Dịch Covid-19: Thêm 11 ca mắc bệnh liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cho biết đã ghi nhận 11 ca mắc Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế. Việt Nam hiện có 431 ca bệnh.
Thêm 11 ca mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng |
Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24 - 70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận - Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.
Sau khi được phong toả ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Tính đến 18h ngày 27/7, Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc Covid-19, trong đó, 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 6 - 18h ngày 27/7, Việt Nam có 11 ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.954 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 232 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 10.922 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 800 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,7% tổng số ca bệnh. Không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.
Tính đến chiều ngày 27/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 58 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.
Hà Nội ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ người ở các vùng dịch trở về
TP. Hà Nội đề nghị khoảng 15.000 - 20.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
Chăng dây và biển thông báo để hành khách giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi làm thủ tục hàng không. |
Ước tính sẽ có khoảng 15.000 - 20.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 27/7.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các đơn vị triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn tối đa, cố gắng không để dịch Covid-19 quay trở lại. Thành phố đề nghị những người đi từ các vùng có dịch Covid-19 trở về chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị chức năng phải quản lý tốt các nơi cách ly tập trung, rà soát và phát hiện đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép; đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất nếu dịch lây lan trên địa bàn; đồng thời, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 180.000 học sinh chuẩn bị thi Trung học phổ thông.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương đã thông tin về trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trú tại phường Xuân Đỉnh. Trường hợp này, ngày 27/7 đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, người này đã đến Đà Nẵng từ ngày 13/7 và ngày 26/7 trở về địa phương, có biểu hiện ho rát họng và đã được đưa đến Bệnh viện Bắc Thăng Long cách ly, lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đồng thời rà soát người cùng gia đình và các trường hợp tiếp xúc.
Máy bay, tàu hỏa, ô tô chở khách không được di chuyển đến Đà Nẵng
Từ 0h ngày 28/7, Bộ GTVT yêu cầu tạm dừng toàn bộ các chuyến bay, chuyến tàu và ô tô chở khách đến Đà Nẵng trong vòng 15 ngày.
Các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng tạm dừng từ hôm nay, 28/7 |
Tối muộn 27/7, Bộ GTVT đã ký ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Đường thuỷ nội địa Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn những vấn đề phát sinh, bao gồm cả phương án vận chuyển hành khách du lịch còn bị mắc kẹt tại Đà Nẵng sau 0h ngày 28/7.
Với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT yêu cầu dừng toàn bộ chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến Đà Nẵng. Ưu tiên tăng chuyến để giải toả hành khách du lịch từ Đà Nẵng đi về các địa phương khác, trước 0 giờ ngày 28/7.
Các chuyến bay nội địa chở khách không đi/đến Đà Nẵng thực hiện bình thường. Không hạn chế khai thác với các chuyến bay không vận chuyển hành khách.
Với lĩnh vực đường bộ, dừng hoạt động vận chuyến các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe khách hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt đi/đến và trong Đà Nẵng.
Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhận, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ chống dịch, nhu yếu phẩm, xe cung cấp thức ăn, hàng hoá...
Truy tố nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam
Sau nhiều lần điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh, trực thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II). Trong đó, bị can Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh, trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) |
Đặc biệt là vi phạm của Huỳnh Thế Năng trong thời gian làm Tổng Giám đốc Vinafood II đã buông lỏng việc kiểm kê tài sản tại Công ty Lương thực Trà Vinh. Riêng năm 2014, bị can Năng kí hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính, ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng kiểm toán chứng kiến việc kiểm kê Công ty Lương thực Trà Vinh để kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Tuy nhiên, nội dung các hợp đồng này không quy định ràng buộc công ty kiểm toán phải chứng kiến đầy đủ hoạt động kiểm kê tài sản. Do đó, công ty kiểm toán chỉ cử Kiểm toán viên chứng kiến việc kiểm kê, kiểm toán viên không ký biên bản kiểm kê nên không phát hiện sai phạm. Dẫn đến Tổng công ty Lương thực Miền Nam không quản lý được thực trạng tài sản của Công ty lương thực Trà Vinh.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Huỳnh Thế Năng có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến Vinafood II không phát hiện được gian dối tại Công ty Lương thực Trà Vinh, gây thiệt hại cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam 44,4 tỷ đồng.
2 nghi phạm nổ súng cướp tiền tại chi nhánh Ngân hàng BIDV
Theo thông tin ban đầu, 2 người đàn ông đi hai xe máy đến Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ngọc Khánh, số 27 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, cầm súng vào bên trong uy hiếp nhân viên và cướp tiền rồi bỏ trốn.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh đã đóng cửa sau vụ cướp |
Vụ cướp xảy ra vào lúc 10h sáng ngày 27/7, tại trụ sở Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ngọc Khánh, phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo thông tin ban đầu, sau khi đi vào trụ sở ngân hàng, 2 nghi phạm bất ngờ rút vật giống súng ra đe dọa nhân viên rồi cướp đi một số tiền lớn.
Hai nghi phạm sau đó cướp xe máy của một người đang rút tiền ở cây ATM trước ngân hàng để chạy trốn.
Theo thông cáo báo chí từ Ngân hàng BIDV, vào 9h54 ngày 27/7 trong lúc cán bộ nhân viên ngân hàng tại BIDV - Chi nhánh Ngọc Khánh, số 27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đang thực hiện các công việc giao dịch phục vụ khách hàng, bất ngờ xuất hiện 2 tên cướp đeo khẩu trang, có vũ trang, nổ súng uy hiếp, khống chế giao dịch viên, bảo vệ và cướp tiền mặt tại quầy giao dịch.
Khi sự việc xảy ra, chi nhánh đã nhanh chóng thông báo với Công an phường Láng Hạ, bảo đảm an toàn cho khách hàng và giao dịch viên. Theo chi nhánh thống kê, số tiền thiệt hại ban đầu khoảng vài trăm triệu đồng.
Hiện nay, BIDV Ngọc Khánh và công an đang phối hợp chặt chẽ để truy tìm đối tượng phạm tội.
"Hiện các hoạt động tại BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh tiếp tục diễn ra bình thường", Ngân hàng BIDV thông tin.
Bộ Công an vào cuộc điều tra việc đầu tư 2 dự án của VICEM ở Hà Nội
Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) trong việc đầu tư 2 dự án ở Hà Nội.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy. |
Theo đó, hai dự án gồm Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: Các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của 2 dự án trên.
Cùng với đó là các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án.
Cụ thể, đối với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Hiện tòa tháp Vicem Tower tại lô đất trên đã hoàn thiện phần thô, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp, cổng luôn trong tình trạng đóng kín.