Bản tin thời sự sáng 28/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đầu tư 860 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng sân bay Cà Mau; các địa phương báo cáo việc công bố thông tin nhà ở, thị trường bất động sản trước 30/9; dự án cao tốc hơn 17.400 tỷ qua Bình Dương dự kiến thu phí gần 33 năm; xem xét thu hồi 4.200 m2 bán đảo hồ Đống Đa (Hà Nội)…

Đầu tư 860 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng sân bay Cà Mau

Tỉnh Cà Mau dự kiến chi hơn 860 tỷ đồng giải phóng mặt bằng để đầu tư, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau, đón tàu bay chở gần gấp đôi số khách so với trước.

Cảng hàng không Cà Mau hiện khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM

Cảng hàng không Cà Mau hiện khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM

Ngày 27/9, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết, Dự án được thực hiện trong 2 năm (2024 - 2025) bằng ngân sách Tỉnh.

Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 100 ha tại Phường 6 và phường Tân Thành, TP. Cà Mau với 5 tổ chức và khoảng 740 hộ bị ảnh hưởng. Từ nay đến cuối năm, Cà Mau thực hiện thủ tục đầu tư, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao một phần mặt bằng thi công.

Đầu năm 2025, Tỉnh thực hiện các phần việc còn lại, bàn giao mặt bằng để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nâng cấp sân bay với tổng kinh phí 2.253 tỷ đồng, không bao gồm giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thành nâng cấp, sân bay đón được các loại tàu bay cỡ lớn như A321 (tối đa hơn 200 khách) hoặc Embraer 195 (124 khách).

Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, hiện đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương, nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.

Nhiều năm qua, Cảng khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại với tần suất mỗi ngày một chuyến. Giữa năm 2023, Bamboo Airways đã khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.

Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, Cảng hàng không Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (đảm bảo tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất 1 triệu khách mỗi năm; giai đoạn đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.

Các địa phương báo cáo việc công bố thông tin nhà ở, thị trường bất động sản trước 30/9

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương quý III trước ngày 30/9/2024.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Ngày 27/9, đại diện Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện công bố thông tin quý III/2024 về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương và báo cáo kết quả về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản trước ngày 30/9.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở xây dựng và các sở, ngành liên quan thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Nghị định số 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Các địa phương cập nhật tình hình ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển nhà; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành; số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội).

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thông tin lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng; giá nhà ở và một số loại hình bất động sản khác (chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền, nhà ở xã hội); giá cho thuê văn phòng; mặt bằng thương mại; khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; tồn kho bất động sản.

Đặc biệt, các địa phương cập nhật tình hình triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội và thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn; khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, đề xuất giải pháp tháo gỡ (nếu có).

Dự án cao tốc hơn 17.400 tỷ qua Bình Dương dự kiến thu phí gần 33 năm

Công trình cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 60 km có 4 làn xe, trong đó có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến. Dự án có vốn đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, dự kiến thu phí kéo dài gần 33 năm. Đây là công trình đầu tiên được ứng dụng mô hình thông tin công trình trong thiết kế, thi công cao tốc.

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có vốn đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có vốn đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng

Ngày 27/9, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (kết nối Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TP.HCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), kết nối các sân bay và cảng biển.

Dự án cao tốc này đoạn qua Bình Phước dài khoảng 7 km, Bình Dương hơn 52 km. HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT và cam kết vốn ngân sách địa phương.

Dự án hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex).

Với tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, Dự án gồm 2 dự án thành phần, trong đó Dự án giải phóng mặt bằng có phạm vi hơn 380 ha với ngân sách khoảng hơn 8.280 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 đến 2027. Thời gian thu phí, hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng.

Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng, dự kiến khởi công Dự án trong tháng 11/2024.

Được biết, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) ngay từ bước chuẩn bị đầu tư để tối ưu quá trình thiết kế, thi công và quản lý dự án. Đây là dự án hạ tầng giao thông được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP có ứng dụng BIM đầu tiên tại Việt Nam.

Xem xét thu hồi 4.200 m2 bán đảo hồ Đống Đa (Hà Nội)

Quận Đống Đa dự kiến thu hồi 3/4 diện tích bán đảo hồ Đống Đa để tạo không gian mở và điểm nhấn kiến trúc trong dự án cải tạo hồ.

Bán đảo hồ Đống Đa nhìn từ trên cao

Bán đảo hồ Đống Đa nhìn từ trên cao

Bán đảo hồ Đống Đa rộng 5.600 m2, hiện do Công ty Đầu tư Phát triển Hà Thủy quản lý, khai thác. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn cho hay, việc thu hồi, chỉnh trang bán đảo nằm trong Đề án tổng thể cải tạo hồ.

"Diện tích dự kiến thu hồi (4.200 m2) chủ yếu được thiết kế quảng trường và cây xanh, trong đó có điểm nhấn kiến trúc thể hiện tình hữu nghị Việt - Pháp đặt ở giữa quảng trường", ông Tuấn nói. Quận Đống Đa kết nghĩa với một địa phương ở Pháp, việc đặt biểu tượng thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai bên.

Ông Tuấn cho rằng, khi đặt vấn đề thu hồi diện tích bán đảo phải nghĩ đến quyền lợi các bên, gồm chủ đầu tư đang được cho thuê đất, Nhà nước và người dân, trong đó quyền lợi người dân được đặt lên cao nhất. Nội dung liên quan đến Đề án Cải tạo hồ Đống Đa đã được thông tin tới đơn vị quản lý, khai thác bán đảo và họ chấp thuận, hiện chờ ý kiến của liên ngành và quyết định của Thành phố.

Bán đảo hồ Đống Đa được UBND TP. Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Hà Thủy thuê 50 năm kể từ ngày 8/3/2010 để thực hiện dự án khu vui chơi giải trí. Năm 2015, quận Đống Đa phát hiện 4 khu vực tại bán đảo sử dụng đất không đúng mục đích. Thành phố sau đó đã đình chỉ các hoạt động không đúng mục đích, yêu cầu Công ty khắc phục vi phạm.

Quận Đống Đa đang thực hiện Dự án Cải tạo hồ Đống Đa với chi phí gần 300 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như làm lại toàn bộ vỉa hè xung quanh hồ; nâng cấp đường dạo; thay thế lan can; trồng mới, thay thế một số cây xanh bóng mát; thay hệ thống chiếu sáng…

TP.HCM lập Trung tâm phục vụ hành chính công

Trung tâm phục vụ hành chính công giúp người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ ở các chi nhánh, điểm tiếp nhận trong Thành phố mà không phụ thuộc địa giới hành chính như trước.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức

Trung tâm phục vụ hành chính công được thí điểm thành lập theo nghị quyết của HĐND TP.HCM tại kỳ họp chuyên đề ngày 27/9.

Cơ quan này trực thuộc UBND Thành phố, hoạt động thí điểm từ 1/10 đến cuối năm 2026. Từ nay đến cuối năm, nơi này tổ chức lại bộ máy, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị, quy trình giải quyết các thủ tục... Năm 2025, Trung tâm bắt đầu giải quyết hồ sơ đa ngành, đa lĩnh vực, không còn phụ thuộc địa giới hay các cấp hành chính.

Hiện việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại TP.HCM thực hiện theo 3 cấp, gồm: 18 sở; 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức và 312 phường, xã, thị trấn. Công tác giải quyết các thủ tục thực hiện theo chức năng, thẩm quyền mỗi cấp, dẫn đến người dân ở khu vực nào cần ra nơi đó nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Lộ trình đến năm 2026, TP.HCM sẽ giải quyết hồ sơ thông qua 23 chi nhánh (chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận, huyện, TP. Thủ Đức); 140 điểm tiếp nhận tại các phường, xã, thị trấn thuộc TP. Thủ Đức, 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) cùng 4 quận (7, 12, Bình Tân, Gò Vấp), không còn nhận hồ sơ ở các sở, ngành.

Theo UBND TP.HCM, Trung tâm phục vụ hành chính công là bước tiến tiếp theo của Thành phố về thủ tục hành chính, kế thừa mô hình "bộ phận một cửa" hiện nay. Nơi này sẽ tạo sự chuyên nghiệp trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả về hồ sơ, thủ tục.

Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm giúp tối ưu nguồn lực ở Thành phố, giảm nhân sự các bộ phận một cửa riêng lẻ để sắp xếp sang các công việc chuyên môn. Hiện nay, các bộ phận một cửa tại Thành phố có tổng cộng hơn 2.558 công chức, viên chức…

100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dùng căn cước công dân gắn chíp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, với trên 119 triệu lượt tra cứu thành công.

Nhân viên y tế dùng máy quét QR code trên căn cước công dân gắn chíp để tra cứu thông tin người bệnh

Nhân viên y tế dùng máy quét QR code trên căn cước công dân gắn chíp để tra cứu thông tin người bệnh

Hiện đã xác thực trên 98,5 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là kết quả triển khai Đề án 06, được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết ngày 27/9.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến thời điểm này, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, với trên 119 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công.

Trong triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận và xử lý 1.122.165 hồ sơ thông qua 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi...

Tính đến trung tuần tháng 9/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 598.771 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Triển khai dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, đối với dịch vụ công "Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện,” hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 11.259 giao dịch đăng ký, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hải Dương tạm dừng hoạt động 2 trung tâm đăng kiểm vi phạm quy định

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương vừa quyết định tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng (từ ngày 26/9 đến hết ngày 25/12) với 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở TP. Hải Dương và huyện Kim Thành.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D bị tạm đình chỉ trong 3 tháng

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D bị tạm đình chỉ trong 3 tháng

Cụ thể, tại Quyết định số 776/QĐ-SGTVT, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương quyết định tạm đình chỉ hoạt động Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-04D, địa chỉ thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành. Quyết định số 775/QĐ-SGTVT đình chỉ hoạt động Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-05D, địa chỉ Phân khu 2, Khu đô thị mới Nam TP. Hải Dương, xã Liên Hồng, TP. Hải Dương.

Lý do 2 trung tâm này bị tạm đình chỉ là do vi phạm quy định tại điểm b, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP. Theo đó, 2 trung tâm đăng kiểm trên có 2 đăng kiểm viên trở lên bị Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, các đơn vị trên bị đình chỉ hoạt động 3 tháng.

Các quyết định cũng nêu rõ, 2 trung tâm đăng kiểm phải dừng toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời gian bị tạm đình chỉ. Các trung tâm phải thông báo bằng văn bản về kế hoạch hoạt động trở lại gửi Sở Giao thông vận tải Hải Dương và Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày hết hạn tạm đình chỉ không quá 3 ngày.

Bị kỷ luật cảnh cáo, 2 giám đốc sở tại Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã được cho thôi giữ chức vụ và nghỉ hưu trước tuổi.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, được nghỉ hưu trước tuổi

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, được nghỉ hưu trước tuổi

Ngày 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định liên quan đến công tác nhân sự của Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng và ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng được cho thôi giữ chức vụ và nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/10/2024.

Ông Lê Quang Trung và ông Huỳnh Ngọc Hải là 2 trong số nhiều cán bộ ở tỉnh Lâm Đồng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo tại Kỳ họp thứ 45 diễn ra vào các ngày 7 và 8/8/2024.