Bản tin thời sự sáng 31/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đưa vụ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi; TP.HCM tổ chức countdown mừng năm mới 2022 không có khán giả; Hà Nội cho sử dụng vỉa hè quận trung tâm để kinh doanh; khởi tố một nguyên Chủ tịch UBND huyện ở Thanh Hóa; đề xuất không cách ly tập trung hành khách từ quốc gia có Omicron…

Đưa vụ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi

Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vụ án kit test Covid-19 của Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vụ án kit test Covid-19 của Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo

Thông tin trên được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết trong thông cáo phát chiều 30/12. Quyết định này nhằm xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhận thấy vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Thông cáo nêu rõ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Trước đó, ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, các đơn vị liên quan và khởi tố 7 bị can. Trong đó có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất, Việt cùng các thuộc cấp đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh. Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Việc này làm giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành vi này bị đánh giá là nâng khống giá, vi phạm quy định về đấu thầu.

TP.HCM tổ chức countdown mừng năm mới 2022 không có khán giả

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa chỉ đạo về công tác tổ chức chương trình đếm ngược (countdown) đón chào năm mới 2022.

Khác với mọi năm sự kiện đếm ngược năm 2022 tại TP.HCM sẽ được tổ chức không có khán giả

Khác với mọi năm sự kiện đếm ngược năm 2022 tại TP.HCM sẽ được tổ chức không có khán giả

Từ 22h đến 0h10 ngày 1/1, TP.HCM tổ chức chương trình đếm ngược tại đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah), không tổ chức tại đường Lê Duẩn như dự kiến. Thay vì mời đại biểu và khán giả tham dự, chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình và phát thanh thành phố; trực tuyến trên các trang tin điện tử, mạng xã hội...

Chương trình đếm ngược và bắn pháo hoa là 2 sự kiện mừng năm mới Dương lịch được tổ chức thường niên tại TP.HCM vào đêm 31/12. Hai sự kiện này thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Năm nay thành phố cũng không bắn pháo hoa như mọi năm.

Thành phố giao lực lượng công an và UBND Quận 1 không cho các phương tiện đi vào đường Nguyễn Huệ hoặc dừng, đỗ, tụ tập xung quanh khu vực diễn ra chương trình countdown.

Trước đó, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM dự kiến tổ chức chương trình countdown vào đêm 31/12 tại 2 địa điểm là đường Nguyễn Huệ và Lê Duẩn, mỗi điểm countdown sẽ giới hạn 1.000 người tham dự.

Hà Nội cho sử dụng vỉa hè quận trung tâm để kinh doanh

Thành phố Hà Nội cho phép quận Hoàn Kiếm sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách, mức phí hàng tháng là 45.000 đồng mỗi m2.

Hoạt động kinh doanh ở lòng đường các tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào dịp cuối tuần hồi giữa năm 2020

Hoạt động kinh doanh ở lòng đường các tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào dịp cuối tuần hồi giữa năm 2020

Theo quyết định vừa được UBND TP. Hà Nội thống nhất trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính, vị trí sử dụng hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng một; thời gian cấp phép 6 tháng/lần.

Hiện các tuyến phố sẽ được sử dụng tạm thời để kinh doanh chưa được công bố. Tuy nhiên, đầu năm 2021, quận Hoàn Kiếm đề xuất cho phép thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh, gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h.

Lý giải cho đề xuất, quận Hoàn Kiếm cho rằng việc thí điểm hoạt động kinh doanh trên hè phố nhằm lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; phát huy giá trị văn hóa của Quận và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khởi tố một nguyên Chủ tịch UBND huyện ở Thanh Hóa

Ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này khởi tố bị can để điều tra do liên quan tới các vi phạm về bồi thường, tái định cư, gây thất thoát tiền nhà nước.

Ông Lưu Vũ Lâm khi còn đương chức

Ông Lưu Vũ Lâm khi còn đương chức

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố bị can đối với ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

Theo đại tá Khương Duy Oanh, ông Lưu Vũ Lâm bị khởi tố do liên quan tới vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo cho Công an tỉnh Thanh Hóa vào cuộc để điều tra, làm rõ những sai phạm liên quan đến thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Yên Định có dấu hiệu bất minh. Trong đó, có dự án công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và hạ tầng Khu dân cư số 1 tại thị trấn Quán Lào (huyện Yên Định).

Các sai phạm trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng những dự án trên xảy ra trong các năm 2018 - 2019, giai đoạn ông Lưu Vũ Lâm đang làm Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

Đề xuất không cách ly tập trung hành khách từ quốc gia có Omicron

Quy định cách ly tập trung với người từ quốc gia có biến chủng Omicron sẽ là rào cản kỹ thuật khiến việc thực hiện các chuyến bay quốc tế không khả thi, theo Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất không cách ly tập trung hành khách từ quốc gia có Omicron

Bộ Giao thông vận tải đề xuất không cách ly tập trung hành khách từ quốc gia có Omicron

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách từ tháng 1/2022.

Theo đó, Bộ đề cập việc UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Trong khi yếu tố quan trọng đối với việc nối lại các chuyến bay quốc tế là phải dỡ bỏ quy định cách ly tập trung đối với người nhập cảnh, quy định nêu trên của TP. Hà Nội sẽ là rào cản kỹ thuật khiến việc thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế không khả thi.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế. Đó là người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; người tiêm chưa đủ liều thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày.

Ngoài ra, theo Bộ Giao thông vận tải, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các hãng hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh theo từng chuyến bay cho CDC ít nhất 24 giờ trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi lưu trú, cư trú tại Việt Nam. Trong khi đó, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách khi nhập cảnh đã phải khai báo điện tử tại các ứng dụng PC-COVID và IGOVN, bao gồm cả thông tin lưu trú sau nhập cảnh. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, quy định của Sở Y tế TP.HCM là chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việt Nam lên kế hoạch kết nối với 9 thị trường trong giai đoạn thí điểm khôi phục chuyến bay quốc tế, và cả 9 thị trường này đều đã xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron.

Gần 1.700 tỷ đồng mở rộng 20 km Quốc lộ 1A ở miền Tây

Đoạn Quốc lộ 1A nối Hậu Giang với Sóc Trăng được nâng cấp, mở rộng từ 11 m lên 20 m, 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, hoàn thành sau một năm, triển khai thi công ngày 30/12.

Đoạn đường được đầu tư, nâng cấp dài hơn 20 km.

Đoạn đường được đầu tư, nâng cấp dài hơn 20 km.

Dự án đi qua TP. Ngã Bảy (Hậu Giang, dài 8,9 km) và huyện Châu Thành (Sóc Trăng, 10,9 km) do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 1.681 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 966 tỷ đồng. 5 cầu trên toàn tuyến sẽ được mở rộng và đầu tư mới phù hợp với khổ đường cho 4 làn xe lưu thông.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 Đinh Công Minh cho biết, công trình khi hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2022 sẽ đảm bảo lưu lượng xe tăng cao trên Quốc lộ 1A, nhất là đoạn qua TP. Ngã Bảy.

Hàng trăm người đổ tiền vào 9 dự án “ma” ở Sài Gòn

397 người ký hợp đồng với nhóm Phạm Thị Tuyết Nhung, đã thanh toán 500 tỷ đồng, để mua đất nền tại 9 dự án "ma" tại Quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức...

Bà Nhung (trái) lúc bị bắt.

Bà Nhung (trái) lúc bị bắt.

Phạm Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Ngọc Hoàng (cùng là Giám đốc, đại diện Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) và hai nhân viên là Kiên Minh Tuấn, Lý Văn Sinh vừa bị Công an TP.HCM đề nghị truy tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết luận điều tra mới nhất xác định, năm 2017, bà Trần Thị Mỹ Hiền tìm mua những thửa đất có diện tích lớn, mục đích sử dụng khác nhau (đất ở, trồng cây, trồng lúa, ao hồ...) tại Quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, thanh toán một phần tiền cho chủ đất, bà này cho người thiết kế, lập bản vẽ 9 dự án.

Các dự án này được bà Hiền đặt tên là khu dân cư: Triều An, Tây Lân, Liên khu 5-6, Nguyễn Thị Tú, Làng đại học phường Linh Trung, Đỗ Xuân Hợp, Phước Long B, Bùi Thành Khiết, Xuân Thới Thượng, Hiệp Thành rồi rao bán.

Để có pháp nhân thực hiện ký kết hợp đồng, từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, bà Hiền chỉ đạo Phạm Thị Tuyết Nhung và Nguyễn Ngọc Hoàng đứng tên làm giám đốc và đại diện pháp luật Công ty Đất Vàng Hoàng Gia. Tiếp đó, Nhung thành lập Công ty Angel Lina, nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Đất Vàng Hoàng Gia từ bà Hiền và thuê người đứng tên giám đốc.

Từ đây, Nhung tiếp tục vẽ các dự án dân cư không có thật, tự phân lô tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng cho nhiều người.

Theo cơ quan điều tra, Nhung có vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Công ty Angel Lina và Công ty Hoàng Gia (giai đoạn từ tháng 3/2018 trở về sau). Bà này cùng đồng phạm ký 546 hợp đồng góp vốn, thoả thuận chuyển nhượng cho 397 khách hàng, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, Sinh và Tuấn có vai trò giúp sức lừa đảo gần 8 tỷ đồng.