Bản tin thời sự sáng 29/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tài (GTVT) báo cáo Thủ tướng việc IPP Air Cargo xin dừng cấp phép bay; sẽ thông xe đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở vào cuối năm nay; thanh tra đột xuất bệnh viện 200 tỷ tại Bạc Liêu xây xong vẫn chưa hoạt động; Hà Nội thanh lý 47 ô tô giá trị 0 đồng…

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng việc IPP Air Cargo xin dừng cấp phép bay

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin dừng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty CP IPP Air Cargo.

Hình ảnh chiếc máy bay chưa kịp đưa vào khai thác của IPP Air Cargo

Hình ảnh chiếc máy bay chưa kịp đưa vào khai thác của IPP Air Cargo

Công văn cho biết, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) có công văn báo cáo Bộ GTVT về việc Công ty CP IPP Air Cargo đề nghị dừng xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trong đó, Cục HKVN có báo cáo: Công ty CP IPP Air Cargo rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép với lý do đánh giá mới của doanh nghiệp trước "tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu và nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng".

Công văn của Bộ GTVT nêu rõ, như vậy, đề nghị rút hồ sơ và dừng thủ tục cấp giấy phép là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, không liên quan đến quá trình tiếp nhận hồ sơ, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục HKVN đến Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Cũng theo Bộ GTVT, số tiền được phong tỏa trong ngân hàng để làm vốn điều lệ (300 tỷ đồng) sẽ được giải tỏa theo đề nghị giải tỏa của Công ty CP IPP Air Cargo.

Như vậy, đề nghị của xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không của Công ty CP IPP Air Cargo về cơ bản đã được Cục HKVN xem xét, xử lý theo quy định.

Sẽ thông xe đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở vào cuối năm nay

Dự án đường Vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở khi hoàn thành và được thông xe sẽ tăng khả năng lưu thông, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở

Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng đang được hoàn thiện để thông xe vào cuối năm nay.

Hiện nay, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành theo thiết kế và đang triển khai công tác hoàn thiện để thông xe năm 2022, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng Dự án trong quý I/2023.

Dự án đường Vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được khởi công vào tháng 4/2018 gồm 1 cầu chính và 3 cầu dẫn nối từ các điểm đầu là Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,1 km, rộng 19 m; có 3 vị trí lên xuống có bề rộng cầu dẫn 7 m.

Phần đường đi bằng Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng được thực hiện mở rộng với mặt cắt từ 53,5 - 63,5 m theo chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 với tổng chiều dài 3,1 km. Sau khi được mở rộng đường Vành đai 2 đi bằng có quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng từ 4 - 6m mỗi bên và đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin, chiếu sáng, cây xanh...).

Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng chạy qua địa bàn 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa.

Thanh tra đột xuất bệnh viện 200 tỷ tại Bạc Liêu xây xong vẫn chưa hoạt động

Chiều ngày 28/11, Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu Bùi Thanh Nguyên cho biết, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã công bố quyết định về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đối với Dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện chuyên khoa Lao, nay là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu xây dựng với kinh phí hơn 200 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động do những bất cập về trang thiết bị y tế

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu xây dựng với kinh phí hơn 200 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động do những bất cập về trang thiết bị y tế

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu được xây dựng với kinh phí lên đến hơn 200 tỷ đồng, thế nhưng một số công trình, hạng mục, máy móc tuy chưa sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có diện tích 13.000 m2, tọa lạc trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh.

Khởi công từ năm 2010, cách đây gần 2 năm, Bệnh viện đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Theo lãnh đạo Bệnh viện, có rất nhiều nguyên nhân khiến Bệnh viện chưa thể đi vào hoạt động, trong đó nguyên nhân chính là nhiều thiết bị mặc dù đã được chủ đầu tư là Sở Y tế nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng không thể bàn giao cho Bệnh viện do luôn gặp sự cố trong vận hành…

Vào tháng 8/2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định trưng dụng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm nơi thu dung điều trị điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, sau đó vẫn chưa thể tiếp nhận bệnh nhân cũng do những bất cập về trang thiết bị y tế.

Trong gần 2 năm qua, hơn 130 viên chức, người lao động của Bệnh viện, trong đó có hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng không có việc làm ngoài đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế...

Hà Nội thanh lý 47 ô tô giá trị 0 đồng

Các cơ quan của TP. Hà Nội đã thanh lý 47 xe ô tô cũ, hỏng (tổng số tiền lúc mua là hơn 18,5 tỷ đồng) không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông với giá trị còn lại 0 đồng.

Hà Nội thanh lý 47 ô tô cũ. Ảnh minh họa

Hà Nội thanh lý 47 ô tô cũ. Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã hoàn thiện phương án sử dụng xe ô tô công và tiếp tục thanh lý các xe ô tô công hết hạn sử dụng.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã bổ sung kinh phí 112 triệu đồng/năm cho mỗi chức danh đủ tiêu chuẩn sử dụng ôtô công vụ theo quy định tại Nghị định 04/2019 của Chính phủ. Các cơ quan của TP. Hà Nội đã thanh lý 47 xe ô tô cũ, hỏng (tổng số tiền lúc mua là hơn 18,5 tỷ đồng) không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông với giá trị còn lại 0 đồng.

Sở Tài chính cũng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sắp xếp lại, xử lý ô tô. Sở Tài chính đã có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý kiến bổ sung về việc lựa chọn 1 trong 2 phương án bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung theo Nghị định số 04/2019.

Cụ thể, các cơ quan của TP. Hà Nội có thể lựa chọn phương án trang bị xe ô tô tại đơn vị theo định mức tối đa quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng có thể lựa chọn phương án không trang bị xe, đơn vị thực hiện khoán hoặc thuê dịch vụ xe ô tô đối với tất cả các chức danh đủ tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung.

Qua rà soát của Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, TP. Hà Nội còn thiếu 39 xe ô tô phục vụ công tác, không có xe ô tô dôi dư.

Đề xuất đầu tư 3.500 tỷ đồng nâng cấp 7 ga đường sắt quốc tế

Để tăng sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt, Bộ GTVT đề xuất huy động 3.500 tỷ đồng ngân sách nâng cấp 7 nhà ga quốc tế đến năm 2025.

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đến Bỉ khởi hành ở ga Yên Viên

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đến Bỉ khởi hành ở ga Yên Viên

Bộ GTVT vừa đã trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp các ga được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.

Các hạng mục chủ yếu được đầu tư là cải tạo kho hàng hiện hữu, xây mới bãi hàng container theo tiêu chuẩn mặt đường sân bay, bổ sung đường sắt trong ga, nâng cấp khu đầu máy - toa xe.

Hiện trên các tuyến đường sắt phía Bắc có hai ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Vật Cách (Hải Phòng) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong năm 2022 - 2024 với kinh phí 470 tỷ đồng. Trên tuyến đường sắt Bắc Nam có hai ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) dự kiến được đầu tư trước năm 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc nâng cấp các ga trên nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó hàng đi tuyến Bắc Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt 3 triệu tấn mỗi năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai 1,5 triệu tấn mỗi năm.

Ngoài việc đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT kiến nghị được công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển, sân bay quốc tế. Nếu không công bố ga quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm năng lực vận tải đường sắt.

Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có thể vận tải hàng hóa quốc tế, trong đó 7 ga đã được công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố là Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách.

Ngày 8/12, xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo hơn 4.300 khách hàng

Vụ án Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba, cùng 21 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 4.300 khách hàng sẽ được xét xử từ 8/12/2022 đến 6/1/2023.

Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thái Luyện tháng 9/2019

Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thái Luyện tháng 9/2019

Ngày 28/11, Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết, vụ án Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và 21 bị cáo bị truy tố về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Rửa tiền" sẽ được xét xử từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.

Đây là vụ án có số lượng bị hại rất đông với hơn 4.300 người và khoảng 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo nội dung vụ án, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.

Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng...

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Thiếu đơn hàng sản xuất khiến hơn 200.000 lao động ở Đồng Nai nguy cơ thất nghiệp

Khoảng 100 doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu, giày, may mặc thiếu đơn hàng sản xuất, khiến hơn 200.000 lao động bị ảnh hưởng.

Công nhân ngành gỗ đang gặp khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa

Công nhân ngành gỗ đang gặp khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa

Ngày 28/11, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Đồng Nai cho biết, theo báo cáo từ các doanh nghiệp, từ quý II/2022 đến nay, do tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, nguồn nguyên vật liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, Đồng Nai có khoảng 100 doanh nghiệp sử dụng khoảng 200.000 lao động bị sụt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của thị trường thế giới khiến người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giữ chân người lao động nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động như bố trí ngày nghỉ hàng năm, trả lương ngừng việc, thỏa thuận hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quá khó khăn đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành gỗ xuất khẩu, may, giày da...