Bản tin thời sự sáng 30/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sơ tán hàng trăm người dân trong đêm để di dời bom; mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang lên; đường Nha Trang - Đà Lạt sạt lở gần 2.000m3 đất đá, tê liệt hoàn toàn; 1 phóng viên bị côn đồ chém trọng thương; Ninh Thuận, Khánh Hòa cho học sinh nghỉ tránh mưa lũ…

Hà Nội sơ tán hàng trăm người dân trong đêm để di dời bom

Phường Trúc Bạch (TP. Hà Nội) sơ tán hàng trăm người dân sống trong bán kính 200 m tính từ khu vực phát hiện có bom ở phố Cửa Bắc để di dời vật liệu nổ này.

Người dân gần nơi phát hiện bom ở phố Cửa Bắc sơ tán trong đêm

Người dân gần nơi phát hiện bom ở phố Cửa Bắc sơ tán trong đêm

Gần 22h đêm 29/11, đại diện tổ dân phố ở số 15, phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch) dùng loa kéo phát thông báo đề nghị người dân sơ tán để đảm bảo an toàn trong quá trình lực lượng chức năng di chuyển bom.

Nhà chức trách yêu cầu người dân không sử dụng điện thoại, bộ đàm trong phạm vi bán kính 200 m tính từ số nhà trên. Hàng trăm người dân mang theo đồ dùng cá nhân đã lần lượt ra khỏi khu vực phong tỏa.

Đến 23h40, quả bom được đưa lên xe chuyên dụng và chuyển đến nơi xử lý hủy nổ. Các hàng rào phong tỏa ở phố Cửa Bắc được gỡ bỏ, người và phương tiện trên tuyến phố này lưu thông bình thường trở lại.

Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang lên

Phó Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ Chu Ngọc Thắng cho biết, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12, trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 29/11, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đang lên.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ 29/11 đến ngày 1/12, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 140 - 280 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 29/11 đến ngày 30/11, ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80 - 120 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Theo ông Chu Ngọc Thắng cho biết, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12, trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1; các sông ở Thừa Thiên - Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3, các sông nhỏ có khả năng lên trên mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Đường Nha Trang - Đà Lạt sạt lở gần 2.000m3 đất đá, tê liệt hoàn toàn

Tối 29/11, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ) cho biết, mưa lớn khiến Quốc lộ 27C, tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông hoàn toàn.

Đường Nha Trang - Đà Lạt sạt lở gần 2.000m3 đất đá, tê liệt hoàn toàn

Đường Nha Trang - Đà Lạt sạt lở gần 2.000m3 đất đá, tê liệt hoàn toàn

Theo thông tin ban đầu, vụ sạt lở nghiêm trọng trên đường Nha Trang - Đà Lạt xảy ra vào lúc 17h cùng ngày tại Km60+590 Quốc lộ 27C (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh).

Theo ông Tạ Thanh Tình cho biết, ước khối lượng sạt lở khoảng gần 2.000m3.

Hiện đơn vị bảo trì tuyến đường đang huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường hốt dọn. Hiện chưa xác định khi nào tuyến đường này sẽ thông tuyến trở lại.

Quốc lộ 27C dài hơn 120 km, nối TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1.700m, dài 33 km, được cho là đèo dài nhất Việt Nam. Tuyến đèo uốn lượn qua nhiều vách núi, khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300m.

Gia Lai: Một phóng viên bị côn đồ chém trọng thương

Ngày 29/11, Công an phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đang tiếp nhận thông tin, điều tra vụ phóng viên H.N bị côn đồ chém trọng thương.

Hiện trường nơi xảy ra vụ phóng viên báo chí bị côn đồ chém, gây thương tích

Hiện trường nơi xảy ra vụ phóng viên báo chí bị côn đồ chém, gây thương tích

Tối 28/11, anh H.N, phóng viên một tờ báo đang thường trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai đi dự tiệc thôi nôi tại nhà hàng trên địa bàn phường Hội Phú. Khoảng 20h, anh H.N ra bãi giữ xe máy, nằm ven đường để lấy xe đi về.

Bất ngờ, hai đối tượng lạ, đi xe máy không có biển số, hiệu Air Blade từ phía sau lao tới dùng dao chém. Anh H.N bị trúng một dao ngay vùng lưng, chảy nhiều máu.

Anh H.N chạy đi và đồng thời kêu cứu, các đối tượng mau chóng tẩu thoát. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường Hội Phú, TP. Pleiku đã tiến hành lấy lời khai của những người có liên quan, trích xuất camera ghi lại quá trình vụ việc.

Theo lời khai anh H.N, trước đó anh có báo tin cho lực lượng Kiểm lâm Gia Lai để đi bắt gỗ lậu. Nguyên nhân vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ.

Ninh Thuận, Khánh Hòa cho học sinh nghỉ tránh mưa lũ

Hơn 140.000 học sinh Ninh Thuận và 286.000 học sinh Khánh Hòa sẽ được nghỉ học ngày 30/11 để tránh rủi ro do mưa lũ đang xảy ra.

Đường 21 Tháng 8 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập cục bộ, chiều 29/11

Đường 21 Tháng 8 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập cục bộ, chiều 29/11

Chiều 29/11, ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cho biết, học sinh của tất cả 304 trường ở các cấp học trong Tỉnh được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Các trường được yêu cầu tổ chức bộ phận trực 24/24, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu do mưa lũ gây ra.

Ninh Thuận có mưa to, lượng mưa phổ biến 90 - 140 mm, riêng tại xã Công Hải mưa trên 217 mm. Do mưa lớn kéo dài, trưa ngày 29/11, tại nhiều nơi trong Tỉnh đã xảy ra ngập lụt cục bộ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Ninh Thuận, trong đêm 29/11 và ngày 30/11, địa bàn Tỉnh tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa phổ biến 50 - 90 mm. Vùng núi các huyện Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc có mưa đến 130 mm và khả năng cao hơn ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hòa. Trên các sông suối sẽ xuất hiện lũ ở mức báo động 2 - 3, xảy ra ngập lụt cục bộ.

Trong khi đó, ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã quyết định cho hơn 286.000 học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ từ ngày 30/11, để tránh mưa lũ. Hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh này bị sạt lở, ngập lụt.

Quảng Nam: Sau một tháng bị cô lập vì bão, xã cuối cùng đã được đóng điện trở lại

Xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam đã được đóng điện trở lại sau một tháng mưa bão sạt lở và chia cắt, cô lập.

Đóng điện cho bà con ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn sau 1 tháng bị cô lập, không có điện

Đóng điện cho bà con ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn sau 1 tháng bị cô lập, không có điện

Ngay sau cơn bão số 9 đi qua, điện đã được khôi phục đến hầu hết các khu vực huyện Hiệp Đức và huyện Phước Sơn.

Đối với 2 xã bị sạt lở nặng và bị cô lập là xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn), cùng với lực lượng bộ đội, công an, y tế… ngành điện đã cử cán bộ tiếp cận các khu vực này khi còn bị cô lập để lập phương án xử lý khắc phục sự cố sau khi tuyến đường ĐH1 được thông.

Đến ngày 10/11, điện được khôi phục một phần xã Phước Kim. Tuy nhiên, do mưa lớn, đất đá sạt lở nên khu vực còn lại của huyện Phước Sơn bị cô lập. Mặt khác, các cơn bão số 10, 11 và 13 liên tục xuất hiện gây mưa lớn làm gián đoạn quá trình khắc phục.

Đến chiều ngày 19/11, phần còn lại của xã Phước Kim và một phần xã Phước Thành đã có điện. Chiều ngày 23/11, xã Phước Thành đã được khôi phục điện trở lại. Đến ngày 28/11, điện đã được khôi phục tại xã cuối cùng bị cô lập là Phước Lộc.

Trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua, đặc biệt là sau bão số 9, hệ thống điện ở huyện Hiệp Đức và Phước Sơn bị thiệt hại nặng nề; hơn 20 trụ trung thế, 80 trụ hạ thế và nhiều thiết bị đã bị mưa bão làm hư hỏng; nhiều tuyến trung hạ thế bị đứt dây.

Riêng khu vực miền núi Tây Phước Sơn, do mưa lũ sạt lở, nhiều vị trí và giao thông bị cô lập hoàn toàn nên việc xử lý để đóng điện lại kéo dài và hết sức khó khăn.

Thanh Hóa: Tu sửa tường đá bị đổ sạt ở Thành nhà Hồ

Đoạn tường thành phía bắc dài khoảng 15 m với những khối đá nặng hàng tấn bị mưa bão và biến động địa chất gây hư hỏng sẽ được sửa chữa, trả về nguyên trạng.

Đoạn tường thành phía bắc bị sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão từ năm 2017

Đoạn tường thành phía bắc bị sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão từ năm 2017

UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng vốn ngân sách.

Dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 2020 - 2022. Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ tập trung tu sửa, phục hồi đoạn tường thành đá bị đổ có chiều dài 15 m; tôn tạo hố trưng bày khảo cổ học ngoài trời về cấu trúc tường thành.

Bức tường đổ sạt là đoạn tường thành phía bắc, mạn đông nằm trên khu đất gốc, vùng lõi của Di sản văn hóa thế thế giới Thành nhà Hồ. Trong phương án phê duyệt, sau khi thu dọn toàn bộ phần đất đá bị sạt trượt, các nhà khoa học sẽ loại bỏ những vật liệu không đúng chủng loại và thay thế bằng loại đất, đá xây thành nguyên mẫu.

Trong thời gian tu sửa, các hoạt động tham quan dành cho du khách vẫn diễn ra bình thường.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.