TP.HCM dự kiến thu hồi hai dự án xử lý rác 13.000 tỷ đồng
Hai dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn, tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng ở Củ Chi bị xem xét thu hồi do chậm triển khai nhiều năm.
Một nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi |
Yêu cầu được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đưa ra sau cuộc họp chuyên đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn mới đây. Hai dự án do Công ty Trisun Green Energy Corporation (Australia) và Công ty CP Tasco thực hiện được chính quyền Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước.
Trong đó, Dự án Nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Trisun Green Energy Corporation rộng 13 ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Công trình có tổng đầu tư khoảng 520 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng), với công suất tiêu hủy 1.000 tấn rác thải rắn và 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày được cấp phép năm 2017.
Còn Nhà máy Xử lý - Tái chế chất thải rắn do Công ty CP Tasco thực hiện ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày. Công trình đã được khởi công cách đây 4 năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng quá trình triển khai chậm trễ do vướng thủ tục.
UBND Thành phố yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc về thủ tục, giúp đẩy nhanh tiến độ. Trường hợp dự án triển khai chậm trễ, không đảm bảo pháp lý thì tham mưu Thành phố biện pháp chế tài hoặc thu hồi...
Hiện, mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn rác thải phát sinh trên địa bàn TP.HCM, trong đó khoảng 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...
3 tuyến cáp quang quốc tế của Việt Nam cùng lúc gặp sự cố
Tuyến cáp quang biển APG tiếp tục gặp sự cố vào sáng ngày 26/12. Trong khi đó, 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 vẫn bị gián đoạn và đang trong quá trình sửa chữa.
Đây là lần thứ 4 tuyến cáp APG phải sửa chữa trong năm nay. |
Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, sáng 26/12, tuyến cáp quang biển quốc tế APG tiếp tục gặp sự cố. Đây là lần thứ 4 tuyến cáp này bị gián đoạn trong năm nay.
Cụ thể, tuyến cáp biển APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Hiện tại, các đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông báo cho phía nhà mạng khai thác về nguyên nhân cũng như kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố.
Được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016, APG là tuyến cáp biển quan trọng với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, tuyến cáp quang APG được nhiều nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom tham gia đầu tư và khai thác. Đây đồng thời là tuyến cáp có độ ổn định cao và dung lượng lớn dành cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Tuy vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tuyến cáp APG đã 4 lần gặp sự cố, lần lượt vào các tháng 4, 7, 9 và 12. Trong tháng 9, tuyến cáp APG gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đến Singapore. Nguyên nhân được đơn vị quản lý xác định là do lỗi dò nguồn và đứt sợi tại vị trí cách trạm cập bờ SEA khoảng 145 km. Sự cố xảy ra giữa tháng 9 trên nhánh S9 mới được sửa xong vào ngày 14/11.
Đặc biệt, tuyến APG gặp sự cố cùng thời điểm với cả 2 tuyến cáp quang khác là AAG và AAE-1. Cụ thể, vào cuối tháng 11, tuyến AAE-1 bị lỗi "Shunt fault” (lỗi dò nguồn) trên phân đoạn S1H, với vị trí lỗi được xác định nằm ở các trạm Aguilar, cách vùng biển Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 3,21 km.
Đề xuất lộ trình sử dụng xe buýt điện thay thế diesel
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đề xuất Sở Giao thông vận tải cho sử dụng 4.800 xe buýt điện, giai đoạn 2023 - 2030.
Xe buýt điện trên đường phố Hà Nội |
Dự kiến mỗi năm, Hà Nội sẽ đưa vào sử dụng 600 xe buýt điện. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đề xuất được tính toán dựa theo chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải. Cụ thể, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đơn vị này cho hay, kế hoạch chuyển đổi theo nguyên tắc các tuyến buýt mở mới yêu cầu sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh. Đối với các tuyến buýt đến năm 2025 hết hạn thầu (phải đấu thầu lại), nếu phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) được phép sử dụng tối đa đến 10 năm, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu. Tổng cộng hơn 1.700 xe trên 111 tuyến sử dụng dầu diesel sẽ được chuyển đổi sang xe điện trong giai đoạn 2025 - 2035.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, hiện toàn Thành phố có 130 tuyến buýt trợ giá với tổng 1.966 xe. Trong số này, xe buýt sử dụng năng lượng xanh là 220 xe, chiếm 11% cơ cấu đoàn phương tiện, bao gồm: 81 xe buýt điện của Vinbus; 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG) của Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến. Số lượng xe buýt sử dụng dầu diesel chiếm tỷ trọng lớn với 1.746 xe (89%).
Thông xe cầu và đường nối Bình Dương với Tây Ninh
Sau hơn hai năm xây dựng, Dự án đường và cầu nối Bình Dương với Tây Ninh bắc qua sông Sài Gòn được thông xe.
Cầu bắc qua sông Sài Gòn nối hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh |
Sáng 26/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ thông xe Dự án cầu, đường kết nối phía tây tỉnh này với phía Đông tỉnh Tây Ninh.
Dự án khởi công tháng 10/2020 với số vốn hơn 370 tỷ đồng, dài hơn 800 m, trong đó phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài hơn 377 m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài hơn 92 m. Tuyến đường quy mô 6 làn xe qua sông Sài Gòn, kết nối đường ĐT744 (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) và đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, tuyến đường ngoài kết nối giao thông giữa hai tỉnh còn giúp rút ngắn quãng đường từ Tây Ninh đi sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu gần 30 km, không phải đi qua Quốc lộ 22, 22B hay kẹt xe.
Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 vượt 730 tỷ USD
Năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc 732 tỷ USD, tăng 10% so với 2021, theo Bộ Công Thương.
Năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc 732 tỷ USD |
Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương công bố tại hội nghị tổng kết 2022 chiều 26/12, cho thấy xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 so với năm ngoái. 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch ghi nhận cả năm là 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
Tính chung, xuất nhập khẩu năm nay đã lần đầu vượt 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhờ đó, cán cân thương mại thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, với giá trị gần 11 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối...
Khởi động lại dự án cầu, đường nối 3 quận, huyện TP.HCM
Sở Giao thông vận tải đề xuất triển khai Dự án cầu, đường Bình Tiên dài hơn 3 km, nối Quận 6, 8, Bình Chánh theo hợp đồng BOT, sau khi dừng làm với hình thức BT.
Nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí, quận 6 - điểm đầu dự án cầu đường Bình Tiên |
Nội dung vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi Tổng công ty Xây dựng số 1 đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đơn vị này sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư Dự án nếu Thành phố chấp thuận.
Trước đó, Dự án cầu, đường Bình Tiên được tính toán dài 3,2 km, rộng 30 - 40 m, điểm đầu tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (Quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Công trình trước đây được Thủ tướng ủy quyền cho TP.HCM chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Thành phố sau đó duyệt Dự án với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nên Dự án chưa được triển khai.
Đầu năm 2018, khi Trung ương chủ trương dừng dự án BT, Thành phố cũng cho dừng các công trình dạng này để rà soát. Mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án khác để đầu tư.
Hơn 900.000 cổ phiếu của shark Nguyễn Ngọc Thủy bị bán giải chấp
Hơn 900.000 cổ phiếu Apax Holdings (IBC) của ông Nguyễn Ngọc Thủy và Tập đoàn Egroup bị công ty chứng khoán bán giải chấp sau chuỗi giảm sàn hàng chục phiên.
Hơn 900.000 cổ phiếu của shark Nguyễn Ngọc Thủy bị bán giải chấp |
Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Thủy cho biết, Công ty Chứng khoán Bảo Việt tuần trước đã bán giải chấp 113.000 cổ phiếu. Sở hữu của ông tại Apax Holdings sau giao dịch này giảm từ 6,69 triệu cổ phiếu (tương ứng 8,05%) xuống 6,58 triệu (tương ứng 7,91%).
Tập đoàn Giáo dục Egroup do ông Thủy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời là công ty mẹ của Apax Holdings với tỷ lệ sở hữu hơn 59,67%, cũng bị hai công ty chứng khoán bán giải chấp gần 790.000 cổ phiếu IBC. Giao dịch được thực hiện cùng đợt với ông Thủy bằng phương thức thoả thuận lẫn khớp lệnh.
Đợt bán giải chấp của hai cổ đông lớn nhất tại Apax Holdings xảy ra khi cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm sàn 16 phiên liên tiếp. Đến hôm qua, chuỗi giảm này đã kéo dài sang phiên thứ 24, khiến giá rơi thẳng đứng từ 15.500 đồng về 2.790 đồng. Đây là mức thấp nhất từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM cách đây 5 năm.
Apax Holdings hiện đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Đây là công ty duy nhất trong hệ sinh thái Egroup của ông Thủy được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thêm hai trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM bị đình chỉ
Cục Đăng kiểm đình chỉ 3 tháng với Trung tâm 50-05V (Quận 12); 50-03V tại phường Tam Bình và chi nhánh tại phường Linh Trung (TP. Thủ Đức) từ ngày 26/12/2022 đến hết 25/3/2023.
Trung tâm đăng kiểm trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, đóng rào ngưng nhận ô tô do quá tải |
Hai trung tâm này bị đình chỉ do vi phạm quy định tại Nghị định 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cục Đăng kiểm yêu cầu, hết thời hạn tạm đình chỉ, các đơn vị phải có văn bản đề nghị cho phép hoạt động kiểm định trở lại.
Hai tuần qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã liên tiếp tạm đình chỉ hoạt động của 8 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do vi phạm các quy định về kiểm định xe cơ giới.
Theo một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên địa bàn hiện có 17 trung tâm đăng kiểm nên hiện các đơn vị trên khi dừng hoạt động, tài xế, chủ xe vẫn còn nhiều lựa chọn. Sở sẽ theo dõi sát tình hình, có sự điều phối, bố trí nhân sự để không xảy ra ùn ứ ở các trung tâm đăng kiểm.
Từ 1/1/2023, tổ công tác của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiểm tra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới; rà soát tổng thể hoạt động đăng kiểm trên toàn quốc.