020. Hồ sơ bắt đầu được xây dựng từ tháng 1/2022. Để đạt được các tiêu chí, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đã hỗ trợ nhiều hoạt động như tập huấn nhân viên, xây dựng trang tin điện tử, đánh giá mối đe dọa tại khu ramsa Bàu Sáu, xây dựng trung tâm diễn giải môi trường.

Vườn quốc gia Cát Tiên thành lập năm 1978 với diện tích hơn 82.000 ha trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Tại đây có 1.729 loài động vật thuộc 238 họ, hơn 1.600 loài thực vật thuộc 710 họ. Trong đó có một số loài quý hiếm như voi châu Á, bò tót, chà vá chân đen, tê tê java, cá sấu xiêm.

Phê bình nhà thầu phụ cầu bộ hành Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã phê bình nghiêm khắc các nhà thầu thi công do chậm hoàn trả mặt bằng, gây ùn tắc giao thông kéo dài trên đường Võ Nguyên Giáp sáng 22/1.

Kẹt xe kéo dài trước trạm thu phí gần cầu Rạch Chiếc, sáng 22/1

Kẹt xe kéo dài trước trạm thu phí gần cầu Rạch Chiếc, sáng 22/1

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có báo cáo về vấn đề ùn ứ giao thông vào rạng sáng ngày 22/1 do chậm hoàn trả mặt bằng khi thi công lắp đặt kết cấu dầm ngang nhánh phải cầu bộ hành ga Rạch Chiếc thuộc Metro số 1.

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của nhà thầu và các bên liên quan, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư) đã phê bình nghiêm khắc các nhà thầu thi công, đồng thời đề nghị Liên danh SCC (thực hiện Gói thầu số 2) chấn chỉnh đơn vị thi công lắp đặt kết cấu dầm ngang phải tuân thủ thời hạn hoàn trả mặt bằng. Trong trường hợp nhà thầu phụ tiếp tục vi phạm nội dung cấp phép, Chủ đầu tư sẽ đề nghị Liên danh SCC chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu phụ.

Các bên đã thống nhất triển khai một số giải pháp bổ sung nhằm tránh tái diễn sự việc tương tự, như kiểm soát chặt chẽ công tác chuẩn bị để thi công, tăng cường kiểm tra đột xuất, đặc biệt là trước thời điểm thi công…

Trước đó, sáng 22/1, giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Thủ Đức) ùn tắc kéo dài, người dân gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông qua khu vực này. Nguyên nhân được xác định là việc thi công cầu bộ hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn trả mặt bằng chậm trễ, gây ùn tắc. Đến 9h cùng ngày, tình hình giao thông khu vực này mới bình thường trở lại.

Theo giấy phép thi công, tối 21/1 và rạng sáng 22/1, nhà thầu sẽ tiến hành thi công lắp đặt 2 nhịp dầm ST - RC2 và RC2 - RC3 của nhánh phải cầu vượt bộ hành tại ga Rạch Chiếc. Thời gian thi công từ 22h ngày 21/1 đến 5h ngày 22/1, diện tích chiếm dụng mặt đường Võ Nguyên Giáp dài 120 m, rộng 18 m.

Trong quá trình thi công, xe cẩu phục vụ gặp sự cố bị vỡ ống thủy lực nên không thể tiếp tục triển khai lắp đặt xe cẩu 550 tấn vào vị trí thi công, nhà thầu phải huy động xe cẩu phục vụ khác đến để khắc phục, khiến việc thi công bị chậm. Phải đến 7 giờ ngày 22/1, nhà thầu mới hoàn trả mặt bằng thi công.

Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra tình hình xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf tại Đồi Cù

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và UBND TP. Đà Lạt kiểm tra tình hình xây dựng công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc sân golf Đà Lạt.

Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại Đồi Cù dừng thi công

Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại Đồi Cù dừng thi công

Ngày 26/1, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và UBND TP. Đà Lạt kiểm tra tình hình xây dựng công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc sân golf Đà Lạt của Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt.

Đây là động thái tiếp theo của chính quyền tỉnh Lâm Đồng sau khi phát hiện Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt xây dựng công trình không phép và sai phép tại Đồi Cù.

Ngày 10/1, TP. Đà Lạt cũng đã yêu cầu Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt và đơn vị thi công dừng việc xây dựng tòa nhà. Đây là công trình xây dựng gây xôn xao dư luận cả nước khi sai cả khối tích và diện tích, che khuất tầm nhìn của Đà Lạt hướng về núi LangBiang. Do công trình này xảy ra nhiều sai phạm nên Thành phố yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ ngay các lán trại, công trình phụ phục vụ thi công.

Tháng 2/2023, khi đang xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt đã có văn bản xin UBND tỉnh Lâm Đồng cho chủ trương thực hiện dự án 7 tầng làm khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, hầm đỗ xe.

Đề xuất này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận về mặt chủ trương, giao cho các sở, ngành nghiên cứu. Tuy nhiên, khi dư luận lên tiếng phản ứng, tháng 4/2023, UBND Tỉnh đã chính thức bãi bỏ.

Cục Viễn thông sẽ thu hồi các số điện thoại đầu 1800, 1900 của Công ty SPT

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kho số điện thoại đầu 1800, 1900 đã phân bổ cho Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (Công ty SPT) sẽ bị thu hồi vì đơn vị không nộp phí sử dụng cho kho số này.

Công ty SPT không nộp phí sử dụng cho các số điện thoại đầu 1800, 1900

Công ty SPT không nộp phí sử dụng cho các số điện thoại đầu 1800, 1900

Cụ thể, Cục Viễn thông đã phân bổ kho số viễn thông cho Công ty SPT để kinh doanh dịch vụ viễn thông (gồm số điện thoại cố định, số 1800, 1900). Tuy nhiên, Công ty SPT không thực hiện việc nộp phí sử dụng kho số viễn thông cho Nhà nước trong thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước.

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 50 Luật Viễn thông về việc thu hồi kho số viễn thông trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được phân bổ kho số viễn thông không nộp phí sử dụng, Cục Viễn thông sẽ tiến hành thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho Công ty SPT trước ngày 31/3/2024.

TP.HCM lắp 22 máy bắn tốc độ tự động ở các cửa ngõ

Ngành giao thông TP.HCM đã lắp 22 máy bắn tốc độ trên 14 tuyến đường các cửa ngõ, dữ liệu được truyền về cho Công an TP.HCM để xử phạt nguội. Đây là thông tin do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm chia sẻ vào ngày 26/1.

Năm 2023, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm mạnh. Ảnh minh họa

Năm 2023, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm mạnh. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Quang Lâm, trong năm 2023, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm cả ba tiêu chí gồm số vụ, số người chết và số người bị thương, với tỉ lệ giảm trung bình từ 15 - 21% mỗi tiêu chí so với năm 2022. Đây là con số đã được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là “kỷ lục”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, để đạt được kết quả này, ngoài đầu tư hạ tầng, các giải pháp quản lý giao thông khoa học, có vai trò rất lớn của ngành công an. Các đơn vị đã tuần tra, xử phạt rất nghiêm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, công tác phối hợp xử phạt vi phạm được Sở Giao thông vận tải và Công an TP.HCM phối hợp tốt, nhất là trong phạt nguội: "Có 22 máy bắn tốc độ trên 14 tuyến đường ở các cửa ngõ. Những dữ liệu này đều chuyển về PC08 để xử phạt nguội. Thứ hai là có 28 camera xử phạt dừng đỗ trái phép trên 28 tuyến đường. Tín hiệu hoàn toàn chuyển về Công an và Thanh tra giao thông xử lý".

Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, TP.HCM cũng là địa phương đi đầu sử dụng công nghệ trong xử phạt xe quá tải. Hiện Thành phố có 6 trạm cân xe quá tải ở cửa ngõ, trong đó có 3 trạm xử phạt nguội đi vào hoạt động từ tháng 11/2023. Các trạm cân hoạt động rất hiệu quả khi trong năm 2023, ngành chức năng đã phạt các phương tiện vi phạm với số tiền hơn 15 tỷ đồng, lũy kế đến nay đã phạt hơn 200 tỷ đồng các phương tiện vi phạm quá tải phát hiện từ các trạm cân.

Tin cùng chuyên mục