Bản tin thời sự sáng 29/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM chuẩn bị thông xe một phần Dự án nâng cấp Quốc lộ 50; kim ngạch thương mại Việt Nam - Philippines lần đầu vượt 8 tỷ USD; hơn 700.000 người Việt đang làm việc ở nước ngoài, gửi về 4 tỷ USD/năm; đề xuất cho thuê ngắn hạn nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt để tránh lãng phí; Hà Nội ra "tối hậu thư" với dự án của FLC tại Đại Mỗ…

TP.HCM chuẩn bị thông xe một phần Dự án nâng cấp Quốc lộ 50

Do vướng mặt bằng giữa tuyến song hành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trước mắt sẽ đưa vào khai thác một đoạn dài 2 km của Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 từ ngày 30/12 tới.

Đoạn song hành Quốc lộ 50 dài 2 km, từ nút giao Trịnh Quang Nghị đến điểm giao Quốc lộ 50 đang hoàn thiện để thông xe ngày 30/12/2024

Đoạn song hành Quốc lộ 50 dài 2 km, từ nút giao Trịnh Quang Nghị đến điểm giao Quốc lộ 50 đang hoàn thiện để thông xe ngày 30/12/2024

Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh đang được gấp rút thi công để sớm đưa vào khai thác phục vụ người dân, nhất là phần đường song hành Quốc lộ 50.

Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp ranh tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư khoảng 1.498 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 1.250 tỷ đồng.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,92 km, bao gồm xây dựng mới đường song hành Quốc lộ 50 dài khoảng 4,36 km và mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dài khoảng 2,56 km (không bao gồm đoạn thuộc phạm vi Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành). Quy mô tuyến đường 6 làn xe.

Khối lượng thi công đến nay đạt 62%. Trong đó, 4 gói thầu xây lắp đường song hành Quốc lộ 50 khởi công 2 năm trước hiện đạt khoảng 80%; các gói xây lắp mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu đạt khoảng 25% (khởi công tháng 3/2024).

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, đoạn song hành Quốc lộ 50 còn lại (từ Trịnh Quang Nghị đến giao lộ Nguyễn Văn Linh) hiện chưa thể hoàn thành và thông xe do vẫn còn 8 hộ dân nằm chắn mặt cắt ngang tuyến đường. Đây là các hộ thuộc hai dự án Gia Hòa và Khang Phúc, đang trong quá trình vận động bàn giao mặt bằng.

Ban Giao thông kiến nghị UBND huyện Bình Chánh, Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư 2 dự án trên tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ vận động và bàn giao 100% mặt bằng cho Ban Giao thông trước ngày 31/1/2025 để hoàn tất khối lượng thi công, thông xe đoạn song hành còn lại trước 30/4/2025 và thông xe đoạn Quốc lộ 50 từ ngã ba đường song hành đến ranh Long An, hoàn thành toàn bộ công trình cuối năm 2025.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Philippines lần đầu vượt 8 tỷ USD

Gạo, cà phê, máy móc thiết bị là những mặt hàng chủ lực đóng góp lớn vào tổng kim ngạch thương mại hơn 8 tỷ USD của Việt Nam và Philippines sau 11 tháng.

Gạo là mặt hàng đóng góp lớn vào kim ngạch thương mại Việt Nam - Philippines

Gạo là mặt hàng đóng góp lớn vào kim ngạch thương mại Việt Nam - Philippines

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt hơn 8 tỷ USD - mức cao kỷ lục. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Philippines đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Philippines đạt 2,3 tỷ USD, giảm 5%. Việt Nam xuất siêu 3,5 tỷ USD sang Philippines, tăng mạnh so với con số 2,5 tỷ USD năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu nổi bật bao gồm gạo với kim ngạch gần 2,5 tỷ USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt gần 360 triệu USD, xi măng và clinker gần 300 triệu USD, cà phê trên 250 triệu USD, tăng 86%. Điện thoại và linh kiện đạt gần 206 triệu USD, tăng 40,8%. Các mặt hàng khác như phương tiện vận tải, máy vi tính, hàng dệt may, thủy sản, giày dép cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đáng kể.

Các sản phẩm chính nhập khẩu từ Philippines bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 1,43 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ đạt gần 254 triệu USD; kim loại thường, dây điện, thủy sản cũng đóng góp vào tổng kim ngạch nhập khẩu.

Sự tăng trưởng này phản ánh nỗ lực tìm hướng đi mới cho xuất khẩu, giảm áp lực cho doanh nghiệp trong nước, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Philippines trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.

Hơn 700.000 người Việt đang làm việc ở nước ngoài, gửi về 4 tỷ USD/năm

Hiện nay có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 - 4 tỷ USD/năm.

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 - 4 tỷ USD/năm

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 - 4 tỷ USD/năm

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Theo Bộ LĐTB&XH, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể.

Năm nay có khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 120% kế hoạch. Trong 4 năm 2021 - 2024, có gần 500.000 người Việt đi làm việc ở nước ngoài.

Riêng trong tháng 11 năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 12.520 lao động, gồm các thị trường: Nhật Bản 6.466 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 4.738 lao động, Hàn Quốc 396 lao động, Trung Quốc 205 lao động, Singapore 139 lao động, Rumani 89 lao động và các thị trường khác.

"Hiện có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 - 4 tỷ USD/năm", báo cáo của Bộ LĐTB&XH nêu rõ.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ. Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước...

Về kế hoạch năm 2025 đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết, tiếp tục duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống. Đồng thời, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam…

Đề xuất cho thuê ngắn hạn nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt để tránh lãng phí

TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) kiến nghị cho thuê ngắn hạn nhà hàng Thủy Tạ, khách sạn Golf 3 trong thời gian chờ đấu giá để tránh xuống cấp tài sản.

Nhà hàng Thủy Tạ, TP. Đà Lạt

Nhà hàng Thủy Tạ, TP. Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Tài chính xem xét đề nghị của UBND TP. Đà Lạt về việc ký hợp đồng cho thuê ngắn hạn với nhà hàng Thủy Tạ, khách sạn Golf 3 và khu du lịch cáp treo. Ba tài sản này đều đã hết hạn cho thuê từ 1 - 4 năm, đang trong thời gian chờ đấu giá.

TP. Đà Lạt đề xuất cho phép Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), Công ty CP Du lịch Thành Công tiếp tục được thuê ngắn hạn nhà hàng Thủy Tạ và khách sạn Golf 3 nhằm tránh lãng phí, xuống cấp nhà đất trong thời gian hoàn thành công tác đấu giá. Hợp đồng cho thuê dự kiến gia hạn đến 31/12/2025.

Riêng khu du lịch cáp treo và nhà số 31 Trương Công Định đã được Sở Tài chính đề xuất gia hạn thời gian thuê sau khi hết hạn từ 31/12/2023. Hiện UBND Tỉnh chưa có ý kiến với nội dung này.

Theo báo cáo của Thành phố, Dalat Tourist đã hết hạn thuê khu đất có nhà hàng Thủy Tạ, Phường 1 từ ngày 31/12/2020. Tại phiên đấu giá vào tháng 10/2023, khu đất này đã được đấu giá cho thuê thành công với mức 15,15 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, người trúng đấu giá đã bỏ cọc với lý do không được đổi tên nhà hàng Thủy Tạ.

Gần đây, Dalat Tourist đề nghị Tỉnh ngừng đấu giá và cho phép doanh nghiệp tiếp tục thuê tài sản nhưng tỉnh cho rằng không có cơ sở giải quyết, yêu cầu Dalat Tourist nộp hồ sơ đấu giá.

Nhà hàng Thủy Tạ nằm trên một trong hai đảo gắn liền với danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương. Vị trí này được đánh giá đắc địa bậc nhất Đà Lạt. Tổng diện tích khu đất hơn 3.800 m2, trên đất có ngôi nhà hai tầng diện tích sàn hơn 260 m2, phần đất còn lại là bồn hoa, khuôn viên, sân bãi.

Hà Nội ra "tối hậu thư" với dự án của FLC tại Đại Mỗ

Hà Nội yêu cầu FLC nộp bổ sung khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với 4 ô đất tại phường Đại Mỗ trong thời gian được gia hạn.

Dự án FLC Premier Parc Đại Mỗ

Dự án FLC Premier Parc Đại Mỗ

UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định số 6676 về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 4 ô đất CT1, CT2, LK1.2 và NT thuộc Dự án Khu chức năng đô thị ĐM1, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định, FLC có trách nhiệm nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 4 ô đất nói trên trong thời gian được gia hạn theo quy định của pháp luật.

Quyết định nêu rõ, hết thời hạn được gia hạn mà Tập đoàn FLC vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định của pháp luật.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cục Thuế TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nghĩa vụ tài chính về đất trong thời gian được gia hạn đối với 4 ô đất. Hết thời hạn được gia hạn mà Tập đoàn FLC vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định của pháp luật.

Cục Thuế được giao thu nghĩa vụ tài chính về đất trong thời gian được gia hạn đối với 4 ô đất theo quy định của pháp luật.

UBND quận Nam Từ Liêm được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Dự án của Chủ đầu tư. Trường hợp hết thời hạn được gia hạn mà Chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tháng 7/2017, FLC trúng đấu giá quyền sử dụng 6,4 ha đất khu ĐM1, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm với giá 860 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Khu chức năng đô thị ĐM1 (tên thương mại là FLC Premier Parc Đại Mỗ) đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Quy hoạch Dự án gồm đất nhà ở liền kề, nhà biệt thự song lập, nhà ở cao tầng.

Đất đá trên đèo An Khê tiếp tục sạt xuống Quốc lộ 19

Sau sự cố ngập, sạt lở cách đây nửa tháng, Quốc lộ (QL) 19, đoạn qua đèo An Khê tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông qua tuyến.

Đất đá trên đèo An Khê sạt xuống Quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Tây Sơn, Bình Định) sáng 28/12

Đất đá trên đèo An Khê sạt xuống Quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Tây Sơn, Bình Định) sáng 28/12

Ngày 28/12, đại diện Đội Cảnh sát giao thông đường bộ tuyến QL19 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định) cho biết, nhiều ngày qua, trên đèo An Khê đoạn qua huyện Tây Sơn xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá lăn xuống QL19, gây ảnh hưởng đến giao thông.

"Mưa lớn khiến đất đá trên mái taluy dương sạt lở xuống đường vào sáng sớm 28/12. Vị trí sạt lở thuộc khu vực đang thi công Dự án nâng cấp QL19.

Sáng 28/12, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt tại khu vực sạt lở, phân luồng giao thông để đơn vị thi công hốt dọn đất đá trên mặt đường. Hiện đã khắc phục xong sự cố, phương tiện đã lưu thông bình thường", vị này cho hay.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn xác nhận, mấy ngày qua, trên đèo An Khê đoạn qua địa bàn Huyện thường xuyên xảy ra sạt lở. Hiện đơn vị thi công đang xử lý khắc phục sự cố.

Theo ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc điều hành Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đất đá lăn xuống đường thuộc vị trí đơn vị đang đào để thi công Dự án. Sáng 28/12, đơn vị đã khắc phục xong, phương tiện đã đi lại bình thường.

3 đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng bị triệt phá

Bộ Công an vừa triệt phá 3 đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia, Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Một số bị can trong vụ án

Một số bị can trong vụ án

Ngày 28/12, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố 3 vụ án, khởi tố 19 người về tội buôn lậu.

Trong vụ án tại Long An, An Giang, 13 người bị khởi tố là Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Sang, Cao Văn Chức, Nguyễn Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Nghĩa, Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Khoa, Ôn Thế Hải, Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng và Lê Thị Kim Xuyên.

Vụ án ở Lào Cai có 6 người bị khởi tố gồm Trần Thị Hoàn, Vàng Thị Phượng, Trần Thành Hiếu, Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh, Liềng Thị Thực. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh và Liềng Thị Thực.

C03 xác định, các đường dây này buôn lậu vàng từ Campuchia, Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai. Vàng sau đó được đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước.

Hiện hành vi cụ thể của các bị can chưa được công bố. Cảnh sát đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi của những người liên quan và xác minh, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục