Đồng Nai muốn đấu giá đất khu công nghiệp đầu tiên Việt Nam
Chính quyền Đồng Nai tính toán đấu giá quyền sử dụng gần 300 ha đất trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để làm khu đô thị thương mại dịch vụ.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm bên Sông Cái |
Phương án đấu giá quyền sử dụng 283 ha đất trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vừa được UBND tỉnh Đồng Nai chọn để đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, việc đấu giá quyền sử dụng đất có nhiều ưu điểm như: phù hợp quy định hiện hành, khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao giá trị đối với khu đất có vị trí lợi thế thương mại cao...
Tuy nhiên, địa phương phải bố trí ngân sách rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Do đó, tỉnh này dự kiến thực hiện đấu giá theo hình thức "cuốn chiếu" với từng khu vực. Khu đất rộng 78 ha nằm trong khu công nghiệp sẽ được đấu giá trước.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) rộng 327 ha, được lập năm 1963 - là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai.
Mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có hơn 1.000 m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý. Phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Năm 2009, Chính phủ cho Đồng Nai chuyển đổi khu công nghiệp này thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Hiện nay, tỉnh này Đồng Nai đã ra "tối hậu thư" đến cuối năm nay, các doanh nghiệp phải chuyển đến những khu công nghiệp khác để giao mặt bằng sạch.
Hà Nội không thu bất cứ khoản nào khi học sinh lớp 10 nhập học
Theo thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, sở này yêu cầu tất cả các nhà trường, trung tâm không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh hoặc phụ huynh khi học sinh lớp 10 nhập học.
Học sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2022 |
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, công tác chấm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022 - 2023 đang được khẩn trương triển khai.
Dự kiến, chậm nhất ngày 9/7, Sở sẽ công bố điểm bài thi của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của ngành.
Sở cũng đã có yêu cầu các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để học sinh trúng tuyển nhập học. Trong thời gian tuyển sinh, các đơn vị phải có đầy đủ cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên trực để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh thực hiện thủ tục xác nhận nhập học.
Việc thực hiện thủ tục xác nhận nhập học sẽ từ ngày 10 - 12/7.
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các nhà trường, trung tâm không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh hoặc cha mẹ học sinh khi học sinh lớp 10 nhập học, kể cả việc bán hồ sơ nhập học.
Đề xuất chuyển KCX Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở
Quận 7 muốn chuyển đổi ngành công nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) rộng hơn 300 ha sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại.
Khu chế xuất Tân Thuận nhìn từ trên cao |
Đề xuất được Phó Chủ tịch UBND Quận 7 Lê Văn Thành nêu tại Hội thảo Chiến lược phát triển Quận 7 đến 2030, tầm nhìn 2045. Tân Thuận được lập cách đây hơn 30 năm, là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, mô hình kiểu mẫu, tiền đề ra đời hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM và cả nước.
Khu chế xuất Tân Thuận nằm ở phường Tân Thuận Đông, cửa ngõ Quận 7 gồm 10 phường, với hơn 360.000 dân. Khu có gần 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống. Hiện, 195 ha đất tại đây được dùng để xây nhà máy, kho. Khu chế xuất sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23/9/2041.
Theo ông Thành, công năng sử dụng của Khu chế xuất Tân Thuận không còn phù hợp định hướng phát triển của Quận, đem nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng quy mô diện tích, vị trí và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, quận đề xuất thành phố sớm chuyển đổi nơi đây thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại. Khu vực này sẽ kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) thành một quần thể, tạo điểm nhấn đối xứng hai bên sông Sài Gòn.
Khu chế xuất Tân Thuận cũng là một trong 4 khu đất được Quận 7 đề xuất chuyển đổi nhằm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm y tế - giáo dục, thương mại, dịch vụ kết hợp du lịch của khu Nam TP.HCM. Quận 7 cho rằng, để theo đuổi mô hình này, địa phương cần hình thành một hệ sinh thái các trường học, đại học, cơ sở khám bệnh, bệnh viện, dự kiến rộng trên 500 ha.
8,6 triệu lượt khách tới Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2021
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Phố đi bộ Hà Nội trong một ngày nghỉ lễ |
Theo đó, trong hơn 8,6 triệu lượt khách tới Hà Nội, khách du lịch quốc tế ước đạt 211.300 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Nội cũng công nhận 3 điểm đến gồm di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng; di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; điểm du lịch sinh thái Hoàng Long. Hiện Hà Nội có tổng 24 khu, điểm du lịch đã được công nhận là điểm đến gồm di tích quốc gia đặc biệt.
Sở Du lịch cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để thu hút khách, như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long; chương trình chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam; chuỗi hoạt động tại công viên thiên đường Bảo Sơn; tour xe buýt 2 tầng "Hanoi City Tour" khám phá phố phường Hà Nội; tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội"…
Ngoài ra, Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút đông đảo du khách, như chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2022", lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022, hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022...
Tạm đình chỉ Đại úy công an tại TP.HCM liên quan tin đồn chi 3 triệu làm nhanh CCCD
Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) đã tạm đình chỉ công tác một Đại úy công an để làm rõ đường dây làm nhanh căn cước công dân (CCCD) có giá hơn 3 triệu đồng.
Đại úy Lê Ngọc Minh (cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ đường dây làm CCCD |
Ngày 28/6, Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đại úy Lê Ngọc Minh (cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để làm rõ đường dây làm CCCD có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thông tin ban đầu, cuối tháng 4/2022, một người dân phát hiện tài khoản Facebook có đăng nội dung làm CCCD nhanh trong vài ngày, giá hơn 3 triệu đồng.
Khi người dân liên hệ thì chủ tài khoản Facebook này chỉ đường đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp sẽ có người hướng dẫn làm CCCD.
Khi người dân đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp thì được Đại úy Lê Ngọc Minh làm thủ tục cấp CCCD. Sau khi làm xong, chủ tài khoản Facebook nhắn tin hẹn người dân thời gian nhận CCCD đã làm.