Bản tin thời sự sáng 30/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM còn 10 trung tâm đăng kiểm hoạt động; GDP năm 2022 tăng cao nhất 12 năm; giá USD thị trường tự do giảm mạnh; thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc Bắc Nam; Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 56.000 tỷ đồng; doanh thu Shopee, Lazada vượt 117.000 tỷ đồng…

TP.HCM còn 10 trung tâm đăng kiểm hoạt động

TP.HCM có 10 trên tổng số 17 trung tâm đăng kiểm hoạt động, công suất kiểm tra đạt hơn 1.800 lượt xe mỗi ngày.

Dòng xe chờ đăng kiểm ở trung tâm tại Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức

Dòng xe chờ đăng kiểm ở trung tâm tại Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hoà An cho biết, nhiều cơ sở đăng kiểm ở TP.HCM bị dừng hoạt động do sai phạm khiến việc kiểm tra xe đến hạn bị ùn tắc. Hiện, TP.HCM có hơn 850.000 ô tô, chiếm 17% tổng số ô tô cả nước, nhu cầu đăng kiểm mỗi ngày rất lớn. Nhiều tài xế không nắm thông tin đưa xe đến các trung tâm bị đóng cửa, mất thời gian.

10 trung tâm đang hoạt động gồm: 50-01S, đường số 7, phường Tân Tạo, Bình Tân; 50-02S, 343/20 Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11; 50-03S, số 79 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh và 50-04V, đường G, phường Thạnh Mỹ Lợi đều thuộc TP Thủ Đức; 50-05V, 1A Hồng Hà, Phường 2, Tân Bình; 50-06V, 118 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, Quận 7; 50-08D, số 218/42 đường TA28, phường Thới An, Quận 12; 50-12D, D3/16G, khu Phố 4 ,thị trấn Tân Túc và 50-13D, Số A5/20H6, Trần Đại Nghĩa, Ấp 1, Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh; 50-14D, số 5A, Quốc lộ 22, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn.

Ông An cho biết, hiện Sở Giao thông vận tải không thể thống kê số ô tô chờ đăng kiểm tại TP.HCM vì người dân có thể thực hiện việc này ở bất kỳ tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, hiện trung bình mỗi tháng, TP.HCM đăng kiểm khoảng 54.000 xe. Trong tháng 12 đã đăng kiểm khoảng 43.000 ô tô, tức không vượt so với trung bình hàng tháng. Việc ùn tắc do nhiều trung tâm bị đình chỉ trong thời gian ngắn khiến xe dồn lại.

Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu 10 trung tâm trên tăng người, làm thêm thời gian, kể cả ngày nghỉ, để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe.

GDP năm 2022 tăng cao nhất 12 năm

Nền kinh tế phục hồi sau Covid-19 giúp GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02%, mức cao nhất giai đoạn 2011 - 2022.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước.

Công bố số liệu sáng 29/12, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn của cùng kỳ năm 2020, 2021 (thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 đạt 8.083 USD một lao động, tăng 622 USD so với năm trước.

Về lạm phát, CPI bình quân quý IV tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, CPI bình quân cả năm tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%).

Cơ quan thống kê thông tin, trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất (56,65%); tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (góp 38,24%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng (5,11%).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%. Ngành khai khoáng tăng 5,19% còn xây dựng tăng 8,17%. Khu vực dịch vụ cũng được khôi phục và tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Giá USD thị trường tự do giảm mạnh

Sáng 29/12, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm hơn 100 đồng so với ngày 28/12, nâng tổng mức giảm hai tháng qua lên 1.500 đồng, khoảng 6,5%.

Sáng 29/12, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm hơn 100 đồng

Sáng 29/12, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm hơn 100 đồng

Sáng 29/12, giá đôla Mỹ tại các điểm thu đổi ngoại tệ tự do giao dịch quanh 23.760 - 23.820 đồng, giảm 110 - 150 đồng so với ngày 28/12.

Như vậy, so với mức đỉnh thiết lập từ đầu tháng 11, mỗi USD chợ đen đã giảm hơn 1.500 đồng, tương đương mức sụt gần 6,5%. Đợt giảm kéo dài suốt hai tháng qua khiến giá USD chợ đen hiện chỉ còn tăng 1-2% so với đầu năm.

Trên thị trường chính thức, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại giao dịch khá ổn định trong tuần cuối năm. Sáng 29/12, mỗi USD tại Vietcombank đi ngang ở mức 23.470 - 23.820 đồng. Tại Sacombank, giá niêm yết là 23.520 - 23.810 đồng, tại Eximbank là 23.510 - 23.790 đồng.

Nhìn chung, giá USD trong ngân hàng cũng liên tục đi xuống sau đợt tăng nóng và hiện tăng khoảng 4% so với đầu năm.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt do đồng USD trở nên suy yếu gần đây, trước động thái Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc tăng lãi suất. Trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá phần nào được giải toả, Ngân hàng Nhà nước từ giữa tháng 12 đã quay lại phát tín hiệu mua USD sau ba tháng ngừng niêm yết giá mua vào.

TP.HCM giao hơn 34 ha đất làm Vành đai 3

Hơn 34 ha đất trong diện tích thu hồi làm Dự án 1A của Vành đai 3, đoạn qua TP.HCM được bàn giao ngày 29/12.

Hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Dự án 1A dài hơn 8 km, nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Đoạn qua thành phố dài khoảng 2 km, nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức với tổng diện tích thu hồi gần 36 ha. Trong đó, 72 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường gần 1.600 tỷ đồng. Hôm nay, hơn 34 ha (chiếm 96%) được giao cho chủ đầu tư, sau 5 tháng triển khai.

Về phía chủ đầu tư, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc Thủ Đức bàn giao gần 96% tổng diện tích Dự án là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ, giúp công trình hoàn thành cuối năm 2025 theo kế hoạch. Việc nhận thêm mặt bằng giúp Chủ đầu tư triển khai tiếp các đoạn đường dẫn của dự án kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cũng như tạo điều kiện thi công đại trà trên công trường.

Dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của tuyến Vành đai 3 TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng.

Thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc Bắc - Nam

Trước khi quyết định có sử dụng làm vật liệu đắp nền tại cao tốc Bắc - Nam, cát biển sẽ được sử dụng thí điểm tại đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc cao tốc Bắc - Nam.

Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua tỉnh Đồng Nai

Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua tỉnh Đồng Nai

Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, nguồn cát biển tại Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Cơ quan chuyên môn đang đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn của cát biển đối với môi trường xung quanh.

Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Tuy nhiên, để chắc chắn loại vật liệu đặc biệt này có thể sử dụng để đắp nền cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 hay không vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.

Trước mắt, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả thí điểm sẽ được bổ sung vào nghiên cứu để xem tính phù hợp của cát biển trong vai trò mới này. Nếu phù hợp, Bộ TN&MT sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi sớm nhất phải cuối năm 2023 mới cho kết quả.

Giai đoạn 2021-2025, Đồng bằng sông Cửu Long có 4 dự án cao tốc, gồm: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh. Nhu cầu cát đắp cho 4 dự án này khoảng 47 triệu m3.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 56.000 tỷ đồng

Đến ngày 15/12, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng.

Đến ngày 15/12, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng

Đến ngày 15/12, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, trong đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thêm một cổ phiếu 'họ FLC' bị kiểm soát

Cổ phiếu GAB của Công ty CP Khai khoáng và quản lý tài sản FLC là cổ phiếu tiếp theo trong "họ FLC" bị kiểm soát từ ngày 5/1/2023.

Cổ phiếu GAB của Công ty khai khoáng và quản lý tài sản FLC bị kiểm soát từ 5/1/2023.

Cổ phiếu GAB của Công ty khai khoáng và quản lý tài sản FLC bị kiểm soát từ 5/1/2023.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định chuyển cổ phiếu GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 5/1/2023.

Do GAB không có giao dịch trong vòng 9 tháng, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành. Ngoài ra, cổ phiếu của doanh nghiệp này đang trong diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, HoSE thông báo cổ phiếu GAB chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 7/10. Cổ phiếu GAB chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Công ty này cũng vừa gửi thông báo về họp đại hội đồng cổ đông lần 3, do 2 lần trước bất thành vì số cổ đông dự họp đại diện không đủ từ 33% tổng số phiếu biểu quyết.

Về GAB, đây là một trong những cổ phiếu nằm trong "họ FLC" cùng với AMD; GAB; ROS; HAI; KLF. Hiện còn cổ phiếu KLF là mã chứng khoán đang bị hạn chế giao dịch; cổ phiếu AMD cũng đã bị đưa vào diện kiểm soát của HoSE.

Doanh thu Shopee, Lazada vượt 117.000 tỷ đồng

Trong khi doanh thu của Shopee, Lazada chiếm tới 94% thị phần, doanh thu của các sàn thương mại điện tử nội như Tiki, Sendo chỉ đạt lần lượt 5% và 1%.

Doanh thu của Shopee, Lazada chiếm tới 94% thị phần

Doanh thu của Shopee, Lazada chiếm tới 94% thị phần

Theo báo cáo của nền tảng số liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, từ đầu năm đến hết tháng 11, doanh thu của 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đạt 135.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trong tháng 9 - 11/2022 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 18,4%.

Trong giai đoạn này, Metric ghi nhận 566.000 gian hàng hoạt động trên các sàn có phát sinh đơn hàng. Tổng số sản phẩm đã giao thành công lên tới 1,3 tỷ đơn vị.

Dù có doanh thu khổng lồ, thị phần của các sàn TMĐT lại có sự chênh lệch tương đối lớn. Cụ thể, Shopee chiếm tới 73% tổng doanh thu 4 sàn trong năm 2022 với khoảng 91.000 tỷ đồng, trong khi "ông lớn" Lazada xếp thứ hai với khoảng 26.500 tỷ đồng, tương đương 21% thị phần doanh thu.

Đáng chú ý, 2 sàn TMĐT của Việt Nam là Tiki và Sendo chỉ chiếm lần lượt 5% và 1% thị phần, tương ứng doanh thu 5.700 tỷ đồng và gần 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mảng sàn giao dịch TMĐT còn xuất hiện đối thủ mới là TikTok Shop. Trên thực tế, TikTok vốn là ứng dụng quay video ngắn và mới ra mắt tính năng mua sắm từ giữa tháng 4.

Thí điểm 14 tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm TP.HCM

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có thông báo về việc thống nhất triển khai đề án thí điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các trung tâm đô thị, trung tâm du lịch tại TP.HCM.

Thí điểm 14 tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm TP.HCM

Thí điểm 14 tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm TP.HCM

Theo đề án thí điểm, có 14 tuyến xe buýt (11 xe quy mô 19 chỗ) kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP. Thủ Đức, quận Bình Tân, Quận 7, 8, 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và qua Quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh.

14 tuyến buýt do Công ty liên danh Vận chuyển quốc tế Hải Vân chịu trách nhiệm khai thác, đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình vận hành. Thời gian thực hiện từ ngày 1/2/2023 cho đến khi kết thúc thí điểm theo quy định của Bộ GTVT hoặc khi Sở GTVT thông báo chấm dứt.

Tin cùng chuyên mục