Bản tin thời sự sáng 31/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 sớm 3 tháng; giá vàng giảm sâu trước ngày vía Thần tài; giá xăng tăng mạnh từ tối 30/1; Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước tại 12 quận; Đồng Tâm Group bị hủy tư cách đại chúng…

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 sớm 3 tháng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang và Vĩnh Long) vào tháng 9, thay vì cuối năm nay như kế hoạch.

Công trình Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền

Công trình Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền

Yêu cầu được Thủ tướng đưa ra tại buổi kiểm tra Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, ngày 30/1.

Công trình có tổng chiều dài hơn 6,6 km, riêng phần cầu chính dài gần 2 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 300 m về phía thượng lưu. Dự án có vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 2/2020.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), Dự án cầu Mỹ Thuận 2 gồm 5 gói thầu. Đến nay, tổng giá trị xây lắp của Dự án gần 2.300 tỷ đồng, đạt hơn 70,7% giá trị hợp đồng.

Cầu Mỹ Thuận 2 khi hoàn thành sẽ kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giá vàng giảm sâu trước ngày vía Thần tài

Trước ngày vía Thần tài, mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 700.000 đồng, trong khi nhẫn trơn giảm đến 1,2 triệu đồng sau nhịp tăng nóng cuối tuần trước.

Giá vàng giảm sâu trước ngày vía Thần tài

Giá vàng giảm sâu trước ngày vía Thần tài

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng 30/1 niêm yết giá bán vàng miếng 67,7 triệu đồng, thấp hơn 500.000 đồng so với phiên cuối tuần. Giá mua vào giảm tương ứng còn 66,8 triệu đồng một lượng.

Một số hệ thống kim hoàn lớn như DOJI, PNJ, Phú Quý cũng điều chỉnh tương tự, còn VietinBank Gold giảm đến 800.000 đồng mỗi lượng. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp khiến giá vàng miếng xuống mức thấp nhất trong nửa tháng qua.

Sau mạch tăng gần 3 triệu đồng và lập đỉnh 11 tháng vào cuối tuần trước, giá nhẫn trơn của các thương hiệu kim hoàn lớn đồng loạt đảo chiều trong sáng mùng 9 Tết. Đối với nhẫn trơn loại 1-5 chỉ, SJC đang mua vào 54,9 triệu đồng và bán ra 56,1 triệu đồng, giảm nửa triệu đồng một lượng.

PNJ - nơi hai ngày trước bán vàng nhẫn ở mức đỉnh 56,8 triệu đồng - sáng 30/1 hạ giá còn 56,15 triệu đồng. Đối với giá mua vào, hệ thống này điều chỉnh đến 1,15 triệu đồng một lượng, từ 55,5 triệu đồng xuống 54,35 triệu đồng. Các tiệm vàng quy mô nhỏ giảm ít hơn, dao động khoảng 100.000 - 200.000 đồng một lượng.

Đến trưa 30/1, giá vàng vẫn chưa ngắt đà lao dốc. Mỗi lượng vàng miếng SJC giảm thêm 200.000 đồng (nâng tổng mức giảm lên 700.000 đồng so với hôm qua), mua vào 66,5 triệu đồng và bán ra 67,5 triệu đồng. Vàng nhẫn trơn đã thủng mốc 56 triệu đồng mỗi lượng bán ra, tức giảm 850.000 đồng so với lúc mở cửa.

Giá xăng tăng mạnh từ tối 30/1

Từ 19h ngày 30/1, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng, RON 95 tăng 990 đồng. Giờ điều hành giá thay đổi do diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới và tình hình trong nước.

Từ 19h ngày 30/1, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng

Từ 19h ngày 30/1, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng

Kế hoạch điều hành giá xăng dầu là ngày 1/2. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới và tình hình trong nước, theo đề nghị của lãnh đạo Bộ, Thủ tướng đã cho phép Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh ngay trong ngày 30/1.

Ngay ngày điều chỉnh đầu tiên của năm Quý Mão, giá các mặt hàng nhiên liệu đều tăng với mức tăng tương đối cao. Cụ thể, từ 19h ngày 30/1, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 970 đồng, lên 22.320 đồng/lít; mỗi lít RON 95 tăng 990 đồng, lên 23.140 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên 22.520 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, Liên bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 và RON 95, nhưng chi Quỹ lần lượt là 850 đồng và 950 đồng mỗi lít; trích lập Quỹ với dầu diesel là 200 đồng/lít.

Dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023 vừa qua, cả nước xuất hiện nhiều trường hợp cây xăng đóng cửa và bị phạt nặng.

Trước diễn biến nóng của thị trường xăng dầu, Thủ tướng cũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước tại 12 quận

Mới đây, Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước tại 12 quận và 9 phường của thị xã Sơn Tây với mức thu được đề xuất tăng theo lộ trình 5 năm.

Hơn 300 cống lớn xả thải, ngày đêm xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch

Hơn 300 cống lớn xả thải, ngày đêm xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch

Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ năm thu khoảng 35%, tương ứng từ 6.000 - 16.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3. Mức giá Thành phố đưa ra thấp hơn các tỉnh thành đang thực hiện, cụ thể: Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30 - 40%; Bắc Ninh 25 - 38% và Hải Phòng 20%. Hiện Hà Nội thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% giá bán một m3 nước sạch.

Với giá nước sinh hoạt của Hà Nội hiện là 5.973 đồng/m3, hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10 m3 (chiếm 50% tổng hộ gia đình) phải trả theo phương án đề xuất gần 6.000 đồng/tháng (10%) đến hơn 21.000 đồng/tháng (35%). Tuy nhiên, Thành phố đang được rà soát tăng giá nước sạch do nhiều doanh nghiệp cung cấp nước cho rằng mức giá áp dụng từ 1/10/2015 đến nay quá thấp.

Dự kiến, những trường hợp phải nộp tiền dịch vụ thoát nước gồm: hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan hành chính... tại 12 quận là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông và 9 phường của thị xã Sơn Tây.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ một phần hoặc miễn nộp giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Đồng Tâm Group bị hủy tư cách đại chúng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty CP Đồng Tâm kể từ ngày 30/12/2022, do ông Võ Quốc Thắng làm Người đại diện theo pháp luật.

Đồng Tâm Group bị hủy tư cách đại chúng. Ảnh

Đồng Tâm Group bị hủy tư cách đại chúng. Ảnh

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Đồng Tâm Group diễn ra vào tháng 9/2022 đã thông qua phương án hủy đăng ký công ty đại chúng.

Theo báo cáo thường niên mới nhất, tính đến 31/3/2022, Công ty có tổng cộng 1.077 cổ đông đại diện sở hữu cho hơn 68 triệu cổ phần (tương ứng vốn điều lệ 681 tỷ đồng). Trong đó, 4 cổ đông lớn nắm giữ gần 50,6 triệu cổ phần, tương đương gần 74,5% tổng số cổ phần đang lưu hành.

Đến giai đoạn 29/8 - 14/9/2022, Công ty đón thêm 3 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Bất động sản Phúc Lâm, ông Lê Võ Mạnh Cường và Công ty TNHH Truyền thông Nhà và Đất.

Như vậy, theo cơ cấu này, nhóm 7 cổ đông lớn của Công ty đã nắm giữ hơn 90,4% số lượng cổ phần. Điều này dẫn đến không còn đáp ứng được một trong hai điều kiện trở thành công ty đại chúng.

Đồng Tâm Group gắn liền với tên tuổi ông Võ Quốc Thắng, thường được gọi là "bầu Thắng". Hoạt động chính của Công ty là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản, khai thác cảng biển, cho thuê đất trong khu công nghiệp, liên doanh Cà phê Ông Bầu...

Doanh nghiệp nổi tiếng với các dự án như Cảng quốc tế Long An, Dự án Khu đô thị Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Đồng Tâm House...

Phân luồng nhiều tuyến giao thông khi đóng đèo Prenn để nâng cấp

Nhằm phục vụ thi công, nâng cấp tuyến đèo Prenn (cửa ngõ chính đến thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất phương án tổ chức giao thông các tuyến đường liên quan khi đóng đèo Prenn vào đầu tháng 2 tới.

Đèo Prenn cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt

Đèo Prenn cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt

Theo đó, trong thời gian thi công, việc tổ chức giao thông cho các phương tiện được chia thành 2 đoạn. Đoạn 1 từ chân đèo Prenn (vị trí kết thúc đường cao tốc Liên Khương - Prenn) đến Khu du lịch thác Đatanla sẽ cấm tất cả các phương tiện lưu thông. Đoạn 2 từ Khu du lịch thác Đatanla đến ngã 3 giao với đường Trúc Lâm Yên Tử (cổng Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm), tổ chức lưu thông hai chiều kết hợp thi công và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; các phương tiện ra vào tổ dân phố 13, phường 3 (Đà Lạt) lưu thông theo đường Trúc Lâm Yên Tử.

Riêng đoạn từ Trúc Lâm Yên Tử đến đầu đèo Prenn cấm tất cả các phương tiện lưu thông trừ các phương tiện được cấp phép (gồm ô tô, xe máy của người dân thuộc tổ dân phố 18, phường 3, đoạn gần đầu đèo Prenn) và một số phương tiện khác.

Đối với luồng giao thông tuyến Đức Trọng - Đà Lạt và ngược lại cũng được chia thành 2 tuyến. Tuyến số 1 từ hướng cao tốc Liên Khương - Prenn lên đèo Mimosa (song song với đèo Prenn) và ngược lại đối với tất cả các phương tiện. Đối với tuyến số 2, các phương tiện (trừ xe tải) di chuyển từ hướng cao tốc Liên Khương - Prenn rẽ phải qua hầm chui và đi vào đường nối cao tốc với Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (đường hoa Đỗ Quyên) và đi theo các tuyến đường trong khu du lịch này để vào trung tâm thành phố Đà Lạt.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt có mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng ngày 10/2 tới. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bốn tuyến cáp quang biển cùng đứt

Bốn trong số năm tuyến cáp quang biển đang kết nối tới Việt Nam cùng gặp sự cố, khiến Internet trong nước đi quốc tế chịu ảnh hưởng nặng.

Tốc độ Internet đo trên điện thoại và máy tính, chiều 30/1 tại Hà Nội

Tốc độ Internet đo trên điện thoại và máy tính, chiều 30/1 tại Hà Nội

Chiều 30/1, một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến Liên Á (Intra Asia - IA) gặp trục trặc từ ngày 28/1. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua IA.

Sự cố IA nâng tổng số cáp quang biển gặp lỗi lên bốn tuyến. Trước đó, vấn đề với các tuyến AAE, AAG, APG diễn ra từ năm 2022 và đầu 2023 vẫn chưa được khắc phục xong.

Việt Nam hiện kết nối với bảy tuyến cáp quang biển là SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Tuy nhiên trong số này, SJC2 và ADC vẫn chưa đi vào vận hành chính thức. Tuyến duy nhất còn hoạt động là SMW3 lại là tuyến cáp cũ và chuẩn bị được thanh lý.

Việc bốn trên năm tuyến cáp đồng thời gặp sự cố khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng Việt chịu ảnh hưởng nặng.

Đại diện nhà mạng VNPT xác nhận, với việc sự cố xảy ra trên cả bốn hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng sẽ bị "ảnh hưởng ít nhiều", đặc biệt trong giờ cao điểm và ở những hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim…