Mưa lớn khiến nhiều tuyến đê ở Hà Nội gặp sự cố
Mưa lớn những ngày qua khiến lũ dâng cao làm các tuyến đê bao sông Tích, Bùi, Nhuệ xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, thẩm thấu.
Nước tràn qua đê Bùi Hài ở xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ |
Sáng 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon và rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, tuần qua nhiều khu vực mưa lớn, cao nhất là Xuân Mai tới 330 mm. Nước sông Tích, Bùi lên đỉnh sáng 25/7, vượt báo động ba 42 cm. Đến sáng 1/8, nước rút khoảng 60 cm, nhưng vẫn còn 2.500 hộ với gần 9.000 dân bị ngập 0,5 - 1,5 m, tập trung ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Hàng loạt tuyến đê, bờ sông bị sạt lở do mưa lũ. Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ, khoảng 600 m kênh bị hư hỏng, hơn 4.800 m đê thuộc 11 xã bị tràn. Đê hữu Bùi tại thôn Đừn, xã Tốt Động bị rò rỉ qua chân đê dài khoảng 200 m. Sạt lở nhiều điểm như 40 m đê tại xã Quảng Bị, Phú Nghĩa, 100 m ở đập Vai Vàng.
Tại huyện Quốc Oai, đê Cấn Hữu xuất hiện điểm nước thẩm lậu qua chân đê, chính quyền dùng máy xúc tạo rãnh, lớp bọc cát sỏi để bảo vệ đê; cắm biển thông báo hạn chế xe tải lớn đi trên tuyến này và cắt cử người ứng trực 24/24h. Cống tiêu đê bao Phú Bình bị sụt lún; đê bao Minh Khai, xã Tuyết Nghĩa bị sạt trần. Đê hữu Đáy xuất hiện 4 sự cố trượt mái đê dài gần 90 m.
Huyện Phú Xuyên bị sạt tuyến kênh sông Bút, xã Minh Tân dài 50 m; sạt tuyến kênh sông Duy Tiên, xã Châu Can dài 30 m; sạt và tràn bờ kênh máng xã Hồng Thái; sạt mái ngoài kênh I29, thị trấn Phú Xuyên dài 20 m; sạt mái bờ kênh sông Nhuệ, xã Tân Dân khoảng 20 m.
Tại huyện Ba Vì, kênh Cổ Đô - Vạn Thắng bị sụt dài 20 m. Huyện Ứng Hòa sạt 10 m đê tả Đáy, xã Viên An. Huyện Thanh Oai tràn kênh Yên Cốc, xã Liên Châu, Đỗ Động với chiều dài 310 m, sạt mái kênh nội đồng xã Liên Châu dài 15 m.
Huyện Đông Anh bị sạt bờ sông Thiếp ở ba vị trí với chiều dài khoảng 50 m. Huyện Sóc Sơn bị sạt bài trái kênh tưới chính Nội Bài dài khoảng 40 m. Tại huyện Thanh Trì, bờ sông Nhuệ sạt khoảng 30 m và một số điểm tràn bờ.
Gần 700 cổ phiếu lao dốc, chứng khoán bị bán tháo ngay đầu tháng 8
Chỉ số VN-Index giảm mạnh gần 25 điểm trong bối cảnh vắng bóng dòng tiền bắt đáy, qua đó lùi sâu về mốc 1.226 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc ngay phiên đầu tiên của tháng 8 |
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên "rơi tự do" gần 30 điểm vào chiều 1/8. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với diễn biến thận trọng trong buổi sáng.
Bất chấp mức chiết khấu hấp dẫn ở nhiều cổ phiếu, dòng tiền nhập cuộc vẫn đứng ngoài quan sát khi tâm lý lo sợ bao trùm thị trường.
Kết phiên, VN-Index giảm 24,55 điểm (-1,96%) xuống 1.226,96 điểm, qua đó xóa sạch thành quả tích lũy được trong vòng 1 tuần qua. Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 6,13 điểm (-2,61%) xuống 229,23 điểm; UPCoM-Index giảm 1,55 điểm (-1,63%) xuống 93,52 điểm.
Nguồn cung cổ phiếu giá rẻ dồi dào đẩy thanh khoản trên cả 3 sàn tăng mạnh lên 24.500 tỷ đồng.
Toàn thị trường ngày 1/8 ghi nhận 668 mã giảm (gồm 53 mã giảm sàn), 777 mã đứng giá và chỉ 158 mã tăng (gồm 19 mã tăng trần).
Riêng rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chứng kiến 28 mã giảm (gồm BCM giảm sàn), chỉ SSB và VCB đi ngược xu hướng thị trường. Chỉ số đại diện rổ giảm hơn 2% và lùi xuống mốc 1.272 điểm.
Giá USD ngân hàng đồng loạt giảm
Các ngân hàng ngày 1/8 đồng loạt giảm giá USD xuống mức thấp nhất 3 tháng, dao động 25.400 đồng 1 USD.
Giao dịch tại Ngân hàng VPBank |
Sáng 1/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng so với ngày 31/7, xuống 24.245 đồng. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng 23.033 - 25.457 đồng.
Trên thị trường chính thức, các ngân hàng ngày 1/8 cũng điều chỉnh giảm giá mua bán USD 20 - 60 đồng.
Vietcombank ngày thứ hai liên tiếp giảm giá USD với mức điều chỉnh tổng cộng 60 đồng, xuống 25.030 - 25.400 đồng. Tại BIDV, giá mua bán USD cũng hạ xuống 25.030 - 25.370 đồng, giảm mạnh tới 65 đồng so với ngày 31/7. Eximbank điều chỉnh về 25.020 - 25.390 đồng.
Theo đó, giá USD ngân hàng hiện ở vùng thấp nhất 3 tháng nhưng vẫn cao hơn 4% so với đầu năm.
Giá USD trên thị trường tự do những ngày qua cũng hạ nhiệt, hiện mua bán quanh vùng 25.600 - 25.700 đồng.
Bắc Ninh xây kè ngăn sạt lở bờ sông Cầu
5 tháng sau vụ sạt lở nhiều nhà dân ở bờ sông Cầu, phường Vạn An, chính quyền tỉnh Bắc Ninh quyết định di dân, xây 130 m bờ kè, kinh phí hơn 80 tỷ đồng.
Nhà dân bị sạt trượt, đổ nghiêng ở TP Bắc Ninh |
Cuối tháng 7, UBND tỉnh Bắc Ninh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, yêu cầu TP. Bắc Ninh xây dựng bờ kè dài 130 m tại phường Vạn An nhằm ngăn sạt lở, đảm bảo an toàn về người và tài sản, bảo vệ đê hữu Cầu.
Chính quyền Thành phố cần tổ chức làm cọc cừ, phía trên gia cố mái nghiêng bằng cấu kiện bêtông đúc sẵn, làm đường đỉnh kè, gia cố chống xói đáy sông bằng thảm đá và các hạng mục phụ trợ khác.
Dự kiến kinh phí làm kè là 88,5 tỷ đồng, trong đó hơn 29 tỷ xây dựng, 59 tỷ đồng đền bù, giải phóng mặt bằng. UBND TP. Bắc Ninh lập dự án di dân, tái định cư vùng sạt lở và tạo cảnh quan môi trường khu Vạn Phúc, phường Vạn An. Dự án hoàn thành trước ngày 31/12.
Trước đó ngày 3/3, Khu dân cư Vạn Phúc trên bờ đê hữu Cầu, phường Vạn An bắt đầu xuất hiện một số vết nứt nhỏ. Ngày 8/3, khu vực sạt mở rộng dài 50 m, ăn sâu vào bờ sông 5 - 10 m làm sạt công trình phụ của 3 hộ dân xuống sông. Một tháng sau, thêm 6 nhà dân bị sạt trượt, đổ nghiêng.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khảo sát, đánh giá khoảng 670 m bờ sông Cầu, điểm bắt đầu đến kết thúc đoạn sông cong có các hố xói ở đáy sông, địa chất rất yếu, kết dính kém. Khu vực này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông.
TP.HCM chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ 1/8
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết Ban cán sự đảng UBND Thành phố đang cho ý kiến, nên bảng giá đất điều chỉnh chưa áp dụng từ 1/8.
TP.HCM chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ 1/8. Ảnh minh họa |
Nội dung được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, chiều 1/8.
Theo ông Thắng, việc điều chỉnh bảng giá đất lần này gồm 7 bước và cơ quan quản lý đang hoàn thiện bước cuối cùng. Toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên địa bàn được cân chỉnh và chuyển cho tổ giúp việc của HĐND TP.HCM xem xét, thẩm định. "Ban cán sự đảng UBND Thành phố đang cho ý kiến, nên bảng giá đất điều chỉnh chưa áp dụng từ 1/8", ông nói.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói thêm, bảng giá lần này là điều chỉnh, cập nhật giá đất thực tế trên thị trường, không phải xây dựng mới theo Luật Đất đai 2024. Tức là, bảng giá đưa ra lấy ý kiến lần này là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch trên thị trường, chi phí bồi thường... nhằm không thất thoát trong bối cảnh các mức cũ quá thấp.
Ông Thắng ví dụ, theo bảng giá cũ, trên địa bàn có một số tuyến đường mỗi m2 chỉ 1 - 2 triệu đồng, trong khi giao dịch thực tế lên tới 100 - 200 triệu. "Do đó, Thành phố cần cân chỉnh lại để có bảng giá phù hợp nhất trong giai đoạn này", ông nói.
Theo dự thảo bảng giá đất được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xây dựng, giá đất tại nhiều quận có thể tăng trung bình 5 - 10 lần. Thậm chí, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15 - 50 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, Sở này cho biết giá tại dự thảo "chỉ bằng 70% mặt bằng thị trường".
Nếu được UBND Thành phố thông qua, bảng giá đất điều chỉnh lần này sẽ được sử dụng đến hết 2025. Tuy nhiên, cuối năm nay cơ quan quản lý sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, Thành phố sẽ áp dụng bảng giá đất hằng năm chung theo Luật Đất đai.
Bảo tàng Trường Sa có kiến trúc hướng về Biển Đông
Theo thiết kế, bảo tàng được lấy cảm hứng từ khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, với ba hướng nhìn ra Biển Đông.
Phối cảnh bảo tàng Trường Sa |
Ngày 31/7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa. Giải nhất thuộc về Công ty TNHH HUNI Việt Nam (Huni Architectes) là phương án trúng tuyển thiết kế kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.
Đơn vị thiết kế cho biết, công trình được lấy cảm hứng xuất phát từ khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi không gian ngầm với 64 bông hoa tượng trưng cho các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Hình khối chủ đạo của công trình tạo nên ba hướng nhìn chính về phía đảo Gạc Ma, đảo Trường Sa lớn và hướng về phía Biển Đông. Tổng thể công trình như dòng chảy, tiếp nối liền mạch những giá trị về tinh thần và không gian kiến trúc - cảnh quan của khu tưởng niệm.
Bên trong bảo tàng, việc bố trí những khoảng thông tầng tăng dần theo độ cao kết hợp với việc thu hẹp và đột ngột mở rộng không gian trưng bày nhằm dẫn dắt hành trình cảm xúc tuyến thăm quan, tạo nên ấn tượng thị giác cho du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, Bảo tàng Trường Sa có phương án thiết kế đẹp, phù hợp tiêu chí đặt ra. Ngoài ra, nơi đây sẽ là công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh và gắn liền với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Công trình Bảo tàng Trường Sa sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,71 ha, tiếp giáp Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm). Kinh phí thi tuyển thiết kế và xây dựng do doanh nghiệp tài trợ.
Khi hoàn thành, Bảo tàng Trường Sa sẽ khớp nối với Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (hoạt động từ năm 2017) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng trên diện tích hơn 20.000 m2, tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng.
Đấu giá tiếp hơn 130 xe máy vi phạm ở TP.HCM, trung bình 730.000 đồng/xe
Lô tài sản gồm 133 chiếc mô tô, xe gắn máy 2 bánh được đấu giá theo dạng bán phế liệu với giá khởi điểm hơn 97 triệu đồng.
Một kho xe vi phạm ở TP.HCM |
Một công ty đấu giá vừa thông báo bán đấu giá lô tài sản là 133 chiếc mô tô, xe gắn máy 2 bánh (bán phế liệu). Số xe này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị Công an Quận 5, TP.HCM tịch thu.
Giá khởi điểm của lô tài sản này là 97,1 triệu đồng, tương đương mức bình quân 730.000 đồng/xe. Số tiền đặt trước hơn 19 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào sáng ngày 22/8 theo hình thức trả giá lên trực tiếp.
Công ty đấu giá cho biết, tài sản không đủ điều kiện đăng ký lại sẽ cắt khung, hủy bỏ số khung số máy. Khách hàng trúng đấu giá phải tự cắt bỏ số khung, số máy trước khi ra khỏi kho và chịu toàn bộ chi phí phát sinh.
Thời gian qua, hàng trăm xe máy vi phạm đã được đưa ra đấu giá. Trước đó, hồi tháng 7, lô tài sản gồm 71 mô tô hai bánh là phương tiện vi phạm hành chính ở Hà Nội cũng được đấu giá khởi điểm hơn 42 triệu đồng, bình quân gần 600.000 đồng/xe.
Đề xuất 13.000 tỷ đồng xây hai nút giao lớn nhất Đồng Nai
Để giải quyết hai điểm đen giao thông ở TP. Biên Hòa ở Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11, Đồng Nai đề xuất xây nút giao với kinh phí hơn 13.000 tỷ đồng.
Phối cảnh và hình ảnh nút giao Cổng 11 nằm trên quốc lộ, kết nối nhiều cảng |
UBND tỉnh Đồng Nai vừa xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư xây dựng hai nút giao Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 nhằm giải quyết điểm đen giao thông qua những khu vực này.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI, tư vấn), nút giao Ngã tư Vũng Tàu gồm cầu vượt trên Quốc lộ 1 đi qua Quốc lộ 51 và hầm cho nhánh rẽ trái từ Quốc lộ 51 về cầu Đồng Nai. Các hướng giao thông còn lại được điều khiển bằng đèn tín hiệu, song mặt bằng nút giao quá lớn, xe đông nên hệ thống đèn không thể đáp ứng.
Nút giao theo đề xuất sẽ xây dựng nhiều tầng để hạn chế giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thành, hướng từ Quốc lộ 51 sẽ cải tạo hầm cong rẽ trái (đang có một hướng về TP.HCM) thành hầm đi thẳng từ Quốc lộ 51 về cầu An Hảo; xây dựng thêm một hầm 4 làn xe đi thẳng, tạo thành đường hai chiều.
Ngoài ra, khu vực này còn được đề xuất xây cầu trên quốc lộ 1 cho phù hợp mặt cắt các đường ở khu vực; xây dựng 4 nhánh rẽ trái trực tiếp bằng các nhánh cầu. Một cầu thép sẽ được xây dựng dành cho xe máy đi thẳng trên Quốc lộ 1 hướng từ TP.HCM về Đồng Nai...
Theo tính toán, tổng mức đầu tư hơn 4.749 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 2.900 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 900 tỷ đồng và chi phí khác khoảng 900 tỷ đồng.
Trong khi đó, nút giao Cổng 11 sẽ có các cầu vượt và nhánh hoa thị kết nối giao thông hoàn chỉnh. Giai đoạn 1, ở đây sẽ xây cầu vượt hai chiều dọc theo đường Võ Nguyên Giáp vượt qua ngã tư giữa đường Bùi Văn Hòa với Võ Nguyên Giáp và ngã 3 giữa đường Võ Nguyên Giáp với Quốc lộ 51.
Ngoài ra, ở nút giao còn xây dựng vòng xuyến dưới cầu vượt và xây cầu vượt một chiều theo hướng đường Bùi Văn Hòa đi TP. Vũng Tàu... Giai đoạn đầu tư tiếp theo, khu vực sẽ hoàn thiện cầu vượt và các nhánh hoa thị kết nối giao thông. Tổng mức đầu nút gia này dự tính hơn 8.433 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 4.638 tỷ đồng, xây dựng gần 2.900 tỷ đồng.
Australia chi 1,45 triệu AUD hỗ trợ đổi mới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Kinh phí 1,45 triệu AUD tài trợ cho 3 dự án để áp dụng các công nghệ tiên tiến có khả năng nâng cao năng suất nông nghiệp và thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững.
Thông qua cảm biến từ drone và vệ tinh, dự án sẽ thu thập dữ liệu về sức khỏe và thuộc tính của cây trồng, sau đó xử lý bằng trí tuệ nhân tạo để phân loại |
Chiều 1/8, Chính phủ Australia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 3 dự án công nghệ nông nghiệp tiên tiến nhận tài trợ thông qua Quỹ Đối tác đổi mới sáng tạo thuộc Chương trình Aus4Innovation. Ba dự án gồm:
"Nâng cao năng lực giám sát cây trồng và khả năng tiếp cận thông tin cho nông hộ nhỏ và cán bộ quản lý tại Việt Nam" của Đại học Southern Queensland hợp tác Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC). Dự án sử dụng công nghệ không gian địa lý, dữ liệu thực địa và thuật toán AI để tạo bản đồ ở quy mô trang trại cho cây lúa và cây ăn quả. Công nghệ giúp thu thập, cung cấp thông tin quan trọng về cây trồng nhằm nâng cao năng suất.
"Canh tác carbon chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bản sao số để phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa" do Đại học Griffith và Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu. Dự án phát triển nền tảng số được hỗ trợ bởi AI, cho phép định lượng khí thải nhà kính chính xác hơn và thúc đẩy ngành nông nghiệp carbon, từ đó góp phần vào các thực hành nông nghiệp bền vững và mang lại cơ hội tạo nguồn thu mới từ tín chỉ carbon.
"Tăng cường năng lực cho các nông hộ nhỏ thông qua hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc dựa vào AI nhằm hướng tới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Đại học Griffith và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện. Giải pháp dự án là nâng cao tiêu chuẩn nông nghiệp thông qua hệ thống AI và số hóa, đảm bảo giám sát nông trại hiệu quả, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, những sáng kiến không chỉ giải quyết các thách thức mới nổi mà còn đầu tư vào sự bền vững lâu dài của ngành nông nghiệp Việt Nam.