Bản tin thời sự sáng 27/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 14 công trình ven biển Bình Thuận có nguy cơ sạt lở; ngân hàng đồng loạt giảm giá USD; cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm yết bắt buộc; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cadovimex Võ Thành Tiên bị bắt…

14 công trình ven biển Bình Thuận có nguy cơ sạt lở

14 dự án đang triển khai dọc bờ biển tại Bình Thuận có nguy cơ sạt lở, gây lũ cát, uy hiếp các khu dân cư và tuyến đường du lịch, cần có biện pháp ứng phó.

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né nằm trên đồi cao là một trong số 14 dự án có nguy cơ sạt lở

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né nằm trên đồi cao là một trong số 14 dự án có nguy cơ sạt lở

Thông tin trên được Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đưa ra sau khi kiểm tra, rà soát các dự án có công trình đang triển khai xây dựng ven biển. Trong đó, địa bàn Phan Thiết có 11 công trình, còn lại ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam.

Tại Phan Thiết, các dự án có nguy cơ sạt lở gồm: Khu du lịch sinh thái Biển Lặng, Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Khu du lịch Minh Sơn, Khu biệt thự cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm, Goldsand Hill Villa, Khu nghỉ dưỡng Mũi Né, Khu đô thị dịch vụ du lịch Hưng Lộc Phát, Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát, Sentosa Villa, Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương và Khu nhà ở Phú Hài.

Ba công trình còn lại ở các huyện, gồm: chùa Minh Đạo (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong), Khu du lịch Hawaii (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) và Khu du lịch nghỉ dưỡng Amiana (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam).

Sở Xây dựng Bình Thuận đã đề nghị TP. Phan Thiết, các huyện và chủ đầu tư rà soát hồ sơ thiết kế và hạng mục công trình thuộc dự án; có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn. Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu các chủ dự án phải lập tổ ứng phó nhanh sự cố tại chỗ để chủ động xử lý, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường, ảnh hưởng giao thông và an toàn các khu dân cư ven biển khi có mưa lớn.

Những năm qua, tình trạng sạt lở, tràn bùn cát xuống đường ven biển Bình Thuận thường xảy ra mỗi khi mưa lớn.

Ngân hàng đồng loạt giảm giá USD

Giá USD tại các ngân hàng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/7 trong khi trên thị trường tự do vẫn ghi nhận xu hướng tăng nhẹ.

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.249 đồng/USD, ngày 26/7

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.249 đồng/USD, ngày 26/7

Trong phiên giao dịch ngày 26/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.249 đồng, giảm 16 đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, Sở Giao dịch NHNN vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD.

Đáng chú ý, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm theo tỷ giá trung tâm. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh ghi nhận biên độ giảm nhẹ hơn các ngân hàng thương mại tư nhân.

Cụ thể, tại Vietcombank - ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, tỷ giá đồng bạc xanh hiện được niêm yết ở mức 25.091 - 25.461 đồng/USD (mua - bán), giảm 1 đồng ở chiều mua vào và bán ra.

Tương tự, BIDV có tỷ giá cập nhật ở mức 25.121 - 25.461 đồng/USD, giảm 1 đồng ở chiều mua vào và bán ra.

Tại VietinBank, ngân hàng đang niêm yết tỷ giá ở mức 25.093 - 25.443 đồng/USD, giảm 78 đồng ở chiều mua, song chỉ giảm 2 đồng ở chiều bán so với phiên giao dịch liền trước.

Là ngân hàng thương mại tư nhân có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn, HDBank hiện niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 25.050 - 25.461 đồng/USD (mua - bán). So với phiên liền trước, tỷ giá quy đổi đồng USD tại HDBank giảm 10 đồng ở chiều mua và 17 đồng ở chiều bán.

Trong khi đó, giá mua USD tại nhiều ngân hàng thương mại tư nhân lớn khác đã được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến 30 - 57 đồng so với phiên trước. Trong đó, giá mua vào có mức giảm mạnh hơn so với giá bán ra.

Hiện giá mua USD thấp nhất ở mức 25.077 đồng/USD (giảm 35 đồng), giá mua cao nhất ở mức 25.150 đồng/USD (giảm 40 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD được phần lớn ngân hàng niêm yết ở mức 25.461 đồng/USD (tức giảm hơn 17 đồng).

Trái ngược diễn biến trên kênh ngân hàng, tại thị trường "chợ đen", giá USD đang được một số điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội đưa ra quanh vùng 25.690 đồng/USD (mua) và 25.770 đồng/USD (bán), tương ứng tăng 30 đồng ở chiều mua và chiều bán so với phiên giao dịch ngày 26/7.

Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm yết bắt buộc

Cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết bắt buộc do tổng số lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo quy định.

Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình lỗ ròng 3.240 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình lỗ ròng 3.240 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau khi nhận được báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của Công ty.

Cụ thể, HoSE cho biết, trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 của Xây dựng Hòa Bình âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của Công ty là 2.741 tỷ đồng.

Căn cứ quy định, cổ phiếu HBC thuộc diện bị hủy bỏ niêm yết do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Đồng thời, HoSE thông báo, cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc và sẽ thực hiện hủy niêm yết đối với cổ phiếu này theo quy định.

Trên thị trường, kết thúc phiên 26/7, cổ phiếu HBC dừng ở mức 7.250 đồng, giảm 8% so với đầu năm.

Về tình hình kinh doanh, quý II năm nay, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, dù doanh thu đi lùi, giá vốn hàng bán của công ty này lại tăng gần 10%, qua đó thu hẹp lãi gộp xuống còn gần 100 tỷ đồng, giảm 64%. Biên lãi gộp cũng vì thế mà giảm từ 17% xuống 4,6%.

Kỳ vừa rồi, doanh thu tài chính của Hòa Bình tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên) và Công ty CP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).

Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 270 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của nhà thầu xây dựng này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hòa Bình tăng 10% lên 3.811 tỷ đồng và lãi sau thuế 741 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, Công ty đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và vượt 71% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bị cấm bay 12 tháng vì tung tin đồn có lựu đạn trên máy bay

Hành khách tung tin đồn có lựu đạn trên máy bay bị cấm bay 12 tháng và áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc.

Hành khách tung tin có lựu đạn trong vali bị cấm bay 12 tháng. Ảnh minh họa

Hành khách tung tin có lựu đạn trong vali bị cấm bay 12 tháng. Ảnh minh họa

Ngày 26/7, Cục Hàng không Việt Nam cho biết vừa ra quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn và áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong hành lý xách tay.

Theo đó, hành khách N.T.P (trú Nhơn Đức, Nhà Bè, TP.HCM) đã tung tin có lựu đạn trong hành lý xách tay trên máy bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hàng không dân dụng.

Hành khách P bị áp dụng cấm vận chuyển bằng đường hàng không với thời hạn 12 tháng (từ 30/7/2024 - 29/7/2025).

Ngoài ra, hành khách P còn bị áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc trong 6 tháng (tính từ 30/7/2025 - 29/1/2026).

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay xuất phát từ các cảng hàng không tại Việt Nam không vận chuyển hành khách P theo thời hạn nêu trên.

Trước đó, lúc 15h15 ngày 21/7, tại sân bay Đà Nẵng, khi chuyến bay VN131 chỉ còn 10 phút nữa là cất cánh, hành khách N.T.P ngồi tại số ghế 28E tung tin có lựu đạn trong vali.

Tiếp viên đã báo thông tin với cơ trưởng. Chuyến bay bị tạm dừng ngay sau đó. Nhận được tin báo, Trực ban An ninh hàng không lập tức báo cáo cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan đánh giá, quyết định tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hóa.

Lực lượng an ninh cũng rà soát máy bay và lục soát nhóm 4 người (bao gồm hành khách P và gia đình) cùng hành lý xách tay của họ.

Kết quả, không phát hiện vật phẩm nguy hiểm, chất cấm, chất nổ trên người và hành lý mang theo của hành khách P và các hành khách khác. Đến 16h45 cùng ngày, hãng bay thực hiện thủ tục cho hành khách lên lại máy bay và khởi hành lại ngay sau đó.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cadovimex Võ Thành Tiên bị bắt

Ông Võ Thành Tiên, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cadovimex bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thành Tiên

Bị can Võ Thành Tiên

Liên quan đến vụ án lừa đảo tại Công ty Cadovimex, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Võ Thành Tiên (sinh năm 1962, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cadovimex).

Trước đó Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố và bắt tạm giam ông Ngô Văn Phăng (sinh năm 1968, ngụ Cà Mau, cựu Chủ tịch HĐQT Cadovimex); cho tại ngoại đối với các bị can Võ Hùng Cường (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Cadovimex); ông Dương Văn Tường (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cadovimex).

Những cán bộ ngân hàng liên quan vụ án này bị khởi tố nhưng cho tại ngoại bao gồm 3 cán bộ một ngân hàng chi nhánh Cà Mau là ông Nguyễn Văn Khẩn, Trần Minh Đức và ông Trần Hữu Cường; 2 cán bộ ngân hàng ở TP.HCM là Phan Đình Cường và Trần Thị Hồng.

Còn 2 cán bộ ngân hàng khác đã bỏ trốn và đang bị truy nã là Nguyễn Hùng Cường và Lê Kim Hùng.

Tất cả cán bộ ngân hàng nêu trên bị khởi tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Phan Thiết sẽ có phố ẩm thực đêm từ tháng 9

TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tổ chức phố ẩm thực đêm trên đường Tuyên Quang với khoảng 100 gian hàng phục vụ người dân và du khách từ tháng 9.

Trung tâm thành phố biển Phan Thiết

Trung tâm thành phố biển Phan Thiết

Ngày 26/7, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, phố ẩm thực sẽ được tổ chức từ 17h30 - 24h vào mỗi tối thứ 6, 7 hàng tuần trên đường Tuyên Quang.

Đoạn đường tổ chức phố ẩm thực dài khoảng 300 m (từ đầu ngã ba Tuyên Quang - Nguyễn Tất Thành đến ngã tư Tuyên Quang - Thủ Khoa Huân), có nhiều quán ăn với những món đặc sản địa phương. Dự kiến nơi đây có khoảng 100 gian hàng phục vụ các món ăn đặc trưng và sản vật.

Ngoài ra, phố ẩm thực còn có khu biểu diễn âm nhạc, DJ, đờn ca tài tử, nhạc cụ dân tộc; khu vực trò chơi dân gian và vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

Theo chính quyền địa phương, việc thí điểm phố ẩm thực nhằm tiến tới phát triển mô hình kinh tế đêm tại Phan Thiết. Qua đó, địa phương quảng bá du lịch, văn hóa, ẩm thực truyền thống của Bình Thuận đến với du khách.

Sáu tháng đầu năm nay, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra sôi động. Toàn tỉnh đón 4,59 triệu lượt khách, tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2023, trong đó khách quốc tế tăng 91,2%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 11.800 tỷ đồng, tăng 4,3%.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động "chui" tại Cần Thơ bị phạt 360 triệu đồng

Không giấy phép xuất khẩu lao động, Công ty TNHH Huỳnh Hương Group vẫn tuyển chọn, thu tiền cọc 3,3 tỷ đồng đưa nhiều người đi làm việc tại Hàn Quốc.

Công ty TNHH Huỳnh Hương Group đăng ký hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, in ấn, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, nhưng tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Công ty TNHH Huỳnh Hương Group đăng ký hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, in ấn, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, nhưng tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Công ty TNHH Huỳnh Hương Group, ở quận Ninh Kiều, bị UBND TP. Cần Thơ xử phạt 360 triệu đồng do tổ chức tuyển chọn, thu tiền, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi không có giấy phép.

Công ty TNHH Huỳnh Hương Group thành lập đầu tháng 6/2024 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Thu Đông làm giám đốc, hoạt động trên lĩnh vực: hỗ trợ giáo dục, in ấn, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng.

Tuy nhiên, công ty đã tổ chức tuyển chọn, thu tiền cọc 3,3 tỷ đồng của 142 người ở Cần Thơ và các địa phương lân cận có nhu cầu lao động tại Hàn Quốc. Đến nay, đơn vị này chưa đưa được lao động nào sang Hàn Quốc làm việc thì bị các ngành chức năng của TP. Cần Thơ phát hiện. Chính quyền Thành phố buộc Công ty trả lại số tiền đã thu trái pháp luật cho người lao động.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP. Cần Thơ mời làm việc và quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với ông Lê Thành Sang (nhân viên Công ty TNHH Huỳnh Hương Group) do đăng tải thông tin giả mạo, không đúng sự thật liên quan hoạt động đưa người đi lao động ở Hàn Quốc.

Ông Sang đã lập nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội TikTok đăng tải video có thông tin giới thiệu việc làm, nhận hồ sơ đưa người Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc với mức thu nhập từ 1,8 - 2,1 triệu đồng mỗi ngày.

Người này cũng đăng trên tài khoản TikTok của mình thông tin: Khai trương Văn phòng Công ty TNHH Huỳnh Hương Group, trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cùng bảng hiệu quảng cáo Công ty có số điện thoại để liên hệ trực tiếp, hoặc đăng kết nối zalo là số điện thoại của giám đốc doanh nghiệp.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định, công ty này không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chưa được cấp phép hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phát hiện kho hàng chứa 23.000 đồ thời trang nhái Gucci, Hermès

Cơ quản quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ vụ việc 23.405 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng lên công an điều tra. Đây là lô hàng có giá trị vi phạm trên 1,4 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng kiểm đếm hàng vi phạm

Cơ quan chức năng kiểm đếm hàng vi phạm

Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) cho biết, đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật vi phạm liên quan đến kho hàng hơn 23.000 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đến Công an huyện Lục Ngạn để điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Cơ quan quản lý xác định, vụ việc này có số lượng và trị giá hàng hóa lớn, có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, cơ quan quản lý thị trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị Công an Tỉnh khám kho hàng của bà Phan Thị Ngọc Anh tại số 931 tổ dân phố Dốc Đồn, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện 23.405 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu Adidas, Burberry, Gucci, Hermès, Nike... Tổng giá trị lô hàng vi phạm ước tính trên 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 490 sản phẩm hàng hóa là quần soóc, áo phông, dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị gần 39 triệu đồng.

Tại thời điểm khám, đại diện chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến số hàng này. Theo quy định, đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên.