Bản tin thời sự sáng 28/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là huy động đơn vị làm cao tốc khắc phục hầm đường sắt Chí Thạnh; thành phố Đà Lạt được mở rộng sau năm 2026; 5 tháng đầu năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI; 9 đoàn tàu Metro số 1 chạy 200 chuyến mỗi ngày khi vận hành thương mại…

Huy động đơn vị làm cao tốc khắc phục hầm đường sắt Chí Thạnh

Chủ đầu tư mời Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị có kinh nghiệm thi công hầm cao tốc để hỗ trợ khắc phục sự cố sạt đường sắt Chí Thạnh (Phú Yên).

Công nhân đưa thiết bị vào xử lý sạt lở hầm

Công nhân đưa thiết bị vào xử lý sạt lở hầm

Chiều 27/5, ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã mời thêm nhà thầu thi công là Tập đoàn Đèo Cả vào khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh.

"Đây là đơn vị nhiều kinh nghiệm xử lý hầm đường bộ có địa chất phức tạp và có thiết bị hiện đại nhất trong thi công hầm hiện nay", ông Hoài nói. Theo ông Hoài, hầm đường sắt tiếp tục sạt lở hơn 200 m3 vào sáng 26/5 nên chưa thể dự kiến được thời gian khắc phục sự cố.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, chiều 26/5, đơn vị đã huy động 10 thiết bị (trong đó có một máy khoan, hai máy phun) và 40 nhân sự đến công trình để khắc phục sự cố, bố trí một mũi thi công theo hướng Nam - Bắc. Đây là các kỹ sư, công nhân dày dạn kinh nghiệm đang thi công ở dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đơn vị đặt mục tiêu đến 12h ngày 30/5 sẽ thông hầm.

Trước đó, hầm đường sắt Chí Thạnh (dài 325 m) trong quá trình cải tạo, gia cố đã bị sạt lở hàng chục m3 đất đá từ nóc xuống bịt kín cửa hầm, làm tê liệt đường sắt Bắc - Nam đi qua khu vực. Đây là công trình nằm trong 11 hầm đường sắt nằm trong dự án cải tạo đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai với tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng.

Để khắc phục sự cố, CSGT Phú Yên đã chốt chặn 2 đầu khu vực Đèo Thị thuộc tuyến đường 641, các xe tải trọng lớn phải đi theo hướng khác. Ngành đường sắt cũng đã lên phương án trung chuyển hành khách giữa ga Tuy Hòa và ga La Hai.

Tổng công ty Đường sắt cũng đã hủy các chuyến tàu SE9, SE10 xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM từ ngày 23 - 29/5; tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ 24 - 29/5 và tàu SE41 tại ga Đà Nẵng từ 25 - 30/5. Ngành đường sắt cũng tạm dừng 10 tàu chở hàng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Thành phố Đà Lạt được mở rộng sau năm 2026

Tỉnh Lâm Đồng tổ chức sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt sau năm 2026 thay vì thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 như ban đầu.

Tỉnh Lâm Đồng tổ chức sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt trong giai đoạn 2026 - 2030

Tỉnh Lâm Đồng tổ chức sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt trong giai đoạn 2026 - 2030

Ngày 27/5, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về điều chỉnh mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Trong đó, việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt và việc điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm vào thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2023 - 2025 được điều chỉnh, dời sang giai đoạn 2026 - 2030.

Ở giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Lâm Đồng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số dưới 70% quy định.

Giai đoạn này, tỉnh Lâm Đồng sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành một huyện; nhập xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh; nhập xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương.

Giai đoạn 2026 - 2030, tiến hành sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt. Đồng thời, điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã của huyện Bảo Lâm gồm: Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành và Lộc Tân vào thành phố Bảo Lộc.

Ở giai đoạn này, tỉnh Lâm Đồng cũng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Trước đó, theo Kế hoạch số 8358 của UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ nhập toàn bộ diện tích, dân số huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt; điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm (Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành và Lộc Tân) vào thành phố Bảo Lộc; nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện.

Vào giữa tháng 5, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đôn đốc tiến độ thực hiện sắp xếp, đảm bảo chất lượng đô thị đối với các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, thành phố Đà Lạt sau sáp nhập Lạc Dương sẽ có tổng dân số trên 293.000 người, diện tích tăng lên 1.704 km2.

Khu vực nội thị của Thành phố gồm 12 phường hiện hữu và thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) dự kiến trở thành phường Lang Biang…

5 tháng đầu năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước trong hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Nhà máy Hyosung tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhà máy Hyosung tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Vốn FDI của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh trong thời gian qua là do có sự góp mặt của dự án “khủng” với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD đến từ Tập đoàn đa ngành Hyosung (Hàn Quốc). Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất sợi sinh học BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại.

Ngoài dự án 730 triệu USD nói trên, trong năm 2023, Hyosung Việt Nam cũng đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với Dự án nhà máy sợi carbon tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Dự án này có tổng vốn huy động dự kiến 540 triệu USD, với giai đoạn 1 khoảng 120 triệu USD.

Bên cạnh Hyosung, mới đây Tập đoàn Phát triển KCN Thái Lan (WHA) với kế hoạch xây dựng các KCN sinh thái thông minh, cụ thể là dự án có quy mô lên đến 1.200 ha đã nhắm điểm đến là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hay mới đây, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Petrovietnam (PVN) và nhà sản xuất tháp điện gió từ Hàn Quốc CS Wind cho biết, sẽ hoàn thành Dự án mở rộng nhà máy sản xuất tháp điện gió đặt tại KCN Phú Mỹ 3 với tổng vốn đầu cho dự án mở rộng sản xuất khoảng 80 triệu USD.

PTSC cũng đang khảo sát dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Sembcorp Utilities Ltd tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore với quy mô 1,2GW điện carbon thấp.

Tỉnh cũng thu hút một số dự án có vốn đầu tư cao như Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam với tổng vốn 250 triệu USD hay Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam với tổng vốn hơn 275 triệu USD.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn liên tục đón dòng vốn mới từ các FDI tên tuổi khác như Heineken, Siam Cement Group, Marubeni, Vard, Austal…

9 đoàn tàu Metro số 1 chạy 200 chuyến mỗi ngày khi vận hành thương mại

9 đoàn tàu Metro số 1 chạy 200 chuyến mỗi ngày trong năm 2024 và đến năm 2025 có 9 - 15 đoàn tàu chạy 280 - 340 chuyến mỗi ngày.

Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại cuối năm nay

Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại cuối năm nay

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố kế hoạch vận chuyển hành khách trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo kế hoạch, năm 2024, tàu Metro số 1 hoạt động từ 5h - 22h với 9 đoàn tàu chạy 200 chuyến mỗi ngày, cách 8 - 12 phút sẽ có 1 chuyến.

Đến năm 2025, tàu Metro số hoạt động từ 5h - 23h30 các ngày trong tuần (kể cả kỳ nghỉ lễ, Tết) với 9 - 15 tàu chạy 280 - 340 chuyến mỗi ngày. Từ thứ Hai đến thứ Sáu tầm 4,5 - 8 phút sẽ có một chuyến, thứ Bảy - Chủ nhật thì 8 phút một chuyến.

Dự báo năm 2025, tuyến Metro 1 vận chuyển gần 39.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Để kết nối Metro số 1, hiện có 18 tuyến xe buýt, gồm: số 1,3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với 3.528 chuyến/ngày phục vụ trung bình gần 66.780 hành khách/ngày có lộ trình đi qua khu vực chợ Bến Thành bảo đảm phục vụ việc đi lại của người dân tại khu vực.

Ngoài 43 trạm xe đạp hiện hữu, dự kiến bổ sung thêm hai vị trí vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão (khu vực mũi tàu) và vỉa hè công viên 23 tháng 9 (cách lối lên xuống ga Bến Thành 50 m).

Sở GTVT TP.HCM cũng dự kiến bố trí vị trí đầu đường Phạm Ngũ Lão (phía Công viên 23 tháng 9, cách giao lộ phía công trường Quách Thị Trang 100m) là điểm đón, trả khách của các xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện và xe ôtô 2 tầng thoáng nóc (xe chỉ dừng để đón, trả khách, không được đậu).

Đối với khu vực dọc trục đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đẩy nhanh tiến độ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt kết nối Metro số 1.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ Depot Long Bình (TP. Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1).

Sắp khởi động lại dự án thủy cung tại Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp tục tổ chức thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu sau một thời gian dài tạm ngưng.

Dự án Thủy cung Hòn Ngưu sau khi san lấp đã phải tạm dừng từ tháng 10/2019 đến nay.
Dự án Thủy cung Hòn Ngưu sau khi san lấp đã phải tạm dừng từ tháng 10/2019 đến nay.

Ngày 27/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Cáp treo Vũng Tàu tiếp tục triển khai thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng khu vực nhà ga cáp treo ở Bãi Trước, TP. Vũng Tàu.

Sau khi xem xét các đề nghị của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho Công ty CP Cáp treo Vũng Tàu tiếp tục tổ chức thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu theo thiết kế đã được thẩm định và giấy phép xây dựng đã được cấp.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu, chủ đầu tư phải có thông báo thời gian thi công, kèm phương án, biện pháp thi công gửi đến các cơ quan liên quan để nắm bắt, theo dõi. Các sở, ban, ngành và UBND TP. Vũng Tàu kiểm tra việc thi công của chủ đầu tư bảo đảm đúng quy định pháp luật về xây dựng, đầu tư, bảo vệ môi trường, an toàn thi công và các nội dung khác liên quan.

Trước đó, các hạng mục của dự án này đã bị yêu cầu tạm dừng từ giữa tháng 10/2019, để rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, các tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch.

Dự kiến khởi công 2 đoạn của đường Vành đai 2 TP.HCM vào quý I/2025

Hai đoạn của Dự án đường Vành đai 2, TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 13.871 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý I/2025.

Đất quy hoạch chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 2 đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức

Đất quy hoạch chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 2 đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về kế hoạch triển khai đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn 1) và đoạn từ đường Võ Nguyễn Giáp đến Phạm Văn Đồng (đoạn 2).

Hai dự án này đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023. Trong đó, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn 1) chiều dài 3,5 km được đầu tư 6 - 8 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng là 6.675 tỷ đồng).

Còn đoạn từ đường Võ Nguyễn Giáp đến Phạm Văn Đồng (đoạn 2), chiều dài 2,5 km, được đầu tư 6 - 8 làn xe. Tổng mức đầu tư 4.543 tỷ đồng, trong đó, giải phóng mặt bằng là 1.956 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM vào đầu tháng 4 năm nay, Ban Giao thông khẩn trương thực hiện các thủ tục để đảm bảo khởi công Dự án trong tháng 12/2024.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng kế hoạch chi tiết, từ nay đến cuối năm 2024 còn phải thực hiện nhiều bước như lập hồ sơ và thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật; khảo sát lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở; lập, trình và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi…

Do vậy, phải đến quý I/2025 mới tiến hành khởi công Dự án.

Để đảm bảo tiến độ khởi công Dự án trong quý I/2025, Ban Giao thông kiến nghị UBND Thành phố xem xét chỉ đạo các sở, ngành đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ liên quan công tác thi tuyển kiến trúc, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; hồ sơ bồi thường hỗ trợ, tái định cư.

Quảng Nam thu 8.155 tỷ đồng từ du lịch sau 5 tháng

Doanh thu từ khách du lịch đến Quảng Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.470 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 8.155 tỷ đồng.

Khách du lịch tham quan đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam

Khách du lịch tham quan đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam

Ngày 27/5, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong tháng 5, cả Tỉnh đón 665.000 lượt khách tham quan, lưu trú; doanh thu tham quan, lưu trú du lịch của Tỉnh ước đạt 930 tỷ đồng; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.186 tỷ đồng.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch Quảng Nam ước đạt 3,1 triệu lượt (tăng 7% so với cùng kỳ), khách quốc tế và khách nội địa đều tăng so với cùng kỳ.

Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 3.470 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ). Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 8.155 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Quảng Nam phục hồi mạnh mẽ là nhờ triển khai tốt các chương trình kích cầu du lịch, từ sau đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục