Bản tin thời sự sáng 29/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu; đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC; chỉ một dự án chung cư được duyệt đầu tư tại TP.HCM trong quý I; Nghệ An sẽ có nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 450 triệu USD…

Bộ Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu.

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán xăng dầu tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán xăng dầu tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu.

"Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp", Bộ Công Thương đánh giá.

Theo đó, cơ quan quản lý cho rằng, nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, dự thảo mới sẽ tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế...

Từ đó, doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định. Sau khi công bố, doanh nghiệp thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Theo Bộ Công Thương, giá bán xăng dầu tối đa bằng giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ giá ngoại tệ cộng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, cộng tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, các loại thuế kể trên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.

Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

Lý giải đề xuất trên, Bộ Công Thương cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Đây là nội dung quan trọng được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Cụ thể, tại cuộc họp, lãnh đạo NHNN đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Theo kiến nghị của nhà điều hành chính sách tiền tệ, cùng với việc bỏ độc quyền vàng miếng, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cho rằng, hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một bộ ngành khác để thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.

Tại phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đánh giá, thời gian qua thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chấm dứt.

Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây.

Trong khi đó, thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng đã có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Đồng tình với nhận định này, các thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24/2012 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, cần phải có đột phá chính sách trong đó có quản lý thị trường vàng để phát triển vững chắc.

Chỉ một dự án chung cư được duyệt đầu tư tại TP.HCM trong quý I

Trong quý I, chỉ một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư tại TP.HCM, theo thông tin từ Sở Xây dựng.

Bất động sản khu Tây TP.HCM, đoạn qua huyện Bình Chánh

Bất động sản khu Tây TP.HCM, đoạn qua huyện Bình Chánh

Thông tin tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 28/3, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, dự án được duyệt là trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Văn Cừ (Phường 3, Quận 5).

2 năm qua, nguồn cung dự án chung cư mới tại TP.HCM rất ít ỏi, chỉ 2 dự án được chấp thuận đầu tư vào 2022 - 2023. Vì thế, việc có duy nhất dự án được cấp phép đầu tư trong 3 tháng đầu năm nay, cho thấy nguồn cung nhà ở mới tại đây tiếp tục khan hiếm.

Chưa có số liệu chính thức từ Sở Tài nguyên và môi trường, nhưng theo dõi từ Sở Xây dựng cho biết không có dự án nhà ở mới nào được giao đất.

Không có dự án xây dựng mới, Thành phố cũng không có dự án mở bán đầu năm nay. Ông Dũng cho biết, thực tế Sở Xây dựng nhận được 2 hồ sơ đề nghị thông báo đủ điều kiện huy động vốn trong 2 tháng đầu năm, nhưng không đạt yêu cầu.

"Dự án mới muốn mở bán là có, nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định. Thực tế, vẫn có sản phẩm nhà ở được chủ đầu tư đưa ra thị trường, song đây là những dự án đã được Sở thông báo đủ điều kiện bán trước đây", ông nói.

Đại diện Sở Xây dựng đánh giá, yếu tố pháp lý dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung bất động sản. Thời gian qua, Sở ghi nhận tình trạng nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng vướng mắc về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, hoặc thiếu pháp lý về nguồn gốc đất. Do đó, số này không thuộc trường hợp đủ điều kiện huy động vốn.

Liên quan tới giải quyết khiếu nại, tính tới cuối 2023, Thành phố đã giải quyết được 52 kiến nghị vướng mắc thuộc các dự án nhà ở, đạt 27,5% kế hoạch.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh doanh bất động sản ở TP.HCM có những dấu hiệu phục hồi, với doanh thu hai tháng đầu 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng.

Nghệ An sẽ có nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 450 triệu USD

Giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời dự kiến sử dụng 30 ha đất, có tổng mức đầu tư 450 triệu USD, hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.

Nghệ An sẽ có nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 450 triệu USD. Ảnh minh họa

Nghệ An sẽ có nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 450 triệu USD. Ảnh minh họa

Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai 2) và Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda (Trung Quốc) vừa ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 2, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Theo ông Châu Tiểu Huy, Phó tổng Giám đốc Hainan Drinda, hiện doanh nghiệp này có 3 nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại các tỉnh Giang Tây, An Huy, Giang Tô (Trung Quốc). Trong chiến lược phát triển, Công ty lựa chọn thị trường Đông Nam Á là trọng điểm.

Dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tế bào quang điện (solar cell base) 14GW có quy mô sử dụng đất 50ha, phân 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 dự kiến sử dụng 30 ha, có tổng mức đầu tư 450 triệu USD, nhu cầu sử dụng điện 70 MVA. Dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào quý IV/2024. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Khách du lịch bình chọn Hà Nội là điểm đến ẩm thực tuyệt nhất thế giới

Hà Nội đứng đầu danh sách Điểm đến ẩm thực tốt nhất 2024 do độc giả của nền tảng du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor bình chọn.

Quán phở gà nổi tiếng trên phố Nam Ngư (Cửa Nam, Hoàn Kiếm)

Quán phở gà nổi tiếng trên phố Nam Ngư (Cửa Nam, Hoàn Kiếm)

Tripadvisor vừa công bố danh sách giải thưởng Best of the Best Travellers' Choice Award do người dùng từ khắp nơi trên thế giới bình chọn. Trong hạng mục điểm đến ẩm thực tốt nhất, Hà Nội xuất sắc vượt qua nhiều thành phố khác trên thế giới để giành vị trí số 1.

Sở hữu rất nhiều điểm tham quan thú vị, Hà Nội được biết đến với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng. Đối với hầu hết du khách, chuyến đi không thể trọn vẹn nếu không thử một số món ăn nổi tiếng như phở, bún chả hay bánh mì. Ngoài ra, khách nước ngoài cũng khá hào hứng để thử những món ăn lạ miệng chỉ có tại Việt Nam như bún đậu mắm tôm, cà phê trứng.

Đây không phải lần đầu tiên ẩm thực của Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung nhận được sự chú ý của du khách quốc tế. Đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain từng đến Hà Nội nhiều lần để quay các tập của chương trình đình đám A Cook's Tour và thử một số món ăn như bún ốc, bún sườn, bánh cuốn, bia tươi...

Trong danh sách top 10 điểm đến có ẩm thực tốt nhất do Tripadvisor công bố còn có Rome (Ý), Crete (Hy Lạp), Cusco (Peru), Florence (Ý), New Delhi (Ấn Độ), Barcelona (Tây Ban Nha), New Orleans (Mỹ), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Phuket (Thái Lan).

Cấm xuất cảnh đối với Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ

Cơ quan chức năng đã cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ.

Trường Quốc tế Mỹ, nơi xảy ra vụ việc khiến Chủ tịch Hội đồng trường bị cấm xuất cảnh

Trường Quốc tế Mỹ, nơi xảy ra vụ việc khiến Chủ tịch Hội đồng trường bị cấm xuất cảnh

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ (gọi tắt là Trường Quốc tế Mỹ).

Trong báo cáo, UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai biện pháp đình chỉ tuyển sinh trong năm 2024 - 2025 đối với Trường Quốc tế Mỹ đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục. UBND TP.HCM chỉ đạo đình chỉ hoạt động nếu trường không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự hiện nay.

Công an TP.HCM cũng được yêu cầu phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình dư luận xã hội để có những phương án xử lý phù hợp; quản lý chặt chẽ tình hình tại trường này.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, TP. Thủ Đức hỗ trợ ngành GD-ĐT ổn định dư luận, quản lý chặt chẽ hoạt động của Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS vì hoạt động của Công ty ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chất lượng giáo dục của Trường Quốc tế Mỹ; phối hợp theo dõi tình hình hoạt động của Trường và đẩy nhanh tiến độ làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em, nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đầu tư và tổ chức hoạt động giáo dục của Trường.

Cũng theo UBND TP.HCM, Trường Quốc tế Mỹ được thành lập trên cơ sở đề nghị của Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, do bà Nguyễn Thị út Em - Chủ tịch HĐQT đứng tên đại diện đã ký kết nhiều loại hợp đồng dưới hình thức vay vốn (từ vài tỷ đến chục tỷ) với một số phụ huynh có con em đang học tại trường với điều khoản.

Cụ thể, vay vốn, không tính lãi suất của khoản tiền vay trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo. Khi học sinh chấm dứt chương trình đào tạo, trường sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.

Tuy nhiên, do trường không thực hiện cam kết, ngày 21/9/2023, nhiều phụ huynh đã tập trung tại cổng trường căng băng rôn đòi nợ.

Quảng Ngãi công khai danh sách 47 doanh nghiệp nợ thuế hơn 482 tỷ đồng

Cục thuế Quảng Ngãi cũng đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với một số cá nhân là lãnh đạo hoặc đại diện của pháp luật của doanh nghiệp vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Cục thuế Quảng Ngãi công khai danh sách 47 doanh nghiệp nợ thuế hơn 482 tỷ đồng

Cục thuế Quảng Ngãi công khai danh sách 47 doanh nghiệp nợ thuế hơn 482 tỷ đồng

Ngày 28/3, Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết vừa có Công văn số 1031/TB-CTQNG thông báo công khai danh sách 47 người nộp thuế nợ tiền thuế các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với số tiền hơn 482 tỷ đồng.

Dẫn đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế vừa bị công khai là Công ty CP Tân Mai miền Trung trụ sở tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nợ thuế hơn 220 tỷ đồng; Tổ hợp Technip ở thành phố Quảng Ngãi nợ hơn 160 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Đầu tư 577 tại Quảng Ngãi nợ thuế 17,3 tỷ đồng…

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, doanh nghiệp bị công khai tên thuộc nhóm có vi phạm, chây ỳ không nộp tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đúng thời hạn.

Cùng với công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, Cục Thuế Quảng Ngãi cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với một số cá nhân là lãnh đạo hoặc đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Khởi tố ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định khởi tố ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Thạnh liên quan việc điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, để trục lợi".

Khu vực rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Khu vực rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Tối 28/3, Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định cho biết, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh liên quan việc điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, để trục lợi".

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã tự viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông gồm: chị ruột, 3 cháu ruột và con trai (có 4 trường hợp sau đó thực hiện chuyển nhượng, kết quả cuối cùng hơn 138 ha đất rừng phòng hộ về tay hộ ông Kim và 2 con trai). Hiện, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thu hồi hơn 138 ha rừng phòng hộ của gia đình ông Nguyễn Đình Kim.

Tin cùng chuyên mục