Bản tin thời sự sáng 3/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nguy cơ giảm 20 - 25% sản lượng, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn; Hà Nội hút 208.000 khách trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch; 104 dự án bất động sản tại Quảng Nam phải báo cáo thông tin để phục vụ việc thanh tra; giá thịt lợn Brazil, Nga nhập về Việt Nam chỉ hơn 50.000 đồng/kg…

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nguy cơ giảm 20 - 25% sản lượng, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện khẩn gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ giảm sản lượng 20 - 25% trong 10 ngày đầu năm

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ giảm sản lượng 20 - 25% trong 10 ngày đầu năm

Theo công điện này, do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng tạm thời phân xưởng RFCC để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng, khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của Nhà máy có thể bị giảm khoảng 20 - 25% so với kế hoạch.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu PVN chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất là Công ty CP Hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng công suất ở mức tối đa có thể, đồng thời sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp tối đa lượng thiếu hụt cho các khách hàng; chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương khắc phục sự cố, ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng xăng dầu cho khách hàng, thị trường.

Với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 và đến hết quý I/2023.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ phân giao năm 2023.

Hà Nội hút 208.000 khách trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch

Trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, nhiều khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố ra mắt các chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động hấp dẫn nhằm thu hút du khách.

Hà Nội đón 208.000 khách du lịch trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch

Hà Nội đón 208.000 khách du lịch trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch

Theo thông tin của Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023), Thủ đô đón khoảng 208.000 lượt khách du lịch.

Trong số khách du lịch đến Hà Nội, khách quốc tế đạt khoảng 38.000 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 170 nghìn lượt, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 779 tỷ đồng.

Dịp nghỉ lễ, công suất sử dụng buồng phòng bình quân của khối khách sạn ước đạt khoảng 63,4%, trong đó, khách nội địa lưu trú ước đạt khoảng 35,5%; khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 27,9% (khách quốc tế chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Phần Lan…).

Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí... đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, lượt khách và sức mua tăng khá, ước tính doanh thu tăng khoảng 45 - 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, nhiều khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố ra mắt các chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.

104 dự án bất động sản tại Quảng Nam phải báo cáo thông tin để phục vụ việc thanh tra

Toàn tỉnh Quảng Nam có 104 dự án bất động sản phải cung cấp thông tin để phục vụ công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kéo dài gần 5 năm nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận đất thực tế

Dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kéo dài gần 5 năm nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận đất thực tế

Để phục vụ công tác thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn báo cáo về tình hình chuyển nhượng dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Cụ thể, sở này yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản báo cáo bằng văn bản tình hình, số liệu liên quan đến việc chuyển nhượng dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn đầu tư thứ cấp của các chủ dự án kinh doanh nhà ở, khu đô thị trên địa bàn (số khách hàng, diện tích, tiền thu được). Các báo cáo này phải được gửi về Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam trước ngày 5/1/2023.

Danh sách Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam yêu cầu báo cáo có 104 dự án. Các dự án chủ yếu nằm trên địa bàn thị xã Điện Bàn, TP. Hội An, huyện Thăng Bình, Núi Thành. Trong đó, thị xã Điện Bàn có số lượng dự án bất động sản nhiều nhất.

Những công ty làm chủ đầu tư các dự án bất động sản mà khách hàng "kiện cáo, đòi đất" nhiều năm qua như Công ty CP Bách Đạt An, Công ty TNHH Phú Gia Thịnh Quảng Nam, Công ty CP Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao STO cũng không nằm ngoài đợt thanh tra lần này.

Kiên Giang bắn pháo hoa tại 4 điểm trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán

Tỉnh Kiên Giang đã đồng ý chủ trương bắn pháo hoa tầm thấp tại 4 địa phương, gồm thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên và huyện Vĩnh Thuận.

Giao thừa Tết Nguyên đán, tỉnh Kiên Giang bắn pháo hoa tại 4 điểm

Giao thừa Tết Nguyên đán, tỉnh Kiên Giang bắn pháo hoa tại 4 điểm

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang tới gần, tỉnh Kiên Giang đã đồng ý chủ trương bắn pháo hoa tầm thấp tại 4 địa phương, gồm thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên và huyện Vĩnh Thuận.

Lễ hội đón Giao thừa và bắn pháo hoa được tổ chức bằng nguồn kinh phí vận động tài trợ, xã hội hóa tại 4 địa phương này.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng chấp thuận chủ trương tổ chức lễ hội đón Giao thừa và bắn pháo hoa tại thành phố Rạch Giá với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó, chi không quá 500 triệu đồng từ ngân sách, còn lại huy động nguồn xã hội hóa.

Tỉnh Kiên Giang giao Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chịu trách nhiệm chính trong tổ chức bắn pháo hoa; xây dựng kế hoạch bảo đảm tổ chức bắn pháo hoa nổ, kế hoạch tập huấn, kế hoạch phòng, chống cháy nổ trong bắn pháo hoa nổ tầm thấp...

Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu nhiều lần xả trạm tránh ùn tắc giao thông

Do mật độ phương tiện lưu thông quá đông, trạm thu phí đã phải thực hiện 2 lần xả trạm ở làn 2, 4 và 6 hướng từ Bến Tre - Tiền Giang.

Chiều 2/1, nhiều phương tiện từ tỉnh Tiền Giang phải nằm chờ để qua cầu Rạch Miễu.

Chiều 2/1, nhiều phương tiện từ tỉnh Tiền Giang phải nằm chờ để qua cầu Rạch Miễu.

Sau những ngày về quê nghỉ Tết Dương lịch, từ chiều 2/1, người dân miền Tây trở về TP.HCM và các tỉnh miền Đông nên đã gây ùn ứ giao thông tại địa bàn cửa ngõ thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Mật độ xe gắn máy, ô tô từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng lưu thông theo Quốc lộ 60 qua cầu Rạch Miễu về hướng TP.HCM tăng rất cao.

Trong khi đó, số lượng ô tô tải từ phía tỉnh Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu về Bến Tre để vận chuyển hàng hóa nhất là hoa cảnh Tết cũng ở mức cao nên nhiều đoạn trên quốc lộ 60 và cầu Rạch Miễu phía Tiền Giang và Bến Tre đã xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ.

Trong lúc cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết ưu tiên cho dòng phương tiện từ tỉnh Bến Tre qua Tiền Giang. Do đó phương tiện phía tỉnh Tiền Giang có thời điểm phải mất 20 phút nằm chờ mới qua được cây cầu này.

Để tránh ùn tắc giao thông, trong ngày 2/1, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải 2 lần xả trạm ở làn 2, 4 và 6 hướng từ Bến Tre - Tiền Giang, bắt đầu từ 13h20’, kết thúc lúc 13h26’ và lần 2 xả trạm bắt đầu từ 15h01’, kết thúc lúc 15h19’.

Giá thịt lợn Brazil, Nga nhập về Việt Nam chỉ hơn 50.000 đồng/kg

Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi 1,35 tỷ đồng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt, trong đó, đã nhập khẩu 100.520 tấn thịt lợn, trị giá 214,85 triệu USD.

Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 100.520 tấn thịt lợn

Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 100.520 tấn thịt lợn

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 614.760 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 1,35 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 55 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Riêng Ấn Độ, Việt Nam nhập 141.880 tấn, trị giá 455,01 triệu USD, tăng 48,4% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về thịt lợn, Việt Nam nhập khẩu 100.520 tấn, trị giá 214,85 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn được nhập khẩu từ 31 thị trường trên thế giới. Như vậy, giá nhập khẩu thịt heo bình quân chỉ vào khoảng 2.137 USD/tấn, tương đương khoảng 50.507 đồng/kg (theo tỷ giá USD/VNĐ bình quân tháng 12).

Trong đó, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan vẫn là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong 11 tháng, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 37.610 tấn, trị giá 82,57 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 16.580 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 73,23 triệu USD, giảm 6,3% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hong Kong là nhiều nhất, chiếm 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt.

Từ ngày 1/1/2023 bắt buộc thi thực hành lái xe ô tô trên cabin ảo

Từ năm 2023, việc học và thi lấy Giấy phép lái xe ô tô tại Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn bởi các quy định mới; trong đó, đáng chú ý nhất là việc học viên phải học thêm chương trình lái xe trên cabin mô phỏng.

Từ ngày 1/1/2023 bắt buộc thi thực hành lái xe ô tô trên cabin ảo

Từ ngày 1/1/2023 bắt buộc thi thực hành lái xe ô tô trên cabin ảo

Cụ thể, ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 04 sửa đổi Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến việc học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng.

Theo đó, từ ngày 1/1/2023, tất cả các trung tâm đào tạo lái xe ô tô sẽ phải đồng loạt tổ chức giảng dạy môn học lái ô tô trên cabin mô phỏng.

Ngoài học lái xe trên cabin mô phỏng, theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư 12, được sửa bởi Thông tư 04, một khóa học lái xe ô tô sẽ gia tăng các nội dung: Với bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học.

Học viên học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài thi sa hình. Sau đó, học viên sẽ được tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình phức tạp như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.

Theo quy định mới, mặc dù thêm nội dung môn học nhưng tổng thời gian của cả khóa học lái xe vẫn được giữ nguyên. Học viên sẽ giảm bớt thời gian học thực hành ngoài sân tập; thay vào đó là học ở cabin mô phỏng.

Tin cùng chuyên mục