Bản tin thời sự sáng 29/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với 7 thành phố nội thành; Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Home Credit Việt Nam; tháo dỡ công trình trên ốc đảo ở hồ trung tâm Đà Lạt; cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố trong vụ Vạn Thịnh Phát; kiến nghị xây 4 kho xe tang vật ở TP.HCM…

Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với 7 thành phố nội thành

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.

Trong đó, dự kiến TP. Móng Cái hiện nay sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của Tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị), gắn với các hành lang phát triển kinh tế.

Trong đó, tập trung các công trình: cầu Rừng; cầu Lại Xuân; cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong (Quảng Yên) với Lạch Huyện, Hải Phòng; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều; đầu tư mở rộng Quốc lộ 279 kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…

Quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Đông Triều tới Móng Cái và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế,...

Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Home Credit Việt Nam

Ngày 28/3, Công an TP. Thủ Đức chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, địa chỉ tại Tòa nhà số 20 Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Home Credit Việt Nam

Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Home Credit Việt Nam

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Công an TP.HCM và các quận, huyện, TP. Thủ Đức đẩy mạnh rà soát, xử lý sai phạm tại nhiều công ty tài chính, thu hồi nợ trên địa bàn.

Cơ quan chức năng huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia cuộc kiểm tra này. Phía bên ngoài, CSCĐ, CSGT, công an địa phương và lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ túc trực để đảm bảo an ninh trật tự, không cho những người lạ mặt quay phim, chụp ảnh. Bên trong, nhiều cảnh sát mặc sắc phục kiểm tra hành chính.

Đại diện Home Credit xác nhận, Công an TP.HCM làm việc với công ty này từ 10h ngày 28/3. Nội dung kiểm tra liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động tài chính.

Home Credit là tập đoàn tài chính tiêu dùng toàn cầu gia nhập thị trường Việt Nam năm 2008. Doanh nghiệp này là một trong các công ty tài chính số hàng đầu với khoảng 6.000 nhân viên, phục vụ hơn 14 triệu khách hàng trên cả nước.

Home Credit cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng nổi bật với 3 ngành hàng chính gồm: Cho vay trả góp hàng tiêu dùng, cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng.

Tháo dỡ công trình trên ốc đảo ở hồ trung tâm Đà Lạt

Các dãy nhà, cây cảnh, bàn ghế… trên ốc đảo Bích Câu rộng hơn 6.000 m2 nằm ở hồ Xuân Hương được tháo dỡ để trả lại khu "đất vàng" cho TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Ốc đảo Bích Câu nằm giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương

Ốc đảo Bích Câu nằm giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương

Đại diện UBND TP. Đà Lạt cho biết, việc tháo dỡ các công trình trên ốc đảo Bích Câu đã cơ bản hoàn tất. Khu đất sẽ được địa phương quản lý, quy hoạch làm công viên, cây xanh.

Việc tháo dỡ được chủ các công trình bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 3. Những căn nhà phục vụ cà phê, ăn uống, hoa, cây cảnh, tiểu cảnh trưng bày trên đảo được hạ xuống, chuyển đi nơi khác.

Ốc đảo Bích Câu vốn là bãi đất rộng nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh quốc gia Hồ Xuân Hương (được công nhận năm 1988). Đây được xem là khu "đất vàng" của TP. Đà Lạt. Năm 2007, phần đất này được chính quyền giao cho Hội Sinh vật cảnh quản lý khai thác thời hạn 10 năm. Đơn vị này đầu tư xây dựng vườn hoa, cây xanh, tạo công viên kết hợp với trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm sinh vật cảnh...

Tháng 8/2017, Hội Sinh vật cảnh được kéo dài thời gian quản lý ốc đảo (không quá 5 năm) với điều kiện phải lập thủ tục thuê đất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định chủ đầu tư đã kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát, song không làm thủ tục thuê đất (chỉ nộp thuế kinh doanh).

Khi hết thời hạn vào tháng 8/2022, Hội Sinh vật cảnh xin gia hạn hoạt động thêm 3 năm nhằm bù lỗ chi phí đầu tư, song không được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận. Đầu năm nay, địa phương đã có quyết định thu hồi và nhiều lần đốc thúc Hội Sinh vật cảnh hoàn trả mặt bằng.

TP.HCM chấm điểm chất lượng xe buýt

Từ 1/4, xe buýt tại TP.HCM sẽ được chấm điểm với các tiêu chí: tỷ lệ hoàn thành số chuyến; đúng giờ; bị hành khách phản ánh, khiếu nại để thưởng, phạt.

Xe buýt đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất

Xe buýt đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất

Trong các tiêu chí đánh giá xe buýt còn có đảm bảo an toàn giao thông; hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu chất lượng xe; tài xế, xe đủ điều kiện xuất bến.

Với từng tiêu chí, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đưa ra các chỉ số, thang đo cụ thể để đánh giá. Trong đó, mức hoàn thành tốt tương ứng 8 - 10 điểm; hoàn thành khi số điểm đạt 6 - 8 và nếu doanh nghiệp chỉ đạt 2 - 6 điểm bị xem là không hoàn thành.

Việc đánh giá chất lượng được thực hiện hàng tháng qua kiểm tra trực tiếp và các số liệu từ giám sát trực tuyến. Dựa trên kết quả này, cơ quan này sẽ có chính sách thưởng, phạt tương ứng với đơn vị vận tải.

Theo trung tâm này, trong hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp vận tải đã có chế tài nhưng là các vi phạm riêng lẻ, chưa đồng đều. Do đó, nhiều đơn vị chỉ tập trung vào từng hành vi để tránh vi phạm, chưa chú trọng chất lượng chung.

Việc áp dụng tiêu chí đánh giá mới được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện độ hài lòng của người dân khi đi xe buýt. Giải pháp này cũng được cho tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị, khuyến khích họ tập trung hơn về chất lượng, thu hút khách.

TP.HCM hiện có 2.043 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 91 tuyến trợ giá. Ngoài phương thức đặt hàng, Thành phố đang lên kế hoạch đấu thầu 60 tuyến buýt trong năm nay, dự kiến cũng áp dụng tương tự các tiêu chí trên.

Cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố trong vụ Vạn Thịnh Phát

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát.

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 203 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1. Tầng 1 có văn phòng hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB
Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 203 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1. Tầng 1 có văn phòng hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB

Ngày 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03, Bộ Công an) cho biết, bà Nhàn bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài bà Nhàn, C03 còn khởi tố 4 người của đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Theo C03, bà Nhàn và những thành viên đoàn thanh tra đã báo cáo không đúng sự thật kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến việc giám sát, kiểm sát ngân hàng SCB không được kịp thời. "Đây là vi phạm nghiêm trọng", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nói.

Bà Nhàn không làm Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II từ tháng 5/2020 do được điều động giữ cương vị thành viên HĐTV một ngân hàng nhà nước có quy mô lớn.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố 32 người trong hai vụ án liên quan sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Kiến nghị xây 4 kho xe tang vật ở TP.HCM

Lãnh đạo Phòng CSGT TP.HCM đề xuất xây 4 kho giữ xe tang vật, vi phạm để giảm tải cho các cơ sở hiện ở Thành phố.

Xe máy chất thành núi ở kho tang vật của Phòng CSGT TP.HCM ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh

Xe máy chất thành núi ở kho tang vật của Phòng CSGT TP.HCM ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh

Kiến nghị được Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó phòng CSGT TP.HCM (PC08) đưa ra tại buổi làm việc về công tác xử lý xe tang vật, vi phạm bị tạm giữ, sáng 28/3.

Bốn kho dự kiến nằm xung quanh TP.HCM tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan chức năng đi lại. Vị trí các kho này dựa trên nguồn đất, phương án xây dựng của UBND Thành phố đưa ra.

Theo Thượng tá Quới, 7 kho, bãi tạm giữ xe tang vật, vi phạm của đơn vị đã quá tải do lượng xe tồn đọng rất nhiều nhưng điều kiện vật chất không đảm bảo. Ở các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông, mỗi ngày các đội CSGT trên địa bàn Thành phố phải tạm giữ gần 500 xe vi phạm, trong đó đơn vị có khoảng 200 xe.

Hiện, kho tang vật lớn nhất tại xã Lê Minh Xuân rộng 20.000 m2 được xây dựng đúng quy chuẩn, có mái che, hệ thống PCCC, camera giám sát. Tuy nhiên, cơ sở này đến nay hết sức chứa vì đang giữ hơn 17.000 xe. Do đó, diện tích kho vệ tinh phải lớn hơn rất nhiều lần mới đáp ứng nhu cầu của phòng PC08 và công an các quận, huyện.

Nói thêm về việc này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, mức phạt khi xử lý vi phạm hành chính hiện khá cao, đặc biệt là lỗi nồng độ cồn khiến nhiều chủ xe bỏ không đóng phạt. Thống kê từ 1/1/2022 - 8/2/2023, có hơn 13.200 xe bị xử lý, trong đó gần 9.300 xe không có người đến nhận, chiếm 70%. Điều này gây khó cho công tác xử lý, lưu giữ tang vật, cần có biện pháp tháo gỡ.

Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng xử lý chất thải rắn

Ngày 28/3, tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030 với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.

Rác thải xây dựng đổ trộm ở vỉa hè đường Tố Hữu

Rác thải xây dựng đổ trộm ở vỉa hè đường Tố Hữu

Kinh phí dự kiến được phân bổ theo hai giai đoạn. Từ nay đến 2025 là 706,72 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 1.209,21 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế muốn phân loại chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt, trong đó chất thải rắn được thu gom, vận chuyển, xử lý riêng. Tỉnh sẽ trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả các huyện trên địa bàn.

Các khu xử lý chất thải rắn hiện hữu dự kiến được cải tạo, giảm tải, khắc phục tình trạng ô nhiễm và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp đã quá tải. Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền cũng được hoàn thành nâng cấp.

Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy để phục vụ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và vùng phụ cận; xúc tiến đầu tư nhà máy ở khu xử lý Hương Bình (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà).

Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở kinh doanh được thu gom và xử lý.

TP.HCM tổ chức lại giao thông trên 15 tuyến đường

Từ giữa tháng 4, 15 tuyến đường ở Quận 1, 3, 4, 5, 10, Tân Bình, Bình Tân cho ô tô chạy hai chiều từ 22h đến 6h hôm sau, thay vì một chiều như hiện nay.

Xe chạy trên đường Yên Thế, một trong các tuyến cho ôtô chạy hai chiều từ 22h đến 6h hôm sau

Xe chạy trên đường Yên Thế, một trong các tuyến cho ôtô chạy hai chiều từ 22h đến 6h hôm sau

Theo thông báo của Sở Giao thông vận tải, tại Quận 1 có 7 tuyến, gồm: Lương Hữu Khánh (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Bùi Thị Xuân); Mai Thị Lựu (Nguyễn Văn Giai đến Nguyễn Đình Chiểu); Ngô Văn Năm (Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng); Nguyễn Văn Nguyễn (số nhà 23 đến Trần Quang Khải); Nguyễn Văn Thủ (Hoàng Sa đến Đinh Tiên Hoàng); Phan Kế Bính (Nguyễn Văn Thủ đến Điện Biên Phủ) và Thạch Thị Thanh (Nguyễn Hữu Cầu đến Võ Thị Sáu).

Tại Quận 3, 4, 5 và 10, việc điều chỉnh giao thông như trên cũng áp dụng ở các tuyến: Huỳnh Tịnh Của (từ Lý Chính Thắng đến Trần Quốc Toản); Vĩnh Khánh (Hoàng Diệu đến Tôn Đản), An Bình (Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo) và Hòa Hảo (Ngô Gia Tự đến Nguyễn Tri Phương).

Trên địa bàn hai quận Tân Bình và Bình Tân, gồm các tuyến: Yên Thế (giao lộ Phạm Văn Đồng - Hồng Hà đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng); Hồng Hà (giao lộ Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Hồng Hà); Hương lộ 2 (Mã Lò đến Quốc lộ 1) và Hồ Học Lãm (Kinh Dương Vương đến Quốc lộ 1).

Đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can trong vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm

Liên quan đến việc xử lý sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát hình sự và 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can về 7 tội danh khác nhau.

Công an TP.HCM chủ trì phối hợp khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội
Công an TP.HCM chủ trì phối hợp khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội

Theo đó, từ năm 2018 - 2022, các nghi phạm đã cấu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh, thành phố để kiểm định cho gần 40.000 xe cơ giới. Trong số này, nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép. Việc này khiến các phương tiện không đạt điều kiện nhưng vẫn được kiểm định, làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng môi trường và nhiều hệ lụy xã hội khác...

Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là, theo quy định, quá trình đăng kiểm phải thực hiện ở 5 công đoạn với 55 hạng mục kiểm tra. Tuy nhiên, trước đây, xe đi vào chỉ kiểm tra một vài công đoạn rồi bỏ qua để đăng kiểm viên lấy tiền là xong. Hiện phải làm đủ quy trình với 55 hạng mục nên ùn tắc là điều không tránh khỏi.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, ngoài những nội dung trên, công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm cũng buông lỏng đã dẫn đến mất cân đối giữa số lượng trung tâm đăng kiểm và lượng xe cơ giới. Hậu quả là số lượng trung tâm đăng kiểm "mọc ra như nấm". Điều này khiến các cơ sở cạnh tranh nhau, vì lợi nhuận cao nên mới xảy ra tiêu cực…

Khó di dời dân ở chung cư cũ nát vì thiếu quỹ nhà tạm

Chung cư Tôn Thất Thuyết sắp sập, người dân muốn di dời nhưng Quận 4 (TP.HCM) không có đủ quỹ nhà tạm để bố trí.

Chung cư Tôn Thất Thuyết nguy cơ sập hành lang, chính quyền phải làm cây sắt chống

Chung cư Tôn Thất Thuyết nguy cơ sập hành lang, chính quyền phải làm cây sắt chống

Phó Chủ tịch UBND Quận 4 Võ Thanh Dũng cho biết, địa phương này hiện có 32 chung cư cũ, trong đó 5 chung cư cấp D, nguy cơ sụp đổ rất cao. Giai đoạn 2015 - 2020, Thành phố có nghị quyết yêu cầu khẩn trương di dời 5 chung cư này, nhưng hết năm 2020 Quận chưa thể hoàn thành.

Một trong những lý do di dời gặp khó là Quận thiếu quỹ nhà tạm cư, không thể bố trí chỗ ở mới cho người dân. Cụ thể như chung cư Tôn Thất Thuyết mới đây bị sập hành lang, Quận phải sửa chữa, gia cố lại. 52 hộ tại lô C sẵn sàng di dời nhưng Quận không có đủ quỹ nhà để bố trí. Vì vậy chính quyền chưa thể tổ chức họp dân để trao đổi phương án di dời dù đã lên kế hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 4, theo Nghị định 69, trường hợp phải di dời khẩn cấp mà Nhà nước không có quỹ nhà để bố trí, người dân sẽ được tạm ứng tiền di dời sang nơi ở mới. Sau đó, chủ đầu tư trúng thầu cải tạo chung cư sẽ hoàn lại số tiền này cho ngân sách. Tuy nhiên, hiện một số chung cư ở Quận 4 không tìm được chủ đầu tư nên chưa xác định được thời gian hoàn thành. Nếu Thành phố cấp ngân sách dễ nguy cơ nợ kéo dài, rất khó thanh quyết toán.

Hiện, Quận 4 còn 202 căn hộ ở chung cư tái định cư Tân Mỹ (Quận 7) đã hoàn chỉnh sửa chữa thiết bị bên trong, sơn phết tường, nhưng hành lang, lối đi, thang máy xuống cấp do thiếu kinh phí.