Bản tin thời sự sáng 30/9

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị xét xử vắng mặt ở Quảng Ninh; gần 128.000 người ở TP.HCM nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp; giá USD ngân hàng giảm mạnh, về dưới 24.500 đồng; tổng kiểm tra chung cư mini tại quận Thanh Xuân; chiều 29/9, đấu giá biển số tứ quý 60 triệu, tam hoa 40 triệu…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị xét xử vắng mặt ở Quảng Ninh

Ngày 23/10, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ bị xét xử vắng mặt trong vụ án sai phạm về đấu thầu thiết bị y tế, gây thiệt hại 50 tỷ đồng cho UBND tỉnh Quảng Ninh. Vụ án được Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh dự kiến xét xử trong 3 ngày.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bà Nhàn cùng các cán bộ dưới quyền Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc), Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng), Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng ban 3) và Nguyễn Anh Dũng (anh trai bà Nhàn, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phúc Hưng) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị truy tố tội danh này có các cựu cán bộ tỉnh Quảng Ninh: ông Hoàng Đình Sơn (cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Phạm Ngọc Dũng và Nguyễn Quý Thịnh (cùng là cựu chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính).

Ông Lương Văn Tám (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở Y tế Quảng Ninh) và Lê Thị Phú (cựu Phó phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh) bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự nhưng hiện trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội phạt 30 năm tù. Ở vụ án thứ hai đang điều tra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc vi phạm về đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Gần 128.000 người ở TP.HCM nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tiếp nhận 127.622 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của lao động mất việc, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Người dân làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Người dân làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Thông tin trên được bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, cho biết ngày 29/9. So với 9 tháng đầu năm 2022, số người mất việc muốn nhận trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 10.000 người.

Nếu ba tháng đầu năm, số lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ hơn 27.300, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 6.000 người, thì từ tháng 4, lượng hồ sơ bắt đầu tăng dần. Cao điểm trong tháng 8, Trung tâm tiếp nhận hơn 17.000 trường hợp làm thủ tục, con số này ở tháng 9 là trên 11.300.

Tính đến ngày 28/9, có gần 123.700 người có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng từ 3 - 12 tháng, mức hưởng theo quy định là 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Phân tích nguyên nhân số người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng cao, bà Thục cho biết, chủ yếu do các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cắt giảm lao động. Đơn cử, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân từ đầu năm đến nay đã cho hơn 9.000 lao động nghỉ việc.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, số tiền cao nhất một lao động nhận được là 23,4 triệu đồng mỗi tháng, thấp nhất trên 1 triệu đồng và bình quân 5,1 triệu đồng.

Về độ tuổi, ở nhóm lao động nữ, 16% người mất việc trên 40 tuổi, tỷ lệ này ở nam là 14%. Độ tuổi 25 - 40 chiếm số đông, tỷ lệ lần lượt là 35% ở nữ và 28% ở nhóm nam.

Về trình độ, từ đại học trở lên chiếm 36%, xếp thứ hai trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 53%, thứ ba thuộc về nhóm có cao đẳng, chiếm gần 6%.

Giá USD ngân hàng giảm mạnh, về dưới 24.500 đồng

Giá USD tại các ngân hàng thương mại ngày 29/9 giảm mạnh, có ngân hàng giảm tới hơn 100 đồng so với sáng 28/9 và giá bán USD tại nhiều ngân hàng đã về dưới 24.500 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm vẫn đi lên.

Giá USD ngân hàng đi xuống

Giá USD ngân hàng đi xuống

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 29/9 ở mức 24.089 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày 28/9. Đây là mức cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.

Ngày 29/9, tỷ giá mua tham khảo vẫn được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.440 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo tăng 1 đồng so với ngày 28/9, lên mức 25.243 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 29/9 đều đi xuống, có ngân hàng giảm tới hơn 100 đồng so với sáng ngày 28/9. Giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng đã mất mốc 24.500 đồng/USD.

Cụ thể, vào lúc 10h50' ngày 29/9, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.120 - 24.490 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 70 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với sáng hôm qua.

Cùng thời điểm, VietinBank giao dịch USD ở mức giá 24.075 đồng/USD (mua vào) và 24.495 đồng/USD (bán ra), giảm 105 đồng/USD ở cả 2 chiều so với sáng 28/9.

Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.130-24.485 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 70 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 75 đồng/USD ở chiều bán ra so với sáng ngày 28/9.

Trên thị trường tự do, giá USD ngày 29/9 được giao dịch phổ biến quanh mức 24.370 - 24.450 đồng/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với phiên liền trước.

Tổng kiểm tra chung cư mini tại quận Thanh Xuân

Quận Thanh Xuân, Hà Nội có tổng số 1.764 cơ sở thuộc diện kiểm tra trong kế hoạch, trong đó có 87 nhà ở nhiều căn hộ, 1.677 nhà cho thuê trọ các loại có nguy cơ cháy, nổ cao để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Có 1.764 cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát trên địa bàn Thủ đô

Có 1.764 cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát trên địa bàn Thủ đô

Ngày 29/9, UBND quận Thanh Xuân tổ chức Hội nghị triển khai các kế hoạch về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư; nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini); cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Tính đến hiện tại, quận Thanh Xuân có tổng số 1.764 cơ sở thuộc diện kiểm tra trong kế hoạch, trong đó có 87 nhà ở nhiều căn hộ, 1.677 nhà cho thuê trọ các loại.

UBND quận Thanh Xuân đã triển khai đến 11 phường, yêu cầu rà soát, lập danh sách để kiểm tra, xác định những tồn tại liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thời gian tới, quận Thanh Xuân sẽ tập trung tổng kiểm tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có nguy cơ cháy, nổ cao, hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Trong đó, kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng; đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác có liên quan...).

Cùng với đó, UBND Quận cũng chỉ đạo kiểm tra các nội dung liên quan đến an toàn điện (số hộ dân có công tơ điện riêng; kiểm tra an toàn điện trước và sau công tơ: hệ thống aptomat, cầu dao điện, đường dây dẫn điện trong nhà dân...) và các nội dung liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình theo quy định tại Luật PCCC.

Đoàn kiểm tra sẽ rà soát các điều kiện PCCC của cơ sở, kiên quyết áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng thẩm quyền, quy định; những trường hợp vi phạm phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật...

Chiều 29/9, đấu giá biển số tứ quý 60 triệu, tam hoa 40 triệu

Trong 20 biển số lên sàn chiều 29/9, biển 15K-168.99 thuộc mã vùng TP. Hải Phòng được chốt giá cao nhất với 290 triệu đồng.

Kết quả đấu giá ngày 29/9/2023 phiên từ 13h30 - 14h30
Kết quả đấu giá ngày 29/9/2023 phiên từ 13h30 - 14h30

Trong phiên đấu giá chiều 29/9, 40 biển số thuộc mã vùng của Hà Nội, TP.HCM và 20 tỉnh, thành phố khác được đưa lên sàn từ 13h30.

Kết thúc phiên đấu đầu tiên kéo dài từ 13h30 - 14h30, biển số 15K-168.99 (Hải Phòng) được chốt giá cao nhất với 290 triệu đồng. Tiếp đó là các biển Hà Nội, gồm: 30K-586.79 (250 triệu đồng) và 30K-585.99 (185 triệu đồng).

Kết quả còn lại như sau: 17A-389.89 (Thái Bình) được chốt với giá 150 triệu đồng; 51K-789.79 (TP.HCM) với 105 triệu; 19A-556.55 (Phú Thọ) 55 triệu đồng...

Nhóm biển số được chốt giá 40 triệu đồng, gồm: 72A-728.88 (Bà Rịa - Vũng Tàu); 51K-790.39 (TP.HCM); 74A-237.68 (Quảng Trị); 83A-166.79 (Sóc Trăng).

Tại khung giờ 14h45 - 15h45, biển số xe con 51K-819.99 (TP.HCM) được người mua chốt cao nhất trong 20 biển số với 280 triệu đồng.

Có 6 biển số trúng đấu giá cùng mức tiền 40 triệu, gồm: 66A-228.28 (Đồng Tháp); 51K-969.36, 51K-765.88 và 51K-913.68 (TP.HCM); 95A-110.11 (Hậu Giang); 97A-075.67 (Bắc Kạn).

Hai biển số Hà Nội 30K-591.99 và 30K-533.88 trúng đấu giá lần lượt với 255 triệu và 190 triệu đồng.

Ngoài ra, hai biển chứa dải số lặp 62A-379.79 (Long An) trúng với giá 145 triệu, 38A-538.38 (Hà Tĩnh) với 135 triệu đồng.

Tương tự, biển 86C-186.86 (Bình Thuận) chốt giá 85 triệu đồng.

Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt mức đầu tư dự kiến gần 25.000 tỷ đồng

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel, toa xe tải trọng nhẹ.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có Tờ trình số 2146/TTr-CĐSVN đề nghị Bộ Giao thông vận tải thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP (hợp tác công tư) trên cơ sở đề xuất của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng. Mục tiêu chính của Dự án có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực đường sắt này là khôi phục tuyến đường sắt kết nối Lâm Đồng với duyên hải miền Trung bị dừng khai thác từ năm 1975.

Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, dự án này có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Km0+000) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận); điểm cuối là ga Đà Lạt (Km 83+490) thuộc Phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài tuyến đường thuộc Dự án khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách.

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel, toa xe tải trọng nhẹ.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng mức đầu tư 24.902 tỷ đồng, gồm cả lãi vay trong thời gian thi công, trong đó 3 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 4.092 tỷ đồng; xây dựng 4.055 tỷ đồng; thiết bị 8.218 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm dài 84 km được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932, với 12 nhà ga, 5 hầm chui và có 2 đoạn răng cưa để vượt đèo dốc dài gần 14 km. Từ năm 1968, tuyến đường ngừng khai thác; sau năm 1975 hoạt động trở lại nhưng chỉ được vài chuyến; đến năm 1986, hầu hết tà vẹt, đường ray bị tháo dỡ. Đây là lý do khiến Dự án được kỳ vọng sẽ phục hồi một tuyến đường sắt di sản độc đáo không những tại Việt Nam mà cả trên thế giới.

TP.HCM chi hơn 330 tỷ đồng tu bổ nhà hát 123 tuổi

Nhiều hạng mục xuống cấp của Nhà hát Thành phố (ở số 7 Công trường Lam Sơn, Quận 1, xây năm 1897) sẽ được sửa chữa, phục dựng với kinh phí 337 tỷ đồng.

Nhà hát Thành phố ở Quận 1, TP.HCM được xây dựng năm 1897, đi vào hoạt động năm 1900

Nhà hát Thành phố ở Quận 1, TP.HCM được xây dựng năm 1897, đi vào hoạt động năm 1900

Thông tin trên được ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nói tại họp báo về tình hình kinh tế, xã hội Thành phố mới đây. Việc sửa chữa nhằm bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, trở thành điểm tiếp khách quốc tế đến Thành phố, tổ chức lễ hội, nghệ thuật, sự kiện trọng đại.

Theo nghị quyết HĐND Thành phố vừa thông qua, nhà hát sẽ được tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị; tổ chức di dời, bảo quản các hiện vật, thiết bị trong khi thi công.

Nhà hát là di tích cấp quốc gia nên yêu cầu quan trọng khi cải tạo là đảm bảo tính nguyên trạng công trình. Do đó, ngành chức năng đã scan 3D toàn bộ công trình kiến trúc này. Điều này giúp tạo các file dữ liệu với hình ảnh 3D, kích thước đúng tỷ lệ, cấu kiện, thành phần... trước khi sửa chữa.

Dự án tu sửa sẽ thực hiện trong hơn 3 năm. Quý IV năm nay, công trình được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2024 trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, năm 2025 sẽ thi công lắp đặt, đến 2026 lắp đặt thiết bị, sưu tầm, trưng bày. Việc thi công thực hiện theo hình thức cuốn chiếu đảm bảo các phòng chức năng hoạt động thường xuyên.

Nhà hát Thành phố khi mới đi vào hoạt động chính thức năm 1900 có tên gọi Nhà hát lớn Sài Gòn (L'Opera de Saigon), được thiết kế bởi kiến trúc sư Félix Olivier. Công trình lấy cảm hứng từ Nhà hát Opera Garnier ở Paris, thiết kế theo lối kiến trúc Flamboyant Gothic của thời Đệ tam Cộng hòa Pháp thuộc thế kỷ 19.

Năm 1944, nhà hát bị trúng bom hư hại nặng, ngừng hoạt động. Hơn 10 năm sau mới được tu bổ nhưng được sử dụng với chức năng là trụ sở Quốc hội rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, nơi đây trở lại với chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Đồng Nai bổ sung 2 dự án thu hồi đất cho tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải thu hồi gần 400 ha đất, cần bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân.

Đồng Nai chậm giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đồng Nai chậm giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 29/9, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), thông qua nghị quyết bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 tỉnh Đồng Nai (lần 2).

Theo đó, có 2 dự án thu hồi đất được bổ sung với tổng diện tích hơn 80,8 ha. Cụ thể là Dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại phường Phước Tân, TP. Biên Hòa có diện tích hơn 49 ha và Dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại phường Tam Phước có diện tích hơn 31,5 ha.

Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì thiếu khu tái định cư. Trong đó, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải thu hồi gần 400 ha đất, cần bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân.

Đối với dự án này, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng 4 khu tái định cư gồm 2 khu tái định cư trên địa bàn huyện Long Thành và các khu tái định cư tại 2 phường Phước Tân và Tam Phước, TP. Biên Hòa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có khu tái định cư nào thành hình.

Tin cùng chuyên mục