Đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay tại Lý Sơn, Phú Quý
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận).
Đảo Lý Sơn được xem xét bổ sung quy hoạch sân bay |
Đó là nội dung đáng chú ý trong hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo (Lý Sơn, Phú Quý…).
Trước đó, trong văn bản thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào 28 sân bay đã được quy hoạch hiện nay.
Cục Hàng không Việt Nam vẫn giữ nguyên đề xuất thời kỳ 2021 - 2030 quy hoạch 28 sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2018, gồm 14 sân bay quốc tế (Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc) và 14 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi xem xét, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ đề xuất bổ sung các cảng hàng không tại các huyện đảo quan trọng của quốc gia gồm Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) vào “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế biển đảo, vừa khẳng định chủ quyền vùng trời, biển đảo quốc gia.
Từ 29/5, đài thọ toàn bộ tiền ăn tại khu cách ly cho trẻ em từ 0-16 tuổi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đài thọ toàn bộ tiền ăn cho các cháu từ 0 - 16 tuổi khi phải cách ly do dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 29/5.
Từ 29/5, đài thọ toàn bộ tiền ăn tại khu cách ly cho trẻ em từ 0 - 16 tuổi |
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời gian qua, có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em từ 0 đến 16 tuổi (khoảng 4.083 trường hợp F0 và F1). Số liệu này có thể sẽ tăng lên khi lượng cách ly tại khu công nghiệp khu chế xuất tăng. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt của các cháu, nhất là khi bố mẹ phải thực hiện cách ly.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ và Quỹ Bảo trợ Trẻ em đài thọ toàn bộ tiền ăn cho các cháu từ 0 - 16 tuổi trong thời gian cách ly do dịch COVID-19.
Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 29/5 đến ngày 31/12/2021. Trước mắt, Bộ sẽ hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, mỗi tỉnh 1 tỉ đồng hỗ trợ cho các cháu.
Thu nhận 48 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân
Công an các tỉnh, thành thu nhận được 48 triệu hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, dự kiến đến 30/6 sẽ hoàn thành mục tiêu 50 triệu hồ sơ.
Mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử mới cấp cho công dân |
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), công an nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn như: Hải Dương, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Kon Tum...
Tại Hà Nội, công an đã thu nhận được gần 4,3 triệu hồ sơ; riêng người tạm trú trên 147.000 hồ sơ. Hiện Công an TP.Hà Nội tập trung thu nhận hồ sơ còn lại với 651.741 nhân khẩu thường trú trên địa bàn.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, do tình hình dịch bệnh bùng phát nên 4 đơn vị cấp huyện gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoàng Mai phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ, do đó tỷ lệ thu nhận hồ sơ không cao như những ngày đầu chiến dịch.
Việt Nam ngừng nhập heo sống từ Thái Lan từ ngày 30/6
Phát hiện lô heo sống nhập khẩu từ Thái Lan bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định dừng nhập mặt hàng này.
Việt Nam ngừng nhập heo sống từ Thái Lan từ ngày 30/6 |
Việc tạm ngừng nhập khẩu heo sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan vào Việt Nam, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, là nhằm ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, làm lây lan cho đàn heo nuôi trong nước. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã thông báo với phía Thái Lan về dừng nhập heo sống từ ngày 30/6 tới.
Các lô hàng đã được doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác Thái Lan vẫn được vận chuyển về Việt Nam đến hết ngày 29/6, và sẽ được cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn dịch bệnh. Lệnh ngừng nhập khẩu sẽ được gỡ bỏ khi các điều kiện về an toàn dịch bệnh được bảo đảm.
Tháng 6 năm 2020, Bộ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo sống từ Thái Lan nhằm cân bằng cung - cầu, hạ nhiệt giá heo trong nước.
Năm 2020, Việt Nam nhập khoảng 34.650 tấn thịt heo, trị giá hơn 80 triệu USD từ các nước. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng nhập 447.600 con heo sống để giết thịt và 34.600 con giống từ Thái Lan. Bốn tháng đầu năm 2021, mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 30.000 - 50.000 heo sống từ Thái Lan.
Cần Thơ đầu tư hơn 208 tỷ đồng xây dựng cầu Tây Đô
UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành quyết định phê duyệt kinh phí đầu tư hơn 208 tỷ đồng xây dựng cầu Tây Đô (thuộc địa phận huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) dự kiến hoàn thành năm 2024.
Cần Thơ đầu tư hơn 208 tỷ đồng xây dựng cầu Tây Đô. Ảnh minh họa |
Hướng đến mục tiêu hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng giao thông làm trợ lực vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ đã xây dựng danh mục gồm có 14 dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề giao thông và đón đầu các dự án của Bộ GTVT trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, cầu Tây Đô là 1 trong 8 công trình giao thông trọng điểm.
Chiều dài toàn tuyến là 700,07 m, trong đó, cầu Tây Đô bắc qua sông Cần Thơ có chiều dài 140,26 m; rộng 22,50 m, mặt cắt ngang cầu có 4 làn xe. Dự án có điểm đầu giao với Đường tỉnh 923, điểm cuối giao với Đường tỉnh 926 hiện hữu. Cầu được xây dựng bằng bê tông và cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Đây là công trình cầu giao thông cấp III, vận tốc thiết kế 40 km/h, sử dụng hệ cao độ hòn dấu, cao độ thiết kế tại tim cầu nhip thông thuyền +6545 m.
Cầu có 2 đơn nguyên. Kết cấu trang trí cầu Tây Đô là hệ vòm thép có chiều cao từ 10 m đến 15 m được bố trí ở dải phân cách giữa hai đơn nguyên cầu tại 3 nhịp giữa, cùng hệ dây căng bằng cáp dự ứng lực kết hợp với bố trí chiếu sáng mỹ thuật trên cầu.
Được biết, Dự án Cầu Tây Đô (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 208 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố. Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2024.
Tỉnh Bạc Liêu tạm dừng hoạt động tập trung đông người từ 19h tối ngày 29/5
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định tạm dừng các hoạt động tập trung đông người từ 19h tối ngày 29/5.
Một khu cách ly tập trung tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu |
Tỉnh Bạc Liêu chính thức ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện huyện Hòa Bình. Để đảm bảo phòng dịch hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các ngành, các cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kích hoạt các tổ phản ứng nhanh, các phương án để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất y tế, phương tiện, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.
Chủ UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng các hoạt động tại các cơ sở gồm: Phòng tập gym, câu lạc bộ võ thuật, bóng đá, massage, quán bar, karaoke, game; các hoạt động sinh hoạt tập trung đông người (trên 10 người); các hội nghị, cuộc họp trên 30 người. Thời gian thực hiện từ 19h ngày 29/5 đến khi có văn bản chỉ đạo mới.
Các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị phải thực hiện giãn cách, tuân thủ chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch và thực hiện đầy đủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế;
Khuyến khích các cơ sở dịch vụ ăn uống hạn chế phục vụ tại chỗ và tăng cường thực hiện việc bán hàng mang về.
Hà Nội cần hơn 332 nghìn tỷ đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025
Hà Nội cần hơn 332 nghìn tỷ để đầu tư khoảng 460 dự án kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025.
Trong số 460 dự án, có 143 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 và 317 dự án mới. Ảnh minh họa |
Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn này của TP Hà Nội sẽ có khoảng 460 dự án.
Trong số này có 451 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đầu tư công. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này lên đến hơn 332 nghìn tỷ đồng.
Trong số các dự án trên, có 143 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 và 317 dự án mới. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành 443 dự án và chuyển tiếp 17 dự án sang giai đoạn 2026 - 2030.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, danh mục trên được đơn vị này tổng hợp theo nhu cầu và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, dựa trên nguyên tắc phù hợp với định hướng quy hoạch và bảo đảm khả thi cũng như khả năng cân đối nguồn lực, thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường bảo đảm tính kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông và giải tỏa ùn tắc giao thông, khắc phục “điểm đen” tai nạn giao thông...
Thu hồi dự án Ocean Light Center Phan Thiết do chậm triển khai
Dự án Ocean Light Center Phan Thiết từng bị Sở Xây dựng Bình Thuận “tuýt còi”, yêu cầu không được ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí khi chưa hoàn tất thủ tục đầu tư.
Cổng dự án Ocean Light Center Phan Thiết |
UBND Bình Thuận cho biết đã thu hồi, chấm dứt hoạt động 2 dự án của Công ty CP Đầu tư xây dựng Huy Hoàng do vi phạm Luật Đầu tư.
Cụ thể, 2 dự án bị thu hồi của công ty trên gồm: khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long (Ocean Light Center Phan Thiết) tại phường Hưng Long; khu tái định cư (phục vụ dự án Ocean Light Center Phan Thiết) tại phường Phú Tài, TP. Phan Thiết. Cả 2 dự án có tổng diện tích hơn 130.000m2.
Theo UBND Bình Thuận, lý do thu hồi là các dự án trên đã vi phạm Luật Đầu tư năm 2020. Địa phương đã giao cho các sở ngành liên quan cùng UBND TP. Phan Thiết rà soát toàn bộ các công việc có liên quan đến 2 dự án trên để thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định.
Sau khi được duyệt quy hoạch, Công ty CP Đầu tư xây dựng Huy Hoàng - chủ đầu tư thực hiện dự án Ocean Light Center Phan Thiết đã tự ý thỏa thuận với 35 hộ dân trong Dự án nhận trước tiền đền bù, hỗ trợ và giao đất, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thi công Dự án.
Đáng chú ý, Dự án trên từng bị Sở Xây dựng Bình Thuận "tuýt còi", yêu cầu không được ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí khi chưa hoàn tất thủ tục đầu tư.
Tiến độ thực hiện công tác kiểm kê, xét tính pháp lý nguồn gốc nhà, đất làm cơ sở để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của Dự án quá chậm, gây bức xúc trong nhân dân.
Lâm Đồng dừng tất cả xe khách đến từ TP.HCM từ 0h ngày 30/5
Để phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu dừng tất cả xe khách đến từ TP.HCM từ 0h ngày 30/5. Địa phương này cũng thành lập 5 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ của tỉnh.
Lâm Đồng dừng tất cả xe khách đến từ TP.HCM từ 0h ngày 30/5 |
UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn hỏa tốc, chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thông báo đến các nhà xe, công ty kinh doanh vận tải về việc dừng tất cả xe vận chuyển hành khách từ TP.HCM vào địa phương từ 0h ngày 30/5.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
UBND Lâm Đồng cũng giao các huyện Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông thành lập chốt liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 (hoạt động từ 19h ngày 29/5) tại cửa ngõ ra vào Tỉnh.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phát đi thông báo khẩn tìm những người liên quan đến bệnh nhân 6437. Theo đó, từ ngày 22 - 23/5, bệnh nhân 6437 cùng bạn đến Đà Lạt du lịch và ghé 13 điểm trên địa bàn.
Bắc Giang giãn cách xã hội huyện Tân Yên
Huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) với hơn 160.000 dân, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 từ 6h ngày 29/5, để phòng chống Covid-19.
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, diện tích 204.000 km2; phía Bắc giáp huyện Yên Thế và huyện Phú Bình (Thái Nguyên); phía Đông giáp huyện Lạng Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa; phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Tân Yên dừng hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người một phòng; không tụ tập quá 10 người nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Huyện dừng triệt để nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 20 người tại cơ sở thờ tự.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vui chơi, giải trí, massage, karaoke, quán bar, quán games, internet, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao... đều dừng hoạt động. Đám tang không tổ chức quá 20 người. Các nhà hàng được hoạt động nhưng không quá 20 khách. Người dân trong Huyện hạn chế đi lại đến nơi khác; giao thông công cộng dừng hoạt động.
Bắc Giang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước, với 1.927 ca. Để phòng chống dịch bệnh, trước đó Tỉnh đã cách ly xã hội huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng; thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội.