Bản tin thời sự sáng 31/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 9 người liên quan tham nhũng trốn ra nước ngoài đã bị bắt; Bộ GTVT giải ngân gần 47.800 tỷ đồng trong 10 tháng; vàng miếng lên 90 triệu đồng một lượng; TP.HCM cấm phân lô, bán nền ở 5 huyện ngoại thành…

9 người liên quan tham nhũng trốn ra nước ngoài đã bị bắt

Từ đầu năm đến nay, nhà chức trách đã vận động, truy bắt được 9 người liên quan các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà bỏ trốn ra nước ngoài; đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.

Từ đầu năm đến nay, nhà chức trách đã vận động, truy bắt được 9 người liên quan các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà bỏ trốn ra nước ngoài

Từ đầu năm đến nay, nhà chức trách đã vận động, truy bắt được 9 người liên quan các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà bỏ trốn ra nước ngoài

Chiều 30/10, ông Đặng Văn Dũng, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết nội dung trên tại cuộc họp báo công bố kết quả họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Danh tính người liên quan chưa được công bố.

Theo ông Dũng, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ. Nhiều vấn đề chuyển biến rõ nét, nhất là việc khắc phục khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiều kết luận giám định, định giá tài sản.

Liên quan tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, đến nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành 5/8 cuộc kiểm tra và chỉ đạo 13 địa phương rà soát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với cấp ủy, tổ chức đảng liên quan; trong đó có 58 tổ chức đảng, 86 đảng viên, 17 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật.

Với vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, 8 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, trong đó có 4 Bí thư, nguyên Bí thư; 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh.

Ban Chỉ đạo đánh giá công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án thuộc diện theo dõi đạt nhiều kết quả. Điển hình, vụ án tại Phúc Sơn đã tạm giữ tiền, tài sản 320 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, 534 lượng vàng và 1.444 sổ đỏ; vụ án liên quan đến Quy hoạch điện 7 đã tạm giữ hơn 2.300 tỷ đồng; vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil tạm giữ 1.100 tỷ đồng, hơn 490.000 USD.

Việc thi hành án dân sự đã thu hồi gần 19.000 tỷ đồng. Các cơ quan có thẩm quyền đã đề xuất giải pháp xử lý tài sản, vật chứng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; sớm giải tỏa tài sản, tránh thất thoát, lãng phí, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ giữa tháng 8 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 734 vụ án với 1.681 bị can; xét xử sơ thẩm 1.002 vụ án với 2.703 bị cáo về tội tham nhũng, kinh tế. Riêng về các tội tham nhũng, đã khởi tố mới 240 vụ án với 604 bị can.

Bộ GTVT giải ngân gần 47.800 tỷ đồng trong 10 tháng

Tính đến hết tháng 10/2024, sản lượng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ước đạt gần 47.800 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch được giao.

Trên công trường dự án giao thông lớn, các nhà thầu đang "3 ca, 4 kíp" lũy tiến sản lượng thi công và kết quả giải ngân vốn được giao. Ảnh minh họa

Trên công trường dự án giao thông lớn, các nhà thầu đang "3 ca, 4 kíp" lũy tiến sản lượng thi công và kết quả giải ngân vốn được giao. Ảnh minh họa

Cập nhật kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, ước đến hết tháng 10/2024, Bộ đã giải ngân 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, sau khoảng 1 tháng, sản lượng giải ngân của Bộ GTVT tăng gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn là nhóm dự án chiếm tỷ trọng giải ngân lớn trong kết quả giải ngân chung của Bộ.

Trước đó, báo cáo đến hết tháng 9/2024, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đạt 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thông tin thêm về kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ GTVT, theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và mới được Thủ tướng giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Dự kiến, các dự án nhóm B đang thiếu vốn sẽ tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

"Tính chung năm 2024, Bộ GTVT dự kiến được giao gần 75.500 tỷ đồng", Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.

Vàng miếng lên 90 triệu đồng một lượng

Mỗi lượng nhẫn trơn tăng nửa triệu đồng trong ngày, vượt 89 triệu đồng một lượng, trong khi vàng miếng SJC chiều 30/10 cũng lên 90 triệu đồng.

Vàng miếng lên 90 triệu đồng một lượng

Vàng miếng lên 90 triệu đồng một lượng

15h ngày 30/10, biểu giá niêm yết vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng 1 triệu đồng so với đầu ngày, lên 88 - 90 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, 4 ngân hàng quốc doanh giữ nguyên giá niêm yết vàng miếng bán ra thị trường là 89 triệu đồng.

Vàng nhẫn trơn chiều 30/10 cũng tiếp tục đi lên so với đầu sáng và xác lập kỷ lục mới. SJC nâng nửa triệu đồng chiều mua vào, lên 87,5 triệu đồng và 200.000 đồng chiều bán ra so với đầu sáng, lên 89 triệu đồng. Tại DOJI, Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn hiện tăng lên 88,6 - 89,6 triệu đồng một lượng.

Trước đó, mở cửa ngày, các thương hiệu kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh biểu giá vàng nhẫn bán ra thị trường. Còn giá niêm yết vàng miếng vẫn giữ nguyên tại 87 - 89 triệu đồng một lượng. Các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ... mua vào nhẫn trơn với vùng giá từ 87 - 88,3 triệu đồng, bằng và cao hơn 1,3 triệu đồng một lượng so với giá thu mua vàng miếng SJC.

Ở chiều bán ra, mỗi lượng nhẫn trơn lên 89 triệu đồng một lượng, xấp xỉ với giá bán vàng miếng ra thị trường. SJC sáng 30/10 tăng giá bán nhẫn trơn thêm 300.000 đồng mỗi lượng so với ngày 29/10, lên 88,8 triệu đồng. Đây là vùng giá cao nhất của nhẫn trơn từ trước đến nay.

TP.HCM cấm phân lô, bán nền ở 5 huyện ngoại thành

Ngoại trừ đất dành cho tái định cư, TP.HCM cấm phân lô, bán nền trên toàn địa bàn, gồm cả 5 huyện ven, chủ đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh mới được sang nhượng.

Một phần bất động sản ở huyện Củ Chi

Một phần bất động sản ở huyện Củ Chi

Nội dung được nêu tại Quyết định 83 về xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản, đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân tự xây nhà trên địa bàn, do UBND TP.HCM vừa ban hành. Như vậy, theo quy định mới, ngoài tất cả phường, quận bị cấm như trước đây, đất ở 5 huyện vùng ven gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè cũng không được phân lô, bán nền.

Điều này có nghĩa là dù dự án có hạ tầng kỹ thuật, mục đích được xác định là xây dựng nhà ở cho tổ chức, cá nhân tự xây, chủ đầu tư cũng không được chuyển nhượng đất nền. Chủ dự án muốn bán phải xây dựng hoàn chỉnh nhà ở mới.

Tuy nhiên, chính quyền TP.HCM loại trừ những dự án được dùng cho mục đích tái định cư bằng nền đất tại các khu vực xã, thị trấn, huyện. Với các dự án này, chủ đầu tư phải thông báo cho chính quyền bằng văn bản và được giám sát, kiểm tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Trước đó, theo quy định Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Luật này cũng quy định rõ các trường hợp không được phân lô bán nền ở diện rất hẹp chỉ trong khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị…

Theo lý giải của Sở Xây dựng khi đề xuất "cấm" phân lô, bán nền ở 5 huyện ven, việc này để thống nhất công tác quản lý, tránh tình trạng người dân tự xây dựng sai phép, không đảm bảo quy chế quản lý kiến trúc, tránh phân biệt giữa các dự án nhà ở thương mại.

Đà Nẵng chi hơn 241 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp 2 bệnh viện

Ngày 30/10, HĐND thành phố Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

HĐND thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

HĐND thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 87 tỷ đồng. Dự kiến, Dự án xây mới khối điều trị cấp tính nam - nữ với quy mô 140 giường; xây dựng mới hành lang nối từ khối điều trị cấp tính nam - nữ xây mới kết nối với khối điều trị đặc biệt + cai nghiện, khối dinh dưỡng, khối chẩn đoán hình ảnh với quy mô 1 tầng. Ngoài ra còn cải tạo các khối nhà, mua sắm trang thiết bị.

Theo kết quả kiểm định chất lượng công trình do đơn vị tư vấn lập, hiện trạng công trình Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có dấu hiệu xuống cấp, thấm mốc, mủn vữa tường bao che, sàn bê tông xuất hiện nhiều vết nứt… Mức độ nguy hiểm được đưa ra là cấp C.

Còn Dự án Mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là hơn 154 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.

Dự án sẽ tháo dỡ, di dời một số hạng mục tại Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 1) để xây dựng bổ sung hệ thống hành lang kết nối giao thông, khối nhà kỹ thuật và phụ trợ; đồng thời sắp xếp, bố trí lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân nền cảnh quan, tổ chức giao thông, hệ thống tường rào cổng ngõ... tại khu vực mặt đường Hải Phòng, kết nối với khu vực Trung tâm tim mạch mới được đầu tư xây dựng theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đà Nẵng đã được UBND quận Hải Châu phê duyệt.

Bình Định đề xuất thí điểm khai thác dịch vụ taxi bay phục vụ du lịch

Cho rằng taxi bay eVTOL độc đáo, đột phá và tăng trải nghiệm du khách, Bình Định đề xuất Bộ Giao thông vận tải thí điểm ở tỉnh này.

Taxi bay của công ty EHang chở khách ở Trung Quốc

Taxi bay của công ty EHang chở khách ở Trung Quốc

Ngày 29/10, UBND Bình Định đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương xây dựng đề án thí điểm taxi bay ở Tỉnh.

Taxi bay eVTOL (electric vertical take - off and landing) là máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, chạy bằng điện, chở được 4 - 5 người. Theo UBND tỉnh Bình Định, đây là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đánh giá phương thức vận tải này "xanh, mới lạ, độc đáo", có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng và không phát thải các chất gây hại như xe, tàu... Những ưu điểm này phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch của Bình Định và mục tiêu phát triển bền vững.

Với những phân tích trên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng cần kế hoạch thử nghiệm, xây hành lang pháp lý và lộ trình thí điểm để đưa loại hình này khai thác chính thức.

Khái niệm eVTOL lần đầu nổi lên năm 2009 khi video về mẫu máy bay Puffin của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lan truyền rộng rãi. Những năm gần đây, một số nước nghiên cứu phát triển loại phương tiện này để ứng dụng vào vận tải như: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Singapore, Hàn Quốc.

Tờ Economist hồi tháng 6 đánh giá, Trung Quốc phát triển loại hình taxi bay nhanh hơn các nước khác. Cuối năm 2023, Cục Hàng không Dân sự nước này cấp phép cho taxi bay EH216-S của công ty EHang. Tháng 7 vừa qua, EHang đã giao 10 chiếc cho một công ty du lịch vận hành. Công ty đã hợp tác với đối tác ở Hong Kong, Macau và các thành phố khác của Trung Quốc để thúc đẩy ứng dụng phương tiện trên. Công ty taxi bay này đã đưa phương tiện trình diễn ở UAE.

Khởi tố 5 cựu cán bộ Công an tỉnh Trà Vinh can thiệp phần mềm đăng ký xe

Giai đoạn từ năm 2016 - 2019, Công an tỉnh Trà Vinh phát hiện 149 trường hợp có dấu hiệu nghi vấn can thiệp phần mềm đăng ký xe, hoán đổi thông tin đăng ký xe môtô để cấp biển số trái quy định.

Công an tỉnh Trà Vinh vừa thi hành kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân; khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Công an tỉnh Trà Vinh vừa thi hành kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân; khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Công an tỉnh Trà Vinh vừa thi hành kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân; khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 bị can để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị can gồm: Nguyễn Văn Chánh (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, nghỉ hưu từ tháng 5/2022); Lý Văn Trổng (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát cơ động); Trần Văn Hên (nguyên Đội trưởng Phòng Cảnh sát giao thông); Nguyễn Văn Hoài Hảo (nguyên Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội); Lê Minh Hiếu (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông).

Trong 5 bị can trên, riêng bị can Lý Văn Trổng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú do có vợ mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo thông tin ban đầu, qua công tác thanh tra về đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông giai đoạn từ năm 2016 - 2019, Công an tỉnh Trà Vinh phát hiện 149 trường hợp có dấu hiệu nghi vấn can thiệp phần mềm đăng ký xe, hoán đổi thông tin đăng ký xe môtô để cấp biển số trái quy định.

Quá trình điều tra xác định, 5 bị can trên nguyên là lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ được giao nhiệm vụ đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh đã thực hiện hành vi vi phạm bằng cách sử dụng tài khoản đăng ký xe cá nhân hoán đổi biển số theo nhu cầu của người dân.