Hà Nội đạt cấp độ dịch vùng xanh tăng từ 4 lên 19 quận, huyện
Dù số F0 duy trì cao - trung bình 250 ca/ngày, số quận, huyện của Hà Nội đạt cấp độ dịch mức 1 (màu xanh) vẫn tăng từ 4 lên 19.
Hà Nội có 19 quận, huyện xanh, trong đó có 4 quận tập trung nhiều trung tâm thương mại. |
Tối 27/11, TP. Hà Nội công bố thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Số quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (màu xanh) là 19, tăng 15 so với lần công bố bảy ngày trước.
Các địa bàn "xanh" gồm: 4 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ; 14 huyện Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây.
11 quận, huyện ở cấp độ 2 gồm: 8 quận Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và ba huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Mê Linh.
Đối với xã, phường, có 535 đơn vị cấp độ 1 (tăng 58 xã, phường so với tuần trước); 42 xã, phường ở cấp độ 2. Toàn Thành phố không có địa bàn nào cấp độ 4 (vùng đỏ), chỉ có phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) và xã Xuy Xá (Mỹ Đức) cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam).
Tuần qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận ca mắc mới cao (1.778), trung bình hơn 250 ca/ngày, tăng so với tuần liền kề trước đó khoảng 35 ca/ngày.
Có hai lý do cho việc "chuyển màu xanh" của các quận, huyện dù ca mắc mới tăng. Thứ nhất, Hà Nội đã đạt được chỉ tiêu tiêm chủng. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 là 93,9%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ hai liều vaccine là 81,2%.
Thứ hai, do đặc thù dân số đông. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá cấp độ phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Lãnh đạo Thành phố dẫn chứng, nếu áp tiêu chí tỷ lệ dân số thì dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là "vùng xanh".
Nhiều bộ, ngành không ủng hộ nhập khẩu 37 toa xe Nhật cũ
Bộ Giao thông Vận tải và nhiều bộ, ngành không ủng hộ nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tuổi thọ 40 năm của Nhật Bản.
Toa xe cũ mà VNR đề nghị nhập khẩu. Ảnh: Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) |
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã báo cáo Chính phủ về đề xuất nhập khẩu toa xe cũ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Bộ đã xin ý kiến các bộ gồm Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ.
Đại diện các bộ cho rằng đề xuất của VNR về nhập khẩu, khai thác toa xe cũ là không đúng với Nghị định 65 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, các toa xe đã sử dụng quá lâu, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước và phải mất thêm chi phí cải tạo cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật hiện tại trong nước.
Đánh giá chung, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các toa xe cũ không được phép khai thác tại Việt Nam do niên hạn sử dụng quá 40 năm. VNR nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ. Do vậy, Bộ không ủng hộ nhập khẩu và khai thác những toa xe này tại Việt Nam.
Trước đó vào tháng 10, VNR đã kiến nghị nhập khẩu 37 toa xe tự hành diesel DMU, loại Kiha 40 và Kiha 48. Toa xe bố trí ghế mềm loại 68 - 82 chỗ ngồi và 28 - 34 chỗ đứng, chạy trên tuyến đường sắt khổ 1.067 mm. Các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn.
Đề xuất hỗ trợ 4.100 tỷ đồng xây đường nối sân bay Long Thành
Đồng Nai vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 4.100 tỷ đồng để sớm khởi công hai tuyến đường tỉnh 770B và 773 trong giai đoạn 2021 - 2025.
Sân bay Long Thành cơ bản hoàn thành việc làm hàng rào, bìa phải là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Tỉnh lộ 769 |
Tỉnh lộ 770B dài 53 km, được quy hoạch 8 làn xe, lộ giới 60 m. Đây là tuyến đường mở mới hoàn toàn, mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối các huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành.
Đây còn được xem là huyết mạch về giao thông kết nối các Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp (đang xây dựng) đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Dự án có tổng đầu tư 12.500 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường hơn 7.500 tỷ đồng).
Trong khi đó, Tỉnh lộ 773 được nâng cấp, mở rộng và xây mới dài 51 km, quy mô 6 đến 8 làn xe và 2 đến 4 làn xe thô sơ, lộ giới từ 60 đến 121 m với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng (chi phí bồi thường khoảng 2.300 tỷ đồng).
Với Tỉnh lộ 770B, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng ban đầu lên 4 làn xe. Trong khi đó, đường 773 chia thành 3 đoạn đầu tư, gồm: đoạn 1 dài 27,3 km từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 56, đầu tư mở mới 4 làn xe; đoạn 2 dài 13,6 km từ Quốc lộ 56 đến đường vành đai 4, mở từ 2 làn xe lên 4 làn xe và đoạn 3 (đi trùng Đường vành đai 4 đến giao với Tỉnh lộ 769), dài 10,5 km, mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe.
Bà chủ công ty xăng dầu ở Sài Gòn bị bắt do liên quan đến vụ 200 triệu lít xăng giả
Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biên Khoa Lê Thị Anh Thư bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam do có liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất 2,7 triệu lít xăng giả do đối tượng Phan Thanh Hữu cầm đầu.
Cảnh sát đọc lệnh bắt tạm giam bà Lê Thị Anh Thư (thứ 2, bên phải) tại nhà riêng, trưa 27/11 |
Sáng 27/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM và các đơn vị liên quan bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biên Khoa Lê Thị Anh Thư để điều tra về hành vi buôn lậu.
Công ty của bà Thư chuyên môi giới, đấu giá, bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên kinh doanh, vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Bà Thư bị bắt do có liên quan đến hành vi buôn lậu trong đường dây buôn lậu, sản xuất 2,7 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (ngụ TP.HCM) cầm đầu.
Cùng ngày, cơ quan chức năng tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bà Thư. Ghi nhận tại cây xăng trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) của bà Thư, lực lượng Cảnh sát cơ động phong tỏa nghiêm ngặt, mọi hoạt động buôn bán bị tạm ngưng.
Liên quan đến đường dây này, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố trên 70 bị can với 6 tội danh, kê biên tài sản của các bị can trong vụ án với giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Vụ án đang được Công an tỉnh Đồng Nai mở rộng điều tra.
Triển khai thi công 3 ca để sớm đưa cầu Cửa Lục 1 vào sử dụng cuối năm 2021
Hàng trăm công nhân làm việc ba ca để sớm đưa cầu Cửa Lục 1 vào sử dụng cuối năm 2021.
Triển khai thi công 3 ca để sớm đưa cầu Cửa Lục 1 vào sử dụng trong tháng 12/2021 |
Cầu Cửa Lục 1 được khởi công từ tháng 4/2020 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh, dự kiến về đích trong tháng 12.
Cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông rộng 33,1 m, dài 290 m, tĩnh không thông thuyền 40 x 7 m. Phần cầu chính kết cấu gồm 5 nhịp liên tục vòm ống thép nhồi bê tông. Trong đó, nhịp chính dài 90 m đã hợp long vào tháng 5/2021.
Đường dẫn lên cầu đã cơ bản hoàn thành. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 4.265 m, điểm đầu giao với tuyến đường nối khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với Quốc lộ 279 tại xã Lê Lợi, TP. Hạ Long.
Đại diện nhà thầu, ông Chu Quốc Đạt cho biết, đơn vị triển khai thi công 3 ca, chia thành 4 kíp với khoảng 200 công nhân. Các hạng mục đã hoàn thành gần 90%. "Chúng tôi đang cố gắng đến 20/12 đưa cầu vào hoạt động", ông Đạt thông tin.
Đây là công trình cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, nối 2 khu vực phía Bắc và Nam của TP. Hạ Long qua vịnh Cửa Lục. Cầu đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ người dân các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP. Hạ Long (huyện Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long vào tháng 1/2020); đồng thời giúp kết nối các tuyến sản phẩm du lịch mới, như Lâm Viên rừng tại khu bảo tồn quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng với vịnh Hạ Long...
Nhiệt điện Sông Hậu 1 chính thức phát điện thương mại tổ máy số 1
Tổ máy số 1 – Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 27/11.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 |
Tổ máy số 1 hoàn thành là dấu mốc chính thức ghi nhận Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) trên bản đồ phát điện quốc gia. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc ghi nhận gần 17 triệu giờ làm việc an toàn của hơn 1.500 cán bộ, người lao động trên công trường trong suốt 6 năm qua.
Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động Ban Quản lý dự án Sông Hậu 1 của Tổng thầu LILAMA cùng các nhà thầu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành Tổ máy số 1 đúng hạn vào tháng 11/2021, hướng tới mục tiêu Tổ máy 2 sẽ hoàn thành vào tháng 2/2022.
Việc hoàn thành Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu điện tăng cao. Với khả năng cung cấp hơn 7,3 tỉ kWh điện mỗi năm, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ đóng góp quan trọng đảm bảo cung ứng, đáp ứng nhu cầu điện cho phục hồi nền kinh tế.
Nhà máy Nhiệt điện Nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW, nằm trong Quy hoạch chung của Trung tâm điện lực Sông Hậu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm Tổng thầu EPC. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ kWh/ năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.