Bản tin thời sự sáng 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên ở Ninh Thuận do sai phạm ở dự án điện gió; duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn hơn 500 ha; TP.HCM lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất; các hãng hàng không khai thác hơn 4.200 chuyến bay dịp cao điểm 2/9…

Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên ở Ninh Thuận do sai phạm ở dự án điện gió

3 tổ chức đảng và 3 đảng viên ở Ninh Thuận bị khiển trách do vi phạm trong tham mưu thực hiện các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời trên địa bàn.

Trụ sở Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận.

Trụ sở Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận.

Theo thông báo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Thuận, 3 tổ chức đảng bị khiển trách gồm: Chi bộ Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) thuộc Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chi bộ Phòng Quản lý Giá - Công sản và Tài chính đầu tư thuộc Đảng bộ Sở Tài chính; Chi bộ Phòng Quản lý đất đai thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, 3 đảng viên liên quan bị khiển trách là bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO); Lê Văn Hải, Trưởng phòng Quản lý Giá - Công sản và Tài chính đầu tư, Sở Tài chính; Hồ Xuân Hùng, Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Động thái kỷ luật của cơ quan kiểm tra tỉnh Ninh Thuận thực hiện theo thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 42 (ngày 14 - 16/6), theo phân cấp quản lý cán bộ. Tại kỳ họp này, Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch Tỉnh; khiển trách một số lãnh đạo sở ngành, địa phương.

Hồi tháng 12/2023 Thanh tra Chính phủ kết luận Ninh Thuận có nhiều sai phạm liên quan quy hoạch, cho thuê đất đối với một số dự án điện mặt trời, điện gió ở huyện Thuận Nam, Ninh Phước và Ninh Sơn.

Duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn hơn 500 ha

Khu vực quy hoạch vừa được duyệt tại huyện Sóc Sơn sẽ phát triển công nghiệp, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ cảng hàng không.

Hà Nội duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6. Ảnh minh họa

Hà Nội duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6. Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6, tỷ lệ 1/2000, quy mô hơn 500 ha. Đồ án quy hoạch phân khu sẽ phân chia, xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất của các khu đất, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung.

Theo đó, phân khu đô thị 6 của huyện Sóc Sơn thuộc địa giới hành chính các xã Đông Xuân, Mai Đình, Phù Lỗ với quy mô dân số khoảng 16.330 người đến 2030. Vị trí phân khu giáp Quốc lộ 18 và đường quy hoạch liên khu vực từ sân bay quốc tế Nội Bài đi hồ Đồng Quan.

Phân khu 6 gồm 4 ô quy hoạch, tập trung phát triển cụm công nghiệp vừa và nhỏ, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ cảng hàng không, khu vực công viên cây xanh sinh thái.

Trong đó, khu A rộng hơn 400 ha, gồm 3 ô quy hoạch có chức năng phát triển cụm công nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến chuyển đổi sang mô hình công nghiệp dịch vụ phụ trợ. Các ngành cần ưu tiên gồm điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ôtô, hóa dược, mỹ phẩm, dệt may... theo mô hình công nghiệp sạch, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ giá trị cao.

Khu B rộng khoảng 100 ha gồm 1 ô quy hoạch có chức năng chính là dịch vụ công cộng đầu mối tập trung như trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán, outlet... Các công trình, tổ hợp ưu tiên bố trí dọc trục đường chính, tại các cửa ngõ của đô thị. Điểm nhấn quan trọng trong khu vực là tổ hợp công trình dịch vụ tại nút giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long và Quốc lộ 18.

2 năm qua, Hà Nội đã lần lượt ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 7 phân khu đô thị Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000. Gần đây nhất, hồi tháng 4, phân khu 1 với quy mô gần 630 ha đã được duyệt với mục tiêu phát triển hành chính đô thị, trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ.

TP.HCM lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất

TP.HCM lập Hội đồng thẩm định gồm lãnh đạo UBND Thành phố, sở, ngành, địa phương để xem xét trước khi điều chỉnh bảng giá đất.

Một phần huyện Bình Chánh

Một phần huyện Bình Chánh

Theo quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định bảng giá đất vừa được UBND TP.HCM ban hành, người đứng đầu chính quyền Thành phố, ông Phan Văn Mãi, làm Chủ tịch Hội đồng.

Lập Hội đồng Thẩm định bảng giá đất của TP.HCM là một trong những bước quan trọng theo quy trình để địa phương này ban hành được bảng giá điều chỉnh. Trong các phiên họp, Hội đồng sẽ mời Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Nông dân Thành phố tham gia phản biện.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024. Theo đó, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần, một số nơi thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15 - 50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng, nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của Thành phố ban hành năm 2020, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng thị trường.

Phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, do đây là bảng giá đất điều chỉnh nên quy trình thực hiện theo Điều 17 của Nghị định 71/2024 quy định về giá đất. Theo đó, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sẽ trình Hội đồng Thẩm định của Thành phố. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt. Bảng giá này nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, Thành phố vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế.

Từ đầu 2026, TP.HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 sẽ theo quy trình khác và bắt buộc phải được HĐND TP.HCM thông qua.

Trong 2 tháng qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xây dựng 4 phương án và phân tích ưu, khuyết điểm để trình các cơ quan xem xét, đánh giá. Trong đó, đơn vị này ưu tiên phương án điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Đây là phương án đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Các hãng hàng không khai thác hơn 4.200 chuyến bay dịp cao điểm 2/9

Số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Các hãng hàng không khai thác hơn 4.200 chuyến bay dịp cao điểm 2/9

Các hãng hàng không khai thác hơn 4.200 chuyến bay dịp cao điểm 2/9

Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024, các hãng hàng không Việt Nam đều đã có kế hoạch triển khai tăng số lượng chuyến bay trên các đường bay khai thác, đặc biệt là các đường bay du lịch nội địa.

Theo báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong giai đoạn từ ngày 30/8/2024 đến ngày 3/9/2024, về tổng thể, các hãng sẽ khai thác tổng số 4.257 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023; số chuyến bay quốc tế bình quân là 241chuyến/ngày, giảm 2% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Với riêng hoạt động khai thác trên các đường bay nội địa, đường bay trục Bắc Nam, các hãng hàng không Việt Nam đẩy mạnh khai thác có số chuyến bay tăng cao, với bình quân 241 chuyến/ngày, tăng 8% so với tuần trước lễ và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các đường bay du lịch nội địa đến các địa phương như Vinh, Bình Định, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, và đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương cũng được các hãng đẩy mạnh khai thác, với bình quân 171 chuyến/ngày trên các đường bay du lịch nội địa và 187 chuyến/ngày đến các địa phương khác, tăng lần lượt 2% và 4% so với tuần trước nghỉ lễ.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, để tăng cường khai thác số chuyến bay trong dịp nghỉ Lễ tới đây, đặc biệt trên các đường bay nội địa đã cho phép các hãng hàng không Việt Nam bổ sung cung ứng số lượng ghế ra thị trường.

Theo đó, tổng số ghế cung ứng trên các đường bay nội địa trong các ngày 30/8 - 3/9/2024 dự kiến là hơn 600 nghìn ghế, bình quân 122 nghìn ghế/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các đường bay du lịch và đường bay trục Bắc-Nam vẫn là những đường bay có số lượng ghế cung ứng tăng nhiều nhất, với lần lượt bình quân 33 nghìn ghế/ngày và 55,4 nghìn ghế/ngày, tăng trung bình 6,8% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lai Châu tổ chức màn xòe hơn 3.000 người tham gia mừng Quốc khánh 2/9

Cùng với lễ thượng cờ và chào cờ tại các địa phương, từ ngày 30/8 - 2/9 tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Quốc khánh 2/9 với quy mô cấp tỉnh.

Dự kiến vòng xòe đoàn kết năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 3.000 người

Dự kiến vòng xòe đoàn kết năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 3.000 người

Sau 12 năm tổ chức Tết Độc lập quy mô cấp huyện (năm 2012), lần đầu tiên dịp Quốc khánh 2/9 năm nay tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức các hoạt động quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nổi bật là chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập với vòng xòe đoàn kết có sự tham gia của hơn 3.000 người. Ngoài ra, tại các địa phương sẽ diễn ra các hoạt động như thi ẩm thực; lễ buộc chỉ cổ tay; giải chạy quốc tế KOMOMO Than Uyên 2024; thi đấu các môn thể thao dân tộc; giải đua mô tô địa hình; không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP…

Thanh Hóa khắc phục các điểm sạt lở, thông xe Quốc lộ 15C lên huyện Mường Lát

Chiều 26/8, Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết, lực lượng chức năng đã khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 15C.

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục sạt lở để thông đường

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục sạt lở để thông đường

Theo đó, đến 13 giờ ngày 26/8, đơn vị chức năng đã huy động nhân lực, phương tiện giải tỏa các vị trí sạt lở bảo đảm giao thông thông suốt lên huyện Mường Lát và ngược lại.

Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa ngày 25/8 và rạng sáng ngày 26/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tiếp tục phát sinh những thiệt hại mới làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây ách tắc cục bộ trên một số tuyến đường giao thông.

Cụ thể như, mưa lớn đã làm sạt taluy dương, đá lăn tại 54 vị trí các tuyến quốc lộ (QL) trên địa bàn tỉnh với khối lượng khoảng 7.600 m3; có 10 vị trí sạt lở gây tắc đường; sa bồi mặt đường, rãnh, cống tại 53 vị trí...

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc giao thông.

Đối với các vị trí taluy âm, sụt lún nền mặt đường có nguy cơ gây ra đứt đường tại một số vị trí, trước mắt, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông tạm thời, cử người chốt trực, căng dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm hai đầu đoạn tuyến sạt lở.

Riêng đối với 10 vị trí sạt lở taluy dương gây tắc đường tại 9 vị trí trên các tuyến QL thuộc địa phận huyện Mường Lát, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ huy động nhân lực, thiết bị thu dọn taluy dương đảm bảo thông xe tạm thời…

Hà Nội tu bổ đài phun nước Con Cóc

Kiến trúc độc đáo xây dựng hơn 120 năm trước ở vườn hoa Diên Hồng (thường gọi Con Cóc) sẽ được hạ giải để sửa chữa, thay gạch bên trong bằng bêtông cốt thép.

Đài phun nước Con cóc ở vườn hoa Diên Hồng, quận Hoàn Kiếm

Đài phun nước Con cóc ở vườn hoa Diên Hồng, quận Hoàn Kiếm

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết đã bắt đầu tu bổ tổng thể đài phun nước Con Cóc, sau hơn 1,5 năm hoàn thành cải tạo vườn hoa Diên Hồng.

Đơn vị sẽ cải tạo hệ thống cấp thoát nước, đài phun nước; bố trí hệ thống chiếu sáng; hạ giải toàn bộ cấu kiện đá, vệ sinh và sửa chữa lại những phần nứt vỡ theo yêu cầu kỹ thuật; thay kết cấu gạch bên trong bằng bêtông cốt thép, sau đó lắp ghép các thành phần đã hạ giải theo đúng vị trí ban đầu.

Quá trình thực hiện được áp dụng theo cách nhiều công trình lớn trên thế giới đã làm. Cụ thể, đơn vị thi công không làm hàng rào kín mà thi công mở. Hàng rào bảo vệ dùng vật liệu trong suốt để người dân, chuyên gia có thể quan sát.

Đài phun nước Con Cóc là một trong những công trình kiến trúc nhỏ độc đáo mang cả dấu ấn phương Đông và phương Tây. Hiện công trình xuống cấp do cây đa mọc từ trong gây nứt vỡ và xô lệch kết cấu. Các trụ đá bị nghiêng, bể nước bị ngấm, hệ thống phun nước không hoạt động. Trước tình trạng trên, năm 2020 Sở Xây dựng Hà Nội phải gia cố tạm thời bằng các đai thép để giữ kết cấu đá.

Quận Hoàn Kiếm cho hay đài phun nước vườn hoa Con Cóc không phải di tích nhưng được triển khai tu bổ bài bản và ứng xử như với một di tích. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hoàn Kiếm đã khởi công trùng tu và dự kiến công trình sẽ hoàn thành tháng 11, sau 3 tháng tu bổ.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, việc hoàn thành tu bổ đài phun nước Con Cóc sẽ góp phần hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong việc cải tạo diện mạo vườn hoa Diên Hồng và cảnh quan khu vực xung quanh. Đầu năm 2023, Dự án cải tạo vườn hoa Diên Hồng với các hạng mục cây xanh, thảm cỏ, đường dạo và trang thiết bị đô thị đã hoàn thành, riêng đài phun nước được tách thành dự án riêng.

Ninh Thuận dừng cung cấp dịch vụ thuê bao 2G Only vào ngày 16/9

Theo lộ trình, Ninh Thuận sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only (dòng điện thoại phím bấm với chức năng chủ yếu là nghe, gọi thoại) từ ngày 16/9/2024.

Ninh Thuận dừng cung cấp dịch vụ thuê bao 2G Only vào ngày 16/9

Ninh Thuận dừng cung cấp dịch vụ thuê bao 2G Only vào ngày 16/9

Ninh Thuận đang tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi từ mạng 2G sang 4G/5G, hướng tới 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Theo lộ trình, Ninh Thuận sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only (dòng điện thoại phím bấm với chức năng chủ yếu là nghe, gọi thoại) từ ngày 16/9/2024 để đảm bảo thực hiện quy hoạch các băng tần 900/1800MHz. Tỉnh cũng sẽ dừng hoạt động hệ thống mạng lưới 2G vào ngày 16/9/2026.

Đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ hơn 14.800 thuê bao của người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G và đang nỗ lực hoàn tất việc chuyển đổi cho gần 60.000 thuê bao còn lại. Đồng thời, Tỉnh dừng hoạt động của 47 trạm thu, phát sóng thông tin di động 2G, đang thay thế bằng các trạm thu, phát sóng thông tin di động 4G/5G hiện đại, nhằm đảm bảo phủ sóng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu truy cập internet của người dân.

Mục tiêu đến năm 2026, Ninh Thuận phấn đấu hạ tầng viễn thông băng rộng (di động, cố định) sẽ phủ kín 100% các thôn, 100% dân số được phủ sóng 4G với tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đặt mục tiêu phủ sóng 5G cho 90% phường, thị trấn và 30% xã được phủ sóng 5G; dung lượng băng thông di động tăng ít nhất 50%. Việc nâng cấp hạ tầng viễn thông không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.