Hà Nội phát hiện gần 9.500 lỗi vi phạm phòng cháy ở chung cư mini
Rà soát hơn 3.000 chung cư mini chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 9.466 lỗi vi phạm, theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội.
Hà Nội đang tồn tại hàng nghìn nhà trọ trong các ngõ nhỏ, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận |
Tại Họp báo tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội chiều 26/6, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội, công an Thành phố đã chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát các chung cư mini, nhà thuê trọ trên địa bàn.
Kiểm tra hơn 3.000 chung cư chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hoạt động sau khi Luật PCCC có hiệu lực, các cơ quan đã phát hiện 9.466 lỗi vi phạm. Sau rà soát, gần 3.600 tồn tại và 939 công trình vi phạm đã được khắc phục.
Tính đến 15/6, công an Thành phố cũng đã kiểm tra toàn bộ 37.000 cơ sở nhà thuê trọ thuộc diện quản lý về PCCC. Hơn 3.000 trường hợp vi phạm bị phạt gần 13 tỷ đồng. 672 trường hợp vi phạm bị tạm đình chỉ và 75 trường hợp bị đình chỉ.
Hà Nội có gần 1.400 công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên), trong đó 91 công trình vi phạm về PCCC. Kiểm tra 831 lượt cơ sở chung cư, nhà cao tầng, công an cũng lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 16 trường hợp với hơn 700 triệu đồng. Đến nay, 67/91 công trình đã khắc phục, đảm bảo các yêu cầu về PCCC; 24 công trình vi phạm đang tiếp tục khắc phục.
Thống kê từ năm 2014 đến hết năm 2023 (chưa cập nhật vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng từ đầu năm 2024 đến nay), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Toàn Thành phố cũng có trên 8.000 sự cố nhỏ như cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ suất trong đun nấu. 52% vụ cháy xảy ra ở nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh.
Tại kỳ họp HĐND Thành phố diễn ra ngày 1 - 4/7, UBND Thành phố dự kiến trình Đề án nâng cao năng lực PCCC và cứu hộ cứu nạn giai đoạn 2025, định hướng 2030 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng.
Công an đề nghị cung cấp hồ sơ gói thầu khu tái định cư sân bay Long Thành
Công an tỉnh Đồng Nai đang xác minh các thông tin, hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng 493 tại Dự án Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn |
Ngày 26/6, Công an tỉnh Đồng Nai vừa đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cung cấp hồ sơ 5 gói thầu xây dựng hạ tầng tại Dự án Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) để xác minh các gói thầu do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng 493 trúng thầu tại Dự án.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành) có 11 công trình xã hội với 11 gói thầu. Năm 2021, các gói thầu lần lượt được khởi công nhưng tiến độ thi công rất chậm.
Sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu thi công công trình xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đều được tạm ứng tiền, có sự bảo lãnh của ngân hàng. Tháng 9/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với 6 gói thầu chậm tiến độ thời gian dài, khối lượng hoàn thành thấp. Trong đó có 5 gói thầu do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng 493 (trụ sở tại TP. Vinh, Nghệ An) thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, đến nay số tiền 36 tỷ đồng tạm ứng cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng 493 thi công 5 gói thầu (Ngân hàng Cổ phần Thương mại Đông Nam Á bảo lãnh) vẫn chưa thu hồi được.
Đầu năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai có đơn gửi TAND tỉnh Đồng Nai, khởi kiện Ngân hàng Cổ phần Thương mại Đông Nam Á về việc thu hồi tiền tạm ứng 5 gói thầu trên. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chuyển hồ sơ vụ kiện cho TAND TP. Vinh thụ lý, giải quyết theo quy định.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai tập trung thu thập thông tin, xác minh làm rõ vụ việc.
Bình Thuận chuyển công an điều tra 10 gói thầu của Công ty AIC
Thanh tra tỉnh Bình Thuận chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu trong nhiều gói thầu liên quan đến Công ty AIC.
Máy thủy trị liệu và máy xông hơi toàn thân do Công ty AIC cung cấp tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh |
Ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký công văn gửi các đơn vị liên quan đến các gói thầu do Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC (Công ty AIC) trúng thầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Xét theo đề nghị của Chánh Thanh tra Tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận vừa giao Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về những tồn tại, thiếu sót, vi phạm đã được Chánh Thanh tra Tỉnh kết luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Thanh tra Tỉnh thực hiện việc chuyển hồ sơ, vụ việc của 10/11 gói thầu có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để tiếp tục xử lý theo quy định, thời gian hoàn thành trong tháng 6.
UBND Tỉnh cũng yêu cầu Công an Tỉnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT thực hiện việc điều tra, xác minh đối với 10/11 gói thầu có dấu hiệu tội phạm theo quy định pháp luật, do Thanh tra Tỉnh chuyển đến để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Các Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận nghiêm túc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra Tỉnh theo quy định.
Trước đó, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận ký kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định về đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với các gói thầu do Công ty AIC trúng thầu trên địa bàn Tỉnh.
Đoàn thanh tra đã thanh tra 11 gói thầu tại Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Qua thanh tra cho thấy, các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng chỉ đạo để triển khai đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với 11 gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Những hạn chế, thiếu sót, vi phạm có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu và Bộ luật Hình sự.
Hiển thị căn cước điện tử trên VNeID từ 1/7
Người dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ được hiển thị căn cước điện tử trên ứng dụng VNeID từ 1/7.
Thông tin thẻ căn cước công dân trên ứng dụng VNeID |
Thông tin được nêu trong Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ 1/7 quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng một tính năng, tiện ích trên tài khoản VNeID của công dân. Hình thức hiển thị của căn cước điện tử sẽ do Bộ trưởng Công an quy định.
Căn cước điện tử được cấp cùng lúc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân Việt Nam. Người đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì Bộ Công an có trách nhiệm tạo lập và hiển thị căn cước điện tử cho họ trên VNeID từ 1/7.
Hiển thị trên VNeID hiện tại là thông tin về thẻ căn cước công dân. Từ 1/7, phần hiển thị sẽ là căn cước điện tử, có giá trị pháp lý như thẻ căn cước bản cứng. Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử cũng được lưu trữ trên hệ thống trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng.
Người dân có thể yêu cầu khóa căn cước điện tử trực tiếp tại công an xã, phường hoặc cơ quan quản lý căn cước công an cấp tỉnh, huyện. Người dân cũng có thể đề nghị khóa căn cước điện tử trên ứng dụng VNeID theo mẫu TK03 có sẵn. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm khóa căn cước điện tử ngay.
Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động rà soát, kiểm tra và mở khóa căn cước điện tử khi không còn căn cứ khóa.
Ngoài ra, tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia của cá nhân được sử dụng đến hết ngày 30/6. Từ 1/7, người dân sẽ sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành như cổng dịch vụ công Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đề nghị thu hồi hơn 1.900 tỷ đồng tiền thuê đất của dự án Khu dân cư Giang Điền
UBND tỉnh Đồng Nai vừa công bố Kết luận thanh tra số 02/KL-UBND về việc thanh tra toàn diện đối với Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền tại huyện Trảng Bom.
Một góc Dự án Khu dân cư Giang Điền, huyện Trảng Bom |
Dự án do Công ty CP Du lịch Giang Điền (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) làm chủ đầu tư. Theo kết luận thanh tra, năm 2001, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt chủ trương và giới thiệu khu đất 67,5 ha cho dự án này.
Năm 2006, khu A của Dự án đi vào hoạt động, khai thác du lịch một phần, phù hợp với mục tiêu đầu tư đề ra. Năm 2004, Công ty CP Du lịch Giang Điền đề xuất mở rộng Dự án thêm 50 ha và điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu B và C, từ đất du lịch sinh thái sang đất khu dân cư.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai chưa có quyết định chủ trương đầu tư, cho thuê và giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích này nhưng Công ty Giang Điền tự ý xây dựng công trình hạ tầng, nhà ở tại khu B và C, ký kết 1.267 hợp đồng chuyển nhượng và mua bán đất nền không đúng quy định.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Giang Điền không tham khảo ý kiến người dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của Dự án nhưng vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình lên UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Năm 2021, UBND huyện Trảng Bom giao Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và đơn vị báo cáo sai phạm về việc san lấp mặt bằng Dự án là UBND xã Đồi 61 đi kiểm tra hiện trạng, lập biên bản và tham mưu xử phạt.
Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom không thực hiện tham mưu xử phạt theo quy định, cũng như UBND huyện Trảng Bom thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, kiểm tra việc xử lý vi phạm.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao cơ quan công an tiếp nhận và xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, đề nghị thu hồi số tiền thuê đất hơn 1.956 tỷ đồng do Công ty CP Du lịch Giang Điền chưa nộp theo quy định.
TP.HCM thí điểm bỏ đếm giây trên đèn giao thông tại 4 giao lộ lớn
TP.HCM thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở 4 giao lộ lớn để theo dõi hành vi, hình thành thói quen cho người đi đường và tổ chức giao thông phù hợp.
Mô hình đèn tín hiệu giao thông không đếm thời gian ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu |
Mô hình trên đang được Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải TP.HCM mở rộng thêm ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu, TP. Thủ Đức, sau thời gian thí điểm tại ba nút giao khác tại khu vực nội đô, gồm: Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8.
Chốt đèn tín hiệu giao thông ở những nút giao trên thay vì đếm lùi thời gian về số 0 như bình thường sẽ chỉ hiển thị màu xanh, vàng và đỏ theo từng chu kỳ. Tuỳ thời điểm và lượng xe qua nút giao, chu kỳ đèn cũng sẽ linh hoạt điều chỉnh theo thời gian khác nhau.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị cho biết, việc thí điểm chỉ áp dụng ở các nút giao lớn, đã lắp đặt camera giám sát và hệ thống tín hiệu được kết nối về trung tâm, có thể điều khiển từ xa. Một số nơi khác vẫn có đèn không đếm số, nhưng thuộc dạng được thiết lập sẵn, mỗi lần thay đổi phải cài đặt trực tiếp tại các chốt.
Theo ông Tấn, sau thời gian thí điểm, mô hình đèn tín hiệu không đếm thời gian giúp giao thông ở các khu vực này ổn định hơn. Người đi đường cũng nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành đèn tín hiệu, thay vì một số trường hợp thường cố vượt khi đèn còn 2 - 3 giây. Tình trạng này ngoài nguy cơ tai nạn còn gây lộn xộn, ùn tắc ở nút giao.
Long An đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo lùi tiến độ đầu tư
Khu đô thị phức hợp E.Ctiy Tân Đức do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư với quy mô gần 166 ha vừa được UBND tỉnh Long An chấp thuận điều chỉnh lùi tiến độ dự án.
Long An đồng ý cho Tân Tạo lùi tiến độ đầu tư dự án 166 ha. Ảnh minh họa |
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) vừa thông báo được UBND tỉnh Long An chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu trung tâm dịch vụ - thương mại - giải trí - phim trường - trường học - bệnh viện và dân cư đô thị E.City Tân Đức với quy mô 166 ha nằm tại xã Đức Hòa Hạ và xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa.
Sau khi điều chỉnh, trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Tân Tạo phải hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật toàn bộ Dự án.
Trước khi có quyết định trên, tiến độ triển khai Dự án được xác định là từ năm 2009 - 2015 triển khai đền bù, san lấp và xây dựng để hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật toàn khu. Trong đó, năm 2012 sẽ khai thác kinh doanh.
UBND tỉnh Long An cho biết đến nay, Tập đoàn Tân Tạo đã chi trả bồi thường đạt tỷ lệ 100%, đã được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đồng thời, đã được giao đất để thực hiện các khu chức năng và đang chờ cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính để nhà đầu tư thực hiện.
Về lý do điều chỉnh khi Dự án triển khai chậm tiến độ, địa phương này lý giải, Tập đoàn Tân Tạo gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (còn 3 hộ khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng), vướng mắc về thủ tục đất đai và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Dự án.
Ngày 28/6/2022, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (chậm tiến độ và báo cáo đầu tư chưa đầy đủ). Sau đó, nhà đầu tư cũng đã nộp phạt.
Ba cán bộ bị khởi tố do liên quan dự án vành đai 4 vùng thủ đô
Ba cán bộ thuộc UBND huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) đã bị khởi tố do có dấu hiệu vi phạm liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4.
Phối cảnh đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ gồm đường trên cao và dưới thấp |
Thông tin được Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng nói tại cuộc họp báo định kỳ của UBND Thành phố, chiều 26/6.
Theo Thiếu tướng Tùng, ngày 14/5, công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn địa bàn thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai).
"Công an Hà Nội đã khởi tố bị can với ông Lê Quang Hiệp, Lê Xuân Nghĩa (cùng là cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai) và ông Phạm Thái Sơn (cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện)", tướng Tùng nói và cho hay vụ án đang được mở rộng điều tra.
Sau khi phát hiện việc xảy ra ở huyện Thanh Oai, Công an Thành phố đã tham mưu cho UBND Hà Nội yêu cầu các đơn vị, sở ngành liên quan và các địa phương có Dự án Vành đai 4 đi qua phải tự phối hợp, tự phát hiện, rà soát phương án thực hiện, tránh trường hợp khi Dự án hoàn thành lại xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật.
Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô được khởi công tháng 6/2023, tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km (qua địa bàn 7 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức); đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km. Theo tiến độ dự kiến, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Tại huyện Thanh Oai, Dự án đi qua địa phương này có chiều dài 7,9 km, nằm trên địa bàn 6 xã: Bích Hòa (2,1 km), Cự Khê (2 km), Bình Minh (0,28 km), Tam Hưng (0,98 km), Mỹ Hưng (1,44 km), Thanh Thùy (1,1 km).