Bản tin thời sự sáng 29/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái do bão Molave; 1,7 triệu hộ bị mất điện do bão; người lao động dự kiến được nghỉ Tết 7 ngày; Metro Nhổn - ga Hà Nội khai thác đoạn trên cao vào nửa cuối năm 2021; tàu Cát Linh - Hà Đông có lịch chạy thương mại vào quý I/2021...

Hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái do bão Molave

Cơn bão Molave (bão số 9) hoành hành Nam Trung Bộ suốt 7 tiếng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó hơn 56.000 căn nhà bị tốc mái.

Hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái do bão Molave

Hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái do bão Molave

Tối ngày 28/10, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 cho biết, bão Molave khi vào đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi hồi 14h có gió cấp 10 - 11, giật cấp 13. Ở các địa phương lân cận, Đà Nẵng gió giật cấp 8, Bình Định giật cấp 7 - 8.

Bão kèm mưa lớn trải dài ở các tỉnh miền Trung. Trong đó, thực đo từ 19h ngày 27/10 đến 14h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và Kon Tum mưa 200 - 450 mm.

Về thiệt hại ban đầu, đã có một người chết ở tỉnh Gia Lai do trú mưa ở lán bị sập; 2 người ở tỉnh Bình Định bị thương. Ngoài ra còn nhiều thuyền viên của hai tàu cá Bình Định đang mất tích.

Bão Molave cũng làm 34 ngôi nhà bị sập, trong đó nhiều nhất là tỉnh Bình Định với 23 nhà, Quảng Ngãi 9, Phú Yên và Gia Lai mỗi nơi một. Ngoài ra, 56.163 ngôi nhà bị tốc mái, riêng Quảng Ngãi gần 53.400, Bình Định gần 2.600 nhà. 31 trụ sở cơ quan, 28 điểm trường ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng.

Tại tỉnh Kon Tum, bão đã gây ngập lụt và chia cắt hai thôn, với 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà; cuốn trôi một cầu treo ở huyện Kon Rẫy, chia cắt 115 với 680 người ở thôn 11, xã Đắc Ruồng; 14 điểm khác bị sạt lở gây ách tắc.

1,7 triệu hộ bị mất điện do bão số 9

Lưới điện 110 kV có sự cố do bão Molave (bão số 9) khiến hơn 1,7 triệu hộ ở 616 xã phường tại 10 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên bị mất điện.

Cột điện gãy đổ hàng loạt tại xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam

Cột điện gãy đổ hàng loạt tại xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam

Thông tin được Tổng công ty Điện lực Miền Trung cho biết trưa ngày 28/10. Bão Molave khiến lưới điện 110 kV bị sự cố ở 14 đường dây và 10 trạm biến áp, làm hơn 15.700 trạm lưới điện trung áp mất điện, mới khôi phục hơn 2.130 trạm.

Cụ thể, Quảng Trị có 10 xã bị mất điện; Thừa Thiên Huế có một phần của 4 phường và 23 xã; Đà Nẵng có 11 xã, phường; Quảng Nam có 192 xã; Quảng Ngãi có 173 xã; Bình Định có 97 xã, phường, thị trấn; Phú Yên có 51 xã, phường, thị trấn; Kon Tum có 14 xã; Gia Lai có 23 xã, phường và Đăk Lăk có 9 xã.

Đại diện Tổng công ty Điện lực Miền Trung cho biết con số này mới cập nhật đến 11h trưa 28/11. Sau khi bão đổ bộ, số khách hàng bị mất điện có thể lớn hơn nhiều. Bão Molave đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ sáng ngày 28/10, với sức gió mạnh nhất cấp 12 (133 km/h). Bão gây mưa lớn, gió giật khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ, hàng trăm nhà cửa, công trình bị tốc mái...

Nhiều thủy điện miền Trung xả lũ sau bão

Mưa lớn sau bão Molave và nhiều thủy điện xả lũ khiến nước các sông trên báo động 3, Quãng Ngãi và Quảng Nam phải di dời dân vùng trũng.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước qua tràn hôm 13/10

Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước qua tràn hôm 13/10

Theo bản tin lũ khẩn cấp của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, lúc 16h ngày 28/10, mực nước sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ trên báo động 2; sông trà Khúc dưới mức báo động 3 ở trạm Sơn Giang; nước sông Vệ và sông Trà Câu trên báo động 3.

Dự báo nước sông tiếp tục dâng cao, dẫn đến ngập sâu trên diện rộng ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành và TP. Quảng Ngãi. Nguy cơ lở đất ở các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long.

Hiện hồ thủy điện Đăkđrinh xả lũ với lưu lượng 1.680 m3/s; hồ chứa nước Nước Trong 1.100 m3/s. Vì vậy mực nước trên các sông tiếp tục lên cao trong 6 - 12 giờ tới.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã phát đi thông tin lũ khẩn cấp trên sông Vu Gia (Quảng Nam) - lũ đặc biệt lớn. Lũ trên sông này đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16h tại Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc 7,75 m, dưới báo động 2 là 0,25 m.

Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 thông báo vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4, ở huyện Phước Sơn. Thời gian vận hành từ 15h30 ngày 28/11 với lưu xả tràn đến 11.400 m3/s. Mực nước trên sông Vu Gia có khả năng lên mức 11,2 m, vượt lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.

Người lao động dự kiến được nghỉ Tết 7 ngày

Tết Âm lịch, dự kiến cán bộ, viên chức được nghỉ 5 ngày theo Bộ luật Lao động và 2 ngày thứ bảy, chủ nhật thường lệ.

Phương án nghỉ Tết được trình Chính phủ

Phương án nghỉ Tết được trình Chính phủ

Ngày 28/10, Bộ trưởng Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình Chính phủ lịch nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu và Quốc khánh năm 2021. Bộ đề xuất phương án nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết Tân Sửu. Do mùng 2 và mùng 3 Tết Âm lịch trùng vào thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần, công chức, viên chức do đó sẽ được nghỉ bù vào mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch.

Với phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày liên tục, từ 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng giêng năm Tân Sửu).

Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2 ngày nghỉ trước Tết không quá ngắn, nghỉ sau Tết gồm 3 ngày Tết và 2 ngày nghỉ bù là phù hợp, công chức, viên chức chủ động thời gian đi lại, giao thông vận tải hành khách cũng đỡ bị áp lực vào thời gian trước Tết.

Metro Nhổn - ga Hà Nội khai thác đoạn trên cao vào nửa cuối năm 2021

Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ chạy thử tĩnh và động đầu tiên vào đầu năm tới, tiến tới mục tiêu đưa đoạn trên cao vào vận hành khai thác vào nửa cuối năm 2021.

Đoàn tàu metro Nhổn-ga Hà Nội được đưa lên đường ray tại khu Depot Nhổn

Đoàn tàu metro Nhổn-ga Hà Nội được đưa lên đường ray tại khu Depot Nhổn

Theo ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), mục tiêu của đơn vị là đưa đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành khai thác vào nửa cuối năm 2021.

Ông Minh cho biết, tính đến cuối tháng 9/2020, tiến độ chung Dự án đạt khoảng 65,91%, trong đó tiến độ thi công và lắp đặt thiết bị cho đoạn trên cao đạt xấp xỉ 80,8%. Đặc biệt, vào ngày 18/10, Dự án đón đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu khởi hành từ cảng Dunkirk (Pháp) về tới cảng Hải Phòng; rạng sáng ngày 20/10/2020, đoàn tàu được đưa về khu Depot Nhổn đảm bảo an toàn tuyệt đối, được lắp đặt lên ray để tiếp tục chạy thử trước khi đưa vào vận hành khai thác.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ vận chuyển 8.600 hành khách mỗi giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách mỗi giờ.

Theo dự kiến, tuyến metro số 3 tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam Thành phố tới quận Hoàng Mai, thêm 8km ngầm nữa. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục Dự án hiện tại. Dự án này có thể nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ châu Âu, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp, bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á.

Tàu Cát Linh - Hà Đông có lịch chạy thương mại vào quý 1/2021

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 12, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành nghiệm thu có điều kiện, sau đó sẽ đưa vào khai thác thương mại trong quý I/2021.

Tàu Cát Linh - Hà Đông được Bộ trưởng Bộ Giao thông cam kết lịch chạy thương mại vào quý I/2021

Tàu Cát Linh - Hà Đông được Bộ trưởng Bộ Giao thông cam kết lịch chạy thương mại vào quý I/2021

Chiều 28/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11/2020, các chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn Dự án, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện Dự án. Về tiến độ, ông Thể cam kết, phấn đấu để đưa Dự án vào vận hành thương mại trong quý I/2021.

Đánh giá về việc này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được ký kết vào năm 2008. Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm lớn cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ Giao thông vận tải.

Theo Thủ tướng, hiện nay khối lượng xây lắp được báo cáo đã cơ bản hoàn thành. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông khởi công tháng 10/2011 và tiến độ hoàn thành 6/2015. Đến nay dự án đã 9 lần lỡ hẹn vận hành thương mại. Dự án có chiều dài hơn 13km, 12 nhà ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư 891 triệu USD (mức ban đầu là 552 triệu USD), chủ yếu vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải; Tổng thầu thi công Dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc).