Tranh Lê Phổ bán đấu giá hơn 2 triệu USD
Bức "Dáng hình trong vườn" của Lê Phổ đạt 2,28 triệu USD, cao thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt.
"Dáng hình trong vườn" gồm ba bức sơn dầu trên vải ghép lại, tổng kích thước 175 x 209,5 cm. Ảnh: Sotheby's |
Dáng hình trong vườn (Figures in a garden) thuộc phiên đấu giá Modern Evening Auction tại Sotheby's. Ban đầu tác phẩm được ước tính đạt 2 - 3 triệu HKD (254.867 - 382.301 USD), dừng ở mức 17.920.000 HKD (2.283.611 USD, khoảng 52,4 tỷ đồng) sau nhiều lần nâng giá.
Theo Sotheby's, với kích thước lớn - 175 x 209,5 cm - và được vẽ bằng một bảng màu rực rỡ, vui tươi, tác phẩm khắc họa sáu nhân vật có kích thước như người thật đang hòa mình dưới những tán cây, hoa trong khu vườn ngập nắng vàng.
Tranh được chủ nhân mua lại từ Phòng trưng bày Wally Findlay ở Palm Beach, Mỹ năm 1973, nằm trong bộ sưu tập tư nhân trước khi đưa ra đấu giá. Tác phẩm có chữ ký bằng tiếng Anh và tiếng Trung của Lê Phổ ở bên dưới góc phải.
Bên trái là một phụ nữ mặc áo dài màu cam ngồi trên ghế dài xanh lam, đang dõi theo con trai mặc áo xanh ngồi tưới cây ở giữa. Góc phải là người mẹ bế con đi dạo trong vườn, có một đứa trẻ theo sau. Luống hoa păng-xê tím, cúc họa mi rực rỡ làm nền cho bố cục ở tiền cảnh. Toàn bộ tranh được phủ một lớp phông nền màu vàng rực, không có đường chân trời phía xa, tạo cảm giác các nhân vật đang hòa mình trong vườn cây hoa vô tận. Họa sĩ khéo léo tạo chiều sâu cho tác phẩm bằng hình ảnh thiếu nữ với mái tóc dài màu đen đang chìm đắm trong không gian mơ mộng. Cô xuất hiện như lơ lửng giữa không trung, mang đến chất lượng siêu thực cho tác phẩm.
Theo website của Sotheby's, Dáng hình trong vườn ra đời thời kỳ Findlay - thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của Lê Phổ, được gọi theo tên của Wally Findlay, phòng trưng bày đại diện cho Lê Phổ và Vũ Cao Đàm từ năm 1963 trở đi. Các tác phẩm thời kỳ này của danh họa nổi bật với tông màu sống động, chất liệu sơn dầu trên vải khổ lớn thu hút các nhà sưu tập Mỹ.
Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường sẽ hầu tòa ngày 12/5
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 đồng phạm sẽ bị xét xử trong giai đoạn 2 vụ án buôn lậu thuốc giả liên quan VN Pharma.
Cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường |
Quyết định đưa vụ án ra xét xử vừa được TAND Hà Nội công bố. Phiên toà dự kiến diễn từ 12 - 17/5.
Cựu Thứ trưởng Cường cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP.HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty H&C) cùng 7 người bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
VKSND Hà Nội xác định, năm 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt Nam quốc tịch Canada) bàn với Hùng việc lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để hai công ty đứng tên xin cấp số đăng ký.
Thực tế, hồ sơ thuốc đều là giả nhưng một số cán bộ Cục Quản lý Dược vì "thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân" đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Vì thế, 7 loại thuốc: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.
Từ đây, Hùng cùng Khang, Võ Mạnh Cường cùng Công ty VN Pharma, Công ty H&C và một số người khác buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn vào Việt Nam. Giá được nâng khống; các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, chứng từ được làm giả.
Tổng lượng thuốc nhập hơn 800.000 hộp, tổng trị giá hơn 1,2 triệu USD, tương đương 26 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Số thuốc giả này đã được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng, cơ quan tố tụng cáo buộc.
Củ sâm Ngọc Linh 180 gram có giá đấu hơn 100 triệu đồng
Tại hội chợ sâm Ngọc Linh (Kon Tum) mới đây, một củ sâm nặng 180 gram (củ sâm dài nhất Việt Nam năm 2021) đã được bán đấu giá 115 triệu đồng.
Củ sâm Ngọc Linh nặng 1,8 gram được mang đấu giá tại hội chợ sâm |
Củ sâm Ngọc Linh trên do Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đấu giá với mức khởi điểm là 100 triệu đồng. Kết phiên, khách hàng ở TP.HCM chốt với giá 115 triệu đồng cho củ sâm Ngọc Linh gần 1,8 lạng này.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông cho biết, đây là củ sâm có tuổi đời khoảng 57 năm. Củ này được Công ty mua của một người đồng bào Xơ Đăng tại xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) cách đây 6 năm.
Thông thường, củ sâm có trọng lượng trên 100 gram (1 lạng) là rất hiếm. Củ này nặng 180 gram (1,8 lạng) đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là củ sâm dài nhất Việt Nam (xác lập kỷ lục năm 2021).
Trước đó, năm 2020, bà Đặng Thị Kim Thảo ở huyện Đăk Tô (Kon Tum), người chuyên tìm sâm quý cũng đã bán được củ sâm Ngọc Linh dài 80 cm, 70 đốt, nặng 0,5 kg với giá nửa tỷ đồng cho một doanh nhân ở TP.HCM.
Theo lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông, đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum tổ chức hội chợ sâm Ngọc Linh sau 20 năm phát hiện, tìm hiểu và nhân rộng. Phiên chợ cũng vượt xa kỳ vọng của ban tổ chức khi doanh thu lên tới 30 tỷ đồng, trong đó đa phần từ bán củ sâm Ngọc Linh.
Metro Số 1 trả mặt bằng đường trung tâm TP.HCM
Một phần đường Lê Lợi, Quận 1, phục vụ thi công Metro Số 1 được tái lập, trả mặt bằng sau 6 năm rào chắn giúp đường xá thông thoáng, kinh doanh thuận lợi.
Rào chắn đường Lê Lợi đoạn qua giao lộ đường Pasteur được tháo dỡ |
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) vừa bàn giao phần mặt bằng dài khoảng 50 m đường Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Pasteur đến trước giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hiện, khu vực này đã hoàn thành tái lập, đường trải nhựa, chuẩn bị tháo dỡ toàn bộ rào chắn trước 30/4, để xe thuận tiện di chuyển.
Ngoài đoạn đường trên, MAUR lên kế hoạch giao mặt bằng và di dời hàng rào tại khu vực ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào ngày 20/5. Kế đến, các rào chắn trên đoạn từ ngã tư trên đến trước giao lộ Lê Lợi - Phan Bội Châu dự kiến được tháo dỡ ngày 10/6. Đoạn cuối cùng từ nút giao Lê Lợi - Phan Bội Châu đến chợ Bến Thành dự kiến di dời "lô cốt", trả mặt bằng trước 1/9.
Nhiều năm nay, tuyến được rào chắn để thi công gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố) của Metro Số 1. Đây là một trong 4 gói thầu chính của metro, khởi công năm 2016, hiện đạt hơn 95% khối lượng.
Theo oong Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban MAUR, việc hoàn thành tái lập mặt bằng và dỡ một phần rào chắn trên đường Lê Lợi trước lễ 30/4 giúp giao thông đỡ ùn tắc, hỗ trợ các hộ kinh doanh dọc tuyến. Trước đó, tháng 4 năm ngoái, hàng rào tôn dài gần 150 m hai bên đường Lê Lợi, đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur được tháo dỡ, trả lại mặt bằng.
Metro Số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM, tổng đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đạt hơn 90% khối lượng. Toàn tuyến dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Công trình dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.
Sửa lỗi sai biên dịch tiếng Anh trên đăng ký ô tô
Trong Thông tư 15 có hiệu lực từ 21/5, Bộ Công an sửa phần tiếng Anh của mục "số chỗ ngồi" trên đăng ký ôtô thành “number of seats”.
Mẫu đăng ký xe hiện tại |
Theo Chỉ huy Phòng Hướng dẫn, Đăng ký và Kiểm định phương tiện (Cục CSGT), hệ thống đăng ký xe trên cả nước đang được chỉnh sửa theo Thông tư 15/2022 và sẵn sàng hoạt động theo mẫu mới từ ngày 21/5 - khi thông tư này có hiệu lực.
Trước đó, theo Thông tư 58, phần tiếng Anh của mục "số chỗ ngồi" trên đăng ký ôtô được dùng là “sit”. Nội dung này được in trên toàn bộ đăng ký xe của cả nước.
Theo một giảng viên môn tiếng Anh của Đại học Ngoại thương Hà Nội, trong trường hợp này, từ “sit” được dùng chưa phù hợp. “Sit” vốn là động từ để diễn tả hành động ngồi. Danh từ được sử dụng chính xác để diễn tả chỗ ngồi là “seat”.
Còn Tiến sĩ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho biết, hiện không có quốc gia và tổ chức nào quy định số chỗ ngồi bằng từ "sit". “Đây là lỗi sai cơ bản", ông Bình khẳng định.
Chỉ huy Phòng Hướng dẫn, Đăng ký và Kiểm định phương tiện (Cục CSGT) cho hay, trong trường hợp chỉnh sửa, những đăng ký xe đã được cấp trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu sân bay Biên Hòa, Thành Sơn thành lưỡng dụng
Thủ tướng vừa thành lập tổ nghiên cứu để xem xét chuyển sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) và Thành Sơn (Ninh Thuận) thành mục đích lưỡng dụng - phục vụ cho cả dân sự.
Sân bay Biên Hòa hiện là nơi huấn luyện của Quân chủng Phòng không- Không quân |
Tổ công tác do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm tổ trưởng, thành phần là lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Kế hoạch Đầu tư và Chủ tịch UBND Ninh Thuận, Đồng Nai. Việc nghiên cứu, đề xuất lên Thủ tướng hoàn thành trước tháng 9 năm nay.
Sân bay Biên Hòa và Thành Sơn được xây dựng trước năm 1975. Nhiều năm qua, hai sân bay được phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời. Đến nay hai tỉnh chưa có sân bay dân sự. Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc địa phận Đồng Nai dự kiến hoạt động năm 2025.
Trước đó, một số đề xuất cần quy hoạch sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải mới đây không đưa hai sân bay này vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong chuyến công tác của Thủ tướng tại Ninh Thuận vào giữa tháng 4, chính quyền Tỉnh đã kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn mục đích lưỡng dụng tạo động lực cho địa phương phát triển.