Bản tin thời sự sáng 27/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em; giá xăng tăng lên mức 24.330 đồng/lít, cao nhất 7 năm; tiêm vaccine Pfizer cho 1.500 trẻ độ tuổi 16 - 17 cùng 310 học sinh lớp 12 của huyện Củ Chi và Quận 1; trạm phụ BOT cầu Rạch Miễu qua cù lao Thới Sơn tạm dừng thu phí; lại yêu cầu hành khách đi máy bay tiếp tục khai báo thông tin…

Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 26/10 cho biết, chiến dịch tiêm cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước từ tháng 11 với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất.

Chiến dịch tiêm cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước từ tháng 11 với loại Vaccine Pfizer

Chiến dịch tiêm cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước từ tháng 11 với loại Vaccine Pfizer

Vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em, nhiều nước đã sử dụng.

Bộ trưởng Long yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Theo đó, chiến dịch tiêm sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi 16 - 17, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.

Trẻ được khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất; theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm.

Chiến dịch tiêm cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng cho người lớn trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì). Chiến dịch tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; vùng có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Bộ trưởng Long khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý.

Vaccine Pfizer đã được khoảng 30 nước trên thế giới tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi, hiệu quả ngăn ngừa hơn 90% triệu chứng Covid-19. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/10 công nhận vaccine Pfizer đáp ứng tiêu chuẩn cho trẻ 5 - 11 tuổi, có thể cấp phép khẩn cấp sử dụng cho lứa tuổi này trong thời gian tới.

Giá xăng tăng lên mức 24.330 đồng/lít, cao nhất 7 năm

Từ 16h chiều 26/10, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 1.430 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 1.460 đồng/lít, đều là mức cao nhất từ tháng 9/2014.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Theo điều hành giá của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 16h ngày 26/10 lên mức 23.110 đồng một lít (tăng 1.430 đồng); RON 95 là 24.330 đồng một lít (tăng 1.460 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.630 đồng một lít, tăng 1.010 đồng. Dầu diesel là 18.710 đồng một lít, tăng 1.170 đồng. Dầu madut là 17.210 đồng một kg, tăng 120 đồng.

Đây là kỳ tăng giá lần thứ tư liên tiếp từ 10/9 đến nay. Với đợt tăng giá lần này, giá xăng RON 95 đã vượt ngưỡng 24.000 đồng một lít; còn xăng E5 RON 92 vượt 23.000 đồng một lít.

Như vậy, xăng RON 95 đã lên mức cao nhất từ 9/9/2014, còn giá xăng E5 RON 92 chỉ còn thấp hơn khoảng 600 đồng so với mức "đỉnh" hồi tháng 9/2014.

Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi 1.100 đồng (nhiều hơn kỳ trước 150 đồng) từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95 là 400 đồng, kỳ trước là 0 đồng. Dầu diesel và dầu hoả có mức chi quỹ lần lượt là 150 đồng và 100 đồng mỗi lít. Riêng dầu madut không chi quỹ, và được trích quỹ bình ổn 100 đồng một kg.

So với hồi đầu tháng 9, tổng cộng mỗi lít xăng RON 95 đắt thêm 3.200 đồng và xăng E5 RON 92 thêm 3.220 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 2.190 - 3.050 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Tiêm vaccine Pfizer cho 1.500 trẻ độ tuổi 16 - 17 cùng 310 học sinh lớp 12 của huyện Củ Chi và Quận 1

Khoảng 1.500 trẻ đô tuổi 16 - 17 của huyện Củ Chi (TP.HCM) được tiêm vaccine Covid-19 trong sáng ngày 27/10. Trong chiều cùng ngày, Quận 1 cũng tiến hành tiêm cho 310 học sinh lớp 12 trường Lương Thế Vinh.

Huyện Củ Chi cùng Quận 1 là hai quận, huyện đầu tiên của TP.HCM khởi động tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vào ngày 27/10, trước khi triển khai rộng rãi

Huyện Củ Chi cùng Quận 1 là hai quận, huyện đầu tiên của TP.HCM khởi động tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vào ngày 27/10, trước khi triển khai rộng rãi

Bác sĩ Trương Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Củ Chi cho biết, sáng 27/10 tiêm trước cho 1.500 trẻ tại điểm tiêm Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi.

Bác sĩ Hùng cho biết, theo kế hoạch, huyện Củ Chi sẽ tổ chức tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên trẻ từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Số lượng trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn huyện là hơn 51.000, trong đó hơn 16.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi, gần 15.000 trẻ từ 14 - 16 tuổi, hơn 20.000 trẻ từ 12 - 14 tuổi. Huyện Củ Chi dự kiến tổ chức 6 điểm tiêm cố định cho trẻ.

Mỗi điểm tiêm chủng được chuẩn bị sẵn một đội cấp cứu lưu động cùng xe cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, bộ đặt nội khí quản, bình oxy, mask, bóng Ambu... Những trường hợp phản ứng nặng cần xử trí tại bệnh viện sẽ được vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện huyện Củ Chi, Phòng khám đa khoa Tân Quy trực thuộc Bệnh viện huyện Củ Chi.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Y tế Quận 1 cho biết, từ 13h30 ngày 27/10, Quận sẽ tổ chức tiêm tại Trường THPT Lương Thế Vinh cho 310 học sinh khối 12 bằng vaccine Pfizer. Sau đó, Quận sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, một vài ngày sau sẽ tiến hành tiêm đại trà cho các trẻ còn lại thuộc nhóm 12 - 17 tuổi.

Huyện Củ Chi cùng Quận 1 là 2 quận, huyện đầu tiên của TP.HCM khởi động tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vào ngày 27/10, trước khi triển khai rộng rãi toàn Thành phố.

Viện Pasteur TP.HCM chiều 26/10 có văn bản thống nhất kế hoạch sử dụng vaccine Comirnaty (Pfizer) trong tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM.

Trạm phụ BOT cầu Rạch Miễu qua cù lao Thới Sơn tạm dừng thu phí

Hai trạm thu phí phụ BOT cầu Rạch Miễu qua cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hoàn vốn từ tháng 7, hiện dừng hoạt động chờ ý kiến Bộ Giao thông vận tải.

Một trong 2 trạm thu phí phụ BOT Cầu Rạch Miễu đặt tại đường vào cù lao Thới Sơn

Một trong 2 trạm thu phí phụ BOT Cầu Rạch Miễu đặt tại đường vào cù lao Thới Sơn

Chiều 26/10, Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu Trần Thị Kim Uyên cho biết, tại cuộc họp giữa đơn vị này với UBND tỉnh Tiền Giang và Tổng cục Đường bộ mới đây, các bên đã thống nhất bỏ trạm thu phí phụ tại cồn Thới Sơn. Một trong lý do để bỏ là doanh thu tại 2 trạm quá ít, bình quân mỗi ngày thu 7 triệu đồng so với doanh số trạm chính khoảng 700 triệu đồng mỗi ngày.

2 trạm thu phí phụ nằm ở cuối nhịp chính cầu Rạch Miễu hướng từ Tiền Giang sang Bến Tre, cách trạm chính gần 3 km. Mỗi ngày chỉ có khoảng 200 lượt ôtô ra vào 2 trạm phụ, chiếm chừng 2%.

2 năm trước, Tiền Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bỏ 2 trạm này, tạo điều kiện phát triển du lịch, hạ giá thành nông sản, nâng cao thu nhập người dân. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải chưa đồng ý vì Dự án BOT cầu Rạch Miễu đang hoàn vốn ở giai đoạn 1, với tổng thời gian 13 năm 6 tháng. Đến ngày 5/7, Dự án kết thúc giai đoạn 1, chuyển sang giai đoạn 2, nâng cấp và mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên.

Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km, khánh thành năm 2009. Những năm gần đây, lượng xe trên Quốc lộ 60 tăng cao khiến cầu thường xuyên kẹt, nhất là dịp cuối tuần. Cuối năm ngoái, Thủ tướng phê duyệt xây cầu Rạch Miễu 2, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km, với tổng kinh phí hơn 5.100 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý IV năm nay, hoàn thành sau 4 năm.

Lại yêu cầu hành khách đi máy bay tiếp tục khai báo thông tin

Một ngày sau khi bỏ quy định viết cam kết phòng dịch, Bộ Giao thông vận tải lại yêu cầu hành khách đi máy bay tiếp tục khai báo nơi đi, nơi đến.

Hành khách cần khai báo nơi đi, đến tại sân bay

Hành khách cần khai báo nơi đi, đến tại sân bay

Theo quyết định ngày 26/10, Bộ Giao thông vận tải không yêu cầu hành khách khai báo theo mẫu cam kết phòng dịch như trước đây để đảm bảo hạn chế tập trung đông người và rút ngắn thời gian làm thủ tục tại sân bay. Tuy nhiên, hành khách bắt buộc khai báo điện tử (khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid) hoặc bằng hình thức khác theo hướng dẫn của nhân viên hàng không.

Ngoài ra, hành khách còn phải cung cấp thông tin theo mẫu cho các hãng hàng không (mẫu được đăng tải trên web của các hãng hoặc kê khai tại quầy làm thủ tục) với nội dung như nơi đi, nơi đến, số chuyến bay, ngày bay, số điện thoại, chữ ký, tương tự thông tin khai báo trên PC-Covid.

Giải thích việc hành khách phải khai báo lại thông tin giống tại PC-Covid, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, các cơ quan vẫn bày tỏ quan điểm tiếp tục phải tổ chức và giám sát chặt chẽ việc đi lại bằng đường hàng không. Trong đó các địa phương tiếp tục yêu cầu ngành hàng không cung cấp thông tin hành khách đến để có phương án kiểm soát.

Bộ Giao thông vận tải đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất phương án tích hợp và trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid. Vì thế thời gian trước mắt, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục yêu cầu các hãng bay tổ chức lấy thông tin di chuyển của hành khách.

Từ ngày 21/10, ngành hàng không đã khai thác lại toàn bộ đường bay nội địa. Mỗi ngày có khoảng 50 - 60 chuyến bay khứ hồi trên 30 đường bay, lưu lượng hành khách đi máy bay đã tăng dần so với đầu tháng 10, trung bình trên 10.000 người mỗi ngày, hiệu suất sử dụng ghế 40%.

TP.HCM dự kiến mở lại toàn bộ xe buýt sau 15/11

Sau 12 tuyến xe buýt trợ giá hoạt động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất mở lại toàn bộ tuyến khác sau ngày 15/11, triển khai theo từng giai đoạn.

Xe buýt số 65 (Bến Thành - Bến xe An Sương) chạy ở khu trung tâm TP.HCM

Xe buýt số 65 (Bến Thành - Bến xe An Sương) chạy ở khu trung tâm TP.HCM

Đề xuất trên vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Các tiêu chí để khôi phục hoạt động của xe buýt dựa trên tình hình kiểm soát Covid-19 ở Thành phố; mức độ quan trọng về tính kết nối, liên thông của từng tuyến xe...

Theo đó, từ nay đến 1/11, Trung tâm đề xuất khôi phục 16 tuyến xe buýt quan trọng, kết nối các đầu mối trung chuyển lớn như bến xe liên tỉnh, bến xe buýt, lộ trình đi qua các khu chế xuất, khu công nghiệp, chợ đầu mối... Số chuyến của mỗi tuyến hoạt động bằng 40% so với trước. Trong 16 tuyến xe này, hiện 8 tuyến đã hoạt động trở lại từ hôm 25/10.

Giai đoạn tiếp theo, từ ngày 8/11, dự kiến có thêm 29 tuyến xe buýt khác hoạt động trở lại, số chuyến bằng 50% trước dịch. Đây là các tuyến hoạt động trên các trục đường hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, lộ trình độc đạo không có phương án tuyến khác thay thế...

Từ ngày 15/11, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất khôi phục thêm 41 tuyến xe buýt có trợ giá còn lại. Dựa trên đánh giá tình hình đi lại của những tuyến xe đã được khôi phục ở các giai đoạn trước, Trung tâm sẽ điều chỉnh tần suất, thời gian hoạt động theo nhu cầu của khách, dự kiến tăng lên từ 70 - 80% số chuyến so với trước dịch.

TP.HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trước đó từ ngày 20/6, xe buýt cùng nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.