Bản tin thời sự sáng 28/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không; Hà Nội, TP.HCM phải hoàn thành hơn 7.500 căn nhà xã hội năm nay…

TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ

Thay vì phải giải ngân hết vốn đầu tư trong 5 năm, TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian lên 10 năm để gỡ vướng cho Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ.

Phối cảnh Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Phối cảnh Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Trong báo cáo mới đây về kế hoạch triển khai Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai Dự án là quy định giải ngân vốn đầu tư.

Cụ thể, theo quy định về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP.HCM, nhà đầu tư phải giải ngân vốn trong 5 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng Dự án.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy định trên là không khả thi, nhất là với các dự án hạ tầng có quy mô lớn, thời gian triển khai dài như cảng trung chuyển Cần Giờ. Dự án hiện có tổng mức đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), phân kỳ đầu tư thành 7 giai đoạn với thời gian thực hiện trong 22 năm (15 - 19 cầu cảng và 4 bến sà lan). Giai đoạn I đến năm 2030, đầu tư xây dựng 2 - 4 cầu cảng và 2 bến sà lan với kinh phí 38.500 tỷ đồng.

Khi đăng ký triển khai Dự án, liên danh nhà đầu tư đã nghiên cứu để phân kỳ đầu tư phù hợp mang lại hiệu quả và chỉ cam kết trong 5 năm sẽ hoàn tất việc đầu tư giai đoạn I và II (gồm 4 bến cảng có tổng mức đầu tư hơn 34.400 tỷ đồng).

Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc yêu cầu nhà đầu tư hoàn tất giải ngân toàn bộ vốn phát triển Dự án trong 5 năm sẽ phá vỡ phương án tài chính trước đó. Yêu cầu này cũng không phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường, phá vỡ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cảng lân cận đã được tính toán theo quy hoạch được duyệt. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu giải ngân 4,8 tỷ USD trong 5 năm là khó khả thi.

Để đảm bảo hành lang pháp lý có thể kêu gọi được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm làm dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sở này đề xuất UBND TP.HCM tiếp tục trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét, theo hướng chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân số vốn đầu tư bắt buộc (tối thiểu từ 50.000 tỷ đồng trở lên) trong thời hạn 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, mặt nước trên thực địa.

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó ban Tổ chức Trung ương.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao quyết định của Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Tâm giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao quyết định của Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Tâm giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Sáng 27/2, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao quyết định cho ông Tâm.

Tân Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thành Tâm, 51 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13; thạc sĩ Kinh tế ngành Chính sách công, cử nhân Kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Tâm từng trải qua nhiều chức vụ tại Tây Ninh như Bí thư Tỉnh đoàn, Phó đoàn đại biểu Quốc hội (chuyên trách), Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh.

Tháng 8/2020, ông Nguyễn Thành Tâm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đến nay.

Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương hiện nay là ông Lê Minh Hưng. 7 Phó ban là ông Nguyễn Quang Dương, Hoàng Đăng Quang, Đỗ Trọng Hưng, Phan Thăng An, Nguyễn Thành Tâm, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (kiêm nhiệm) và Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (kiêm nhiệm).

Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không

Nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ do Bộ Công an chỉ đạo tổ chức và thực hiện, bắt đầu từ 1/3.

Lực lượng an ninh sân bay tại Thừa Thiên Huế

Lực lượng an ninh sân bay tại Thừa Thiên Huế

Ngày 27/2, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không.

Lực lượng an ninh hàng không của Bộ Công an sẽ tiếp nhận hai trong ba chức năng kiểm soát. Đó là quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh hàng không và cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi để đưa lên tàu bay.

Quá trình thực hiện, tại cấp Bộ sẽ giao cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) tiếp nhận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh hàng không, tại cả cảng hàng không, sân bay và các cơ sở xử lý hàng hóa. Tại cấp tỉnh sẽ giao cho phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc 17 công an các tỉnh, thành phố có cảng hàng không. Công an các địa phương sẽ giám sát an ninh hàng không và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát an ninh hàng không.

Về nhân sự, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ giao thông vận tải nghiên cứu, bố trí cán bộ, nhân viên đủ vị trí công tác để đảm bảo hoạt động thông suốt. Sau đó sẽ từng bước hoàn thiện lực lượng an ninh hàng không theo quy định của Bộ Công an.

Để điều hành công tác cung cấp dịch vụ, Bộ Công an thành lập Trung tâm An ninh hàng không quốc gia dựa trên cơ sở Phòng An ninh trên không hiện nay, thuộc A08.

Từ 1/3, Bộ Công an đang bắt đầu thực hiện các nhóm nhiệm vụ tiếp nhận từ các bộ ngành như bảo đảm an ninh hàng không; an toàn thông tin mạng; sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Hà Nội, TP.HCM phải hoàn thành hơn 7.500 căn nhà xã hội năm nay

Thủ tướng giao Hà Nội hoàn thành 4.670 căn nhà xã hội, còn TP.HCM gần 2.900 căn trong năm 2025.

Hà Nội, TP.HCM phải hoàn thành hơn 7.500 căn nhà xã hội năm nay

Hà Nội, TP.HCM phải hoàn thành hơn 7.500 căn nhà xã hội năm nay

Thông tin trên được nêu trong quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hoàn thành nhà xã hội giai đoạn 2025 - 2030.

Theo đó, năm nay, cả nước cần xây xong hơn 100.000 căn nhà xã hội. Bắc Ninh và Hải Phòng có chỉ tiêu cao nhất, đều vượt 10.000 căn mỗi địa phương. Đây cũng là hai thủ phủ công nghiệp của phía Bắc.

Với Hà Nội và TP.HCM, chỉ tiêu hoàn thành nhà xã hội năm nay lần lượt 4.670 căn và gần 2.900 căn.

Theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, 2 thành phố này có mục tiêu phát triển nhà xã hội cao nhất cả nước với 56.200 căn tại Hà Nội và 69.700 căn tại TP.HCM đến 2030. Tuy nhiên, 4 năm qua, 2 đô thị hoàn thành chưa đến 21% chỉ tiêu đề ra. Năm ngoái, Hà Nội và TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội cho thuê được cấp phép xây dựng.

Một số địa phương không có chỉ tiêu xây nhà xã hội trong năm nay như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, 5 năm tới, cả nước cần đạt mục tiêu hơn 995.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội cần hoàn thành gần 45.000 căn, còn TP.HCM khoảng 67.000 căn.

Năm 2022, theo lời kêu gọi của chính phủ, 21 doanh nghiệp đầu ngành đăng ký triển khai đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đề án đặt mục tiêu năm 2024 cả nước phát triển 130.000 căn. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, dù nỗ lực, các địa phương chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.

Việc thực hiện gói vay ưu đãi cho loại hình nhà ở này cũng hạn chế. Cụ thể, đến nay mới có 16 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỷ đồng.

Từ 2021 đến nay, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn. 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn. Còn lại 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn nếu xây xong.

Tại hội nghị thường trực chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước ngày 27/2, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải tổ chức hội nghị để bàn cho ra giải pháp thúc đẩy nhà xã hội.

Hành khách tăng mạnh, Cục Hàng không yêu cầu các hãng bổ sung máy bay

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sản lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh từ đầu năm, dự kiến tăng khoảng 8% trong năm 2025.

Máy bay Vietnam Airlines đang hạ cánh tại sân bay Nội Bài

Máy bay Vietnam Airlines đang hạ cánh tại sân bay Nội Bài

Trong tháng 2, thị trường hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng cả về hành khách nội địa và quốc tế. Tổng số hành khách đạt 7,3 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế tăng 22%, đạt 4,2 triệu lượt, còn khách nội địa tăng 1,6%, đạt 3,1 triệu lượt.

Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 4,8 triệu lượt khách, tăng 6,2% so với tháng 2/2024. Đặc biệt, lượng hành khách quốc tế do các hãng hàng không Việt Nam phục vụ tăng 15,4%, đạt 1,7 triệu lượt.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách trong cả năm 2024 sẽ tăng khoảng 8% so với năm trước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt tàu bay vẫn tiếp diễn do ảnh hưởng từ lệnh triệu hồi động cơ và tình trạng khan hiếm tàu bay cho thuê trên toàn cầu.

Ngày 25/2, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng bổ sung máy bay và nâng cao hiệu quả khai thác đội tàu bay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hành khách. Các hãng cần xây dựng lịch bay linh hoạt, phù hợp với năng lực phục vụ của từng cảng; báo cáo khả năng phục vụ hành khách, đặc biệt trong các dịp cao điểm như nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cao điểm hè và lễ Quốc khánh 2/9.

Cục cũng yêu cầu các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, tối ưu hóa việc sử dụng giờ cất và hạ cánh tại các sân bay nhằm hạn chế tối đa tình trạng chuyến bay chậm hoặc hủy.

Các hãng hàng không phải tuân thủ khung giá quy định và theo dõi sát sao tình hình bán vé, đặt chỗ để kịp thời bổ sung ghế trên các đường bay có nhu cầu cao. Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ xử lý nghiêm các đại lý cố tình nâng giá vé trái quy định.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng 600 m đường nội đô TP.HCM

600 m đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, được khởi công mở rộng gấp 4 lần hiện trạng với tổng kinh phí 1.067 tỷ đồng giúp xóa thắt cổ chai ùn tắc nhiều năm.

Hiện trạng đoạn đường Chu Văn An sắp được mở rộng

Hiện trạng đoạn đường Chu Văn An sắp được mở rộng

Dự án được TP.HCM khởi công sáng 27/2. Đoạn đường dài 600 m từ ngã 5 Bình Hòa đến nút giao Phan Chu Trinh sẽ được mở rộng từ 5 - 6 m lên 23 m, với 4 làn xe. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh cũng được xây dựng đồng bộ.

Để thực hiện dự án này, quận Bình Thạnh thu hồi hơn 14.000 m2 đất với 166 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 11 trường hợp bị giải tỏa toàn bộ, 155 hộ còn lại bị thu hồi một phần diện tích.

Trong tổng kinh phí đầu tư, phần xây lắp chỉ chiếm phần nhỏ với gần 49 tỷ đồng. Riêng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng chiếm gần 982 tỷ đồng, còn lại là kinh phí di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) cùng các khoản tư vấn, quản lý dự án... Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào tháng 11 năm nay, giúp giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị khu vực.

Đường Chu Văn An dài gần 2 km, là một trong những tuyến giao thông chính ở Bình Thạnh, kết nối nhiều đường lớn ở nội đô TP.HCM như Đinh Bộ Lĩnh, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trị... Trong đó, đoạn ngã 5 Bình Hòa tới đường Phan Chu Trinh bị thắt cổ chai gây ùn tắc triền miên, ảnh hưởng đi lại của người dân cũng như việc kinh doanh hai bên.

Gần chục năm trước, TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường trên với tổng chiều dài 900 m, mở rộng lên 25 m. Khi đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 677 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng gần 500 tỷ đồng. Sau nhiều năm chưa triển khai, dự án được điều chỉnh với quy mô và phạm vi mở rộng nhằm đồng bộ hạ tầng xung quanh. Tuy nhiên, vốn đầu tư tăng lên vì giá đất đã cao hơn nhiều so với trước.

Hà Nội không còn công an quận, huyện từ ngày 1/3

Theo Kế hoạch 270, Công an Hà Nội hoàn thành các điều kiện cho việc triển khai sắp xếp bộ máy theo mô hình mới, không tổ chức công an cấp huyện từ ngày 1/3.

Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa

Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa

Ngày 27/2, Công an TP. Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch 270 triển khai thực hiện Kế hoạch số 282 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an đơn vị, địa phương, từ ngày 1/3, Công an Thủ đô không tổ chức công an cấp huyện.

Theo đó, Kế hoạch số 270 đã xác định nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là vai trò trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy của từng đơn vị; đảm bảo tính thống nhất cao của toàn lực lượng công an.

Đồng thời, Công an Hà Nội định ra tổng thể các công việc cần thực hiện xoay quanh vấn đề Việc - Người - Tài chính, tài sản, theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Rà soát, kiểm đếm, thống kê công việc, hồ sơ, cán bộ, tài chính, tài sản của công an cấp huyện.

Giai đoạn 2: Tiếp nhận nguyên trạng việc, cán bộ, tài chính, tài sản từ công an cấp huyện về các phòng chức năng thuộc công an thành phố theo chức năng, nhiệm vụ.

Giai đoạn 3: Chuyển giao việc, cán bộ, tài chính, tài sản giữa các phòng thuộc công an thành phố với công an cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, phân công, phân cấp mới.

Theo Công an Hà Nội, đến nay, công an Thành phố cơ bản đã hoàn thành các nội dung nhiệm vụ của Giai đoạn 2 Kế hoạch số 270, cũng như hoàn thành các điều kiện cho việc triển khai sắp xếp bộ máy theo mô hình mới.

Thông tin thêm, Công an Thủ đô cho biết đã nhận được đề nghị của 25 trưởng phòng và tương đương, trưởng công an cấp huyện xin nghỉ công tác trước hạn tuổi, xin được bố trí giữ chức vụ thấp hơn; 8 phó trưởng phòng, phó trưởng công an quận, huyện xin nghỉ công tác trước hạn tuổi.

Trước đó, cũng đã có 11 phó trưởng phòng, phó công an cấp huyện tự nguyện có đơn xin nghỉ công tác trước hạn tuổi, kể từ tháng 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ của công an Thành phố.

Tin cùng chuyên mục