Bản tin thời sự sáng 29/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19; đường bay quốc tế dự kiến mở vào cuối năm; đề xuất dùng căn cước gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế; đề nghị thí điểm đón du khách Nga đã tiêm vaccine Covid-19 đến Phú Quốc; TP.HCM tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 sau 0 giờ ngày 29/6…

Việt Nam tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19

Nhóm nghiên cứu Viện Hóa học đã tìm ra phương pháp rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir, dùng để kháng SARS-CoV-2.

Thuốc Favipiravir được sử dụng bằng đường uống, có tác dụng điều trị Covid-19 ở pha 3

Thuốc Favipiravir được sử dụng bằng đường uống, có tác dụng điều trị Covid-19 ở pha 3

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir, sử dụng ở đường uống. Remdesivir lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó được chấp thuận sử dụng ở Nhật, Nga và một số nước khác.

Các công bố nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc tổng hợp loại thuốc này cần qua 7 - 8 bước phản ứng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bước đầu cải tiến phương pháp bằng cách rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc, chỉ qua ba bước phản ứng đơn giản và hiệu quả, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm thấp hơn, phù hợp điều kiện sản xuất ở Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8/2020 nhằm hạn chế sự phụ thuộc nguồn thuốc nhập khẩu. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện, ổn định quy trình, nâng quy mô của quy trình tổng hợp và dự kiến đăng ký bằng sáng chế.

Favipiravir trên thế giới hiện được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19 đến pha 3, hiệu quả tới 97%.

Đường bay quốc tế dự kiến mở vào cuối năm

Cục Hàng không Việt Nam dự báo đường bay thường lệ giữa Việt Nam và các nước Đông Bắc Á, châu Âu sẽ hồi phục vào cuối năm.

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này đánh giá nửa cuối năm 2021 người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 tăng mạnh tại Việt Nam và thế giới (đặc biệt tại các thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu) sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng. Đây là cơ sở từng bước mở lại các đường bay quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV.

Hồi tháng 3, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở đường bay quốc tế đến Việt Nam theo từng giai đoạn. Theo đó, từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và thế giới, Cục sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh, nếu áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine".

Các đường bay trong giai đoạn này được triển khai giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận loại vaccine mà Việt Nam đã công bố; tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến mỗi tuần cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Hiện, hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và Việt Nam khai thác các chuyến bay từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu để chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi và đến Việt Nam, được cấp phép của Cục Hàng không. Ngoài ra, một số chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước vẫn được tiếp tục. Các chuyến bay quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi các nước vẫn chưa được thực hiện.

Đề xuất dùng căn cước gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết sẽ đề xuất các ngành chức năng cho phép dùng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh.

Thông tin trên thẻ căn cước gắn chip được trích xuất qua đầu đọc chuyên dụng

Thông tin trên thẻ căn cước gắn chip được trích xuất qua đầu đọc chuyên dụng

Đề xuất dựa trên cơ sở ngày 1/7 tới hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức vận hành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan đầu tiên ngoài ngành công an được kết nối, xác thực dữ liệu với hệ thống này, và đã rà soát, đối chiếu 8,1 triệu thông tin cá nhân từ hệ thống dữ liệu dân cư.

Lộ trình chi tiết chưa được công bố, song theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR Code trên căn cước công dân, sau đó gửi yêu cầu đến cơ quan bảo hiểm xã hội để đối chiếu, xác nhận thông tin. Khám chữa bệnh theo hình thức này giống như dùng thẻ bảo hiểm y tế giấy hoặc thẻ điện tử trên ứng dụng VssID.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Dữ liệu dân cư và dữ liệu bảo hiểm xã hội là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan trực tiếp người dân được Chính phủ ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.

Hồi tháng 3 khi triển khai mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết sẽ đề xuất tích hợp thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân gắn chip khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đây là quy định chưa có trong luật nên cần lộ trình và phải chờ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Đề nghị thí điểm đón du khách Nga đã tiêm vaccine Covid-19 đến Phú Quốc

Tỉnh Kiên Giang đề nghị được thí điểm đón du khách Nga đã tiêm vaccine Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng.

Một góc phường An Thới tại TP.Phú Quốc

Một góc phường An Thới tại TP.Phú Quốc

Phó chủ tịch UBND Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, Tỉnh đã đề nghị ban hành quy chế áp dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 cho du khách quốc tế đến TP. Phú Quốc, trong đó ưu tiên thí điểm đón du khách Nga. Du khách Nga là nhóm khách thường xuyên đến Phú Quốc vào thời điểm dự kiến mở cửa, đồng thời cũng là những người có mức chi tiêu cao. Họ sẽ đến Phú Quốc theo mô hình "Du lịch cách ly khép kín" thông qua các chuyến bay charter, nghỉ tại một điểm trên đảo, hạn chế di chuyển. Sau đó, địa phương sẽ kiểm tra, đánh giá và cho phép mở rộng đón khách từ các nước khác đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19.

Địa phương sẽ rà soát, lựa chọn các cơ sở du lịch đảm bảo điều kiện, xây dựng quy trình tiếp nhận, phục vụ du khách quốc tế khép kín, trình cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá công nhận.

Đồng thời, tỉnh Kiên Giang kiến nghị được tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân Phú Quốc. Trong đó, dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2021 là 220.000 liều. Thời gian triển khai kế hoạch dự kiến trong 16 - 18 tuần ngay khi có vaccine.

Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, rộng 575 km2, gần 180.000 dân. Du lịch Phú Quốc phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kiên Giang, chiếm tỷ lệ 80% thu ngân sách của tỉnh. Hiện Phú Quốc đã thu hút gần 300 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng.

TP.HCM tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 sau 0 giờ ngày 29/6

Sau khi hết thời hạn thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 ngày 29/6, TP.HCM vẫn áp dụng tiếp Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM.

TP.HCM vắng vẻ hơn sau khi áp dụng Chỉ thị 10

TP.HCM vắng vẻ hơn sau khi áp dụng Chỉ thị 10

Đề cập đến phương án giãn cách, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Sau ngày 29/6, Thành phố vẫn áp dụng phương án này. Tuy nhiên, từng khu vực quận, huyện sẽ được phân cấp nguy cơ để có biện pháp riêng.

Cụ thể, TP.HCM sẽ phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ. Các quận, huyện sẽ được phân thành 3 nhóm: Nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý Bộ Y tế chia 4 cấp độ nguy cơ nhưng Thành phố cảnh giác nên gộp “nguy cơ thấp” vào “có nguy cơ” thành một nhóm. Từ sự phân nhóm này, các địa phương sẽ phải đánh giá, có biện pháp chống dịch phù hợp.

Trước đó, ngày 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Văn bản có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng cho đến khi có thông báo mới.

Theo chỉ thị này, TP.HCM dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động chợ tự phát. Người dân giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m, không tập trung quá 3 người tại nơi công cộng, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng.

Một nội dung mới và quan trọng của Chỉ thị 10 là Thành phố sẽ thực hiện cách ly, phong tỏa với khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Kiến nghị lùi một năm xử phạt xe chưa lắp camera

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm phạt xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera đến hết tháng 6/2022, thay vì từ ngày 1/7 tới.

Xe khách tại bến xe Mỹ Đình

Xe khách tại bến xe Mỹ Đình

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, đề xuất trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải chưa có tiền đầu tư thiết bị do ảnh hưởng Covid-19.

Theo Nghị định 10/2020, từ 1/7 tới, xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, đầu kéo phải lắp camera giám sát để truyền hình ảnh trong quá trình xe tham gia giao thông. Bộ Giao thông vận tải cho biết, cả nước có gần 200.000 xe trong diện phải lắp đặt thiết bị, nhưng hiện mới có gần 15.500 xe lắp, đạt 7,8%.

Các doanh nghiệp chưa đầu tư thiết bị camera do hơn một năm qua, Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hướng lớn đến sản xuất kinh doanh. Xe bị dừng hoạt động hoặc được phép nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa. Sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 20 - 30% so với trước dịch, vận tải hàng hóa ước đạt 70 - 80%.

Hiện khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện. Trong khi đó, xe hoạt động cầm chừng khiến các doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép lùi thời gian quy định lắp camera trên xe đến 1/7/2022 và lùi thời gian xử phạt để hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ước tính các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt thiết bị này.

Hơn 1.000 người dập đám cháy rừng keo tại Thừa Thiên Huế

Đám cháy rừng kèm nhiều tiếng nổ xảy ra gần khu vực Trạm kiểm định đạn dược T264 -K890 của Bộ Quốc phòng ở thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Rừng thông ở phường Phú Bài bốc cháy

Rừng thông ở phường Phú Bài bốc cháy

Khoảng 11h ngày 28/6, khu vực rừng keo sản xuất ở Tiểu khu 151 ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy bốc cháy kèm theo nhiều tiếng nổ của bom đạn sót lại từ chiến tranh.

Gió lớn làm ngọn lửa lan rộng, lan ra khu đồi thông ở phường Phú Bài và phường Thủy Châu ngay sát Trạm Kiểm định đạn dược T264-K890 của Bộ Quốc phòng. Cả vùng rừng keo tràm từ phường Thủy Phương về đến phường Phú Bài chìm trong những cột khói cao.

Ngoài lực lượng tại chỗ, Thừa Thiên Huế đã huy động hơn chục xe cứu hỏa cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia khống chế lửa. Lực lượng chữa cháy đã được huy động vào khu vực bên trong Trạm Kiểm định. Những người không có nhiệm vụ không được vào trong khu vực này để đảm bảo an toàn.

Nhiều đám cháy xuất hiện khu vực bên ngoài trạm kèm tiếng nổ của bom đạn trong rừng, gây khó khăn cho công tác dập lửa. Lực lượng chữa cháy đã phát quang cây cối tạo đường băng và phun nước quanh Trạm Kiểm định.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch thị xã Hương Thủy cho biết, đám cháy đã lan rộng ra khu vực rừng phường Phú Bài, Thủy Châu, Thủy Phương. Hơn 1.000 người vẫn bám ở hiện trường để tham gia khống chế ngọn lửa đang bốc quanh đỉnh đồi.