Bản tin thời sự sáng 29/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hợp long cầu Mỹ Thuận 2 vào cuối tháng 10; Chính phủ thống nhất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm; thông xe kỹ thuật cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trước 2/9; tháng 7 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao nhất sau dịch Covid-19…

Hợp long cầu Mỹ Thuận 2 vào cuối tháng 10

Cầu Mỹ Thuận 2 vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng đã hoàn thành 86%, dự kiến hợp long cuối tháng 10/2023, sau khi thi công 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc trên hai trụ chính.

Công trình cầu Mỹ Thuận 2

Công trình cầu Mỹ Thuận 2

Ngày 28/7, ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban Quản lý dự án 7) cho biết, đến nay, tiến độ cầu hoàn thành 86%. Trong đó, 4 gói thầu gồm đường dẫn, cầu dẫn bờ Tiền Giang và cọc khoan nhồi, bệ 4 trụ (T14 - T17), nhịp chính dây văng đã hoàn thành.

Riêng gói thầu thân trụ, kết cấu nhịp chính dây văng, kè bờ sông, điện chiếu sáng đã hoàn thành gần 70%. Hiện mỗi trụ chính T15 và T16 đã căng được 52 trong tổng số 64 bó cáp văng và 13 trong 16 đốt đúc nhịp chính.

"Đến cuối tháng 10, khi căng 12 bó cáp văng và đúc xong 3 đốt dầm mỗi bên của nhịp chính, cầu sẽ được hợp long, sớm hơn 2 tuần so dự kiến ban đầu", ông Hải nói và cho biết, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công tháng 2/2022, bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Công trình có tổng chiều dài 6,61 km, điểm đầu nối Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Giai đoạn đầu, cầu có 4 làn, tốc độ tối đa 100 km/h.

Chính phủ thống nhất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần

Khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần

Ngày 28/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114 Phiên họp tháng 7/2023 về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật BHXH, đánh giá Dự án Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.

Nội dung Dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện chính sách BHXH trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.

Nghị quyết số 114 nêu rõ, vấn đề rút BHXH một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội nên có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Trong đó cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội Dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Thông xe kỹ thuật cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trước 2/9

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, trước ngày 2/9 phải hoàn thành các hạng mục tuyến đường chính và thông xe kỹ thuật Tiểu dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Nhà thầu thi công lớp bê tông nhựa trên cùng mặt đường tại Dự án Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Nhà thầu thi công lớp bê tông nhựa trên cùng mặt đường tại Dự án Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Sáng 28/7, kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua 2 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, trước ngày 2/9 phải hoàn thành các hạng mục tuyến đường chính và thông xe kỹ thuật Tiểu dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Tính đến ngày 28/7, giá trị xây lắp Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là 2.594/3.194 tỷ đồng, đạt 81,2%. Hiện Dự án còn khoảng 1 km tại Gói thầu XL3 phải tăng cường theo dõi xử lý nền đất yếu. Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tình hình triển khai các gói thầu của các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị tư vấn, giám sát, chủ đầu tư, nhà thầu và tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc và tổ chức thi công Dự án bảo đảm theo đúng kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, từng lãnh đạo cao nhất của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải bám sát công trường, quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, hợp lý, thi công “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu thông xe dịp 2/9.

Đối với Dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 lập kế hoạch từng ngày, giám sát, đôn đốc sát sao các nhà thầu thi công, phấn đấu trước 2/9 phải hoàn thành các hạng mục tuyến đường chính, đối với đường gom dân sinh phải hoàn thành trước ngày 30/9.

Tháng 7 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao nhất sau dịch

Tháng 7 trở thành tháng đón khách quốc tế cao nhất của ngành du lịch tính từ khi mở cửa lại vào ngày 15/3/2022 với hơn 1 triệu lượt.

Du khách quốc tế dạo chơi phố cổ Hội An

Du khách quốc tế dạo chơi phố cổ Hội An

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam ước tính đón gần 1,04 triệu lượt khách quốc tế trong tháng này, tăng 6,5% so tháng 6 và gấp 3 lần cùng kỳ 2022. So với trước dịch Covid-19, lượng khách bằng 79% tháng 7/2019.

Đây cũng là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, bằng 83% kế hoạch năm 2023.

Châu Âu là nơi có lượng khách ghé thăm tăng trưởng cao nhất so với các châu lục khác, tăng 27% so với tháng 6. Trong đó, thị trường khách Na Uy tăng cao nhất (250,8%), Bỉ (154%), Đan Mạch (152%). Một số thị trường top đầu của du lịch Việt Nam trong tháng 7 cũng tăng so với tháng trước: Hàn Quốc (6%), Trung Quốc (14%), Mỹ (7%). Tuy nhiên, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có lượng khách đến Việt Nam giảm: Thái Lan (-19%), Malaysia (-24%), Campuchia (-9,8%).

Khách nội địa tháng 7 đạt 12,5 triệu lượt, trong đó 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch năm.

Trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam 7 tháng đầu năm, Đông Bắc Á có 4 thị trường là Hàn Quốc (1,9 triệu lượt), Trung Quốc (740.000), Đài Loan (415.000), Nhật Bản (284.000). Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan (290.000), Malaysia (262.000), Campuchia (225.000). Mỹ xếp thứ ba (gần 740.000), Australia xếp thứ 9 (221.000), thứ 10 là Ấn Độ (213.000).

Tại thị trường châu Âu, top 3 quốc gia có khách ghé Việt Nam đông nhất 7 tháng đầu năm là Anh (gần 148.000), Pháp (gần 121.000) và Đức (gần 112.000).

Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị cảnh cáo

Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Việt bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cảnh cáo vì trách nhiệm người đứng đầu trong sai phạm của chi bộ.

Ông Nguyễn Đình Việt, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên

Ông Nguyễn Đình Việt, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng cảnh cáo Ban Chấp hành Chi bộ Sở Ngoại vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét kỷ luật Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Tùng. Ông Tùng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố hồi tháng 6 với cáo buộc nhận hối lộ khi thực hiện "chuyến bay giải cứu".

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Chấp hành Chi bộ Sở Ngoại vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý giáo dục đảng viên; thiếu kiểm tra, giám sát để đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, pháp luật về phòng chống tham nhũng, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Những vi phạm này "đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật". Cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy xác định trách nhiệm thuộc về Ban Chấp hành Chi bộ Sở Ngoại vụ và hai ông Việt, Tùng.

Quảng Ngãi đề xuất đầu tư xây hồ chứa nước dung tích 140 triệu m3

Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất xây dựng hồ chứa nước với dung tích khoảng 140 triệu m3, đập dâng hạ lưu hồ chứa nước và hệ thống kênh tưới với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Quảng Ngãi hiện có 800 công trình thủy lợi với năng lực tưới thực tế đạt 49.000 ha

Quảng Ngãi hiện có 800 công trình thủy lợi với năng lực tưới thực tế đạt 49.000 ha

Ngày 28/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi có đề xuất gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc xây dựng hồ chứa nước Thượng Sông Vệ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng 11.300 ha vùng hạ lưu sông Vệ thuộc các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa và thị xã Đức Phổ.

Công trình này cũng cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng cát huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ với diện tích nuôi trồng 350 ha. Cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ với lưu lượng 150.000 m3/ngày đêm.

Dự kiến, cụm công trình hồ chứa nước sẽ được xây dựng tại huyện Ba Tơ. Quy mô công trình có hồ chứa với dung tích khoảng 140 triệu m3, đập dâng hạ lưu hồ chứa nước và hệ thống kênh tưới.

Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ thực hiện đầu tư hoàn thành Dự án.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 800 công trình thủy lợi được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tổng năng lực tưới thiết kế của 800 công trình gần 69.000 ha, tuy nhiên năng lực tưới thực tế chỉ đạt gần 49.000 ha.

Phạt Công ty Điện Bình Thủy Lâm Đồng 110 triệu đồng do chiếm đất công khi xây nhà máy thủy điện

Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xử phạt 110 triệu đồng vì có hành vi chiếm đất công trong khi xây nhà máy thủy điện.

Dự án Thuỷ điện Đại Bình bị xử phạt do chiếm đất công

Dự án Thuỷ điện Đại Bình bị xử phạt do chiếm đất công

Ngày 28/7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP điện Bình Thủy Lâm Đồng với số tiền 110 triệu đồng vì chiếm đất công trong quá trình xây Nhà máy Thủy điện Đại Bình.

Quyết định này được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra sau khi Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp trên vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, đã lập biên bản.

Theo đó, khi thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Đại Bình ở TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng đã có hành vi lấn chiếm đất công. Cụ thể, doanh nghiệp trên bị xác định đã chiếm đất chưa sử dụng ở khu vực nông thôn với diện tích hơn 1.260 m2 do UBND xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) quản lý.

Với hành vi này, chính quyền đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này với số tiền 110 triệu đồng. Ngoài ra, buộc Công ty nộp lại 61 triệu đồng từ việc thu lợi bất hợp pháp trong chiếm dụng 94.107 m2 đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng mà giữa các bên đã có sự thỏa thuận đền bù nhưng chưa đúng quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng phải thực hiện thủ tục giao, thuê đất theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục